Italy bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong phòng, chống dịch COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 17/3, Chính phủ Italy đã quyết định giảm bớt một số hạn chế COVID-19 và sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau ngày 31/3 tới.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Fiumicino ở Rome, Italy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói rằng những người tiếp xúc với những người dương tính với COVID-19 sẽ không còn phải cách ly. Tuy nhiên, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vẫn sẽ bị yêu cầu cách ly.
Bộ trưởng Speranza cho biết thêm giới hạn sức chứa trong các sân vận động cho các sự kiện thể thao và buổi hòa nhạc cũng sẽ sớm được dỡ bỏ. Bất kỳ công dân nào trên 50 tuổi chưa tiêm vaccine sẽ có thể làm việc nếu họ có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Tuy nhiên, các nhân viên y tế và những người làm việc trong các viện dưỡng lão vẫn sẽ được yêu cầu tiêm vaccine đến hết năm 2022, bất kể tuổi tác.
Người dân vẫn phải đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà như nhà hàng, phòng tập thể dục, hồ bơi, rạp hát và vũ trường cũng như nơi làm việc cho đến ngày 30/4. Trước đó, Italy đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời từ ngày 11/2.
Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Mario Draghi cảnh báo rằng chính phủ có thể áp đặt lại các hạn chế trong trường hợp số ca mắc COVID-19 mới gia tăng. Theo Thủ tướng Draghi, chính phủ đã thực hiện các bước cơ bản để mở cửa trở lại đất nước, nhưng cũng sẽ theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng tình hình dịch bệnh để sẵn sàng có các biện pháp đối phó thích ứng.
Sau khi giảm liên tục trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày lại bắt đầu tăng lên trong vài ngày gần đây tại Italy, cũng như các nước láng giềng châu Âu khác. Tuy vậy, Chính phủ Italy quyết định không gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến đại dịch, sau khi sắc lệnh khẩn cấp hiện tại hết hiệu lực vào ngày 31/3 tới.
Quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống COVID-19 của Italy, Tướng Francesco Paolo Figliuolo cũng tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 31/3.
Cho đến nay, gần 90% người Italy trên 12 tuổi đã được tiêm vaccine đủ liều, hơn 30% số trẻ từ 5-12 tuổi cũng đã được tiêm chủng đầy đủ. Ngoài ra, khoảng 38/59 triệu người dân Italy đã được tiêm các mũi tăng cường.
Italy xem xét siết chặt các biện pháp phòng dịch
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, tờ Corriere della Sera ngày 19/12 đưa tin, trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron, chính phủ Italy đang xem xét ban hành các biện pháp phòng chống mới mới để tránh sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Cailungo, San Marino, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Tờ Corriere della Sera nhận định, sau cuộc họp nội các vào ngày 23/12 tới, Thủ tướng Mario Draghi có thể ra quy định buộc những người đã tiêm vaccine phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính để được vào những nơi đông người, bao gồm vũ trường, sân vận động, rạp chiếu phim và rạp hát. Italy, nơi đã bắt buộc các nhân viên y tế, nhân viên trường học, lực lượng cảnh sát và quân đội phải tiêm vaccine - có thể ra quy định buộc tất cả những người lao động phải tiêm vaccine từ tháng 1/2022.
Phát biểu với tờ Corriere della Sera, ông Franco Locatelli, một trong những cố vấn khoa học chủ chốt của chính phủ, đã nói: "Một số biện pháp, chẳng hạn như bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời ... có thể sớm được thực hiện". Theo quy định hiện nay, những người đã tiêm vaccine hoặc khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng được phép ngồi trong nhà tại các quán bar và nhà hàng, bảo tàng, rạp chiếu phim, câu lạc bộ và các sự kiện thể thao.
Italy tuyên bố kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 Ngày 15/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa tuyên bố tình hình dịch COVID-19 ở nước này đang được kiểm soát, giữa lúc có tin tức rằng chính phủ có thể áp đặt các hạn chế đối với kỳ nghỉ Giáng sinh năm nay khi số ca nhiễm đang gia tăng Khách du lịch tham quan Bảo tàng Vatican, ngày 6/8/2021....