Italy lên án các hành động khiêu khích tại Ukraine và Belarus
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 21/12, Thủ tướng Italy Mario Draghi lên án mọi hành động khiêu khích tại Ukraine, cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực biên giới giữa Ba Lan và Belarus, đồng thời kêu gọi giải pháp đối thoại.
Người di cư tập trung tại khu vực biên giới Belarus – Ba Lan ngày 14/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ XIV, Thủ tướng M. Draghi khẳng định: “Chúng ta quyết tâm giảm xung đột ngày càng rõ ràng tại khu vực biên giới phía Đông của châu Âu”. Nhà lãnh đạo Italy nhấn mạnh “kiên quyết lên án mọi hành động khiêu khích” và “phải tiếp tục đối thoại, ở cấp độ song phương và đa phương”.
Thủ tướng M. Draghi cho rằng: “Cần thúc đẩy phòng thủ châu Âu, bổ sung cho NATO. Chiến lược La bàn mà chúng ta sắp áp dụng là bước đầu tiên, sau đó cần phải có cam kết lớn hơn nữa về khả năng quân sự và nguồn lực tài chính. Chúng ta phải xây dựng một chính sách đối ngoại rõ ràng và mạnh mẽ hơn, trang bị cơ chế ra quyết định hiệu quả, bắt đầu từ việc khắc phục nguyên tắc đồng thuận. Trong các liên minh, mối quan hệ với Mỹ đang và sẽ vẫn là trung tâm”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Draghi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Quirinal lịch sử với Pháp, kế hoạch hành động với Đức. Thủ tướng Draghi nêu rõ: “Hiệp ước Quirinal mà chúng ta đã ký vào ngày 26/11 đánh dấu một thời điểm lịch sử trong quan hệ giữa Italy và Pháp. Và công việc về “kế hoạch hành động” mà chúng ta đã bắt đầu Đức sẽ mang lại sự phối hợp chính trị lớn hơn giữa hai nước”.
Theo nhà lãnh đạo Italy, Italy đã đóng vai trò trung tâm trên trường quốc tế, đặc biệt trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), nhóm đã đạt những tiến bộ đáng kể về thuế toàn cầu, phân phối vaccine và chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Italy khẳng định tính ưu việt của chủ nghĩa đa phương, và cho rằng mọi vấn đề toàn cầu phải có phản ứng tập thể.
Italy và Pháp ký hiệp định lịch sử về nâng tầm quan hệ song phương
Ngày 26/11, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký Hiệp định Quirinale tại Rome nhằm thiết lập một khuôn khổ ổn định và chính thức cho việc tăng cường hợp tác song phương, theo hình mẫu của Hiệp ước Elysée được ký năm 1963, và góp phần xây dựng một châu Âu hùng mạnh hơn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Italy Mario Draghi trong cuộc gặp tại Rome (Italy) ngày 25/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Thủ tướng Draghi khẳng định Hiệp định Quirinale là một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước và sẽ mở ra một thời kỳ hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, thương mại, chính trị và văn hóa. Hai nước sẽ khởi động "các hình thức hợp tác mới" trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ cũng như nghiên cứu và đổi mới. Ngoài ra, ít nhất mỗi quý, một bộ trưởng Italy sẽ tham dự một cuộc họp nội các Pháp và ngược lại.
Trước đó, Tổng thống Italy Sergio Mattarella nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt hơn giữa Italy và Pháp góp phần xây dựng một Liên minh châu Âu (EU) vững mạnh hơn ngày càng trở nên cần thiết trước những thách thức mà chỉ một châu Âu hội nhập hơn mới có thể đối mặt. Tầm vóc của châu Âu là yếu tố quan trọng để các nước thành viên có thể vượt qua cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 và đối phó thành công với những thách thức to lớn của quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số.
Việc ký kết hiệp định trên phản ánh một sự thay đổi lớn và lâu dài trong động lực chính trị nội bộ của EU và một sự đối trọng với ưu thế của Đức. Hiệp định Quirinale cho thấy hai nước đã vượt qua những căng thẳng trong quan hệ song phương gần đây liên quan tới vấn đề người di cư
Các nhà quan sát cho rằng liên minh Pháp - Italy có thể tạo điều kiện cho một cuộc cải cách sau đại dịch COVID-19 đối với Hiệp ước Ổn định và tăng trưởng nhằm hạn chế thâm hụt và nợ của chính phủ, hiện đang bị đình chỉ do đại dịch. Pháp và Italy muốn nới lỏng các quy tắc trong khi đối mặt với sự phản đối, đặc biệt là từ những quốc gia bảo thủ về chính sách tài khóa như Áo, Phần Lan và Hà Lan. Trục Rome - Paris đã thành công trong việc định hình gói hỗ trợ phục hồi từ COVID-19 khổng lồ và trong Sáng kiến Pháp - Italy, cùng với 7 quốc gia thành viên khác, về một công cụ nợ chung mang tính đột phá cho EU.
Pháp là nhà đầu tư hàng đầu của Italy. Hai nước đều là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau.
Italy kêu gọi hỗ trợ người dân Afghanistan, nhưng không công nhận chính phủ Taliban Ngày 26/9, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho rằng không nên công nhận chính phủ Taliban, nhưng hối thúc các chính phủ nước ngoài nên ngăn chặn sự sụp đổ tài chính tại Afghanistan, vốn có thể gây ra các dòng người di cư lớn. Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh...