Kazakhstan nói phe bạo loạn âm mưu lật đổ chính phủ
Một quan chức cấp cao Kazakhstan nói rằng vụ bạo loạn đang diễn ra ở nước này được tổ chức nhằm âm mưu đảo chính.
Lực lượng an ninh Kazakhstan đối phó người biểu tình (Ảnh: Reuters).
Sputnik đưa tin, Thư ký nhà nước Kazakhstan Erlan Karin cho biết, vụ bạo loạn đang diễn ra ở quốc gia Trung Á dường như là một vụ tấn công khủng bố với sự tham gia của cả lực lượng bên trong và bên ngoài nhằm lật đổ chính phủ.
“Chúng ta phải đối mặt với một vụ tấn công khủng bố ở Kazakhstan với mục tiêu gây bất ổn và đảo chính”, ông Karin nói với kênh truyền hình Khabar 24 ngày 10/1.
Ông cho rằng, các thế lực bên trong và bên ngoài cũng như các lực lượng khủng bố đã tham gia vào âm mưu này. Ông tiết lộ rằng, Kazakhstan cũng phải đối mặt với các vụ tấn công về thông tin.
Quan chức này nhận định, những mô tả rằng các sự kiện đang diễn ra ở Kazakhstan đang xảy ra “cách mạng màu” hoặc “cách mạng nhung” là không chính xác.
“Kazakhstan đã cầm cự. Những hành động quyết đoán của tổng thống đã ngăn cản các kế hoạch gây mất ổn định, bao gồm cả quyết định yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO can thiệp. Có một tình huống rất nguy cấp… vì vậy cần phải có những hành động cứng rắn, quyết đoán…
Sự tham gia của lực lượng CSTO đã giúp phá kế hoạch gây bất ổn. Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình, Kazakhstan đã có thể tập trung lực lượng để tiến hành một chiến dịch chống khủng bố trực tiếp… điều này đã giúp cho việc bảo vệ sự toàn vẹn của nhà nước trở nên khả thi”, ông Karin nói, nhắc tới lực lượng của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể – liên minh gồm các nước Liên Xô cũ do Nga dẫn đầu.
Âm mưu có tổ chức
Kazakhstan như “vùng chiến sự” vì khói lửa bạo loạn
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Kazakhstan Yerlan Turgumbayev tiết lộ rằng, những phần tử tham gia vào các cuộc bạo loạn ở nước này dường như đã có tổ chức từ trước, thể hiện “kỹ năng chuyên nghiệp”.
“Tại những nơi xảy ra các vụ tấn công, hệ thống camera giám sát đường phố đã bị vô hiệu hóa. Các con đường bị chặn lại. Chúng sử dụng thiết bị vô tuyến để chỉ thị hành động”, ông Turgumbayev nói hôm 9/1.
Quan chức trên cho hay, tại Almaty, phe bạo loạn áp đảo về số lượng so với lực lượng hành pháp và được trang bị vũ khí tốt hơn khi bạo lực bắt đầu nổ ra vào ngày 5/1.
“Các nhóm biểu tình ở các khu vực khác nhau trong thành phố tấn công lực lượng tuần tra. Họ kiểm soát 7 tiệm bán súng và lấy vũ khí, đạn được. Họ chiếm phương tiện công cộng và dùng chúng để tấn công vào lực lượng an ninh. Họ ném hỗn hợp gây cháy tự chế và bắn súng vào cảnh sát. Họ đốt cháy các phương tiện công vụ, bao gồm cả xe cứu hỏa”, ông Turgumbayev nói.
Nhóm bạo loạn ngăn chặn xe cứu thương đi vào khu vực xảy ra bạo lực để sơ tán người bị thương.
Ngày 5/1, một nhóm 20.000 người có tổ chức tập trung ở trung tâm Almaty nhằm giành quyền kiểm soát tòa nhà hành pháp. Trước sự đông đảo nào, cảnh sát buộc phải rút lui để tránh thương vong. Ông Turgumbayev cho biết, cảnh sát và lực lượng an ninh triển khai ở khu vực đã bị đánh đập, lột đồng phục, tước các thiết bị đặc biệt. Các phần tử bạo loạn bị cáo buộc đã mặc những đồng phục này để gây ra các hành vi phạm pháp.
Ngoài ra, vào ngày 6 và 7/1, các phần tử bạo loạn đã định tấn công vào các thành phố Taras và Taldykorgan nhằm cướp vũ khí và khí tài quân sự. Tuy nhiên, các kế hoạch này đều thất bại.
Theo thông báo của Ủy ban An ninh Quốc gia, chính quyền cũng đã bắt một nhóm công dân nước ngoài tích cực tham gia vào bạo loạn. Nhóm này bị nghi có liên hệ với các tổ chức khủng bố nước ngoài. Các phần tử này đã nhập cảnh vào Kazakhstan và chuẩn bị cho kế hoạch tấn công dữ dội nhằm vào các mục tiêu chính phủ.
Thách thức của Trung Quốc khi láng giềng Kazakhstan chìm trong khói lửa
Trung Quốc đối mặt với hàng loạt thách thức cả về kinh tế và an ninh khi làn sóng bạo loạn bùng phát tại nước láng giềng Kazakhstan.
Người biểu tình đốt phá phương tiện tại Kazakhstan (Ảnh: Reuters).
Ngày 3/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng tới Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Chỉ 2 ngày sau đó, Kazakhstan chìm trong khói lửa khi làn sóng bạo loạn bùng phát do người dân phản đối giá nhiên liệu tăng. Các cuộc biểu tình chết người vẫn đang tiếp tục diễn ra tại quốc gia từng được coi là ổn định nhất trong số các nước thuộc Liên Xô cũ ở khu vực Trung Á, và hậu quả có thể vượt ra ngoài biên giới của nước này.
Kazakhstan từng chứng kiến các cuộc biểu tình trước đây. Một trong những cuộc biểu tình nghiêm trọng nhất diễn ra vào năm 2011, tại thành phố Zhanaozen, phía tây Kazakhstan khi ít nhất 14 người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Zhanaozen hiện cũng là tâm điểm của các cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng tại Kazakhstan.
Trong những lần bùng nổ biểu tình trước đây, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Bắc Kinh đã tin tưởng rằng chính phủ Kazakhstan có thể giải quyết các vấn đề dọc theo đường biên giới chung 1.780 km giữa hai nước. Tuy nhiên, hiện giờ, Kazakhstan phải kêu gọi sự giúp đỡ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thế (CSTO) do Nga dẫn đầu.
Vòng xoáy bạo loạn mới có thể đe dọa lợi ích quan trọng của Trung Quốc. Ngoài vai trò là nhà cung cấp tài nguyên thiên nhiên chiến lược cho Trung Quốc, Kazakhstan còn là mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh.
Trung Quốc coi nước láng giềng Kazakhstan là quốc gia chủ chốt của Sáng kiến Vành đai Con đường. Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tầm nhìn kết nối trên đất liền của Sáng kiến Vành đai Con đường khi đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan vào năm 2013.
Mối lo ngại của Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Bắc Kinh năm 2019 (Ảnh: Xinhua).
Tình trạng bất ổn kéo dài ở Kazakhstan có thể gây ra thảm họa kinh tế cho các quốc gia không giáp biển khác ở Trung Á, trong bối cảnh các nước này cũng đang lao đao vì đại dịch Covid-19. Tệ hơn nữa, nó có thể tạo ra hiệu ứng domino, khiến các quốc gia được cho là kém ổn định khác trong khu vực như Tajikistan và Kyrgyzstan cũng bị ảnh hưởng.
Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án kết nối trên đất liền và cung cấp năng lượng của Sáng kiến Vành đai Con đường, trong đó có đường ống khí đốt của Turkmenistan và dầu mỏ của Kazakhstan tới Trung Quốc qua tỉnh Tân Cương ở cực tây của nước này.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Kazakhstan và là nước nhập khẩu nhiều nhất từ quốc gia Trung Á. Trung Quốc đã đầu tư 19,2 tỷ USD vào Kazakhstan từ năm 2005. Khoảng 56 dự án có liên quan tới Trung Quốc trị giá 24,5 tỷ USD dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Yang Jin, chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo nếu tình hình bất ổn tiếp tục diễn ra ở Kazakhstan, các dự án của Trung Quốc tại nước này có thể bị ảnh hưởng và đe dọa, trong đó các đường ống dẫn khí đốt và cơ sở hạ tầng dầu mỏ có thể phải hứng rủi ro bị phá hoại.
Tình trạng bất ổn kéo dài ở Kazakhstan cũng có thể làm chệch hướng nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương và cản trở hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai Con đường, bao gồm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lâu dài Trung Quốc - Kazakhstan được hai nước thảo luận từ lâu.
Trung Quốc cũng phải đối mặt với một mối lo ngại khác là viễn cảnh bị lôi kéo vào việc đảm bảo an ninh ở Kazakhstan nhằm bảo vệ các dự án đầu tư và công dân Trung Quốc tại đây. Kịch bản này có thể đặt Trung Quốc vào tình thế xung đột với Nga, khi Moscow dùng 75 máy bay vận tải chuyển quân tới Kazakhstan trong những ngày qua.
Nổ súng giữa bạo loạn ở Kazakhstan
Theo thông cáo của CSTO, các lực lượng gìn giữ hòa bình đang tiến vào Kazakhstan để "ổn định và bình thường hóa tình hình trong khoảng thời gian nhất định". Mặc dù Tổng thống Kazakhstan là người đề nghị lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO can thiệp, nhưng việc lực lượng này quyết định hành động để đáp lại lời kêu gọi của Kazakhstan đã đặt ra nhiều nghi ngờ.
Sự hiện diện của quân đội Nga tại Kazakhstan làm dấy lên lo ngại rằng, Tổng thống Vladimir Putin đang tận dụng tình hình để khẳng định lại vị thế của Nga tại các nước từng thuộc Liên Xô cũ. Nếu đúng như vậy, điều này sẽ xung đột với các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc trong khu vực.
Sự hỗ trợ về quân sự được xem là chưa đủ để ổn định tình hình tại Kazakhstan, mà cần có thêm sự hỗ trợ về kinh tế. Tuy nhiên, điều này vượt ra ngoài khả năng của Nga. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác kinh tế quan trọng trong khu vực, cũng không thể lấp đầy khoảng trống vì nước này cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về kinh tế.
Do vậy, trọng trách dồn lên vai Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng gặp phải những vấn đề kinh tế riêng khi các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án Vành đai Con đường đang bị suy giảm lợi nhuận, dẫn đến việc các ngân hàng nhà nước phải thắt chặt hạn mức tín dụng.
Kazakhstan hiện trở thành nước mới nhất trong danh sách các quốc gia khiến Trung Quốc "đau đầu" ở Trung và Nam Á, ngoài Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ. Cuộc khủng hoảng bất ngờ ở Kazakhstan khiến Bắc Kinh bị phân tâm trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ, nhận thức xấu đi về Trung Quốc ở phương Tây và tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo SCMP, nếu Bắc Kinh không cung cấp hỗ trợ kinh tế ngay bây giờ, nước này có thể sớm phải trả một cái giá đắt hơn. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Kazakhstan là kết quả của việc phân bổ nguồn lực không đồng đều và kém hiệu quả, một vấn đề ảnh hưởng đến nhiều nước Trung Á.
Giải pháp "nắm đấm thép" của Nga khi đưa quân vào Kazakhstan có thể dập tắt bạo loạn tạm thời, nhưng những tác động tiêu cực lâu dài có thể dẫn đến bất ổn trực tiếp cho biên giới phía tây của Trung Quốc, một khu vực đã bị tàn phá bởi các cuộc đối đầu sắc tộc, buộc Bắc Kinh phải hành động.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc không muốn tình hình bất ổn diễn ra ở khu vực Trung Á, nơi nằm ngay sát cửa ngõ của nước này, vì lo ngại tình trạng căng thẳng ở khu vực có thể lan tới Tân Cương. Bắc Kinh lo ngại các tổ chức khủng bố có thể gây ra bất ổn ở Tân Cương sau khi được "khích lệ" bởi các vụ bạo loạn tại Kazakhstan.
Gần đây, Trung Quốc đã trải qua tình huống tương tự ở Afghanistan, khi Mỹ thực hiện chiến dịch rút quân vội vàng, hỗn loạn vào năm ngoái. Bạo lực ở Kazakhstan có nguy cơ khiến Bắc Kinh rời mắt khỏi phương Tây và ngày càng hướng về biên giới phía tây.
Nga cấp tập đưa thêm quân tới Kazakhstan dập "lửa" bạo loạn Nga tiếp tục gửi quân tới Kazakhstan nhằm giúp chính quyền nước này giành lại quyền kiểm soát các thành phố lớn trong làn sóng bạo loạn. Binh sĩ Nga được triển khai tới Kazakhstan để đối phó tình hình bạo loạn (Ảnh: Getty). Nga ngày 9/1 tiếp tục đưa quân đội tới Kazakhstan trong bối cảnh tình hình bạo loạn tại quốc...