Kẻ đánh bom tự sát ở Bỉ ‘định tấn công nhà máy hạt nhân’
Những kẻ đánh bom tự sát ở Brussels ban đầu có thể đã dự tính tấn công vào một địa điểm hạt nhân của Bỉ nhưng những vụ bắt giữ nghi phạm khủng bố tuần trước đã khiến chúng thay đổi mục tiêu.
Cảnh sát Bỉ bảo vệ khu vực xung quanh tòa án ở Brussels. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, tờ DH dẫn một nguồn tin cảnh sát cho hay hai anh em nghi phạm tấn công sân bay Brussels Khalid và Ibrahim Bakraoui đã lén quay phim các thói quen hàng ngày của một quan chức đứng đầu chương trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Bỉ.
Một video dài 10 giờ từ chiếc camera được giấu trước nhà của quan chức này đã được tìm thấy hồi tháng 12 trong cuộc đột kích của cảnh sát liên quan tới các vụ tấn công ở Paris một tháng trước đó.
Hôm 17/2, các công tố viên Bỉ xác nhận sự tồn tại của video trên và người bị ghi hình có liên quan đến ngành hạt nhân của nước này. Hồi đầu tháng, 140 binh sĩ đã được triển khai để bảo vệ ba địa điểm hạt nhân của Bỉ. Hôm 22/3, sau các vụ đánh bom ở Brussels, những địa điểm này đã được phong tỏa và các nhân viên không quan trọng được sơ tán như một biện pháp đề phòng.
Các nhà điều tra biết chiếc camera đã được hai người đàn ông gỡ khỏi nơi cất giấu nhưng không biết đó là ai. Tờ DH cho hay hai kẻ này hiện rõ ràng là anh em Khalid và Ibrahim Bakraoui. Các nhà điều tra từ chối bình luận về thông tin trên.
Tờ báo cũng cho rằng âm mưu tấn công nhà máy hạt nhân đã bị thay đổi sau chiến dịch đột kích của cảnh sát tuần trước vào khu Forest ở Brussels. Trong đó, cảnh sát bất ngờ đối đầu với những kẻ có vũ trang trong một căn hộ mà họ đang lục soát vì có liên quan tới các vụ tấn công ở Paris.
Video đang HOT
Một trong những kẻ trong căn hộ, sau đó được xác định là công dân Algeria Mohammed Belkaid, đã bị cảnh sát bắn chết và cảnh sát tin rằng 1-2 kẻ khác có thể đã trốn thoát.
Ba ngày sau đó, nhờ các manh mối trong căn hộ, họ bắt được nghi phạm chính trong vụ tấn công Paris là Salah Abdeslam và một phiến quân khác. Những vụ bắt giữ có thể đã buộc những kẻ tấn công phải chuyển đổi mục tiêu ở Brussels sang sân bay và ga tàu điện ngầm.
“Không nghi ngờ gì rằng chúng đã nhanh chóng hành động vì cảm thấy áp lực”, nguồn tin cảnh sát nói với tờ báo. “Thiệt hại có thể lớn hơn nhiều nếu những kẻ khủng bố thực hiện kế hoạch ban đầu và không chọn những mục tiêu dễ hơn”.
Các vụ đánh bom ở Brussels làm ít nhất 34 người chết và hơn 200 người bị thương. Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công. Hôm nay, IS đã tung ra video tuyên bố chiến thắng và nhấn mạnh Bỉ là một thành viên của liên minh chống phiến quân ở Trung Đông.
Video cho thấy cả cảnh huấn luyện các phiến quân người Bỉ trong vụ thảm sát Paris.
“Các máy bay của quân viễn chinh, trong đó có của Bỉ, tiếp tục đánh bom người Hồi giáo ở Iraq và các vùng phụ cận suốt ngày đêm. Mỗi người Hồi giáo đều nhận thức rõ về lịch sử đạo Hồi, biết rằng cuộc chiến tranh thần thánh chống lại những kẻ ngoại đạo là một phần không thể thiếu của Hồi giáo, và những ai đọc lịch sử sẽ biết điều đó”.
IS hiện kiểm soát những vùng rộng lớn ở Iraq và Syria, hiện diện ở Libya và bán đảo Sinai của Ai Cập.
Anh Ngọc
Theo VNE
Cô gái 'đánh mất thơ ngây' sau tiếng bom khủng bố
Một nữ sinh viên thực tập khẳng định cô đã đánh mất một tài sản quý giá là sự trong sáng, thơ ngây của tâm hồn khi tận mắt chứng kiến hai vụ khủng bố tại Paris và Brussels.
Cảnh sát Bỉ phong tỏa tuyến đường dẫn vào ga tàu điện ngầm Maelbeek. Ảnh: Le Monde
Cả nước Bỉ và thế giới vừa bàng hoàng chứng kiến hàng loạt vụ đánh bom khủng bố tại thủ đô Brussels khiến ít nhất 34 người chết và hơn 200 người bị thương. Một lần nữa, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), những kẻ gây ra vụ thảm sát Paris hồi tháng 11/2015, đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc.
Bên cạnh thiệt hại về người, những vụ khủng bố này còn để lại hậu quả tâm lý nặng nề, có thể thay đổi tính cách và lối sống của những người tận mắt chứng kiến, đặc biệt là những người trẻ tuổi đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, theo Le Monde.
"Cậu ổn chứ Adrien? Thế còn Bénédicte", Deborah ngắt điện thoại sau khi biết các bạn học của mình vẫn còn sống, gương mặt hầu như không biểu lộ cảm xúc gì.
Deborah, 24 tuổi, hiện là sinh viên khoa chính trị học tại đại học Lille, Pháp. Cũng như một số bạn bè cùng lớp, cô đang có kỳ thực tập tại một văn phòng của Ủy ban châu Âu chở Brussels. Hàng ngày, Deborah vẫn thường đi qua ga tàu điện ngầm Maelbeek để đến cơ quan. Nhưng hôm 22/3 là một ngày đặc biệt.
"Hôm đó đáng lẽ là một ngày rất vui đối với tôi. Tôi vừa biết tin mình được nhận vào đại học Oxford. Tôi đã mua bánh ga tô đến văn phòng. Vậy mà, đây thật sự là một gáo nước lạnh", Deborah nói.
May mắn không bị thương trong vụ nổ tại ga tàu điện ngầm, Deborah nhanh chóng được cảnh sát di tản vào một phòng chờ cùng hơn 30 người khác. Tất cả đều trong tâm trạng hoảng loạn và sợ hãi. Mọi người đều dán mắt vào màn hình ti vi và điện thoại di động. Tất cả hầu như đều nghĩ đến việc liệu họ có thể trở về nhà an toàn.
Căn phòng có rất nhiều cửa sổ. Deborah nhìn ra bên ngoài, chứng kiến cảnh mọi người kêu gào, chạy vội vã để tìm phương tiện cấp cứu những người bị thương, nhiều thi thể nằm trên sân ga. Một cảm giác quen thuộc ùa về với cô sinh viên trẻ tuổi. Ngày 13/11/2015, Deborah đi thăm bố mẹ cô ở khu căn hộ đối diện nhà hát Bataclan. Cũng qua các cánh cửa sổ, Deborah đã trải qua một buổi tối kinh hoàng khi nhìn thấy những thi thể nằm trên mặt đất, những tên khủng bố lạnh lùng xả súng vào khán giả đang tìm cách bỏ trốn.
"Kể từ đêm định mệnh đó, tôi cảm nhận thấy mình đã có nhiều thay đổi. Dường như tôi đã trở nên vô cảm hơn với những điều mà thường ngày dễ gây cho tôi cảm giác xúc động. Tôi đã cố gắng cân bằng cảm xúc. Phải mất vài tháng tôi mới có thể học cách sống chung với nỗi sợ hãi mà mình đã trải qua. Tôi tưởng như nhà hát đó là ám ảnh cuối cùng của cuộc đời. Nhưng thật không may, sự việc lần này thực sự đã đánh cắp sự ngây thơ của tôi", Deborah kể.
Sau một ngày hầu như không làm được việc gì, buổi tuối, Deborah trở về nhà trong tâm trạng nặng nề. Xung quanh cô chỉ là các nhân viên cảnh sát và các tuyến đường bị phong tỏa. Một khung cảnh ngột ngạt đáng sợ.
"Khi nhìn thấy người đồng nghiệp tăng tốc vì đèn báo dành cho người đi bộ sắp chuyển sang màu đỏ, tôi vô thức chạy theo. Tôi nhìn thấy tất cả mọi người đều chạy và chạy", Deborah tâm sự.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Nghị sĩ Mỹ: Vụ khủng bố Brussels là nhằm vào công dân Mỹ Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng vụ đánh bom ở Brussels (Bỉ) hôm 22.3 có thể là nhằm vào người Mỹ để trả thù; trong khi theo báo cáo của giới chức Bỉ, không có người chết nào là công dân Mỹ. Hoạt động tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom ở Brussels, Bỉ - Ảnh: Reuters...