Kế độc chống tham nhũng và bữa cơm đáng sợ của người tâm thần
Ai đó sẽ mỉm cười ý nhị trước “đề xuất phi luật pháp” của đại biểu Quốc hội Lê Nam khi xử lý quan tham, nhưng nhiều người dân có thể nghĩ khác.
Trong phiên thảo luận sửa đổi Bộ luật Hình sự, ông Nam tung ra độc kế: Với tội tham nhũng, thì “cần gì bắn, cứ làm cái lồng thật đẹp ở nhà cho vợ nuôi để cảm thấy xấu hổ”.
Dù kế sách của ông Nam, ngay lập tức được một nhà làm luật ngồi cạnh thì thầm nhắc khẽ, nhưng nó lại chứa đựng một thông điệp đầy tính cảm xúc.
Thông điệp ấy nói rằng, người dân cần một “ sự sỉ nhục thâm hậu” để cảnh tỉnh các quan “bị xô đẩy vào con đường đục khoét”. Họ nghĩ rằng, những biện pháp trừng phạt hiện hành (kể cả tử hình) chưa đủ làm run những bàn tay chuẩn bị nhúng chàm.
Sự lo ngại của người dân và các đại biểu QH là có cơ sở.
Điều tra của UNDP và MTTQVN, đã cho thấy: Tình trạng tham nhũng gia tăng, nhưng việc phát hiện tội phạm tham nhũng năm 2015 lại giảm tới 29 vụ so với 2014.
Nếu trước đây, việc tham nhũng mức tiền vài trăm tỉ, có lẽ chỉ xuất hiện ở cấp lãnh đạo tập đoàn nhiều quyền lực, thì nay một trưởng phòng như Giang Kim Đạt cũng có thể “chui” trót lọt qua lỗ kim cơ chế cùng với 34 biệt thự và nhiều căn hộ cao cấp ở nước ngoài.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương rất ngạc nhiên trước sự biến tấu khúc thức rất mới của bản nhạc tham nhũng: “Một cán bộ chỉ ở cấp phòng của một đơn vị mà tham nhũng đến 19 triệu đô la là điều không thể chấp nhận được”.
Nhưng nếu gặm ngân sách, ăn quà đút nhờn mồm phễnh bụng, rồi chỉ bị sỉ nhục bằng cách nhốt trong lồng để vợ chăm sóc tại gia, thì chắc chắn tỉ lệ tham nhũng sẽ còn lên cao nữa.
Cách đây vài tháng, cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky, 17 năm sau ngày dính bê bối tình ái với Tổng thống Bill Clinton, đã “tái xuất” trong vai một diễn giả.
Trong bài phát biểu chấn động có tựa đề “cái giá của nỗi nhục nhã”, Lewinsky thú nhận: “Điều khiến tôi hoảng hốt là một nghiên cứu khác vào năm ngoái chỉ ra rằng sự sỉ nhục mang lại cảm giác mạnh hơn cả hạnh phúc và tức giận”.
Quan tham, vốn rất quen với cảm giác hạnh phúc (khi vơ vét) và tức giận (khi đấu đá), nên sự sỉ nhục bằng một cái lồng nhốt tại gia, có khi lại tăng thêm khoái cảm cho họ.
Vài ngày qua, cư dân mạng sốt sình sịch trước tấm hình những bát cơm trắng với 3 miếng thịt mỡ mỏng như tờ giấy mà bệnh nhân tâm thần ở Nghệ An “được ăn” trong nhiều năm.
Video đang HOT
(Trước đó, năm 2013, hơn 8.000 bệnh nhân tâm thần ở tỉnh này đã từng tuyệt vọng trong cơn “đói thuốc” điều trị chỉ vì không có kinh phí. Họ trở thành hiểm họa cho cộng đồng mỗi khi lên cơn).
Có người liên tưởng rằng, nếu quan tham Vinashin “nhè ra” một mảnh vỏ tàu tham nhũng, thì chắc chắn các bệnh nhân tâm thần sẽ có thêm thuốc, thêm cả triệu miếng thịt bổ sung vào thực đơn đáng sợ: 15.000/ ngày (sáng 3.000đ, trưa 6.000đ, tối 6.000đ).
Ai thích một con số ấn tượng, thì chỉ cần 10 giây, họ sẽ tính được Giang Kim Đạt đã tham nhũng tới gần 70.000.000.000 suất ăn của bệnh nhân tâm thần (mỗi suất 6.000đ).
Quan tham vốn khác xa với bệnh nhân tâm thần cả về tư duy lẫn điều kiện sống.
Nhưng trong một số trường hợp, hai đối tượng này lại giống nhau đến nỗi “không thể phân biệt được”.
Trong một phiên thảo luận ở Quốc hội cách đây không lâu, đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ra một thực trạng gây sửng sốt: “Lâu nay, rất nhiều vụ tham nhũng cứ xảy ra là xong đương sự lại bị… tâm thần”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiện, chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội đặt tiếp câu hỏi nhưng đồng thời giải đáp thắc mắc của đại biểu Đương:
“Dư luận đặt ra câu hỏi có phải ông đó tâm thần thật không? Vấn đề là tại sao tội phạm tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế? Người ta bảo khi giám định là tâm thần, nhưng người đó giải quyết việc gia đình, trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường”.
Phát hiện của đại biểu Đương, đại biểu Hiện có thể là bổ sung phần “chưa hợp lý” cho đề xuất chống tham nhũng của đại biểu Lê Nam.
Thay vì “nhốt quan tham vào lồng nuôi tại nhà”, thì có thể “nhốt quan tham vào lồng nuôi tại trung tâm điều trị tâm thần”.
Thay vì 3 miếng vi cá mập, 3 tảng thịt cừu, 3 ly rượu ngoại mỗi bữa, các tham quan sẽ ứng xử thế nào khi được nhận một bát cơm trắng “dìu” theo 3 miếng thịt mỡ mỏng như được cắt bởi con dao tài năng của vua đầu bếp?
Liệu có hiệu quả không nhỉ, thưa quý vị?
Theo Soha
Tội phạm tham nhũng: Không cần xử tử, chỉ nhốt lồng cho... xấu hổ
Đồng ý quan điểm bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh, đại biểu Quốc hội Lê Nam lấy ví dụ với các tội tham nhũng, nên đổi mới việc áp dụng hình phạt, "không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà vợ nuôi cho đủ... xấu hổ".
Xử tử một người, hình thức nào cũng không văn minh
Đại biểu Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án tòa án quân sự TƯ.
Giữ hay bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh (7/22 tội danh còn quy định hình phạt tử hình hiện nay) vẫn là vấn đề nhận nhiều tranh luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi ngày 26/8.
Với quan điểm đổi mới trong áp dụng hình phạt, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng hình phạt kiểu như đánh roi của Singapore sẽ hiệu quả trong tình hình hiện nay. "Đánh roi rất đơn giản và xã hội ta đang cần phải đánh roi" - ông Nam phát biểu.
Theo ông Nam, thậm chí cần những hình phạt "hơn thế nữa". Đại biểu dẫn chứng với tội phạm tham nhũng, "không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà cho vợ nuôi cho đủ... xấu hổ" và nhấn mạnh, theo quan điểm của ông, đó không phải là nhục hình.
Về tội tham nhũng, dự thảo Bộ luật đưa ra quy định, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn cũng được xem xét không áp dụng án tử hình.
Chia sẻ quan điểm với ông Nam, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang - nguyên Phó Chánh án TAND tối cao) nhận định, quy định hình phạt tử hình từ lâu nhưng áp dụng không bao nhiêu. Trong khi đó tài sản tham ô, tham nhũng thu hồi được rất ít. Do đó nếu có biện pháp thu hồi tài sản sẽ tốt hơn rất nhiều việc tử hình.
"Tháng 7/2014 Nga có sắc lệnh quy định trước khi khởi tố người tham nhũng tự giác nhận khắc phục cơ bản tài sản thì không bị xử lý hình sự. Nếu phát hiện, khởi tố mà nộp phần lớn hoặc toàn bộ thì coi đó là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Họ nói với tôi từ khi có sắc lệnh mới tài sản thu hồi tăng gấp 5 lần. Do đó ta nên ủng hộ việc khắc phục cơ bản để giảm tử hình mà không nên quan niệm nặng nề rằng dùng tiền mua án" - ông Trần Văn Độ đề nghị.
Nói chung về vấn đề giữ hay bỏ hình phạt tử hình, ông Độ cho rằng, ngoài 7 tội danh đề xuất còn có thể bỏ thêm hình phạt tử hình ở nhiều tội hơn vì thực tế không áp dụng bao giờ, tính răn đe không cao.
Có tội bỏ tử hình người dân chưa đồng tình nhưng là người có nhiều năm nghiên cứu luật hình sự, tôi cho rằng không phải cứ áp dụng hình phạt tử hình thì giảm tội phạm. Tử hình có tác dụng răn đe không nhiều.
Dẫn chứng qua thực tế xét xử các vụ án hình sự có hình phạt tử hình, đại biểu Độ cho biết nhiều bị cáo khi được hỏi có nghĩ sẽ bị tử hình nếu phạm tội không thì trả lời rằng không nghĩ gì. Với tội phạm ma tuý thì đối tượng nghĩ vận chuyển trái phép một bánh cũng bị tử hình rồi thì 1.000 bánh cũng vậy.
Cũng theo ông Độ, có thời gian chủ trường cho toà tối cao và toà quân sự cấp cao xử lý nhanh, nghiêm đối với tội cướp có giết người, lực lượng công an gặp khó khăn khi đối tượng chống trả rất quyết liệt, lần sau nguy hiểm hơn lần trước vì tư tưởng đằng nào cũng chết.
Đồng tình với những phân tích này, đại biểu Lê Nam cho rằng, có những vụ án ma túy tòa đã tuyên cùng lúc 30 án tử hình mà tội phạm cũng không vì thế mà giảm trongkhi 30 án tử hình thì gần như là... thảm sát. Đại biểu nhấn mạnh quan điểm, giết chết một con người, dù bằng hình thức nào, với mục đích gì cũng không phải là văn minh.
Từ góc nhìn khác, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng, nói mục đích của hình phạt là giáo dục cải tạo là sai, phải trừng trị đã, còn giáo dục cải tạo thì đã có nhiều thiết chế khác.
Đồng ý với quan điểm của đại biểu Độ là không phải cứ tăng tử hình là giảm tội phạm, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng trước mắt bỏ 7 tội như dự thảo luật là hợp lý, sau này nên giảm dần.
70 tuổi vẫn phải tử hình
Một vấn đề khác được đặt ra từ phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6 vừa qua), nhiều đại biểu Quốc hội đã phản đối mạnh mẽ quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên.
Một số ý kiến đề nghị không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội thuộc các trường hợp: là nữ giới; người từ 75 hoặc 80 tuổi trở lên; là đối tượng chính sách; người mắc bệnh AIDS, ung thư giai đoạn cuối; người sau khi phạm tội đã mất hoàn toàn năng lực hành vi.
Cân nhắc ý kiến của đại biểu, dự thảo luật mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng: "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử".
Không đồng ý với việc bỏ hình phạt tử hình với người từ 70 tuổi trở lên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu lý do là những người này biết rất rõ hậu quả của hành vi phạm tội.
Theo ông Vinh, với tuổi này nếu được hưởng nhân đạo mà giảm án thì bên cạnh việc nhà nước phải bỏ tiền ra cai quản quản còn làm khổ cả con cháu thăm nuôi. Vì thế 70 tuổi mà phạm tội đáng phải tử hình "thì chết là xứng đáng".
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc bỏ đi nhiều hình phạt tử hình không phải là biện pháp mà nên quy định dù chưa áp dụng trên thực tế nhưng tương lai có thể áp dụng.
Ông Thường đề xuất, nên quy định còn quan trọng là áp dụng trong xét xử như thế nào. Tại sao không xử ít tử hình trong vụ án cụ thể mà lại bỏ đi đối với tội có thể xảy ra trong tương lai? Bỏ tử hình với người trên 70 tuổi cũng không nên.
Đại biểu Lê Nam cũng chia sẻ: "Có đại biểu nói 70 tuổi trở lên thì bắn cho gọn, nhưng theo tôi thì quan trọng không phải là bắn".
Ông Nam cũng "phê" nhiều quy định tại dự thảo bộ luật "chưa đủ độ" trong khi xã hội đang có rất nhiều vấn đề đang yêu cầu pháp luật điều chỉnh. "Chẳng hạn chống tham nhũng, tài sản bất minh thì giải quyết thế nào, luật phải quy định để những người kê khai không đến nơi đến chốn thì nhìn vào luật này điều chỉnh", ông Nam nói.
P.Thảo
Theo Dantri
Bản án lương tâm của người chồng giết vợ và suýt hại con trẻ Nghi ngờ vợ mình có quan hệ bất chính với người đàn ông khác, gã chồng điên cuồng dùng dao đâm chết người vợ, rồi ra tay dìm đứa con chưa tròn 10 tháng tuổi vào bồn nước khiến cháu bé bị ngạt nước, lúc đó bỗng dưng lương tri của người cha mới chợt bừng tỉnh. Ngày 18/8, Tòa án nhân dân...