Italy có kế hoạch đánh giá lại yêu cầu thẻ xanh
Ngày 12/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa cho biết yêu cầu thẻ xanh gây tranh cãi của chính phủ có thể được đánh giá lại sau khi tình trạng khẩn cấp tại Italy kết thúc vào ngày 31/12 tới “nếu dữ liệu tiếp tục khả quan, số ca nhập viện tiếp tục giảm, số người đã tiêm vaccine tiếp tục tăng”.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu trên truyền hình, ông Costa cho biết có khả năng vào năm 2022, chính phủ có thể sửa đổi các biện pháp phòng chống COVID-19, kể cả thẻ xanh, một phương tiện để “đảm bảo quyền tự do của công dân và đảm bảo cuộc sống dần trở lại bình thường mà không cần phải lùi lại một bước”. Nếu điều kiện cho phép, quy định thẻ xanh, được áp dụng cho toàn bộ người lao động hiện nay, có thể được sửa đổi thành áp dụng một phần vào năm 2022. Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Italy nhấn mạnh rằng việc đánh giá lại sẽ không diễn ra trước tháng 12/2021, “song song với thời hạn tình trạng khẩn cấp mà chúng tôi hy vọng sẽ kết thúc”.
Phát biểu của ông Costa được đưa ra khi yêu cầu toàn bộ người lao động Italy, cả khu vực nhà nước và tư nhân, phải có thẻ xanh, chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy tờ xác nhận đã được tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc phục hồi từ COVID-19 trong vòng 6 tháng, mới được đến nơi làm việc hoặc có nguy cơ bị đình chỉ công tác mà không được trả lương, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/10 và ảnh hưởng đến khoảng 23 triệu người lao động.
Trước đó, phát biểu trên đài truyền hình RAI3, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã nhấn mạnh rằng chính phủ hiện muốn duy trì quy định thẻ xanh “sau đó có thể đánh giá lại và cuối cùng là thay đổi”. Theo ông Speranza, yêu cầu toàn bộ người lao động phải có thẻ xanh từ ngày 15/10 là một bước quan trọng.
Hiện 43,2 triệu người Italy đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, trong khi khoảng 8 triệu người vẫn chưa muốn đi tiêm.
Indonesia sẽ hoàn tất tiêm chủng cho người cao tuổi trước Giáng sinh 2021
Ngày 11/10, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết quốc gia này sẽ hoàn tất tiêm chủng phòng COVID-19 cho người cao tuổi trước lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bandung, Tây Java, Indonesia, ngày 2/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu họp báo hằng tuần về lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4, Bộ trưởng Luhut cho hay kế hoạch trên nhằm đề phòng nguy cơ bùng phát dịch sau các sự kiện tôn giáo và các kỳ nghỉ lễ dài ngày. Ông Luhut nhấn mạnh: "Để đề phòng sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người cao tuổi, đặc biệt là tại các khu vực thành thị và các trung tâm tăng trưởng kinh tế".
Ông Luhut cho biết Tổng thống Joko Widodo cùng ngày đã chỉ đạo về chiến lược chuẩn bị cho Giáng sinh và Năm mới, theo đó lưu ý các bộ ngành liên quan nâng cao cảnh giác trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang giảm mạnh.
Trong tuần qua, số ca mắc mới hằng ngày trên toàn Indonesia đã giảm 98,4%, trong khi số ca mắc mới tại hai hòn đảo Java và Bali đông dân giảm tới 98,9% so với mức đỉnh điểm. Bộ trưởng Luhut khẳng định yêu cầu tối thiểu để giảm PPKM từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2 hoặc cấp độ 1 là tăng tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người cao tuổi. Tới ngày 10/10, tỷ lệ này đã đạt 40% tại Java và Bali, tăng 8% so với ngày 13/9 - thời điểm yêu cầu này được công bố.
Tại Italy, luật quy định tất cả người lao động phải xuất trình "thẻ xanh COVID-19" khi đến nơi làm việc có hiệu lực từ ngày 15/10.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, quy định trên nhằm khuyến khích người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, dữ liệu được văn phòng của quan chức phụ trách phòng chống đại dịch COVID-19 của Chính phủ Italy công bố ngày 11/10 cho thấy trong tuần tính đến ngày 8/10, khoảng 410.000 người đã đi tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, giảm 36% so với tuần trước đó và là con số hằng tuần thấp nhất kể từ đầu tháng 7/2021. Đạo luật trên ban đầu dường như đã khuyến khích nhiều người đi tiêm vaccine hơn, tăng 11% trong tuần đầu tiên sau ngày 16/9. Trong tuần tiếp theo từ 24/9-1/10, số người đi tiêm cũng tăng 15%, nhưng sau đó giảm mạnh trong tuần tính đến ngày 8/10.
Khi thời hạn 15/10 đang đến gần, các chủ lao động ở khu vực công nghiệp miền Bắc Italy cảnh báo họ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và người đứng đầu một số chính quyền vùng của Italy cho biết sẽ không thể cung cấp đủ các xét nghiệm cho những người lao động từ chối tiêm chủng. Bên cạnh đó, quy định nói trên vấp phải sự phản đối của một bộ phận người lao động. Ngày 9/10, khoảng 10.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình tại Rome để phản đối quy định. Đụng độ bạo lực đã xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát. Ngày 11/10, Bộ trưởng Nội vụ Italy Luciana Lamorgese và Thị trưởng Rome Matteo Pingedosi đã tổ chức một cuộc họp nhằm đề ra kế hoạch an ninh sẽ được thực hiện từ ngày 15/10. Chính phủ Italy nêu rõ nhà chức trách sẽ chỉ cho phép biểu tình nếu những người tổ chức biểu tình bảo đảm tôn trọng luật pháp. Nếu không có những điều kiện đảm bảo an ninh, biểu tình sẽ bị cấm.
Động thái của các nước sau phản ứng của Anh về đánh bắt cá hậu Brexit Ngày 11/10, Pháp và 10 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác kêu gọi châu Âu có lập trường chung trong việc phản đối Anh về cách xử lý của London trong tranh chấp với Paris về vấn đề giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit (chỉ việc Vương quốc Anh rời EU). 11 quốc gia này đã ký một tuyên...