JICA hỗ trợ nâng cao năng lực đào tạo ngành đường sắt đô thị
Theo tin từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ( JICA), ngày 20/10, cơ quan này và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ký Biên bản thảo luận dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị cho Trường Cao đẳng Đường sắt”.
Lắp đặt toa xe của đoàn tàu số 2 (tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên). Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Mục tiêu của dự án là nhằm tăng cường năng lực đào tạo nhân lực và vận hành đường sắt đô thị Việt Nam, giúp hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được vận hành an toàn, hiệu quả, đem lại sự an tâm cho người sử dụng. Dự án dự kiến được thực hiện trong 4 năm, từ tháng 1/2022 tới tháng 1/2026.
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng các giáo trình và các chương trình đào tạo về đường sắt đô thị, đào tạo đội ngũ giảng viên, đề xuất hoàn thiện cơ sở và hành lang pháp lý cùng các hướng dẫn cho đào tạo nhân lực đường sắt đô thị, cung cấp các giải pháp và nâng cao hiểu biết về an toàn vận hành đường sắt đô thị.
Hiện tại, chưa có tuyến đường sắt đô thị nào được đưa vào sử dụng tại Việt Nam và phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là ô tô và xe máy. Sự gia tăng dân số thành thị nhanh chóng từ khoảng 26 triệu dân năm 2010 tới 36 triệu dân năm 2020 đã kéo theo sự bùng nổ số lượng ô tô và xe máy, khiến vấn đề tắc nghẽn giao thông trở nên nghiêm trọng hơn, tai nạn giao thông gia tăng, ô nhiễm khí thải trầm trọng hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội.
Để ứng phó với các vấn đề này, JICA đang triển khai thực hiện các dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 đoạn Bến Thành – Suối Tiên tại TP Hồ Chí Minh và tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo tại Hà Nội. Ngoài ra, các nhà tài trợ khác cũng đang hỗ trợ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xây dựng các tuyến đường sắt đô thị khác. Các tuyến này dự kiến sắp được đưa vào khai thác trong thời gian tới.
Video đang HOT
Theo ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam, ở Nhật Bản, việc đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt đô thị rất được chú trọng. Các nhân viên được tham gia các khóa đào tạo về lái tàu an toàn, dịch vụ hành khách để đảm bảo hệ thống đường sắt đô thị được vận hành an toàn, tin cậy, chất lượng dịch vụ hành khách được ưu tiên hàng đầu.
Thông qua việc tiếp nhận những kinh nghiệm trong phát triển đường sắt đô thị của Nhật Bản, Trường Cao đẳng Đường sắt sẽ được nâng cấp, hướng tới cung cấp nhân lực đáp ứng những yêu cầu về an toàn trong vận hành đường sắt, mang tới sự an tâm cho người dân Việt Nam khi sử dụng đường sắt đô thị.
Dự án được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực phát triển mạng lưới giao thông an toàn, thuận tiện cho người dân ở đô thị, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Mặt khác, các học viên tham gia khóa đào tạo cũng sẽ giúp tăng cường sự giao lưu giữa nhân dân hai nước, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Việt – Nhật.
Đề xuất mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây bằng vốn vay nước ngoài
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đề xuất Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Phương tiện lưu thông đoạn Vành đai 2 đến Quốc lộ 51 đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN
Theo đó, dự án có mục tiêu đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và các công trình trên tuyến, với chiều dài khoảng 23,76 km, quy mô mặt cắt ngang sau mở rộng đạt 8 làn xe cao tốc, riêng cầu Sông Tắc 10 làn xe, cầu Long Thành 9 làn xe (5 làn chiều TP Hồ Chí Minh đi Long Thành và 4 làn chiều ngược lại); tốc độ thiết kế từ 100 -120 km/h.
Đoạn tuyến được đề xuất đầu tư mở rộng có điểm đầu (Km0 800) tại vị trí sau nút giao An Phú, thuộc phường An Phú, quận Thủ Đức (thành phố Thủ Đức), TP Hồ Chí Minh. Điểm cuối (Km24 558) tại vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu, thuộc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trong đó, đoạn tuyến qua địa bàn TP Hồ Chí Minh khoảng 11,768 km tính từ điểm đầu Km0 800 đến giữa cầu Long Thành tại lý trình Km 12 568. Chiều dài qua địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 11,990 km tính từ điểm giữa cầu Long Thành tại lý trình Km 12 568 đến điểm cuối tại Km24 558. Riêng đoạn từ Km24 558 đến nút giao Dầu Giây giữ nguyên quy mô đã đầu tư 4 làn xe hiện hữu.
Theo quy hoạch đoạn đề xuất mở rộng từ nút giao An Phú, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đến vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được quy hoạch theo 3 đoạn: An Phú - Vành đai 2 TP Hồ Chí Minh (Km0 800 Km4 514) gồm 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36m; Vành đai 2 - Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (Km4 514 Km8 770) gồm 8 làn xe, chiều rộng mặt cầu 41,5m; Vành đai 3 - cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8 770 Km24 558) 8 làn xe cao tốc cho toàn tuyến, chiều rộng nền đường 42,5 m.
Trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất thực hiện giải phóng mặt bằng đảm bảo cho quy mô giai đoạn hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh cho đoạn tuyến đề xuất mở rộng khoảng 23,76 km chưa gồm lãi vay vào khoảng 16.379,0 tỷ đồng, tương đương 715,9 triệu USD.
Dự kiến tổng mức đầu tư cho đoạn tuyến đề xuất mở rộng khoảng 23,76 km trong giai đoạn đầu tư phân kỳ là khoảng 12.969,4 tỷ đồng tương đương 566,8 triệu USD, gồm chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng...
Đơn vị đề xuất Dự án đề xuất vay ODA của JICA dự kiến là 10.217,5 tỷ đồng, tương đương 446,6 triệu USD cho các hang mục: chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát, chi phí khác, chi phí dự phòng.
Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.751,8 tỷ đồng, tương đương 120,27 triệu USD cho các hạng mục: Thuế VAT của chi phí xây lắp và chi phí dự phòng, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án; chi phí dự phòng và lãi vay.
Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 5 năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (từ năm 2021 đến năm 2025).
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe cao tốc đưa vào khai thác từ năm 2015.
Sau 5 năm đưa vào khai thác, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải, đặc biệt là các dịp lễ, tết luôn luôn xuất hiện tình trạng kẹt xe trên tuyến cao tốc này (theo số liệu năm 2019, lưu lượng trung bình đoạn đầu tuyến đoạn Long Phước - Quốc lộ 51 là 52.414 PCU/ngày đêm (xe con quy đổi), ngày lễ tết, cuối tuần lưu lượng đạt gần 57.000 PCU/ngày đêm.
Trong khi với quy mô hiện tại đáp ứng được khoảng 44.000 PCU/ngày đêm. Do đó từ cuối năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Vì vậy, với quy mô hiện tại của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây không đáp ứng nhu cầu vận tại hiện tại, cũng như trong tương lai, do đó cần sớm nghiên cứu để đầu tư mở rộng tuyến cáo tốc này, đáp ứng được nhu cầu lưu thông trên tuyến, đồng bộ với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vì sao Hà Nội "từ chối" tiếp nhận các chuyến bay, tàu chở khách? Do ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo dừng các chuyến bay, đoàn tàu chở khách đến Hà Nội. Lo ngại Covid-19 tràn vào Hà Nội UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ...