Kế hoạch chiến tranh thống nhất của Triều Tiên
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị cuộc chiến tranh tổng lực vào năm 2015 nhằm thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong một lần thị sát tập trận – Ảnh: Mirror.co.uk
Ngày 16.9, tờ Korea JoongAng Daily dẫn một nguồn tin tiết lộ rằng kể từ khi ông Kim Jong-un lên lãnh đạo CHDCND Triều Tiên hồi cuối năm 2011, Bình Nhưỡng không ngừng tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến để tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực với Hàn Quốc. Cũng theo nguồn tin, ông Kim thường kêu gọi binh sĩ sẵn sàng cho cuộc chiến tranh thống nhất và thường thị sát bất ngờ các đội đặc nhiệm và đơn vị tiền tiêu để đánh giá khả năng tác chiến của họ. Những chuyển động quân sự của Bình Nhưỡng được một sĩ quan quân đội Triều Tiên đào tẩu xác nhận, theo các nguồn tin quân sự Hàn Quốc.
Video đang HOT
Phương án tấn công
Korea JoongAng Daily còn tiết lộ vào ngày 7.9 tờ báo này đã nắm được một báo cáo phân tích kế hoạch của Bình Nhưỡng phát động chiến tranh để thống nhất hai miền vào năm 2015. Đây là thời điểm kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên đồng thời đánh dấu 70 năm chia cắt bán đảo Triều Tiên. Hồi tháng 3, tờ Chosun Ilbo dẫn một nguồn tin tiết lộ ông Kim từng tuyên bố với các chỉ huy quân đội rằng đụng độ quân sự có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2015, ra lệnh họ dự trữ hàng tiếp tế và sẵn sàng tác chiến. Nguồn tin này còn khẳng định từ khi lên nắm quyền, ông Kim thường tuyên bố mục tiêu của ông là “thống nhất bằng vũ lực” và “đích thân ông sẽ lái xe tăng tiến vào Seoul”.
Báo cáo do Mạng lưới Chính sách an ninh (SPN) ở Hàn Quốc soạn thảo chỉ ra rằng Bình Nhưỡng có thể đang xem xét nhiều tuyến đường xâm nhập qua vĩ tuyến 38 phân chia hai miền Triều Tiên. Báo cáo khẳng định 3 UAV mà giới chức tìm thấy ở Hàn Quốc hồi tháng 3 và 4.2014 là một phần kế hoạch chiến tranh thống nhất của Bình Nhưỡng trong năm 2015. Theo đó, những UAV trên đã thăm dò những tuyến đường mà Bình Nhưỡng có thể triển khai lực lượng đặc nhiệm để xâm nhập miền Nam. “Việc Triều Tiên thăm dò lãnh thổ của chúng ta thông qua UAV cho thấy nước này đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực”, Chủ tịch SPN Hong Seong-min nhận định với Korea JoongAng Daily.
“Nửa lực lượng Trung Quốc đủ đánh bại Nhật”
Đó là tuyên bố của thiếu tướng Trung Quốc Bành Quang Khiêm tại một diễn đàn an ninh vừa được tổ chức ở Bắc Kinh nhằm đánh dấu 120 năm chiến tranh Trung – Nhật. Cụ thể tờ PLA Daily ngày 16.9 dẫn lời ông Bành khẳng định rằng nếu chiến tranh xảy ra, “Trung Quốc không cần triển khai tất cả lực lượng mà chỉ cần phân nửa hoặc 1/3 là đủ để đánh bại Nhật”. Mặt khác, ông Bành thừa nhận Nhật là “mối nguy hiểm thực tế không thể phớt lờ”, trong khi Mỹ là “thách thức chiến lược lâu dài”. Nhật và Mỹ chưa có phản ứng về phát biểu của ông Bành.
Để có thể sẵn sàng tác chiến, CHDCND Triều Tiên được cho là không ngừng phát triển khí tài quân sự và gia tăng hoạt động huấn luyện. Mới đây, tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đang phát triển khả năng bắn tên lửa từ tàu ngầm. Trước đó, Yonhap dẫn một số nguồn tin tiết lộ Triều Tiên tăng cường hoạt động của hạm đội tàu ngầm cũng như huấn luyện cho các đơn vị pháo binh đóng dọc bờ biển đồng thời tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ.
Mỹ, Hàn thay đổi chiến lược
Trước diễn biến nói trên, các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ đang thay đổi chiến lược ứng phó Triều Tiên. Lâu nay, quân đội Hàn – Mỹ tập trung phát triển chiến lược đối phó hành động khiêu khích từ miền Bắc, nhưng giờ đây sẽ chuyển sang đẩy mạnh khả năng ứng phó nguy cơ Triều Tiên cùng lúc tiến hành tấn công hạt nhân và xâm nhập miền nam qua biên giới liên Triều, theo Korea JoongAng Daily. Hồi đầu tháng này, hai nước đã nhất trí sẽ lập một đơn vị phối hợp vào năm tới để thực hiện các chiến dịch quân sự thời chiến. Cụ thể, Yonhap dẫn lời một số quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ nếu chiến tranh xảy ra, đơn vị mới sẽ thực hiện những sứ mệnh như loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Lực lượng phối hợp mới bao gồm một đơn vị cấp lữ đoàn của Hàn Quốc và Sư đoàn bộ binh số 2 của Mỹ (2 ID) đóng tại nước đồng minh này. Trong đó, 2 ID là một trong những đơn vị chủ lực của lực lượng Mỹ đóng ở Hàn Quốc. Chỉ huy 2 ID Thomas Vandal từng tiết lộ với chuyên san quốc phòng Defense Review Asia (Singapore) rằng trong khi các lực lượng Mỹ chịu tình cảnh cắt giảm ngân sách và nhân sự, 2ID lại được bổ sung 2.300 binh sĩ luân phiên. Ông Vandal tiết lộ thêm rằng 2 ID đang trong quá trình nâng cấp, hiện đại hóa và sẽ được trang bị khí tài tối tân.
Hàn Quốc cũng không ngừng nâng cấp khả năng phòng thủ dọc biên giới biển phía tây, triển khai thêm tàu ngầm, vũ khí chống ngư lôi cũng như tăng cường đạn pháo trên các đảo tiền tiêu. Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) từng thông báo sẽ sớm nâng cấp hệ thống phòng không PAC-2 và mua PAC-3 để gia cố khả năng chống tên lửa đạn đạo từ miền Bắc, theo Yonhap. Chưa hết, Hàn Quốc đang xúc tiến chương trình phát triển chiến đấu cơ KF-X và có kế hoạch mua 40 chiến đấu cơ tàng hình F-35 để thay thế phi đội F-4 và F-5 đang “lão hóa” của không quân.
Theo Thanh Niên