Kẽ hở không ngờ của Trump khi ra lệnh oanh tạc tên lửa vào Syria
Việc Mỹ tấn công tên lửa vào một căn cứ không quân của quân đội chính phủ Syria là bước ngoặt mới trong chính sách của chính quyền mới ở Mỹ với tân tổng thống Donald Trump đối với Syria.
Vừa trước đấy thôi, chính quyền này đã công bố sự điều chỉnh mục tiêu chính sách là không còn bám giữ vào điều kiện tiên quyết là tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời bỏ quyền lực. Về biểu hiện ra bên ngoài, hành động quân sự vừa rồi của Mỹ có thể được coi như bước chuyển giai đoạn vì bao lâu nay rồi Mỹ đã không hành động như thế. Nhưng trong thực chất, bước ngoặt hay bước chuyển giai đoạn trên danh nghĩa này lại chưa có gì là cơ bản trong thực chất.
Theo phía Mỹ, Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa Tomahock, mỗi quả có giá 800.000 Euro, đem theo gần nửa tấn thuốc nổ TNT, trúng đích chính xác đến từng mét. Nhưng theo xác nhận của Nga, chỉ có 23 trong số ấy trúng đích. Do được Mỹ thông báo trước về vụ không kích nên Nga và chắc chắn cả phía chính phủ Syria nữa đều đã sơ tán con người và khí tài. Hôm sau đã lại thấy chiến đấu cơ của quân đội chính phủ Syria cất cánh và hạ cánh ở căn cứ không quân ấy.
Qua đó đủ để thấy kết quả của vụ không kích này chỉ rất hạn chế và hoàn toàn không được như phía Mỹ mong đợi. Nó chỉ có lợi về chính trị nội bộ cho ông Trump là chủ yếu. Ông Trump dùng hành động quân sự này để chứng tỏ khác người tiền nhiệm, quyết đoán và mạnh mẽ chứ không chần chừ, để phô trương sức mạnh của Mỹ và thị uy cả những đối thủ khác như Triều Tiên hay Iran, thậm chí cả Nga lẫn Trung Quốc. Cách diễu võ dương oai như thế vốn được các tổng thống ở Mỹ, từ xưa đến nay đã vậy chứ không chỉ riêng gì ông Trump, thường sử dụng để đối phó với áp lực nội bộ, mỗi khi bị sa sút uy tín hay thất bại trong đối nội, hoặc để dư luận không để tâm đến những yếu kém hay tai tiếng của chính mình.
Bước ngoặt hay bước chuyển giai đoạn này của ông Trump trong thực chất chưa được như trên danh nghĩa bởi ông Trump hiện cần tác động của danh nghĩa chứ đâu đã có được gì mới để thay đổi thực chất chính sách. Hiện tại, ông Trump chỉ cần hành động như thế ở Syria và cũng không thể làm gì hơn được thế. Với hành động quân sự này, ông Trump đã tự bác bỏ chính mình và khiến cho những người ủng hộ quan điểm “Nước Mỹ trước hết” của mình thất vọng. Ông Trump được cái này thì phải chấp nhận mất cái khác. Nhưng xem ra, ông Trump hiện coi trọng gỡ gạc uy danh và thể diện sau những thất bại trong cầm quyền thời gian qua nhiều hơn là làm hài lòng bộ phận cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Cuộc bầu cử tới còn lâu mới đến.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc tấn công này của Mỹ chỉ là một hành động quân sự riêng lẻ chứ không phải là bộ phận của một chiến lược nào đấy của Mỹ. Ông Trump cho thấy chưa có chiến lược ấy, chưa có chiến lược cho giải quyết toàn bộ vấn đề Syria, kết thúc chiến tranh như thế nào, giải pháp chính trị hoà bình ra sao, hợp tác hay đối phó Nga để đạt được mục tiêu hay như sau cuộc chiến thì tương lai của Syria ra sao. Vì thế, vụ tấn công vừa rồi như một màn kịch dành cho nước Mỹ và ông Trump là chính, chứ gần như chưa làm thay đổi gì đáng kể cục diện chiến sự và tương quan lực lượng ở Syria.
Video đang HOT
Ngoài hai cái khó nói trên, ông Trump còn phải trực diện hai cái khó khác nữa liên quan đến Syria là phản ứng và đối phó của Nga. Sau vụ này, chắc chắn Nga và phía chính phủ Syria sẽ có những chuẩn bị và phòng bị cần thiết để những vụ không kích tiếp theo của Mỹ không gây thiệt hại lớn hoặc bị vô hiệu hoá. Càng can dự quân sự sâu hơn vào Syria, ông Trump càng cần hợp tác với Nga và hậu thuẫn của Nga chứ không phải ngược lại.
Cái khó nữa đối với ông Trump là hành động quân sự vừa rồi của Mỹ ở Syria là bất chấp luật pháp quốc tế. Nó gợi liên tưởng đến những lần trước đó chính quyền Mỹ bịa lý do, dựng chứng cứ giả và bất chấp luật pháp quốc tế phát động chiến tranh. Iraq năm 2003 là ví dụ điển hình. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có một vài đồng minh và đối tác của Mỹ ủng hộ ông Trump. Sai lầm khi xưa vì tin Mỹ và theo Mỹ tiến hành chiến tranh vẫn chưa nguôi ngoai ở nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ.
Tình hình ở Syria diễn biến còn rất phức tạp. Nhưng điều chắc chắn là Syria hiện tại không phải như Iraq, Afghanistan hay Libya thời nào đối với Mỹ nên không phải ông Trump muốn làm gì thì cũng đều có thể làm được trong thời gian tới.
Theo Danviet
'Cuộc chiến búa tạ' của Donald Trump
Lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc xung đột nhiều năm ở Syria, đêm rạng sáng 7.4, Mỹ đã giáng đòn tấn công tên lửa tập trung vào căn cứ không quân của Cộng hòa Arab Syria.
Mỹ đã tấn công vào căn cứ không quân ở thành phố Homs để đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào tỉnh Idlib mà Mỹ cáo buộc do quân đội Syria thực hiện. Theo hãng tin Interfax dẫn nguồn tin quân sự của Syria tại Damascus cho biết chỉ khoảng một nửa trong số gần 60 tên lửa Tomahawk Mỹ dùng để tấn công vào sân bay Shayrat đêm 6.4 là đến được đích. Theo nguồn tin, trong 59 quả tên lửa phóng đi chỉ có không quá một nửa là đến được lãnh thổ Syria".
Tổng thống Donald Trump gọi cuộc tấn công là "lời đáp trả tương xứng" với sự kiện ngày 4.4, như phía Mỹ cáo buộc, dường như chính quyền Syria đã tấn công các thường dân ở tỉnh Idlib. Bằng hành động tấn công tên lửa, Trump đã vượt ranh giới mà người tiền nhiệm không dám bước qua khi Tổng thống Obama hạn chế hỗ trợ quân sự cho phe đối lập Syria.
"Hàng chục tên lửa "Tomahawk" đã được phóng vào sân bay của chế độ Syria trong đòn tấn công", đại diện của Lầu Năm Góc nói với Sputnik.
Theo thông tin chính thức của Lầu Năm Góc, đòn tấn công giáng vào căn cứ không quân Shayrat lúc 4:40 theo giờ địa phương. Từ Địa Trung Hải các khu trục hạm Ross và Porter đã phóng tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào mục tiêu. Đòn tấn công này do Mỹ chủ động tự mình tiến hành không có sự tham gia của các đồng minh.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc thông báo đã cố gắng tính toán "giảm thiểu rủi ro đối với nhân sự của căn cứ", bao gồm cả đối với các quân nhân Nga hiện diện tại chủ thể này. Cơ quan quân sự Mỹ nói với Sputnik rằng trước khi giáng đòn đã thông báo với phía chỉ huy quân sự Nga.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7.4 tuyên bố cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ quân sự của Syria là hành động xâm lược, gây phương hại cho quan hệ Nga-Mỹ cũng như cho cuộc chiến chung chống chủ nghĩa khủng bố. Theo ông Peskov, Tổng thống Putin cho rằng "cuộc tấn công của Mỹ vào Syria là cuộc xâm lược một quốc gia có chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế trong khi lý do Mỹ đưa ra (để tấn công) là bịa đặt".
Như lời Ngoại trưởng Mỹ, Washington không yêu cầu sự đồng ý của Moscow về đòn tấn công tên lửa. Theo quan điểm của ông, đòn không kích của Mỹ vào Syria cho thấy Tổng thống Trump đã sẵn sàng "thực hiện hành động có tính quyết định".
"Hành động có tính quyết định" của Trump nói chung đã gây những phản ứng trái chiều tại nước Mỹ. Chẳng hạn, các Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham hoan nghênh đòn tấn công và kêu gọi "loại hoàn toàn không quân Syria ra khỏi cuộc chiến".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul tuyên bố rằng Trump cần phải yêu cầu sự cho phép của Quốc hội để giáng đòn vào căn cứ quân sự ở Syria.
Cùng ngày, đáp trả lại cuộc không kích mà Mỹ thực hiện vào căn cứ quân sự của Syria, Nga tuyên bố dừng hiệu lực của Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn các vụ đụng độ trên không tại Syria mà Nga đã ký với Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga đăng tải trên trang web của Bộ ngày 7.4 nói rõ: "Nga tạm dừng hiệu lực của Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn đụng độ trên không và bảo đảm an toàn bay của không quân trong chiến dịch tại Syria mà Nga đã ký với Mỹ". Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành họp khẩn cấp để thảo luận tình hình hiện nay.
Ngày 7.4, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Syria, Bộ trưởng Thông tin Syria Ramez Turjman cho biết vụ tấn công tên lửa của Mỹ nhằm vào một căn cứ không quân tại tỉnh Homs của Syria khiến 6 người thiệt mạng là "hạn chế": "Tôi cho rằng cuộc tấn công này đã hạn chế về không gian và thời gian, và đã được dự trù. Tôi không mong sẽ có bất kỳ sự leo thang quân sự nào".
Theo Danviet
Vì sao "rồng lửa" S-400 Nga không đánh chặn Tomahawk Mỹ? Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Nga khoanh tay đứng nhìn, để Mỹ phóng hàng loạt tên lửa hành trình từ tàu khu trục, bắn phá căn cứ không quân Syria ở tỉnh Homs. Các hệ thống phòng không S-400 hiện đang đóng vai trò bảo vệ căn cứ Hmeymim của Nga ở tỉnh Latakia. Theo Pravda, một số ý kiến cho...