“Kẻ thù” giết 30.000 người VN trong 1 năm
Nếu năm 2012, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người cả nước, HIV/AIDS làm chết 2.000 người và lây thêm cho 14.000 người, thì bệnh lao lại khiến 30.000 người tử vong, chưa kể có thêm gần 200.000 người mới mắc bệnh. Bất chấp sự thật này, cộng đồng dường như vẫn thờ ơ, vì thế bệnh lao như cơn sóng ngầm cuốn phăng đi nhiều số phận, đặc biệt những số phận nghèo ở các đô thị lớn.
Tám giờ sáng một ngày giữa tháng 3, tại tổ chống lao quận 6 trên đường Bà Hom, dù có lịch hẹn tiếp tôi, nhưng BS Nguyễn Văn Hội vẫn chưa thể dứt tay khám bệnh. Quệt vội chút mồ hôi lấm tấm trên trán, anh nói: “Bệnh nhân đông quá, nhưng đáng lo nhất vẫn là lao đa kháng thuốc”.
Kẻ thù vô hình, bác sĩ cũng bị tấn công
Theo chân BS Hội đến nhà chị Phương, 41 tuổi, nằm trong con hẻm 405 đường Hậu Giang, phường 11, quận 6, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh nghèo túng của nhà chị. Gọi là nhà cho ra vẻ, chứ thực tế nó chỉ như căn lều, lợp tạm mái tôn, dựng trên mảnh đất trước đây là bãi rác. Nằm co ro trong góc nhà, người teo tóp, xanh xao vì bệnh lao, chị mệt nhọc kể: “Cách đây vài năm, tôi từng bị lao phổi và điều trị hết. Nhưng đầu năm nay, bệnh phát lại, lần này bác sĩ cho biết tôi bị lao đa kháng thuốc”.
Ngồi cạnh tôi, anh Cử, chồng chị Phương cho biết gia đình gồm hai vợ chồng và bốn đứa con. Bản thân anh làm nghề bốc vác, ngày có việc, ngày không. Chi tiêu trong nhà gần như trông đợi vào chút tiền ít ỏi mà cô con gái lớn mang về từ việc gia công đồ nhựa. “Nhà” chỉ vỏn vẹn có 4m2, nhưng tối đến, nó được trưng dụng làm chỗ ngả lưng cho sáu con người. Nấu nướng, giặt giũ bên ngoài, tắm rửa và vệ sinh thì nhờ nhà người thân bên cạnh. Sống khổ sở, chật chội như thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh lao gần như không tránh khỏi.
“Lao chẳng khác gì kẻ thù vô hình vì nó lây qua đường không khí, ai cũng có thể mắc phải”, BS Nguyễn Đức Bằng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, nói với tôi. Bản thân anh là một thí dụ điển hình. Giữa năm 2010, trong khi đang làm nghiên cứu lao màng não, anh bị một trận sốt kéo dài và cũng phát hiện ra chính mình mắc… lao màng não! “1/3 nhân sự ở khoa tôi bị lao”, anh không giấu giếm.
Video đang HOT
Hiểu biết bệnh lao, được bảo hộ nghề nghiệp đầy đủ, thế mà nhân viên y tế vẫn mắc lao, huống gì người thường. Thật ra thì cũng khó tránh. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1/3 dân số thế giới đang mang vi khuẩn lao trong người. Chỉ chờ cơ thể suy yếu là vi khuẩn trỗi dậy và gây bệnh. Y học cũng biết rằng một người bị bệnh lao đang tiến triển có thể lây nhiễm cho 15 người khác mỗi năm.
Do bị lao đa kháng thuốc, mỗi ngày chị Phương phải lên quận chích và nhận thuốc về nhà uống. Uống gần 20 viên thuốc/ngày, chị mệt mỏi, chán nản, nhưng không còn chọn lựa nào khác. Mới điều trị được hai tháng, phía trước của chị còn gần hai năm nữa. Ảnh: Thu Nguyễn
Gặp tôi ngày 20/3 tại nơi làm việc, TS.BS Phan Thượng Đạt, Trưởng khoa Lao kháng thuốc – Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trầm ngâm: “Nhiều người cho rằng nghèo đói là nguồn gốc của bệnh lao, nhưng theo tôi, điều này chỉ đúng phần nào, cái chính là không gian sống chật chội và xuống cấp. Một trong những thách thức hiện nay cho chương trình chống lao là sự tăng dân số, nhất là dân số ở những đô thị lớn. Người đông, không gian sống ít, đến chỗ đông người, lên xe buýt, chỉ cần một người bị lao ho ra thì vô số vi trùng phát tán chung quanh, ai tránh được. Không có gì lạ khi dịch lao ở những thành phố lớn chưa được kiểm soát tốt!”
Con đường xa tít
TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, người gắn bó và chỉ đạo chương trình phòng chống lao TP.HCM trong hàng chục năm, cũng đồng tình và đưa ra so sánh: “Trong cả nước, dịch lao ở TP.HCM thuộc loại “sừng sỏ” thế giới. Tuy nhiên, trong hàng chục năm qua, nếu thế giới hoảng sợ, lo lắng và dồn biết bao công sức cho đại dịch HIV/AIDS, thì ngày nay, người ta có thể thở phào nhẹ nhõm vì khả năng chấm dứt đại dịch này trong vòng 10 – 15 năm tới là có cơ sở. Ngược lại, việc khống chế và chấm dứt dịch lao ở thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là con đường còn xa lắm”.
Công bằng mà nói, trong một thời gian dài trước đây, chương trình phòng chống lao nước ta đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Vào những năm cuối thập kỷ 1990, chương trình Phòng chống lao ở TP.HCM đã thử nghiệm phác đồ điều trị lao sáu tháng, thay vì tám tháng, giúp kéo giảm trường hợp tái phát còn 1/3. Nhưng chỉ sau vài năm đầu khả quan, kết quả thu được sau đó lại hoàn toàn trái ngược, tỷ lệ thất bại gia tăng ngoài dự kiến. Sau khi cất công tìm hiểu, ngành y tế mới biết được nguyên nhân chính là thiếu cán bộ y tế tuyến cơ sở giám sát bệnh nhân.
Y sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trinh, cán bộ quản lý chương trình chống lao xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, cho biết: “Tôi đang quản lý 68 bệnh nhân lao, trong đó mười bệnh nhân mắc thêm AIDS và bốn bệnh nhân lao đa kháng thuốc”. Công việc của y sĩ Trinh xem ra không nhiều, bởi có phường, xã ở TP.HCM, một nhân viên y tế phải giám sát gần 200 bệnh nhân lao mỗi năm, chưa kể họ còn phải kiêm nhiệm nhiều chương trình sức khoẻ khác nữa.
Dịch lao ngày càng tăng, số người mắc lao mới ngày càng nhiều, nhưng số nhân viên y tế để giám sát và quản lý bệnh nhân thì không tăng kịp, nên có thể xem chương trình chống lao như một cuộc chiến không cân sức. “Mỗi năm, số người bị lao không được phát hiện và điều trị sẽ gia tăng, tạo thành nguồn lây bất tận cho cộng đồng, khiến dịch lao càng khó kiểm soát”, TS.BS Lê Trường Giang ưu tư. Nhưng kể cả với con số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị, số người được chữa đúng phác đồ, đủ thời gian cũng chỉ chiếm 70 – 80%, số còn lại là nguồn lây cực kỳ nguy hiểm cho cộng đồng vì đó là… chủng vi khuẩn lao đa kháng thuốc!
“Bệnh lao được Nhà nước điều trị hoàn toàn miễn phí, vậy tại sao có chuyện bệnh nhân không chữa đúng phác đồ, đủ thời gian?”, tôi hỏi bác sĩ Nguyễn Phúc Hải, cán bộ phòng chỉ đạo tuyến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Anh trả lời: “Do sinh kế, không ít bệnh nhân chữa vài tháng thấy khoẻ rồi bỏ đi làm xa ngay. Dù họ có cam kết mang thuốc về và uống “nghiêm chỉnh”, nhưng có làm đúng cam kết hay không thì không ai chắc, chỉ thấy tỷ lệ thất bại ngày càng nhiều. Ngoài nguyên nhân này, một nguyên nhân khác là việc điều trị lao ở các phòng khám tư nhân”. Nằm cách bệnh viện Phạm Ngọc Thạch không xa là phòng khám tư của một bác sĩ chuyên khoa lao nổi tiếng. Đến đây, bệnh nhân lao được lấy thuốc mỗi tháng về nhà uống với giá vài triệu đồng, nhưng bác sĩ cứ lấy tiền, bệnh nhân cứ uống, chẳng ai quản lý và giám sát như chương trình chữa lao công lập. Bác sĩ Hải nói: “Bệnh nhân lao chọn điều trị tư thường có công việc, họ không thể mỗi sáng ra trạm y tế phường nhận thuốc và uống. Nhiều người trong số họ, uống vài tháng khoẻ ra liền ngưng thuốc. Điều này tạo điều kiện phát sinh chủng lao đa kháng thuốc”.
Quả là một cuộc chiến không cân sức và đích đến còn xa lắm. Vì thế không lạ gì khi Việt Nam là quốc gia xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và trong nhóm 27 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc!
Theo 24h
Quảng Ngãi: Thêm một người mắc bệnh lạ
Ngày 5-3, bà Đặng Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết, vừa phát hiện thêm 1 trường hợp mắc hội chứng "viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân", nâng tổng số mắc bệnh lên 7 người.
Bệnh nhân là bà Đinh Thị Soa (70 tuổi, ở làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ) nhập viện ngày 4-3. Sau khi được các y bác sĩ thăm khám thì phát hiện những yếu tố lâm sàng của bệnh viêm da dày sừng lòng bàn tay bàn chân.
Được biết bà Soa có 2 người thân là con gái và cháu ngoại bị bệnh lạ chết vào năm 2012. Bản thân bà Soa cũng đã từng bị bệnh lạ, vừa qua tái phát bệnh.
Theo ANTD
Ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan trên người Chiều nay 5.2, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch cúm gia cầmđã tái phát tại tỉnh Tây Ninh sau một thời gian dài cả nước khống chế thành công dịch bệnh nguy hiểm này. Theo ông Đông, dịch phát ra trên đàn gia cầm của người dân H.Bến Cầu và thị xã Tây Ninh. Tổng...