JTC Nhật hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam như thế nào?
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật cho hay công ty tư vấn đường sắt có trụ sở ở Tokyo Japan Transportation Consultants (JTC) đã chi tổng cộng khoảng 130 triệu Yên (1,62 triệu USD) tiền lại quả cho các quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan cho các dự án ODA họ được nhận tiến hành ở các nước này.
Sơ đồ JTC hối lộ tiền cho các quan chức ở nước ngoài để được nhận các dự án ODA của Nhật. (Tiền từ JTC tại Nhật được chuyển cho các văn phòng/nhân viên của JTC ở các nước, rồi từ đó chuyển cho các quan chức sở tại, để JTC được nhận dự án ODA).
Tờ Yomiuri Shimbun ngày 21/3 vừa qua dẫn lời giới chức công ty JTC cho biết, trong tổng số tiền bị cáo buộc chi bất hợp pháp trên, có khoảng 100 triệu Yên được JTC trả cho các công chức và những người khác ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan từ năm 2008-2012. Cũng theo tờ báo, số tiền lại quả trả trong thời gian từ năm 2008-2012 là cho 4 dự án ODA, có tổng trị giá lên tới 6 Tỷ Yên Nhật.
Khoản chi 100 triệu Yên này được đưa ra ánh sáng trong một cuộc thanh tra thuế do Cục thuế khu vực Tokyo thực hiện.
Trong cuộc thanh tra này, JTC đã không hé lộ tên của những người được nhận số tiền 100 triệu Yên trên. Vì vậy mà Cục thuế khu vực Tokyo đã kết luận những khoản chi trên được liệt vào hạng mục “những khoản chi ngầm của công ty”. Do vậy ngoài số tiền thuế bình thường phải trả, JTC đã bị yêu cầu phải nộp phạt thuế khoảng 40 triệu Yên, tương đương với 40% số tiền lại quả.
Cũng theo tờ báo Nhật, tổng tiền lại quả vào khoảng 100 triệu Yên được JTC lần đầu tiên ghi chép là “khoản chi chờ hạch toán”, nhưng sau đó họ chia khoản tiền này ra thành những khoản nhỏ và đăng ký là các phí tổn như phí dịch vụ. Nhưng Cục thuế Tokyo kết luận những chi trả không đúng này là hình thức che giấu thu nhập. JTC đã đệ trình một bản chi trả thuế chỉnh sửa khác và đã trả thêm một số lượng tiền thuế rất lớn, bao gồm cả tiền phạt.
Hơn nữa, theo Yomiuri Shimbun, JTC còn bị phát hiện tiếp tục trả những khoản tiền lại quả tương tự, thậm chí là sau khi cuộc điều tra thuế của Cục thuế Tokyo bắt đầu. Và số tiền lại quả JTC tiếp tục chi trả thêm trị giá khoảng 30 triệu Yên. Và đặc biệt, trong số 30 triệu Yên thêm này, khoảng 10 triệu Yên được trả sau khi quá trình thanh tra thuế được tiến hành vào tháng 4 năm ngoái.
Cũng theo tờ Yomiuri Shimbun, chủ tịch JTC Tamio Kakinuma, 65 tuổi, đã thừa nhận công ty của ông chi tiền lại quả cho các quan chức nước ngoài trong các dự án ODA mà họ nhận được.
Video đang HOT
Tờ báo dẫn nhiều nguồn tin cho biết chủ tịch công ty này đã tự nguyện đến Phòng công tố quận Tokyo vào thứ ba vừa qua và trong buổi thẩm vấn ông thừa nhận JTC đã trả tiền cho các công chức ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan. Ông cũng hé lộ chi tiết về thời gian và cách thức đưa tiền cho những người này. Được biết, vị chủ tịch JTC đã giải thích trước đó ông đã không hề hay biết về tình trạng chi tiền bất hợp pháp của công ty mình.
Qua đó Yomiuri Shimbun cho hay, cơ quan công tố Tokyo sẽ tiến hành điều tra hình sự đối với các cáo buộc vi phạm Luật ngăn chặn cạnh tranh không công bằng, qua hành vi hối lộ cho các quan chức chính phủ nước ngoài.
Yomiuri Shimbun hé lộ thêm, tổng 130 triệu Yên chi bất hợp pháp của JTC đã được chia nhỏ làm khoảng 40 lần từ tháng 2/2008 đến tháng 2 năm nay 2014, liên quan đến 5 dự án ODA mà họ đã được nhận.
Và theo tờ báo, số tiền mỗi lần lại quả được xác định theo giá trị dự án mà JTC nhận được. Ví dụ, JTC đã chi tổng cộng 80 triệu Yên lại quả cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên ở Việt Nam. Hay tổng cộng 30 triệu Yên đã được chi cho 3 dự án có tổng trị giá 2,9 tỷ Yên ở Indonesia. Còn tại Uzbekistan, JTC đã chi khoảng 20 triệu Yên lại quả cho một dựa án khoảng 700 triệu Yên mà họ nhận được.
Theo nguồn tin liên quan đến JTC, thì công ty này lại quả cho 5 quan chức chính phủ, trong đó có một quan chức cấp cao của cơ quan chịu trách nhiệm quản lý dự án của Đường sắt Việt Nam, một quan chức ở Tổng công ty đường sắt của Bộ đường sắt Indonesia và một quan chức chịu trách nhiệm dự án ở Uzbekistan Temir Yollari, công ty đường sắt nhà nước của Uzbekistan.
JTC được thành lập vào năm 1958, khi bắt đầu xậy dựng tuyến đường sắt Tokaido Shinkansen. Công ty chuyên về khảo sát nền đất và thiết kế xây dựng đường sắt này bắt đầu mở rộng thị trường ra nước ngoài vào những năm 1990. JTC đã nhận được 19 dự án ODA, tổng trị giá 25 tỷ Yên kể từ năm 2000.
“Chúng tôi đang xem xét cách thức làm việc mà từ giờ trở đi không cần phải trả những khoản như thế nữa”, một quan chức JTC cho biết với tờ Yomiuri Shimbun sau khi thừa nhận đã trả số tiền lại quả trên. Tuy nhiên, quan chức này từ chối tiết lộ tên những quan chức nước ngoài được nhận tiền lại quả.
Vũ Quý
Theo Dantri
Nghi án hối lộ 16 tỷ đồng: Đình chỉ tiếp 3 quan chức đường sắt
Hai Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa bị đình chỉ công tác 10 ngày, một Giám đốc BQL dự án đường sắt bị đình chỉ 15 ngày để điều tra những khả năng có liên quan trong vụ JTC tố hối lộ 16,4 tỷ đồng.
Đường sắt Việt Nam
Cụ thể, 2 Phó Tổng Giám đốc ĐSVN bị tạm đình chỉ công tác là ông Ngô Anh Tảo đang đảm đương chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường sắt của ĐSVN và ông Trần Quốc Đông Phó Tổng Giám đốc đã từng có thời gian phụ trách Ban Quản lý này.
Quyết định đình chỉ của ĐSVN đối với ông Tảo và ông Đông bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (24/3), thời hạn đình chỉ tạm dừng công tác kéo dài trong vòng 10 ngày. Trong thời gian này, 2 vị Phó Tổng Giám đốc nói trên sẽ phải làm báo cáo giải trình trách nhiệm cá nhân về thời gian công tác và đảm đương chức vụ liên quan đến Dự án đường sắt đô thị số 1.
Trong một diễn biến có liên quan, Cục ĐSVN vừa ra quyết định tạm dừng chức vụ Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đối với ông Trần Văn Lục để giải trình vụ nghi vấn nhận hối lộ 16 tỷ đồng.
Quyết định số 76/QĐ - CĐSVN do Cục trưởng Cục ĐSVN Nguyễn Hữu Thắng ký vào ngày hôm nay (24/3), ông Trần Văn Lục - Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Cục ĐSVN bị tạm dừng điều hành công việc trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 24/3 đến ngày 7/4.
Ông Lục trước khi được bổ nhiệm làmGiám đốc Ban quản lý dự án đường sắt của Cục Đường sắt Việt Nam đã giữ chức vụ Gi ám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc ĐSVN
Việc đình chỉ chức vụ này nhằm mục đích làm rõ những khả năng có liên quan đến nghi án hối lộ mà JTC tố giác. Ông Lục sẽ phải làm giải trình rõ trách nhiệm cá nhân trong thời gian làm Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc ĐSVN do có liên quan đến nhà thầu tư vấn thực hiện gói thầu "Dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I".
Cục trưởng ĐSVN yêu cầu là phải phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm với Tổng Công ty ĐSVN để thực hiện giải trình, làm rõ nội dung nêu trên và báo cáo ĐSVN. Trong thời gian giải trình, ông Lục có trách nhiệm phân công việc cho các ông Phó giám đốc để không làm gián đoạn công việc.
Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Cục ĐSVN hiện đang làm chủ đầu tư Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Trước đi được điều động bổ nhiệm sang ban này, ông Lục là Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty ĐSVN.
Như vậy,chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, đã có 4 quan chức cấp cao của ngành đường sắt bị đình chỉ công tác. Đây được xem là hành động khẩn trương và kiên quyết của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong việc điều tra, xử lý nghi án hối hộ mà Công ty Tư vấn giám sát GTVT Nhật Bản (JTC) đã khai ra.
Trước đó, trong cuộc họp khẩn chiều 23/3 do Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì, nhiều cán bộ của thuộc ĐSVN một mực khẳng định không liên quan đến nghi án hối lộ mà JTC nêu ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc đương nhiệm Ban Quản lý các dự án đường sắt vẫn bị đình chỉ công tác 15 ngày để điều tra.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu tất cả các cá nhân có liên quan đến Dự án, kể cả người đã nghỉ hưu, những người đã chuyển công tác phải tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm cá nhân trong thời gian tham gia tại dự án, báo cáo của các cá nhân phải hoàn thành trước ngày 31/3 này.
Dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội do ĐSVN làm chủ đầu tư đã tiếp nhận 2 khoản vay của JICA với tổng giá trị 21,271 tỷ Yên, các giai đoạn của Dự án đã bắt đầu triển khai từ năm 2008. Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn theo quy định phải tuân thủ các quy định của nhà tài trợ và Luật Đấu thầu của Việt Nam. Đến nay, dịch vụ tư vấn đã cơ bản hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và đang lựa chọn và thương thảo hợp đồng tư vấn giai đoạn 2a, công tác đấu thầu xây lắp chưa được triển khai.
Theo tiến trình dự án, gói thầu xây lắp chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu Tổ hợp Ngọc Hồi đã xong bước sơ tuyển, dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu vào ngày hôm nay (24/3), hiện đang thương thảo tài chính với liên danh do JTC đứng đầu, dự kiến sẽ ký kết hợp đồng trong tháng 7 tới đây.Tuy nhiên, ngay trong chiều 23/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã lập tức yêu cầutạm dừng giải ngân theo Hợp đồng đã ký với JTC và tạm dừng thương thảo tài chính Hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a đối với JTC.
Hôm nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông có buổi làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Nhật Bản và JICA tại Hà Nội về vụ việc nói trên.
Như đã đưa tin, ôngTamio Kakinuma - Giám đốc Công ty JTC trong cuộc thẩm vấn tại cơ quan công tố Tokyo với những liên quan đến vấn đề thuế, ông này khai nhận việc đã "lại quả" 80 triệu Yên (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội, vốn ODA Nhật Bản trị giá 4,2 tỷ Yên (khoảng 863 tỷ đồng) để được trúng thầu thực hiện dự án này, người nhận tiền hối lộ công tác ở đơn vị quản lý dự án của ĐSVN.
Châu Như Quỳnh
Theo dantri
Dự án JTC tố hối lộ: Dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu hôm nay Giai đoạn 2a của dự án đường sắt mà JTC tố đã phải "lại quả" 16,4 tỷ đồng đáng lẽ sẽ phát hành hồ sơ mời thầu vào hôm nay (24/3). ĐSVN cũng đang thương thảo tài chính với liên danh do JTC đứng đầu, dự kiến sẽ ký kết hợp đồng trong tháng 7 tới. Công ty Japan Transportation Consultant, Inc (JTC)...