Kẽ hở của quy định đám cưới 50 mâm
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành quy định về Xây dựng nếp sống văn minh trong tiệc cưới. Tuy nhiên, xuất hiện không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của biện pháp này.
Siết chặt đám cưới của cán bộ
Năm 1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị 27 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nghiêm túc, Hà Nội lại xuất hiện không ít đám cưới xa hoa, thậm chí có biểu hiện “thương mại hóa”. Điều đáng ngạc nhiên là, những trường hợp ấy lại chính là các gia đình cán bộ, đảng viên trong địa bàn Hà Nội.
Trong chỉ thị 11 – CT/TU của Thành ủy Hà Nội, một số quy định mang tính định lượng, gây “sốc” được đưa ra như số khách mời không quá 300 người, không tổ chức cưới nhiều lần, không mời khách trong giờ làm việc, không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém như khách sạn 5 sao… Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, những quy định ấy liệu có thực hiện được khi phần nhiều “lỗi” lại thuộc về cán bộ lãnh đạo, đảng viên?
Liệu quy định của Hà Nội có cấm được những đám cưới linh đình như thế này? (Ảnh minh họa)
Từ lâu chúng ta đã nói nhiều đến đám cưới lành mạnh, tiết kiệm và coi đó là biện pháp để hướng đến nếp sống mới. Thời bao cấp, đám cưới của đôi vợ chồng trẻ đơn giản chỉ là tiệc trà, bánh kẹo rất giản dị nhưng đầm ấm, vui vẻ. Sau này, khi cuộc sống nâng cao, có lẽ vì “phú quý sinh lễ nghĩa” nên chuyện tổ chức cưới xin, hiếu hỉ được người dân “thi nhau” làm hoành tráng, rình rang. Thậm chí nhiều khi, hiện tượng này đã trở thành “mốt”. Có thời, nghe đến đám cưới của con sếp, đám cưới của con cháu lãnh đạo đã làm cho không ít người phải “ớn lạnh” về độ xa hoa, lãng phí và tiền mừng cưới.
Liên quan đến vấn đề trên, một cán bộ đang công tác tại sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thừa nhận, việc tổ chức đám cưới văn minh tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trên thực tế vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp không gương mẫu. Họ tổ chức đám cưới linh đình, thậm chí còn có biểu hiện lợi dụng việc cưới để trục lợi. Hơn nữa, những đám cưới đó còn mang tính thương mại hóa.
Để siết chặt hơn quy định trong Chỉ thị của Thành ủy, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thành lập đoàn kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện việc cưới hỏi theo nếp sống văn minh. Qua đó, nếu phát hiện cán bộ, đảng viên nào vi phạm sẽ kiên quyết xử lý.
Bà Ngọc cũng đề nghị Ủy ban kiểm tra các cấp, Thanh tra nhân dân ở cơ sở định kỳ tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại địa phương, đơn vị và đối tượng quản lý Kịp thời xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm thực hiện Chỉ thị này.
Lo ngại tính khả thi
Trong Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội nêu rõ, không được tổ chức tại các khách sạn 5 sao, các khu du lịch… gây lãng phí, tốn kém. Nhưng trên thực tế, có những đám cưới tổ chức ở khách sạn 4 sao hoặc tổ chức ở vùng nông thôn, nhưng vẫn tốn gấp mấy lần so với khách sạn 5 sao. Vậy theo quy định thì việc xử lý điều đó như thế nào? Chính vì thế, đã có không ít chuyên gia, thậm chí là cán bộ lo ngại về tính khả thi của Chỉ thị này, bởi đây không chỉ là mệnh lệnh hành chính trên bảo dưới nghe, mà còn liên quan đến vấn đề văn hóa, xã hội.
Xung quanh những lo ngại về tính khả thi của Chỉ thị, một cán bộ đang công tác tại sở Nội vụ Hà Nội (đề nghị giấu tên) thẳng thắn: Đây là một quy định không phù hợp và khó thực hiện. Quan niệm của dân mình từ trước tới nay, cưới xin là việc hệ trọng của cả đời người. Nếu có tiền thì ai cũng muốn tổ chức cho thoải mái, sang trọng để đẹp mặt gia đình.
Video đang HOT
“Không hẳn là để oai với làng xóm, với đồng nghiệp mà đôi khi còn để “trả nợ miệng” ngày trước. Chính vì vậy, việc Thành ủy đưa ra quy định này là chưa phù hợp. Hơn nữa, tôi cũng thấy rằng, Chỉ thị chỉ nói đến xử phạt những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm nhưng lại không nói rõ mức phạt như thế nào? quy chế ra sao?… Chỉ nói chung chung dễ xảy ra tình trạng trốn, lách quy định”, vị này cho biết thêm.
TS. Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
TS. Trần Nhạn (Giảng viên trường đại học Văn Hóa, Hà Nội) cho rằng, cần phải căn cứ vào văn bản quy định đám cưới như thế nào thì được gọi là văn hóa, văn minh, tiết kiệm, lịch sự?. Việc xử lý cán bộ tổ chức đám cưới quá tay như quy định của Hà Nội thì phải làm rõ 3 điểm.
Thứ nhất là về hình thức xử phạt, phạt tiền hay cách chức? Nếu phạt hành chính thì phạt như thế nào? Thứ hai, việc cần có một mô hình đám cưới mà được Hà Nội cho là văn minh để làm chuẩn quy phạm xử lý những trường hợp vi phạm cụ thể. Thứ ba, việc quy định rõ cơ quan nào là nơi xử lý trực tiếp trường hợp vi phạm?
TS. Nhạn phân tích: “Đối với những quy định chung chung sẽ rất khó để thực hiện và nhận sự đồng tình của người dân. Tôi lấy ví dụ trong quy định không mời quá 300 khách tại đám cưới. Để lách luật, người ta có thể mời nhiều hơn thế và chia nhỏ ra, không tổ chức ở một nơi với số lượng quá 300 người. Như vậy chẳng phải là quy định sẽ làm cho mọi chuyện phức tạp hơn hay sao? Hay một đám cưới mời hàng nghìn khách nhưng họ chỉ uống nước ăn kẹo và tổ chức một cách giản đơn thì đâu có gì lãng phí mà xử phạt họ?”.
“Tôi cho rằng, trước khi đưa ra một quy định nào cũng cần xem xét tính thực tiễn và hiệu quả của nó. Nếu không nhìn sâu, nhìn thấu đáo mọi vấn đề trong cuộc sống, những quy định rất dễ phản tác dụng và khiến cuộc sống trở nên phức tạp hơn”, TS. Nhạn nhấn mạnh.
Có một cách nhìn khác hơn, TS xã hội học Lưu Hồng Minh cho rằng, nếu đã là quy định thì chúng ta phải chấp hành và không có bất cứ sự nhân nhượng nào. Bất cứ ai cũng phải tuân thủ một cách nghiêm túc. Người làm chính sách, quy định cũng nên lưu ý một điều rằng: Xã hội sẽ phản ứng nhạt dần với những quy định ban hành ra chỉ để cho có. Đừng nên cứ thích cái gì thì lập tức chuyển nó thành quy định và không xem xét cụ thể, chi tiết quá trình thực hiện. Điều đó sẽ khiến xã hội “nhờn” với những quy định đó.
“Chúng ta nên nghiên cứu những quy định mang tính khả thi chứ không nên đưa ra quy định à uôm, không rõ ràng. Việc làm này sẽ gây khó khăn cho cả người thực hiện và đối tượng bị áp dụng”, TS. Lưu Hồng Minh nhấn mạnh.
“Thực ra tôi cho rằng, có một cách khả thi hơn trong việc xử phạt đối với vấn đề này đó là chỉ đích danh những đám cưới tổ chức đình đám, lãng phí rồi có biện pháp xử lý. Không nên áp một mức quy định chung cho tất cả mọi trường hợp vì sẽ rất khó có sự công bằng. Trong xã hội, có nhiều người tổ chức cưới vì mục đích thương mại, nhưng cũng không ít người tổ chức đám cưới và mời nhiều người không phải để trục lợi mà vì hỷ tiệc. Do đó, quy định như vậy cũng không thể công bằng được. Và rất khó để thực hiện”, TS. Lưu Hồng Minh phân tích.
Theo nhiều chuyên gia văn hóa, quy định của thành phố về “đám cưới thời 50 mâm” đã rõ. Đây có thể coi là quyết tâm của thành phố trong việc chấn chỉnh đám cưới linh đình, lãng phí. Nhưng, để thực hiện được quy định này hẳn không phải là một việc dễ.
Không đến dự đám cưới vẫn mừng phong bì “nặng đô”
Theo TS. Lưu Hồng Minh, ở thủ đô Hà Nội, một người thành đạt chỉ tính anh em họ hàng, bạn bè thân thiết cũng vượt con số 300 người. Vậy còn các mối quan hệ xã hội, cơ quan chẳng lẽ họ không được mời?. “Nhiều đám cưới con quan chức, người không được mời vẫn phải gửi phong bì, mà phong bì còn nặng đô gấp mấy lần phong bì của những người có mặt. Rồi chẳng lẽ sau này, mỗi đám cưới sẽ có một đại diện chính quyền, đoàn thể đến để đếm số khách?, kiểm tra số mâm. Nếu đám cưới đó vượt quá 1 khách thì sẽ xử phạt như thế nào? vượt 10 khách, 100 khách sẽ xử phạt ra sao?”, TS. Lưu Hồng Minh đặt câu hỏi.
Theo 24h
Đám cưới không "nhiều mâm" vẫn vui!
"Hôm tổ chức đám cưới cho con trai đầu, gia đình tôi cũng chỉ mời 150 khách tương đương với 25 mâm cỗ, còn lại là mời tiệc trà để bà con, bạn bè đến chia vui cùng với gia đình. Như thế, tôi thấy vui vẻ và tình cảm hơn nhiều" - bà Trần Thị Tuyết, Thượng tá, Chi hội trưởng Hội phụ nữ Tổ dân phố số 13 - phường Quang Trung - Hà Đông - Hà Nội nói.
Đám cưới đơn giản: vui vẻ và rất tình cảm
"Theo quy định của quận Hà Đông (Hà Nội) về vấn đề tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh mới (áp dụng từ năm 2009) thì mỗi gia đình khi tổ chức việc cưới không được mời quá 40 mâm, mỗi mâm không quá 6 người tức là tương đương với 240 khách. Tuy nhiên khi tổ chức đám cưới cho con trai đầu, gia đình chúng tôi cũng chỉ mời 150 khách tương đương với 25 mâm cỗ. Còn lại chúng tôi mời bà con, bạn bè tới dự tiệc trà để chia vui với gia đình. Như vậy, ai cũng thấy vui vẻ và tình cảm hơn nhiều" - Bà Tuyết nói.
Theo bà Tuyết, việc tổ chức đám cưới đơn giản, gọn nhẹ như vậy không chỉ giúp cho gia đình đỡ vất vả và tốn kém, mà còn tiết kiệm hơn cho bà con, bạn bè. Và sau đám cưới, gia chủ không phải nai lưng ra để trả nợ, cũng như làng xóm, bạn bè không phải lo ngay ngáy mỗi khi nghe tin, nhà ông A, bà B lại sắp có đám.
Bà Trần Thị Tuyết: Tổ chức đám cưới đơn giản, gọn nhẹ thì hàng xóm bạn bè không phải lo ngay ngáy mỗi khi nghe tin sắp có đám
Đồng ý với quan điểm này, ông Phạm Luyện nguyên cán bộ Học viện Chính trị, Tổ trưởng tổ dân phố số 13 (Ngô Quyền - Hà Đông) cũng cho biết: " Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương và quy định về đám cưới văn minh, tiết kiệm. Đám cưới của 2 cô con gái, gia đình chúng tôi cũng tổ chức rất gọn nhẹ.
Đám cưới cô con gái thứ nhất, tôi chỉ tổ chức 20 mâm cỗ, đến cô con gái út, vừa tổ chức đám cưới mới đây, tôi cũng chỉ mời trên 30 mâm cỗ, tương đương với khoảng 200 khách. Và tôi thấy như vậy là rất hợp tình hợp lý".
"Từ trước đến nay, người dân mình thường có quan niệm, "mâm cao cỗ đầy", đám cưới là chuyện hệ trọng cả đời nên gia đình nào cũng muốn làm to, làm sang, tổ chức linh đình, và mời thật nhiều khách. Rồi lại thêm quan niệm "trả nợ miệng", người ta mời mình, chẳng lẽ đến mình lại không mời người ta, thế nên người nọ lại phải theo người kia. Kết quả là, đám cưới trở thành đám lo. Không chỉ gia chủ lo, mà bà con, bạn bè, anh em, họ hàng cũng lo.
Đấy là chưa kể, vào mùa cưới xin, một tháng có khi gia đình phải nhận được đến 5, 7 thiệp mời. Không đi thì áy náy, mà đi thì cũng ngại.
Có những đám cưới, gia chủ còn tổ chức ở nhà hàng sang trọng, mỗi mâm cỗ trị giá đến hàng triệu, thậm chí là năm bảy triệu. Người đến ăn, mừng ít thì thấy không đành lòng, mà mừng nhiều, mừng làm sao cho đủ tiền cỗ của người ta thì... lấy đâu ra" - ông Luyện chia sẻ.
Theo lời ông Luyện, ở khu phố của ông, khi một nhà có đám cưới hỏi, thì bà con làng xóm, bạn bè, các mối quan hệ xã hội thường được mời đến dự tiệc trà (hay còn gọi là tiệc ngọt). Bữa tiệc này sẽ được gia chủ chuẩn bị những đồ ăn ngọt bao gồm: nước ngọt, mấy chai bia, một ít bánh kẹo, cộng thêm hạt bí, hạt hướng dương... để mọi người đến trò chuyện, chia vui cùng với gia đình.
Ông Phạm Luyện bên tấm thiệp cưới chỉ mời tham dự tiệc trà
"Tham dự bữa tiệc này, tuy đơn giản nhưng ai cũng thấy vui hơn nhiều, vì bên cạnh lý do kinh tế, thì khi tham gia bữa tiệc này, mọi người còn có thời gian ngồi nói với nhau câu chuyện, hỏi han và quan tâm đến nhau. Chứ đến ăn cỗ cưới, lúc nào cũng vội vội, vàng vàng, có khi còn không kịp nói với gia chủ câu nào đã ra về" - ông Luyện nói thêm.
Quy định mới, dần dần rồi sẽ quen
"Ngay từ khi "Chương trình 06" của quận Hà Đông ban hành năm 2009 về quy định thực hiện việc cưới, việc tang, việc lễ hội theo nếp sống văn minh mới với nội dung và các chế tài cụ thể. Là cán bộ tổ dân phố, chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền đến bà con nhân dân. Tuy nhiên thời gian đầu, việc động viên bà con thực hiện theo nếp sống mới gặp khá nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do bà con vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm "trả nợ miệng" như tôi đã nói ở trên nên việc bỗng nhiên cắt giảm lượng khách mời khiến khá nhiều bà con băn khoăn.
Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau thì việc thực hiện đã đi vào nề nếp.
Hiện tại, bà con trong khu phố đã quen với việc tổ chức việc cưới đơn giản mà tiết kiệm. Thậm chí, khi một gia đình tổ chức tiệc cưới quá quy định, quá to và quá sang còn bị nhiều bà con khác góp ý" - Ông Phạm Luyện nói.
Theo 24h
Hà Nội vẫn còn cán bộ tổ chức tiệc cưới "quá tay" Thành ủy Hà Nội cho biết, có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện cưới theo nếp sống văn minh sau một tháng triển khai. Đa số đồng tình ủng hộ chỉ thị, tuy nhiên vẫn còn cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc, khách dự tiệc giảm song vẫn quá quy định. Ngày 5/11, Chánh văn phòng Thành ủy Hà...