Italy thông qua sắc lệnh kiểm soát nhập cư trái phép
Ngày 23/2, với 84 phiếu thuận và 61 phiếu chống, Thượng viện Italy đã chính thức thông qua luật dựa trên sắc lệnh hạn chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn người di cư của các tổ chức phi chính phủ (NGO), bất chấp ý kiến trái chiều của Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức nhân đạo khác.
Tàu chở người di cư tới nơi tiếp nhận tạm thời trên đảo Lampedusa, Italy, ngày 11/7/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại Thượng viện, Thứ trưởng Nội vụ Italy Nicola Molteni nhấn mạnh nếu không kiểm soát được vấn đề nhập cư bất hợp pháp, điều này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như lao động cưỡng bức, lao động bất hợp pháp, tội phạm, gây bất ổn xã hội…
Sắc lệnh trên, do Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni ban hành, yêu cầu các tàu từ thiện di chuyển và cập cảng “không chậm trễ” sau khi giải cứu được người di cư, thay vì lênh đênh trên biển để tìm kiếm thêm các thuyền chở người di cư gặp nạn khác.
Chính phủ Italy khẳng định sắc lệnh không nhằm hạn chế các hoạt động giải cứu hoặc buộc lực lượng của các NGO phớt lờ các cuộc gọi khẩn cấp mà nhằm tìm cách chấm dứt việc “giải cứu người trên biển có hệ thống mà không có bất kỳ hình thức phối hợp nào”.
Hạ viện Italy đã bỏ phiếu thông qua luật dựa trên sắc lệnh này hôm 15/2.
Hiện Italy đang đối mặt với tình trạng gia tăng số người nhập cư trái phép vượt biển từ Bắc Phi, song hoạt động của các tổ chức NGO chỉ giải cứu được hơn 10% trong tổng số. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, khoảng 105.140 người di cư bằng đường biển đã tới quốc gia Nam Âu này trong năm ngoái, tăng mạnh so với mốc 67.477 người năm 2021 và tăng hơn 3 lần so với mức 34.154 người trong năm 2020.
LHQ ước tính khoảng 1.400 người di cư đã thiệt mạng khi tìm cách vượt khu vực miền Trung Địa Trung Hải trong năm 2022.
Italy, Pháp thúc đẩy kiểm soát biên giới châu Âu
Ngày 17/1, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã có cuộc điện đàm với Tổng thổng Pháp Emmanuel Macron nhằm thảo luận về những vẫn đề trọng tâm của chương trình nghị sự châu Âu và thế giới.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn thông báo từ Phủ Thủ tướng Italy cho biết, tại cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định sự hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine và tính cấp bách của việc xác định những giải pháp hiệu quả ở cấp độ châu Âu để hỗ trợ khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp châu Âu, cũng như vấn đề chống nhập cư bất hợp pháp thông qua kiểm soát hiệu quả biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu (EU). Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục thảo luận về những vấn đề này.
Cuộc điện đàm diễn ra trong không khí cởi mở, thân mật, và được xem là dấu hiệu tan băng căng thẳng quan hệ giữa Italy và Pháp liên quan đến vấn đề người di cư. Hồi tháng 11/2022, sau khi Thủ tướng Meloni lên nắm quyền, căng thẳng giữa hai bên đã xuấ thiện liên quan đến việc tiếp nhận tàu cứu hộ người di cư Ocean Viking của tổ chức phi chính phủ Pháp Sos Mediterranee. Nhà chức trách Italy đã không cho phép tàu cập cảng và 230 người di cư trên tàu cuối cùng đã được phép lên bờ tại Pháp. Vụ việc được Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darminin nhìn nhận "sẽ gây những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng với quan hệ song phương".
Ngoài ra, cuộc điện đàm cũng được xem là nỗ lực của Tổng thống Pháp nhằm tìm kiếm các đồng minh đáng tin cậy trong chiến lược "Made in Europe" được đưa ra mới đây, với những đề xuất để ứng phó với thách thức từ xung đột Ukraine, cũng như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, nhằm tránh nguy cơ phi công nghiệp hóa châu Âu, thất nghiệp và lạm phát.
Vấn đề người di cư: Italy đóng cửa cảng đối với tàu NGO Chính phủ mới của Italy đã đóng cửa các cảng đối với các tàu cứu hộ do các tổ chức phi chính phủ (NGO) điều hành và nhấn mạnh rằng các quốc gia có tàu treo cờ phải tiếp nhận người di cư. Rome đã cấp cho Humanity 1 quyền vào cảng để kiểm tra sức khỏe cho 179 người di cư đang...