Kẻ cuồng sát ở Toulouse chỉ là “con sói đơn độc”
Nhà chức trách Pháp ngày 23/3 bác bỏ những cáo buộc cơ quan mật vụ nước này đã phạm sai lầm trong vụ một thanh niên đã xả súng bắn chết bảy người và khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy kẻ thủ ác thuộc một tổ chức hay mạng lưới nào có liên hệ với Al Qaeda.
Một đặc nhiệm RAID khám xét cửa sổ nơi Mohamed Merah bị bắn chết tại tòa nhà ở Toulouse (Nguồn: Reuters)
Thủ tướng Francois Fillon cho biết cơ quan an ninh có biết Mohamed Merah, đã bị cảnh sát bắn hạ, là một phần tử Hồi giáo cực đoan từng tới Afghanistan, nhưng không có lý do gì để tin rằng các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ trước.
Tình báo Pháp đã “thực thi công việc gần như hoàn hảo. Họ đã xác định được Mohamed Merah khi hắn ta thực hiện các chuyến đi,” ông Fillon nói trên đài phát thanh Pháp. Theo đó, cơ quan tình báo Pháp đã “theo dõi hắn ta đủ lâu để kết luận rằng không có yếu tố hay chỉ dấu nào cho thấy hắn là một người nguy hiểm sẽ biến lời nói thành hành động.”
Người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Pháp DCRI, Bernard Sqarcini, nói cơ quan mật vụ không thể làm gì nhiều để dự đoán hay ngăn chặn những hành động của Merah, thiệt mạng sau vụ bố ráp kéo dài 32 tiếng đồng hồ của cảnh sát ở thành phố miền nam Toulouse.
Các báo cáo khám nghiệm pháp y ban đầu nói Merah trúng đạn gây tử vong ở đầu và một viên khác vào bụng trong cuộc tấn công của cảnh sát. Thi thể Merah cũng đã bị biến dạng vì các phát súng khác, một nguồn tin pháp y nói.
Video đang HOT
Merah, tự nhận là một thành viên Al Qaeda giết người để báo thù cho các trẻ em Palestine và trừng phạt Pháp vì cử quân đội tới Afghanistan, không đi theo con đường thông thường của các phần tử Hồi giáo cực đoan, theo lời Squarcini nói với nhật báo Le Monde.
“Theo những tuyên bố hắn đưa ra trong cuộc vây ráp, hắn đã trở thành một phần tử cực đoan trong tù, là một kẻ đơn độc, khi đọc kinh Koran,” ông nói. “Hắn nói, dù sao thì mọi thứ đều có trong kinh Koran. Nên hắn không phải là thành viên của một mạng lưới.”
Merah nói khi sang Pakistan năm 2011, người này không tham gia các trại huấn luyện mà được huấn luyện với một cá nhân riêng lẻ, DRCI thông báo.
Sau chuyến đi năm 2010 tới Afghanistan, đặc vụ Pháp đã điều tra Merah nhưng không phát hiện được dấu hiệu bất thường nào liên quan tới chủ nghĩa cực đoan có tổ chức, theo lời Squarcini. “Không có các hoạt động mang tính lý tưởng, không thăm các đền thờ Hồi giáo,” ông nói.
Merah, 23 tuổi khi bị bắn chết, từng phải ngồi tù hai năm khi 19 tuổi vì hàng loạt các vụ trộm cắp và tội phạm liên quan đến bạo lực.
Những nhận xét của Fillon và Squarcini được đưa ra khi các điều tra viên đang xác định Merah hành động đơn độc hay có đồng phạm trước khi anh ta giết chế ba trẻ em Do Thái, một linh mục tập sự và ba binh sĩ.
Các vụ giết người đã khiến cả nước Pháp rúng động. Quốc gia châu Âu này là nơi có những cộng đồng Hồi giáo và Do Thái lớn nhất ở châu Âu. Vụ việc cũng nêu ra vấn đề an ninh và sự hòa hợp ngay trước cuộc bầu cử tổng thống.
Căn phòng lỗ chỗ vết đạn sau vụ đột kích (Nguồn: AFP)
Một quan chức tình báo Mỹ nói Merah, một công dân Pháp gốc Algeria, đã nằm trong danh sách cấm bay của Mỹ không cho phép người này lên những chuyến bay đến hoặc ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ vì bị coi là một mối đe dọa khủng bố.
Cảnh sát Pháp ngày thứ Sáu đã gia hạn việc tạm giam với mẹ, anh trai và bạn gái của Merah. Cảnh sát và các công tố viên cho biết anh trai của Merah, Abdelkader Merah, cũng là một kẻ Hồi giáo cực đoan từng bị theo dõi.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc tranh cử vào tháng 5, hiện đang đứng trước áp lực lớn giải thích về việc tại sao Merah không bị ngăn cản tiến hành các vụ giết người.
Một sĩ quan cảnh sát kỳ cựu cũng nêu câu hỏi tại sao tay súng không bị bắt sống trong cuộc bố ráp ngày thứ Năm. “Tại sao đơn vị cảnh sát tinh nhuệ nhất nước lại không thể bắt sống một kẻ đơn độc?” Christian Prouteau, người sáng lập đơn vị cảnh sát đặc nhiệm GIGN thuộc hiến binh Pháp, chất vấn./.
Theo TTXVN
Thủ tướng Pháp bênh lực lượng đặc nhiệm
Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã lên tiếng bênh vực lực lượng đặc nhiệm thuộc Cục Tình báo Trung ương Nội địa (DCRI) hôm 23-3 trước nhiều lời chỉ trích và thắc mắc về cách xử lý của chính quyền do nghi phạm vụ thảm sát tại Toulouse Mohamed Merah đã bị bắn chết.
Dư luận chỉ trích DCRI không đủ bản lĩnh bắt sống để điều tra nhằm ngăn ngừa hành động khủng bố tương tự mà lại bắn chết Merah sau khi y đã cố thủ trong 32 giờ. Nhiều người cho rằng Merah không cầm giữ con tin hoặc mang bom nên việc bắt sống hắn không quá khó khăn đối với lực lượng tinh nhuệ.
Mohamed Merah bị bắn chết hôm 22-3. Ảnh: AP
Mặt khác, DCRI không lưu ý để ngăn ngừa chính vụ tấn công này trong khi đã có nhiều nghi vấn về nhân thân của Merah như y từng có tiền án hình sự, từng tham gia tổ chức Hồi giáo cực đoan, từng được huấn luyện tại Pakistan và Afghanistan cũng như có tên trong danh sách cấm bay của Mỹ. Không chỉ giới truyền thông và các nhà phân tích mà nhiều chính khách Pháp cũng lên tiếng chỉ trích hoặc nêu thắc mắc về trường hợp này.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Fillon: "Những thắc mắc được nêu là điều tự nhiên nhưng DCRI đã hoàn thành tốt công việc của mình". Ông Fillon cho rằng người sinh sống trong đất nước có luật pháp không thể bị giám sát liên tục mà không có quyết định tư pháp.
Ông cũng cho rằng chưa có dấu hiệu cho thấy Merah là con người nguy hiểm và có nhiều khả năng hành động như vậy. Trước khi bị bắn, Merah đã tự nhận giết chết 7 người gồm 3 quân nhân gốc Bắc Phi, 3 thiếu niên và một giáo viên Do Thái trong 3 ngày 11, 15 và 19-3.
Theo Người lao động
Ông Sarkozy giành lại lợi thế nhờ vụ xả súng Theo kết quả một cuộc thăm dò ngày hôm qua, đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ đánh bại đối thủ đảng Xã hội, Francois Hollande trong vòng 1 của cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 22/4 sắp tới. Hình ảnh của đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (giữa) được cải thiện nhờ phản ứng...