Kẻ chặt tay cô gái cướp xe SH lãnh thêm 7 năm tù
Bị cáo Hồ Duy Trúc, người vừa bị TAND TP.HCM tuyên phạt tử hình về tội cướp tài sản hồi tháng 12/2013 lãnh thêm 7 năm tù.
Bị cáo Hồ Duy Trúc (trái) và Nguyễn Hoàng Phương tại phiên tòa ở Ninh Thuận ngày 25/2
Sáng 25/2, bị cáo Trúc bị trích xuất từ trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM) về Ninh Thuận để TAND tỉnh Ninh Thuận xử phúc thẩm vụ án cướp tài sản do Trúc thực hiện trước khi vào TP.HCM gây ra những vụ án kinh hoàng.
Tại tòa, Hồ Duy Trúc suy sụp hơn nhiều so với những lần ra tòa trước đây. Lần này, gia đình Trúc không còn manh động, gây rối trật tự phiên tòa như đã từng làm ở TAND TP.HCM.
Theo hồ sơ, rạng sáng 12/6/2012, Trúc và Nguyễn Hoàng Phương đã dùng mã tấu chém một người đi đường để cướp xe Wave RSX. Sau vụ này, 2 người vào TP.HCM thực hiện hàng loạt vụ cướp, trong đó có vụ chặt tay chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy để cướp xe SH dưới chân cầu Phú Mỹ.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Ninh Phước đã tuyên phạt Trúc và Phương mỗi bị cáo 7 năm tù. Trúc kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm hôm 25/2, TAND tỉnh Ninh Thuận đã tuyên y án sơ thẩm.
Trước đó, ngày 16/7/2013, TAND TP.Phan Rang – Tháp Chàm cũng đã xử phạt Trúc 5 năm tù, Phương 9 năm tù, cũng về tội cướp tài sản. Như vậy, tính đến nay Trúc đã lãnh một án tử hình, hai án 12 năm tù, cùng về tội cướp tài sản.
Video đang HOT
Theo Xahoi
Án tử cho kẻ 'chặt tay cướp xe SH': Đúng người đúng tội
Chiều 25/12, vụ án "chặt tay cướp xe SH" đã khép lại với mức án tuyên khá nặng so với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM trước đó đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Hồ Duy Trúc (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng bọn trước vành móng ngựa
Cụ thể: Hồ Duy Trúc bị tuyên án tử hình; Nguyễn Văn Luông chung thân, Nguyễn Hoàng Phương 20 năm tù...Nhiều bạn đọc, luật sư, chuyên gia pháp lý bày tỏ đồng tình với mức án nghiêm khắc mà tòa đã tuyên.
Hành động quá man rợ!
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ, trong lời nói đầu của Bộ luật Hình sự quy định: Pháp luật hình sự là một trong những công cụ để đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật Hình sự quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội. Tùy từng giai đoạn cụ thể mà mức hình phạt của các loại tội cũng có thay đổi cho phù hợp với tình hình cũng như tính nguy hiểm của tội phạm.
Liên quan đến việc một số người nhà của bị cáo phản ứng cho rằng tòa "xử ác", không giết người mà tuyên tử hình, luật sư Hà Hải phân tích: Không phải cứ giết người là tử hình vì cơ cấu của tội giết người cũng chia ra làm nhiều khung hình phạt từ thấp đến cao phù hợp với mức độ, hành vi phạm tội. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và tương xứng với từng mức độ, sẽ có những khung hình phạt thích hợp.
Có rất nhiều tội Bộ luật Hình sự quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình chứ không phải chỉ có tội giết người. Hiện nay, Nhà nước ta đang nỗ lực đảm bảo trật tự, trị an xã hội nên loại tội cướp tài sản được quy định có khung hình phạt cao nhất là tử hình nếu: gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên, hoặc chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong vụ chặt tay cướp SH, luật sư Hà Hải nhận định hành động của bọn tội phạm quá man rợ không còn tính người, thể hiện sự coi thường pháp luật.
Các bị cáo cúi đầu trước vành móng ngựa chiều 25/12
"Việc tử hình như vậy là xứng đáng để cho thấy sự cứng rắn của pháp luật nhằm răn đe những kẻ coi thường mạng sống của người khác thích sống bằng kiểu đi cướp", luật sư Hà Hải nói.
Tử hình là thỏa đáng
Chia sẻ sau khi bản án tòa tuyên, Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu ý kiến: Người đọc dù biết luật hay không, có lẽ cũng đã thở phào nhẹ nhỏm vì án tuyên như thế đã trút đi phần nào sự âu lo về tính mạng của người đi đường, nhất là trên những đoạn đường tối, vắng người qua lại trước các hung thủ máu lạnh không nghề nghiệp nhưng cần tiền để xài "hàng đá".
Cũng theo luật sư Út, căn cứ vào quy định tại điểm c, khoản 4 điều 133 Bộ luật hình sự, mức hình phạt dành cho hành vi này đến mức tử hình khi "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".
Tại Thông tư liên tịch số 02/2001 quy định: "Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội...
Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, căn cứ vào quy định tại điều 48 khi bị cáo Trúc rơi vào các trường hợp thuộc các tình tiết tăng nặng hình phạt, như: Phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, cố tình thực hiện phạm tội đến cùng và tái phạm nguy hiểm... theo các điểm a, b ,e và g khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự. Với tầm ảnh hưởng đến trật tự, trị an xã hội bị xáo trộn nghiêm trọng, gây hoang mang lo sợ trong nhân dân thì bị cáo có vai trò chủ chốt Hồ Duy Trúc phải nhận lãnh mức án tử hình là thỏa đáng.
Đồng quan điểm, Kiểm sát viên trung cấp Võ Mỹ Bình (Viện KSND tỉnh Tiền Giang) cho biết trong tình hình tội phạm cướp (nhất là cướp xe, cướp tài sản người đi đường) đáng báo động như hiện nay thì mức án mà tòa tuyên là hoàn toàn tương xứng, đảm bảo được yêu cầu phòng chống và răn đe tội phạm toàn xã hội.
Kiểm sát viên Võ Mỹ Bình chia sẻ: "Nếu tôi ngồi ghế công tố viên tôi cũng đề nghị tử hình. Bởi lẽ, mô tả hành vi phạm tội thấy đối tượng rất hung hãn, thực hiện hành vi đặc biệt nguy hiểm. Chúng sử dụng dao dài chém ngay mà không cần răn đe khi người bị hại đang sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (là xe máy) lưu thông trên đường. Chỉ cần bị hại té xe, đập đầu chấn thương sọ não là tử vong rồi, không cần phải chém. Bên cạnh đó, khi chém vào những điểm trọng yếu trên cơ thể nạn nhân như vào cổ, gáy, chém đứt lìa tay... là bị cáo phải biết khả năng gây ra chết người rất cao. Trong vụ này bị hại may mắn không chết mà thôi. Như trường hợp của chị Thúy, đứt gần lìa cổ tay nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời thì có nguy cơ chết vì mất máu. Hậu quả của các bị cáo này gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, tôi cho rằng mức án tòa tuyên có sức lan tỏa, được xã hội đồng tình nhằm ngăn ngừa tội phạm".
Trao đổi với PV sau phiên xử, chủ tọa phiên tòa, ông Nguyễn Minh Cảnh nói: "Hội đồng xét xử đã tiến hành xét xử theo căn cứ vào các quy định của pháp luật và không nêu ý kiến gì về bản án đã tuyên. Xin dành cho các chuyên gia pháp lý, các luật sư nêu quan điểm và dư luận xã hội đánh giá".
Theo Khampha
Tử hình Hồ Duy Trúc và bài học về cách dạy con Bản án tử hình dành cho Hồ Duy Trúc là bản án phù hợp và xác đáng, bởi không có lý do gì chúng ta lại dung thứ cho những hành động dã man tàn ác như vậy. Tuy nhiên, bài viết này không dành để nói về Hồ Duy Trúc. Bài viết này nói về người mẹ của cậu ta, như một...