Italy vận động hỗ trợ người tị nạn Afghanistan
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 3/9, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio bắt đầu chuyến công du đến Uzbekistan, Tajikistan, Qatar và Pakistan, thảo luận các biện pháp nhằm hỗ trợ người tị nạn Afghanistan.
Ngoại trưởng Italy Luigi di Maio tại cuộc họp báo ở Matera, Italy, ngày 29/6/2021. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Bộ Ngoại giao Italy cho biết chuyến công du diễn ra “trong khuôn khổ các sáng kiến quốc tế do Italy thực hiện nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Afghanistan. Theo bộ trên, trong chuyến công du này, Ngoại trưởng Di Maio sẽ tập trung vào số phận của những người tị nạn và người dân Afghanistan phải sơ tán, cũng như tìm kiếm các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho những người này”.
Italy – một trong 5 quốc gia tham gia nhiều nhất vào Phái bộ “Hỗ trợ kiên quyết” của NATO tại Afghanistan cùng với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Đức, cho biết đã sơ tán gần 5.000 người Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản quốc gia Tây Nam Á này từ ngày 15/8.
Trong tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố nước này vẫn hy vọng tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về Afghanistan.
Video đang HOT
Phát biểu với báo giới tại Rome, Thủ tướng Draghi cho rằng châu Âu phải làm tốt hơn nữa khi đối đầu với những cuộc khủng hoảng như tại Afghanistan. Theo ông, một hội nghị như vậy của G20 sẽ diễn ra sau kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) vào tháng 9 này.
Trước đó, Italy – nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 trong năm nay, cho biết đang tìm cách tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của G20 vào giữa tháng 9, song vướng phải kỳ họp của ĐHĐ LHQ, dự kiến kết thúc vào ngày 30/9.
Cũng liên quan đến công tác hỗ trợ người tị nạn, Anh cho biết sẽ hỗ trợ 30 triệu bảng (41 triệu USD) cho các nước láng giềng Afghanistan giải quyết vấn đề người tị nạn sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước.
Người Afghanistan tại khu vực cửa khẩu Chaman, biên giới Pakistan-Afghanistan ngày 25/8/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo Chính phủ Anh, nước này sẽ cung cấp ngay 10 triệu bảng cho Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và các tổ chức nhân đạo khác nhằm hỗ trợ việc cung cấp nơi ở và thiết bị vệ sinh tại biên giới. Số tiền còn lại sẽ dành để hỗ trợ các nước có đông người tị nạn Afghanistan nhằm cung cấp các dịch vụ và nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định sự cần thiết của việc giúp đỡ những người Afghanistan phải sơ tán nhằm không để khủng hoảng xoáy sâu hơn nữa bất ổn khu vực.
UNHCR ước tính cho tới cuối năm nay sẽ có khoảng 500.000 người Afghanistan di tản khỏi nước này. Nhiều người được cho là sẽ tới Pakistan hoặc Tajikistan. Hiện Tajikistan cam kết tiếp nhận 100.000 người tị nạn, trong khi Anh cũng tuyên bố nhận khoảng 20.000 tị nạn.
Trước đó, Anh cũng tuyên bố tăng viện trợ nhân đạo và phát triển cho Afghanistan lên 286 triệu bảng trong năm 2021.
EU cần hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan trong việc tiếp nhận người tị nạn
Liên minh châu Âu (EU) nên hỗ trợ tài chính cho các nước láng giềng Afghanistan để giúp họ quản lý những người tị nạn rời khỏi nước này.
Đây là lời kêu gọi mà Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell đưa ra trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 30/8.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Việc Taliban giành quyền kiểm soát chính quyền Afghanistan đã khiến hàng triệu người tìm cách di tản tới các nước láng giềng và châu Âu. Trao đổi với tờ Corriere Della Sera của Italy, ông Borrell nêu rõ: "Chúng ta sẽ phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề liên quan đến Afghanistan. Chúng ta phải giúp họ vượt qua làn sóng tị nạn đầu tiên". Theo ông, những người Afghanistan rời bỏ đất nước sẽ không đến được Rome ngay từ đầu, mà có thể là Tashkent ở Uzbekistan. EU cần hỗ trợ những quốc gia tuyến đầu đó.
Khi được hỏi về việc liệu những nước trên có nhận được hỗ trợ tài chính của châu Âu để tiếp nhận người tị nạn Afghanistan hay không, ông Borrell cho biết khả năng tiếp nhận của châu Âu có giới hạn và "không thể làm gì nếu không có sự hợp tác mạnh mẽ". Theo ông, các quốc gia láng giềng của Afghanistan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn và sớm hơn so với châu Âu, do đó điều này đồng nghĩa EU cần hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đó như đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với EU để ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu để đổi lấy một số ưu đãi bao gồm hỗ trợ tài chính. Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận khoảng 3,7 triệu người tị nạn sau cuộc xung đột ở Syria.
Đại diện cấp cao của EU cũng nhận định cuộc khủng hoảng ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân đã làm nổi bật sự cần thiết của việc tăng cường năng lực quân sự của EU. Ông nhấn mạnh EU phải có khả năng can thiệp để bảo vệ lợi ích của khối khi Mỹ không muốn can dự. Theo ông, EU cần hành động nhanh chóng, cũng như đảm bảo có một lực lượng gồm 5.000 binh sĩ sẵn sàng được huy động trong một thời gian ngắn.
Dự kiến, các bộ trưởng EU sẽ họp khẩn về tình hình Afghanistan tại Brussels (Bỉ) vào ngày 31/8. Theo một bản dự thảo tuyên bố chung của cuộc họp, các nước EU dự kiến sẽ quyết định hành động chung để ngăn chặn tái diễn làn sóng di cư bất hợp pháp vượt tầm kiểm soát mà khối này từng đối mặt trong quá khứ bằng cách chuẩn bị phương án ứng phó có sự phối hợp giữa các nước. Dự thảo tuyên bố cũng nhấn mạnh EU cần tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan nhằm đảm bảo an toàn cho người tị nạn.
Trước đó một ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã bày tỏ quan ngại về một cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu ở Afghanistan và đối với 39 triệu người dân quốc gia Tây Nam Á này. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi, một lần nữa kêu gọi các nước láng giềng với Afghanistan mở cửa biên giới cũng như các nước khác chia sẻ "trách nhiệm nhân đạo này" với Iran và Pakistan - hai quốc gia đang có 2,2 triệu người Afghanistan tị nạn. Theo ước tính của UNHCR, đến cuối năm nay sẽ có khoảng 500.000 người Afghanistan rời bỏ đất nước.
Mỹ sẽ ngăn chặn các khoản viện trợ chuyển qua kho bạc của Taliban Ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Mỹ sẽ tiếp tục là một nhà tài trợ "rất hào phóng" đối với các khoản viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan và sẽ ngăn chặn bất kỳ khoản hỗ trợ nào của quốc gia này chuyển qua kho bạc của lực lượng Taliban. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price....