Italy tăng kỷ lục 196 ca tử vong mới, cao gấp 9 lần Trung Quốc
Số ca tử vong vì virus corona hôm 11/3 tăng từ 631 lên 827 trong một ngày, theo Reuters. Số ca nhiễm mới được xác nhận tăng hơn 2.000 ca từ 10.149 lên 12.462.
Với 196 ca tử vong mới, Italy lại tiếp tục ghi nhận số người tử vong tăng cao kỷ lục. Một ngày trước đó, nước này ghi nhận thêm 168 ca tử vong.
So với con số ca tử vong mới được công bố gần nhất của Trung Quốc – với 22 ca được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 11/3, số ca tử vong mới ở Italy đã cao gấp 9 lần.
Nhân viên thực hiện phun khử trùng tại một bảo tàng ở Naples, Italy hôm 10/3. Ảnh: AP.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 11/3 nói rằng dịch Covid-19 đã tới giai đoạn có thể gọi là đại dịch. Với những số liệu mới nhất cho thấy số ca ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã lên tới hơn 118.000 ca nhiễm và 4.291 ca tử vong, ông Tedros cho biết WHO đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được mô tả như một đại dịch.
Lãnh đạo WHO cũng cho biết thêm số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 9/3 đã mở rộng các biện pháp đối phó virus corona trên toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà và cấm mọi hoạt động tụ tập nơi công cộng cùng với tất cả trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia Serie A.
Biện pháp này được đưa ra sau khi các con số tử vong và ca nhiễm tại quốc gia châu Âu này vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Các biện pháp chưa từng có tiền lệ được áp dụng trên toàn quốc, tác động đến hơn 60 triệu người – quy mô tương đương với tâm điểm dịch tỉnh Hồ Bắc bị Trung Quốc phong tỏa.
Việc đi lại ở Italy rơi vào hỗn loạn ngày 10/3, nhưng không dừng hẳn, sau lệnh phong tỏa cả nước.
Một số hãng như Air Canada, British Airways, Ryanair, Easyjet và WizzAir tuyên bố hủy nhiều chuyến bay tới Italy.
Tây Ban Nha ngưng đi lại hàng không với Italy trong hai tuần, trong khi Áo đưa ra giới hạn nhập cảnh với người từ Italy. Ở sân bay Fiumicino của Rome, vẫn có chuyến bay tới một số địa điểm ở châu Âu và ở Italy.
Hai tình thế trái ngược đang diễn ra khi ở Trung Quốc, những biện pháp giới hạn nghiêm ngặt nhất đang được gỡ bỏ ở tỉnh Hồ Bắc, còn ở châu Âu, các nước đang báo động mức cao, theo AFP.
Hàng loạt hãng hàng không tuyên bố hủy chuyến bay tới Italy trong nhiều tuần tới, trong khi một số nước châu Âu tuyên bố đóng cửa trường học, và cấm các sự kiện đông người. Slovenia cho biết sẽ đóng cửa biên giới với Italy, trong khi Áo cấm các chuyến tàu, chuyến bay sang nước này.
Phong tỏa ở Italy khác gì so với Vũ Hán?
Sau lệnh cách ly 16 triệu người tại vùng Lombardy và 14 tỉnh khác để ứng phó dịch Covid-19, quốc gia thu hút du khách bậc nhất châu Âu trở nên hoang vắng hơn bao giờ hết.
Theo news.zing.vn
'Sóng thần' Covid-19 càn quét bệnh viện Italy
Một bác sĩ vùng Lombardy mô tả Covid-19 như "sóng thần" càn quét bệnh viện của anh, khi hơn 100 trong 120 ca nhiễm nCoV bị biến chứng viêm phổi.
Một bệnh viện khác gần đó cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên, khi các y bác sĩ lần lượt nhiễm nCoV và trở thành bệnh nhân.
Các bác sĩ, nhà nghiên cứu virus và giới chức y tế trên tuyến đầu chống Covid-19 của Italy mô tả hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng quá tải, giống như nhiều quốc gia khác khi bị Covid-19 tấn công.
Để đối phó với đợt "sóng thần" này, Italy cho phép người theo học chuyên ngành y tá điều dưỡng tốt nghiệp sớm và kêu gọi nhân viên y tế nghỉ hưu quay lại làm việc. Bệnh viện ở những vùng có Covid-19 tạm hoãn những ca phẫu thuật chưa cần thiết và chạy đua tìm cách bổ sung 50% giường chăm sóc đặc biệt.
"Đây là kịch bản tồi tệ nhất tôi từng thấy", Angelo Pan, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện thành phố Cremona, miền bắc Italy, nói và nhấn mạnh về sự phổ biến của biến chứng viêm phổi trong các ca nhiễm nCoV. Ông cho biết 35 bệnh nhân ở bệnh viện này phải đặt nội khí quản hoặc thở máy.
Nữ nhân viên y tế bước ra từ lều dựng trước khoa cấp cứu bệnh viện Cremona, vùng Lombardy hôm 29/2. Ảnh: AP.
Italy đang mở rộng phạm vi đối tượng xét nghiệm nCoV, bao gồm cả người chưa xuất hiện triệu chứng nhiễm virus. Nước này hiện là ổ dịch nCoV lớn thứ ba thế giới, với hơn 2.500 người nhiễm và 79 ca tử vong, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc.
Giới chuyên gia cho biết hầu hết ca nhiễm nCoV ở Italy tương đối nhẹ, nhưng tại các ổ dịch ở miền bắc đất nước, nhiều ca bệnh nghiêm trọng hơn được ghi nhận, với chủ yếu là người già có tiền sử ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Người cao tuổi chính là đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất khi Covid-19 tấn công.
"Tình hình ở vùng tâm dịch khá tồi tệ. Chúng tôi có nhiều người già cần hỗ trợ y tế. Điều này đã gây ra gánh nặng cho các bệnh viện ở khu vực đó", Giovanni Rezza, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Viện Y tế Quốc gia Italy, cho hay.
Giống như bang Washington ở Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu virus tin rằng nCoV đã lây lan ở miền bắc Italy nhiều tuần trước khi được phát hiện vào cuối tháng 1. Bệnh nhân 38 tuổi, người đầu tiên dương tính với nCoV ở vùng Lombardy và hiện nằm ở khoa chăm sóc đặc biệt, chưa từng đi nước ngoài và ban đầu đã được bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Khi Covid-19 bùng phát ở Italy, bệnh viện vùng Lombardy nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải. Vào thời điểm đó, hàng chục bác sĩ và nhân viên y tế đã bị lây nhiễm virus và trở thành bệnh nhân.
"Bài học ở đây chính là bạn phải can thiệp thật nhanh một cách quyết liệt. Nếu không, hệ thống y tế sẽ phải hứng hậu quả nặng nề. Chúng ta không thể thỏa hiệp", Rezza nói.
Bị chỉ trích vì phát hiện ca bệnh đầu tiên quá chậm, giới chức y tế Italy sau đó đã hành động quyết liệt khi phong tỏa 50.000 người ở 11 thị trấn miền bắc từ ngày 22/2 và xét nghiệm virus cho hàng nghìn người nhằm kiểm soát Covid-19.
Quan chức y tế Italy hy vọng các biện pháp này sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Rezza cho biết giới chức có thể phải gia hạn lệnh hạn chế đi lại và tụ tập đông người sau hai tuần đầu tiên, nhằm đánh giá tốt hơn về công việc họ đang làm, trong khi việc phong tỏa các thị trấn có thể kéo dài hơn.
Ông cho biết việc ngăn chặn hoàn toàn nCoV là điều không thể vào lúc này, nhưng quan trọng là làm chậm tốc độ lây lan của nó. "Điều tệ nhất là có quá nhiều ca nhiễm bệnh ở cùng một địa điểm", ông nói.
Theo vnexpress.net
Bác sĩ Italy phải lựa chọn sinh tử: ai chết, ai được điều trị Một số bệnh viện ở Italy quá tải đến mức những người đột quỵ không được tiếp nhận và bệnh nhân nCoV cao tuổi thậm chí không được điều trị. Italy đang chiến đấu với sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của dịch bệnh tồi tệ nhất châu Âu thế kỷ này. Các bác sĩ được so sánh với chuyên gia...