Jimmy Carter – tàu ngầm bí ẩn nhất của hải quân Mỹ
Nhiều điều bí ẩn về con tàu ngầm tấn công lớp Seawolf Jimmy Carter của hải quân Mỹ đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Tàu ngầm tấn công lớp Seawolf USS Connecticut hoạt động trên Thái Bình Dương. Ảnh: Wikimedia
Ngày 20/1/2013, tàu ngầm tấn công lớp Seawolf USS Jimmy Carter bắt đầu rời cảng Bangor ở Washington, Mỹ. Hai tháng sau, người ta thấy nó xuất hiện ở Trân Châu Cảng, Hawaii, để sửa chữa. Điều đáng chú ý là trong suốt quãng thời gian ngoài khơi, không ai biết Jimmy Carter ở đâu và thủy thủ đoàn gồm 150 người của con tàu này đã làm gì. Tàu ngầm lớp Seawolf được xếp vào hàng vũ khí tối mật của Mỹ và thông tin về “kẻ phục vụ thầm lặng” này cũng vô cùng hiếm hoi, theo War is Boring.
Sứ mệnh số 7
Hồ sơ hoạt động hàng năm của Jimmy Carter cho thấy con tàu này từng tham gia nhiệm vụ mang tên Sứ mệnh số 7. Tuy nhiên, mô tả về chúng khá mơ hồ.
“Phải hoạt động trong điều kiện bất lợi và vô cùng căng thẳng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, lần triển khai này tiếp tục nối dài truyền thống xuất sắc của USS Jimmy Carter trong việc theo đuổi những mục tiêu an ninh quốc gia quan trọng”, bản ghi hoạt động của con tàu có đoạn.
Ngoài ra, các ghi chú xuất hiện trong bảng thống kê hoạt động của Jimmy Carter chủ yếu nhắc tới một buổi dã ngoại hồi tháng 7 và một bữa tiệc Halloween dành cho thủy thủ đoàn ba tháng sau đó.
Nhưng chỉ cần một Sứ mệnh số 7 thôi cũng đã đủ mang về cho các thủy thủ trên tàu bằng khen Presidential Unit Citation danh giá vì những “hành động anh hùng phi thường khi chống lại kẻ thù có vũ trang”, theo một văn bản chính thức của hải quân.
Là một trong những tàu ngầm tấn công lớp Seawolf cuối cùng, Jimmy Carter mang nhiều đặc điểm độc nhất vô nhị. Trong quá trình chế tạo, Lầu Năm Góc đã bổ sung cho tàu một mô-đun đặc biệt, dài hơn 30 m, nặng 2.500 tấn, được gọi là Nền tảng Đa nhiệm.
Không gian này có thể chứa các thiết bị không người lái dưới đáy biển, lính Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) cùng nhiều tác dụng khác. Quan trọng hơn cả, bộ phận hình đồng hồ cát kể trên cho phép các đặc nhiệm tìm kiếm và tiến hành theo dõi các tín hiệu liên lạc trong lòng đại dương, đồng thời gắn thiết bị nghe lén dưới đáy biển.
Chính đặc điểm này đã khiến giới phân tích quân sự đánh giá Jimmy Carter nhiều khả năng là một trong những tàu ngầm gián điệp bí mật nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Một manh mối khác nằm ở bằng khen Presidential Unit Citation mà thủy thủ đoàn tàu Jimmy Carter được trao vì hoàn thành Sứ mệnh số 7. Điều này tương đương với việc họ nhận Huân chương Thập tự Hải quân, phần thưởng danh giá thứ nhì của quân đội Mỹ. Dựa trên tiêu chí ấy, Sứ mệnh số 7 rõ ràng là một nhiệm vụ “cực kỳ khó khăn và nguy hiểm”, bình luận viên Joseph Trevithick từ trang tin War is Boring đánh giá.
Theo một bản ghi miêu tả nhiệm vụ của Jimmy Carter, cùng với các thủy thủ đến từ Biệt đội Nghiên cứu và Phát triển Đáy biển, con tàu đã “hoàn thành xuất sắc các hoạt động tàu ngầm độc lập vô cùng khắt khe và gian nan, có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh quốc gia Mỹ”. Cả hai đơn vị đều “vượt qua hàng loạt trở ngại để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và khó khăn một cách an toàn mà không để xảy ra bất kỳ sự cố nào”.
Hai bức ảnh đính kèm bản báo cáo trên còn cho thấy hạm trưởng Brian Elkowitz của tàu cùng các quan chức khác đang cầm trên tay tấm cờ hiệu được đóng khung. Một người xuất hiện trong cả hai bức ảnh bị che mặt, dường như là vì lý do cá nhân.
Video đang HOT
Trung tá Brian Elkowitz, thứ hai từ trái sang, cùng một số quan chức khác cầm tấm cờ hiệu Presidential Unit Citation trên tàu Jimmy Carter. Ảnh: US Navy
Hạm đội đặc biệt
Tất cả các tàu mặt nước, tàu ngầm, phi đội máy bay hay các trạm chỉ huy mặt đất của quân đội Mỹ hàng năm đều phải gửi báo cáo lịch sử hoạt động về cho Bộ Chỉ huy Di sản và Lịch sử Hải quân ở Washington. Tuy nhiên, những ghi chép về Jimmy Carter chủ yếu đề cập tới những bí ẩn xung quanh tàu hơn là những hoạt động thực tế của nó.
Hải quân Mỹ tỏ ra đặc biệt kín tiếng về các tàu thuộc lớp Seawolf. Dự án Seawolf ban đầu có kế hoạch chế tạo ra những tàu ngầm tấn công hiện đại nhất dưới đáy biển, song Washington đã thu hẹp chương trình trên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Mỹ nhận thấy những mối đe dọa từ tàu ngầm công nghệ cao tương tự của Nga dường như không còn nữa.
Thay vì thành lập một hạm đội gồm 30 tàu như dự tính, Lầu Năm Góc chỉ sắm ba tàu với giá thành lên tới ba tỷ USD mỗi chiếc. Với chiều dài hơn 105 m, lượng giãn nước 9.100 tấn, tàu lớp Seawolf là những tàu ngầm tấn công đắt đỏ nhất mà Mỹ từng chế tạo và chỉ xếp hàng thứ hai nếu xét chung tất cả các chủng loại.
Mỹ sau này hợp nhất ba tàu ngầm tấn công USS Seawolf, Connecticut và Jimmy Carter thành lực lượng nòng cốt của Hạm đội Phát triển Tàu ngầm số 5. Đơn vị này có trách nhiệm thử nghiệm các thiết bị nghe dưới nước và tàu lặn điều khiển từ xa đi cùng tàu ngầm lớn hơn hoặc có thể hoạt động độc lập. Nhóm cũng đảm nhận việc phát triển các chiến lược chiến đấu mới ở Bắc Cực, một khu vực mà ở đó tàu ngầm có thể dễ dàng ẩn mình, tránh sự quan sát của đối phương.
Dù nhiệm vụ hiện nay không liên quan nhiều đến chiến đấu nhưng mỗi tàu vẫn sở hữu 8 ống phóng ngư lôi có khả năng khai hỏa tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk.
Hoạt động thu thập thông tin tình báo không được đề cập nhiều trong nhiệm vụ của đơn vị này. Dù cái tên của nó chỉ nhắc tới một chức năng duy nhất là thử nghiệm nhưng hải quân Mỹ từ trước tới nay thường có xu hướng dùng biệt danh kiểu như vậy để đặt cho các nhóm đặc nhiệm hoặc lực lượng tinh nhuệ. Điển hình như biệt đội SEAL 6 chuyên săn lùng khủng bố có tên chính thức là Nhóm Phát triển Tác chiến Đặc biệt của Hải quân.
Người tiền nhiệm bí ẩn
Tàu ngầm USS Parche. Ảnh: navsource.org
Hải quân Mỹ cho nghỉ hưu USS Parche, một con tàu ngầm bí ẩn khác, chỉ 4 tháng trước khi đưa Jimmy Carter vào hoạt động. Đây là một chi tiết đắt giá giúp củng cố suy đoán cho rằng Jimmy Carter thực sự là một tàu ngầm có nhiệm vụ gián điệp, Trevithick nhận định. USS Parche được ca ngợi là con tàu ngầm xuất sắc nhất của hải quân Mỹ với 9 lần được nhận bằng khen Presidential Unit Citation.
Theo War is Boring, USS Parche là tàu ngầm tấn công lớp Sturgeon, hoàn thành năm 1974, được đặc biệt nâng cấp để đột nhập đường cáp thông tin của Liên Xô. Trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến 1979, Parche đã xâm nhập thành công đường cáp ngầm dưới biển Okhotsk, phía bắc Nhật Bản, trong một sứ mệnh với mật danh Ivy Bells.
Thành công ở Okhotsk đã mở đường cho những nhiệm vụ khác ở vùng biển Barents đông đúc hơn đồng thời cũng nguy hiểm hơn. Để tránh các thiết bị săn ngầm của Liên Xô, Parche phải núp dưới lớp băng Bắc Cực trong khi tìm cách lẻn vào các tuyến hàng hải tại đây.
Gần một thập kỷ sau, Parche phải trải qua một đợt đại tu. Nó gia nhập Hạm đội Phát triển Tàu ngầm số 5 vào năm 1991.
Trong một cuốn sách của mình, hai tác giả Sherry Sontag và Christopher Drew cho rằng khu vực mở rộng trên tàu Jimmy Carter dùng để chứa những thiết bị tương tự với thứ mà tàu Parche từng mang theo khi đi vào vùng biển của Liên Xô.
Tuy nhiên, tướng Michael Hayden, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hồi năm 2001, đã phủ nhận những cáo buộc về việc tàu ngầm Mỹ đột nhập các đường cáp liên lạc dưới đáy biển.
WSJ hai năm sau tiếp tục dẫn một nguồn tin am hiểu sự việc đề cập đến những vai trò bí ẩn của tàu Jimmy Carter. Dù vậy, trải qua hơn một thập kỷ, những thông tin về con tàu này cũng như hoạt động của nó vẫn nằm trong vòng bí mật.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Báo Nga: Jimmy Carter bị tố phản quốc vì gửi bản đồ vị trí IS ở Syria cho Putin
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carters đã bị nghi ngờ phản quốc sau khi trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tấm bản đồ.
"Phương Tây bỏ qua đề xuất của Nga năm 2012 để Assad bước xuống"Mỹ vẫn là chìa khóa cho hòa bình ở Trung Đông?Cựu Tổng thống Mỹ Carter: Mỹ, phương Tây không thể ngăn được Putin
Tờ Tầm nhìn của Nga hôm 24/10 đưa tin cho biết, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carters đã bị nghi ngờ phản quốc sau khi trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tấm bản đồ.
Vụ việc bắt đầu từ "lời tự thú" của ông Carter trong một bài thuyết giảng trước các sinh viên ở bang Georgia gần đây, trong đó ông nói đã trao cho nhà lãnh đạo Nga một tấm bản đồ đánh dấu các vị trí của IS ở Syria.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ảnh BBC.
Theo tiết lộ của Carter, hồi tháng 5/2015, ông và Tổng thống Nga Putin đã trao đổi số điện thoại và địa chỉ email để thảo luận về sở thích câu cá.
Sau đó, ông Carter đã chủ động đề nghị chuyển cho Nga một tấm bản đồ về các vị trí của khủng bố IS tại Syria. Tổng thống Putin đã bày tỏ quan tâm tới vấn đề này và đề nghị ông chuyển thông tin qua Đại sứ quán Nga thông qua Trung tâm Carter - một tổ chức phi lợi nhuận do ông sáng lập vào năm 1981 tập trung vào các nỗ lực nhân quyền và hòa giải chính trị.
Trong cuối bài phát biểu của mình, ông Carter còn nói đùa rằng: "Vì vậy, nếu Nga ném bom (IS ở Syria), nên đổ lỗi cho tôi chứ không phải Putin".
Câu nói này của ông Carter đã châm ngòi cho làn sóng chỉ trích của phe bảo thủ, những người nghi ngờ ông có âm mưu phản quốc khi cung cấp cho Nga tấm bản đồ quý và thúc đẩy Moscow mở chiến dịch không kích khủng bố IS tại Syria.
Phe bảo thủ tại Mỹ cáo buộc chiến dịch không kích của Nga tại Syria không chỉ nhằm tiêu diệt khủng bố IS mà còn nhằm cả vào các mục tiêu là phe đối lập ôn hòa do phương Tây hậu thuẫn để củng cố quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Họ tin rằng sự thành công của chiến dịch không kích tại Syria của Nga đang đe dọa làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại quốc gia này cũng như ở khu vực Trung Đông và thất bại này có sự tham gia của ông Carter.
Những cáo buộc chống lại ông Carter đến chủ yếu từ đảng Cộng hòa. Ngoài ra, MCNBC và trang The Washington Free Beacon, Fox News cũng góp phần gia tăng sức ép bằng cách đăng tải những bài viết chống lại ông Carter.
Fox News, cơ quan ngôn luận chính của đảng Cộng hòa, đã đăng tải bài viết gọi Carter là "ông già ngây thơ". Trong khi đó, các blogger bảo thủ, bình luận viên đài phát thanh và những người ủng hộ đảng Cộng hòa như trút lên đầu cựu Tổng thống Mỹ tất cả sự giận dữ của họ.
Tuy nhiên, những tờ báo có uy tín hàng đầu của Mỹ đã lên tiếng bênh vực ông Carter. Tích cực nhất trong đó là The New York Times, tờ báo đã đặt ra nghi ngờ về cơ sở của cáo buộc và chỉ trích mạnh mẽ các tờ báo trên về vụ việc.
Theo The New York Times, thật khó có thể tin rằng tấm bản đồ ông Carter cung cấp cho Nga lại là một dấu hiệu của âm mưu phản quốc vì hai lý do: ở vị trí hiện tại ông khó có thể truy cập vào các dữ liệu an ninh mật của chính phủ và ông không thể bán rẻ đất nước khi đã từng giữ vị trí Tổng thống.
Tiếp đó, The New York Times đã gửi tới Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Trung tâm Carter các báo cáo chống lại bài viết của MCNBC và The Washington Free Beacon.
Phản ứng đầu tiên, đại diện của Lầu Năm Góc từ chối xác nhận vụ việc gây tranh cãi.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Trung tâm Carter luôn theo sát các sự kiện ở Syria và thường xuyên đăng tải các báo cáo của phương Tây xung quanh vấn đề này.
"Những dữ liệu địa lý không phải là thông tin mật vì hầu hết trong số đó đã được công bố trên trang web của Trung tâm Carter", bà cho biết thêm.
Jimmy Carter giữ chức Tổng thống Mỹ trong năm 1977-1981. Trong lần tái tranh cử, ông đã bại trước đối thủ là Ronald Reagan.
Sự thất bại trong lần tái tranh cử của ông diễn ra vào thời điểm xảy ra một loạt sự kiện quan trọng tại Trung Đông làm suy yếu vị thế của Washington trong khu vực như cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran, Liên Xô tham gia chiến tranh ở Afghanistan. Trong nước, nền kinh tế Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn lớn.
Điều này đã thúc đẩy chiến thắng của Reagan, người giương khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của mình: "Nước Mỹ chỉ phục hồi khi Carter mất việc".
Trên quan điểm của đảng Cộng hòa, Carter là "Tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ". Một nửa thành viên đảng này hiện vẫn không tha thứ cho sự thất bại của chính phủ của ông.
Tuy nhiên, ông Carter vẫn nhận được nhiều sự kính trọng trong cộng đồng quốc tế. Nhiều năm qua, ông vẫn tích cực đóng vai trò là một trong những nhà phản biện chính sách của Washington được kính trọng. Nhiều người vẫn nghi ngờ những nhận định cho rằng ông là "một Tổng thống tồi tệ nhất".
Ông Carter được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 vì những đóng góp trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, cho quyền con người và các sáng kiến dân chủ cũng như thúc đẩy các chương trình kinh tế-xã hội./.
Nguyễn Hường
Theo giaoduc
Cựu tổng thống Carter 'chỉ điểm' cho Nga không kích IS? Nga được xem là thành công trong chiến dịch không kích IS ở Syria vì đâu? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc "chỉ điểm" của một cựu tổng thống Mỹ, theo Fox News. Cựu tổng thống Jimmy Carter "chỉ điểm" cho ông Putin không kích IS - Ảnh: Reuters Chiến dịch không kích của Nga được nói là rất hiệu quả...