JCPOA trong mớ bòng bong
Iran đã chơi bài ngửa, tỏ rõ nỗ lực làm giàu urani một cách thần tốc trong khi EU vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để cứu vãn JCPOA. Vấn đề hạt nhân Iran vẫn là mớ bòng bong khó gỡ.
Nói là… làm!
Phái viên của Iran tại Liên Hiệp Quốc Ali Nasimfar vừa qua cho biết, Tehran chuẩn bị tiếp tục giảm những cam kết của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) cứ 60 ngày một lần trừ khi các bên còn lại trong thỏa thuận này đưa ra những biện pháp thiết thực để bảo vệ thỏa thuận.
Điều này cho thấy Iran không còn nhiều niềm tin vào thỏa thuận hạt nhân và các bên cam kết. “Gửi các đồng nghiệp EU/E3 của tôi: 1- Các bạn đã thực sự thực thi đầy đủ cam kết theo JCPOA hay chưa? Chỉ cho thấy một điều rằng các bạn đã duy trì nó trong 18 tháng qua. 2- Iran đã khởi động và dốc sức cho một cơ chế giải pháp còn đang tranh luận trong khi các bạn lại trì hoãn. Hiện chúng tôi đang vận dụng các biện pháp khắc phục trong đoạn 36″, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter ngày 12-11.
Theo Iran, đoạn 36 của thỏa thuận cho phép Tehran giảm bớt các cam kết của mình do các bên ký thỏa thuận không tuân thủ JCPOA. Các bên ký JCPOA của châu Âu luôn tranh cãi điều này.
Mọi biện pháp được Iran đưa ra hoàn toàn có thể hủy bỏ nhưng chỉ với điều kiện những bên còn lại của JCPOA đưa ra những bước đi thiết thực nghiêm túc để giữ JCPOA hoặc cùng với Mỹ, chịu hoàn toàn trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả nào có thể xảy ra.
Đi kèm là hành động mà Tehran đang áp dụng để khẳng định với Mỹ và EU rằng Iran không chỉ “nói suông”. Theo báo cáo công bố hôm 11-11 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đơn vị giám sát việc thi hành thỏa thuận hạt nhân, Iran đang đẩy nhanh tiến độ làm giàu uranium tại cơ sở ngầm Fordow.
Video đang HOT
IAEA cũng phát hiện dấu vết uranium tại một địa điểm chưa được công bố ở Iran. Các thanh sát viên của IAEA đã “phát hiện dấu vết của uranium tự nhiên được xử lý nhân tạo tại một địa điểm mà Iran chưa công bố với IAEA”. Dấu vết này được cho là sản phẩm của uranium được khai thác và xử lý ban đầu nhưng chưa được làm giàu. IAEA cho biết thêm rằng, điều cần thiết ở đây là Iran phải tiếp tục làm việc với cơ quan này để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.
IAEA cho biết, kho dự trữ uranium đã làm giàu hiện tại tương đương 551 kg, trong khi mức trần trong thỏa thuận hạt nhân 2015 là 300 kg. Một nhà ngoại giao ở Vienna cho biết, sản lượng làm giàu uranium của Iran đã tăng lên tới hơn 100 kg/tháng và có thể còn gia tăng hơn nữa.
Phía Iran không lên tiếng phản bác những nhận định của IAEA, thậm chí, tuần trước, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi đã tuyên bố rằng Iran có đủ năng lực để làm giàu urani ở tỷ lệ 20%. Ông nói thêm rằng nước Cộng hòa Hồi giáo đang nối lại việc làm giàu urani ở mức 5% tại cơ sở hạt nhân Fordow, bơm khí urani vào máy ly tâm và vận hành 60 máy ly tâm tiên tiến IR-6.
Trong diễn biến gần đây, Người phát ngôn AEOI Behrouz Kamalvandi cũng xác nhận rằng Iran hiện đang sản xuất urani ở mức 5%, đồng thời tái khẳng định Tehran có đủ khả năng làm giàu urani ở mức 5%, 20%, 60% hay bất kỳ mức độ nào khác. Điều này đánh dấu một giai đoạn nguy hiểm mới trong những thách thức hạt nhân của Iran, khi hiện tại họ đang sử dụng một loại máy ly tâm nguyên mẫu làm giàu urani nhanh hơn gần 50 lần so với những gì được phép trong khuôn khổ JCPOA.
Iran đang làm giàu urani một cách thần tốc.
Hệ quả của chính sách “áp lực tối đa”
Với những động thái mạnh mẽ gần đây thể hiện sự mất kiên nhẫn, Iran có thể cũng sẽ nhận lại một thái độ mất kiên nhẫn từ những thành viên khác của JCPOA và có thể sẽ phải đón “cơn mưa” lệnh trừng phạt.
Trước cuộc gặp tại Paris hôm 11-11 giữa các quan chức Anh, Pháp, Đức và EU, một nguồn tin châu Âu nói rằng “cánh cửa cơ hội để xuống thang đang ngày một khép lại một cách nghiêm trọng”. Một lựa chọn cho các cường quốc phương Tây đó là khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân, theo đó các nước sẽ có 30 ngày để giải quyết vấn đề.
Nếu vấn đề không được giải quyết, nó sẽ được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có thể dẫn tới việc “áp đặt trở lại” các lệnh trừng phạt từng được gỡ bỏ theo thỏa thuận. Sau cuộc họp tại Paris, các nước thành viên EU trong thỏa thuận hạt nhân 2015 nói: “Chúng tôi khẳng định sẵn sàng cân nhắc tất cả cơ chế trong JCPOA, bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp, để giải quyết các vấn đề này”.
Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi đó là thỏa thuận tồi tệ nhất và triển khai chính sách gây “áp lực tối đa”. Nhà lãnh đạo Mỹ gia tăng trừng phạt và không ngừng đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông Trump nói rằng mục tiêu của ông là đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với Iran và chính sách mà ông thực hiện sẽ buộc quốc gia này phải ngồi vào bàn đàm phán thỏa thuận mới.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra có thể thấy rõ, chính sách gây áp lực tối đa chưa đủ sức ép để Iran phải tiến tới bàn đàm phán và cũng không hề khiến nước Cộng hòa Hồi giáo thu hẹp các hoạt động tại Trung Đông. Thực chất chính sách này thậm chí còn phản tác dụng và khiến Iran trở nên cương quyết hơn. Iran vừa công bố việc tiến hành giai đoạn 4 trong tiến trình từng bước rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là xa rời dần các giới hạn áp đặt với chương trình hạt nhân theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Phải chăng, chính sách của Mỹ đã “già néo đứt dây”? Ở thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump và chính quyền không còn nhiều lựa chọn trong việc đối phó với Iran và ngoài đe dọa quân sự, Washington cũng không còn nhiều công cụ để gây thêm sức ép. Các chuyên gia cho rằng, Chính quyền Tổng thống Trump hy vọng việc Iran từng bước xa rời thỏa thuận hạt nhân sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và đưa nhiều quốc gia về phía chiến tuyến của Mỹ trong cuộc xung đột này.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra không hoàn toàn như vậy, tới đây, các cuộc tranh luận sẽ xoay quanh việc tổng thống tiếp theo của nước Mỹ có thể làm gì để hóa giải tình thế mà ông Trump đang tạo ra trong quan hệ với Iran.
Hà Phương (tổng hợp)
Theo cand.com.vn
Nóng : Iran đòi Mỹ 50 tỷ USD tiền bồi thường
Iran đòi Mỹ bồi thường cho những thiệt hại vì lệnh trừng phạt.Hãng ISNA đưa tin với tham chiếu tuyên bố của Thư ký Hội đồng cố vấn (cơ quan tư vấn cho nhà lãnh đạo tối cao), ông Mohsen Rezai.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Iran.
Theo tin đưa, Tehran cho rằng Washington có nghĩa vụ phải trả số tiền như vậy để nước Cộng hòa Hồi giáo có thể trở lại thực thi các thỏa thuận hạt nhân.
"Chúng tôi cần những điều kiện ngoài Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA)",- ông Rezai nói. Ông đồng thời tuyên bố rằng Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt đang cố gắng cắt đứt quan hệ thương mại của Iran và tiến tới phong tỏa đất nước.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Seyed Abbas Mousavi cho rằng: "Các biện pháp trừng phạt này giống như các lệnh trừng phạt đơn phương khác của Mỹ, đi ngược lại quy định, nguyên tắc chính của quan hệ quốc tế và đặc biệt, vi phạm các cam kết quốc tế trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp ước Amity và phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế. Mỹ nên chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm của mình thông qua các kênh tư pháp".
Theo danviet
Iran tiếp tục ra điều kiện đối với thỏa thuận hạt nhân Iran quyết định hạn chế việc thực thi cam kết của mình, nếu các bên còn lại không đưa ra những biện pháp thiết thực để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. Ngày 12/11, phái viên Iran tại Liên Hợp Quốc Ali Nasimfar cảnh báo, cứ 60 ngày một lần, Iran sẽ tiến hành giảm những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân,...