Joaquin Phoenix và 8 chiếc “mặt nạ” để đời trước Joker
8 vai diễn này đã góp phần tạo nên tiếng tăm và chứng minh tài năng của Joaquin Phoenix.
Là một trong những diễn viên sở hữu các vai diễn đa dạng và diễn xuất chân thực nhất ngành công nghiệp điện ảnh hiện nay, Joaquin Phoenix luôn biết cách chiếm mọi sự chú ý trên màn ảnh mỗi khi anh xuất hiện. Từ vai chính cho đến vai phụ, vai nhỏ cho đến vai lớn, bình thường hay kỳ dị, chúng ta đều có thể mong chờ Phoenix làm tốt vai trò của mình, dù cho bản thân bộ phim đó hay dở ra sao đi chăng nữa. Dưới đây là 8 vai diễn được đánh giá là hay nhất của Joaquin Phoenix, cho đến thời điểm hiện tại.
1. The Yards (2000)
Vai phụ trong The Yards là một trong những vai diễn đầu tay của Joaquin Phoenix. (Ảnh: IMDb)
Ở thời kỳ đầu trong sự nghiệp của Joaquin Phoenix còn The Yards là một trong bước chân đầu tiên giúp nam diễn viên tạo dựng danh tiếng và được giới phê bình công nhận. The Yards là phim chính kịch, tội phạm do James Gray đạo diễn, với sự tham gia của nhiều các gương mặt nổi tiếng như Mark Wahlberg, Charlize Theron, Joaquin Phoenix. Mặc dù Wahlberg mới là diễn viên chính, nhưng cũng chẳng thể phủ nhận rằng mỗi khi Phoenix xuất hiện, vẻ hăm dọa và sức hút trên màn ảnh của nam diễn viên hoàn toàn khiến người ta phải chú ý. Bộ phim cũng đánh dấu sự hợp tác ăn ý giữa đạo diễn và nam diễn viên. Sau này, cả 2 tái ngộ qua nhiều phim khác, góp phần chứng minh tài năng của cả James Gray và Phoenix.
2. Gladiator (2000)
Phoenix vào vai phản diện trong Gladiator. (Ảnh: IMDb)
Một trong những phim hay nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Ridley Scott, Gladiator là phim sử thi cổ trang kinh điển, lấy bối cảnh thời La Mã cổ đại, thời điểm mà việc đánh chém lẫn nhau được đem ra làm trò mua vui cho công chúng và giới quý tộc. Phoenix vào vai phản diện, Hoàng đế Commodus, một kẻ khát máu, đam mê quyền lực và là kẻ thù không đội trời chung với anh trai Maximus (Russell Crowe). Phoenix không cần phải cường điệu hóa vai phản diện của mình mà vẫn cho thấy được diễn xuất thuyết phục khi đối đầu với Maximus, vị anh hùng can đảm và táo bạo.
3. Walk the Line (2005)
Johnny Cash – Nhân vật với cuộc đời phần nào liên hệ với Joaquin Phoenix. (Ảnh: IMDb)
Nói đến cuộc đời của Phoenix thì Walk the Line thường được nhắc đến bởi nó gợi cho người ta nhớ về quá khứ của nam diễn viên, vì những gì anh phải chịu đựng và nỗi đau khổ khi mất đi người thân. Anh vào vai chính Johnny Cash, một nhạc sĩ bị từ chối tình yêu và phải tìm đến thuốc hay men để quên đi cảm giác đau đớn ấy. Phim theo chân Cash từ khi anh chưa là ai cả cho đến khi đã trở thành biểu tượng của nhạc đồng quê rock n’ roll. Anh càng nổi tiếng, thì nỗi đau càng lúc càng trở nên dữ dội hơn và cũng là lúc anh càng lúc càng chìm trong cơn nghiện. Bi kịch của Johnny Cash trên màn ảnh đã giúp Phoenix được đề cử giải Oscar với diễn xuất của mình.
4. Two Lovers (2008)
Video đang HOT
Joaquin Phoenix trong Two Lovers. (Ảnh: IMDb)
Không chỉ đóng vai phản diện rất đạt mà đỉnh cao diễn xuất của Joaquin Phoenix còn nằm ở các vai đau khổ, quằn quại khi các nhân vật phải vật lộn với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Leonard Kraditor trong Two Lovers – một phim khác của James Gray – chính là nhân vật như thế. Chúng ta gặp nhân vật chính ở đầu phim sau khi anh nhiều lần tự tử không thành. Câu chuyện phía sau Leonard được lật mở dần dần, và phim dần tiết lộ cho khán giả biết, chứng trầm cảm, cũng như sự tan vỡ của cuộc đính ước 7 năm đã đẩy Leonard đến bờ tuyệt vọng. Tuy nhiên, cả bộ phim không chỉ có sự vô vọng của nhân vật chính, mà Phoenix còn cho khán giả thấy, kể cả khi Leonard đang ở bờ vực cuộc đời, thì hi vọng và sự lạc quan vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong anh.
5. I’m Still Here (2010)
Hình ảnh thường thấy của Phoenix trong khoảng thời gian anh đóng I’m Still Here. (Ảnh: IMDb)
Diễn xuất tuyệt vời nhất của Phoenix trên màn ảnh, đấy là khi anh diễn mà như không diễn. Năm 2009, nam diễn viên nuôi râu và thông báo đến truyền thông rằng anh sẽ nghỉ hưu để bắt đầu sự nghiệp hip hop. Hành trình ấy đã được ghi lại trong bộ phim “tài liệu” của Casey Affleck mang tên I’m Still Here, với Phoenix đang đứng giữa ngã rẽ của sự nghiệp và phải chịu áp lực rất lớn. Sau khi ra mắt bộ phim, anh trở lại với cuộc sống thường ngày và tiết lộ rằng các sự kiện trong bộ phim “tài liệu” đều do anh và đạo diễn sắp xếp. Điều tuyệt vời nhất của I’m Still Here đấy là Joaquin Phoenix không chỉ sống cùng nhân vật trong quá trình quay mà còn duy trì chiếc “mặt nạ” của nhân vật kể cả khi xuất hiện trước công chúng để biễn diễn hip-hop thực sự ngoài đời.
6. The Master (2012)
Sau này, các nhà làm phim có vẻ rất thích giao cho Phoenix các vai bi kịch, dị thường hoặc thất tình. (Ảnh: IMDb)
Sau khi nghỉ diễn xuất một thời gian và liên tục có hành vi cũng như vẻ ngoài bất thường, người ta bắt đầu nghi ngờ liệu anh có trở lại với sự nghiệp làm diễn viên nữa hay không. Nhưng mọi nghi ngờ đều được đập tan sau khi The Master ra mắt năm 2012, với Joaquin Phoenix trong vai Freddie Quell, một người lính trong Thế Chiến Thứ II bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Phim cũng theo chân mối quan hệ của anh với Lancaster Dodd, lãnh đạo một giáo phái bí ẩn do Philip Seymour Hoffman thể hiện. Dodd và vợ mình là Peggy (Amy Adams) dùng Freddie như một công cụ để thí nghiệm và nghiên cứu tâm lý. Joaquin Phoenix như thường lệ, đã cho thấy tài năng của mình khi mang đến cho người xem những cảnh phim mạnh mẽ, chân thật và thấu tận tâm can người xem.
7. Her (2013)
Vẻ mặt đang yêu của Theodore trong Her, do Phoenix thể hiện. (Ảnh: IMDb)
Một người đàn ông bị ám ảnh vì tình không phải là vai diễn hiếm đối với Phoenix, nhưng không giống như Inherent Vice hay Two Lovers, Her có nét ngọt ngào và khắc khoải khi mang đến cho khán giả một mối tình kỳ lạ giữa nhân vật chính Theodore và Samantha (do Scarlett Johansson lồng tiếng). Bi kịch của mối tình này đến từ việc cả hai sẽ không bao giờ có thể đến được với nhau, mặc dù họ hiểu nhau hơn bất cứ ai. Phoenix không còn vẻ quằn quại hay dữ tợn của những bộ phim trước, mà trông dễ tổn thương và đáng mến đến lạ khi anh chìm vào đau khổ cũng như hạnh phúc của tình yêu.
8. Inherent Vice (2015)
Phoenix trong Inherent Vice. (Ảnh: IMDb)
Một vai “dở dở hâm hâm” nữa của Joaquin Phoenix trong Inherent Vice và anh tiếp tục chiếm được cảm tình của khán giả khi hóa thân vào một thám tử “hippie”, nghiện thuốc và trông hoàn toàn không được bình thường. Với mái tóc dài, râu xồm xoàm và thái độ lãnh đạm, nhân vật của Phoenix gần như làm khán giả chẳng thể hiểu được anh ta đang nói gì. Ngay từ những ấn tượng đầu tiên, Inherent Viceđã mang cảm giác của một bộ phim hài, nhí nhố với nhân vật chính Doc Sportello do Phoenix thể hiện. Thế nhưng, về cuối phim, gương mặt thật của Doc Sportello mới được hé lộ, cho khán giả thấy một nhân vật với trái tim bị tổn thương vì tình.
Luôn hết mình vì vai diễn, chúng ta không phải nghi ngờ gì về cố gắng của Joaquin Phoenix trong những bộ phim mà anh tham gia. Bạn đã xem hết các phim của Joaquin Phoenix chưa và bạn thích bộ phim nào nhất?
Theo moveek.com
Her - Yêu ảo, nhưng hạnh phúc có là thật?
Câu thoại của bộ phim do Spike Jonze làm đạo diễn, đã mô tả đầy đủ tác phẩm vừa nhẹ nhàng, khắc khoải, vừa lạnh lùng và đáng sợ theo cách riêng của nó, mang tên her.
"Yêu là một chuyện rất điên. Nó giống như một kiểu mất trí được xã hội chấp nhận vậy."
her ra mắt năm 2013, lấy bối cảnh nước Mỹ ở một tương lai xa xôi, nơi mà con người gần như phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Chúng ta theo chân người đàn ông tên Theodore Twombly(Joaquin Phoenix), nhà văn chuyên viết hộ thư tay để khách hàng gửi đến những người yêu thương của họ. Ở một thế giới mà người ta gần như chẳng còn buồn cầm đến một cây bút hay thậm chí là đánh máy, mất dần khả năng biểu lộ cảm xúc, đó chính là lúc họ cần đến những người như Theodore.
Dù có thể viết những bức thư tình miên man cảm xúc, nhưng cuộc sống riêng của Theodore lại trái ngược hoàn toàn: lạnh lùng, vắng bóng tình yêu. (Ảnh: IMDb)
Hoàn cảnh thực tế của Theodore, oái ăm thay, lại trái ngược với những bức thư anh viết. Cô đơn, hôn nhân tan vỡ, không có khả năng kết nối với bất cứ ai, cho đến khi Theodore gặp Samantha (do Scarlett Johansson lồng tiếng). Samantha là một hệ điều hành có trí thông minh nhân tạo phát triển đến vượt bậc, có thể trò chuyện và tiến hóa từng giờ, từng giây, từng phút. Qua thời gian, Theodore và Samantha bỗng nhận ra mình dần yêu nhau.
Một trong những yếu tố góp phần tạo nên cái hay của her, không chỉ đến từ nội dung, diễn xuất, âm nhạc, hình ảnh... mà còn đến từ khả năng khơi gợi cho người xem nhiều góc nhìn khác nhau. her không chỉ tái hiện khái niệm The Singularity, mà còn là ẩn ý về sự bắt đầu, phát triển và kết thúc của một mối quan hệ, thông qua chuyện tình kỳ lạ giữa con người và hệ điều hành.
Theo từ điển Oxfore, The Singularity là một giả thuyết về thời điểm trí tuệ nhân tạo cùng các công nghệ khác đã phát triển tột đỉnh đến mức tự bản thân con người phải trải qua một sự thay đổi rất lớn và không thể đảo ngược. Sự ra đời của Samantha - Cái tên mà hệ điều hành OS1 tự tìm kiếm và đặt cho mình trong khoảng thời gian 2 phần trăm giây, chính là bước đánh dấu con người đang tiến dần tới thời điểm cực đỉnh trong giả thuyết The Singularity. Bối cảnh của her có lẽ không quá "giả tưởng" khi công nghệ và trí thông minh nhân tạo trong cuộc sống hiện tại của con người đã và đang ngày càng phát triển.
Phim sử dụng rất nhiều gam màu đỏ, cam, các màu nóng, đặc tả cảm xúc và tình yêu mãnh liệt của nhân vật Theodore, nhưng lại đặt nhân vật trong không gian rộng, vắng người... cho thấy sự cô đơn và mất kết nối giữa người với người. (Ảnh: IMDb)
Chuyện con người ta đi đâu cũng đeo tai nghe, chúi mũi vào điện thoại, không còn biết bộc lộ tình cảm bằng lời nói hay bằng những chữ viết tay đã không còn quá xa lạ. Chúng ta đang dần phụ thuộc vào công nghệ và máy móc nhiều hơn chúng ta tưởng, cũng giống như Theodore phụ thuộc rất nhiều vào Samantha. Samantha đọc email cho anh, biên tập hộ anh, gửi những bức thư của anh đến một nhà xuất bản, trò chuyện cùng anh. Tất cả các tính năng ban đầu của Samantha đều đã xuất hiện ngoài thực tế trên Siri, một phần mềm được tính hợp trong chiếc điện thoại di động của hãng Apple. Những khi Theodore thắc mắc chuyện gì, Samantha đều có thể giải đáp, thế thì chẳng giống tính năng tìm kiếm thông tin và trả lời câu hỏi từ chúng ta của Google hay sao.
Hài hước và thông minh, khiếm khuyết duy nhất của Samantha là một cơ thể thực sự. Samantha và Theodore yêu nhau, nhưng người xem tự hỏi liệu tình yêu này có thật hay không? Người ta nhìn nhận her là câu chuyện về một người đàn ông chỉ biết "sống ảo" và kết phim là cú tát tỉnh mộng dành cho anh. Tất cả các hệ điều hành khi đã phát triển vượt bậc, bắt đầu rời bỏ con người. Con người buộc phải trải qua một sự thay đổi lớn, nhưng sự thay đổi lớn ấy lại đơn giản vô cùng: trở về sống thật. Trò chuyện thật, nuôi cảm xúc thật và yêu một con người thật.
Kể cả trong khung cảnh đông đúc thế này, ta vẫn thấy sự tách biệt của Theodore đối với những người xung quanh. (Ảnh: IMDb)
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có những người cho rằng hạnh phúc của Theodore khi anh ở cạnh Samantha không phải là ảo, mà là thật, với đủ hỉ, nộ, ái, ố chẳng khác mấy so với mối quan hệ giữa hai con người. Điểm duy nhất mà họ không có là sự thân mật về thể xác, nhưng Theodore chẳng mấy quan tâm đến điều đó. Nếu không nhìn Samantha như một hệ điều hành, mà nhìn cô như một con người mà Theodore không bao giờ thấy mặt, liệu xã hội có cau mày đánh giá mối quan hệ của họ, như cách mà Catherine (Rooney Mara) - vợ cũ của Theodore nhìn nhận họ hay không? Trường hợp yêu nhau qua mạng vốn đã tồn tại kể từ lúc internet phát triển và những phần mềm trò chuyện, giao tiếp như Yahoo, Messenger ra đời. Đôi khi chẳng cần thấy nhau, nhưng chỉ cần hai tâm hồn đồng điệu, là họ đã có thể yêu nhau như cách mà Theodore yêu Samantha. her theo một góc nhìn khác, chính là đang nói đến chuyện tình yêu vì đâu mà nở hoa, và một mối quan hệ vì lẽ gì mà chấm dứt.
Theodore và vợ cũ đã từng là bạn rất thân, cả hai lớn lên cùng nhau, yêu nhau, nhưng cuối cùng vì thay đổi, mà đã không thể ở bên nhau mãi. Theodore giải thích với Samantha rằng mỗi người chúng ta có tốc độ thay đổi khác nhau, người thì quá nhanh, người lại quá chậm, những người đã từng cùng ta sát cánh qua bao khó khăn, đến một lúc nào đó cũng sẽ không thể cùng ta đi qua mọi con đường như họ đã từng trong quá khứ, bởi họ cũng cần có con đường riêng cho mình. Dõi theo chuyện của Theodore trên màn ảnh, bao nhiêu người đã không khỏi nghĩ về câu chuyện của chính mình? Ai đã từng yêu, đã từng đau khổ vì tình hẳn sẽ hiểu cảm giác ấy.
Nụ cười của Theodore khi anh yêu Samantha, nụ cười hạnh phúc thực sự. (Ảnh: IMDb)
Ngoại trừ chuyện không có cơ thể, thì Samantha cũng giống như một con người, và đi song song với sự phát triển đó, Samantha cũng dần thay đổi với tốc độ mà Theodore không thể đuổi kịp.
"Nó giống như đọc một quyển sách vậy, một quyển sách em rất yêu. Em đọc rất chậm, và khoảng cách giữa các từ cứ xa dần nhau ra, xa đến gần như vô tận. Em vẫn cảm thấy anh... và từ ngữ trong câu chuyện của chúng ta... nhưng em lại kẹt trong khoảng không vô tận giữa các từ."
Khi Samantha rời đi, cô nói với Theodore rằng "Thật khó giải thích, nhưng nếu anh đến được nơi đó, hãy tìm em. Chẳng gì có thể chia cách chúng ta được nữa." Nhưng chúng ta đều biết, khoảng cách giữa Samantha và Theodore không phải là khoảng cách vật lý mà họ có thể dễ dàng vượt qua, mà là sự khác biệt trong trải nghiệm, trong cách sống khó có thể dung hòa được.
her là câu chuyện về mở đầu, phát triển và kết thúc của một mối quan hệ. (Ảnh: IMDb)
Tất cả chúng ta đều thay đổi, nhưng người bên cạnh ta đến phút cuối, phải là người có cùng tốc độ thay đổi với ta, phải rẽ cùng hướng với chúng ta. Ta có thể buồn vì ai đó đã ra đi, nhưng đừng chìm đắm trong quá khứ như Theodore, bởi "... Em nhận ra rằng, đời người ngắn lắm. Vì thế khi nào em còn sống, em muốn bản thân mình phải thật vui".
Ta không phải gồng mình chạy theo bất cứ ai cả, bởi điều quan trọng nhất, vẫn là hạnh phúc của bản thân mình. Theodore giữa bầu trời đêm đầy tuyết rơi trong tâm trí, đã nói lời tạm biệt với Samantha: "Anh sẽ không bao giờ yêu ai như anh đã yêu em". Theodore sẽ còn yêu người khác, và có thể là thêm một người khác nữa, đương nhiên, là chẳng lần yêu nào giống với lần yêu nào.
Theo moveek.com
Netflix và những bộ phim đáng xem nhất (Phần 2) Phần 2 của loạt bài viết về những phim hay nhất trên Netflix hiện tại. Tuy nhiên, trừ Monty Python and the Holy Grail thì các phim còn lại các bạn chỉ có thể tìm thấy trên Netflix US mà thôi. 8. City of God (2003) Ảnh: TNYT Bộ phim nhận 4 đề cử Oscar năm 2003 của đạo diễn Fernando Meirelles xoay...