Ít trường mầm non dám nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi
Thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo nên cả trường công lẫn trường tư đều cho rằng rất khó để tiếp nhận độ tuổi nhà trẻ. Ở Hà Nội, để tìm được một trường công tiếp nhận trẻ có độ tuổi dưới 24 tháng là cả một vấn đề nan giải
Giải thích về việc khó tiếp nhận trẻ có độ tuổi dưới 18 tháng tuổi, bà Trần Thị Minh Hải – Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Minh Hải (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Việc nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi rất là khó khăn cho cơ sở công lập và tư thục bởi khi nhận độ tuổi này đòi hỏi cơ sở vật chất phải đáp ứng được đầy đủ như phòng ốc, môi trường và chắc chắn phải đầu tư rất lớn. Đối với trẻ ở độ tuổi càng nhỏ thì rất dễ xảy ra những hiểm nguy không an toàn nên đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có nhiều kinh nghiệm và có kiến thức chuyên môn tốt. Hiện nay để một cơ sở nào đó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu này thì rất là khó”.
Cũng theo bà Hải, trong bối cảnh hiện nay, để nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi, thiết nghĩ không có trường nào dám can đảm để nhận bởi vì khi đã nhận trẻ nhỏ nó liên quan đến một loạt các yếu tố về cơ sở vật chất, yếu tố con người và môi trường.
Trong khi trường tư thì “từ chối” việc tiếp nhận độ tuổi nhà trẻ do chưa đảm bảo các yếu tố cần thiết thì trường công cũng có những khó khăn riêng. Theo cô Nguyễn Thị Khánh Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội), hiện nay theo chủ trương của ngành thì ưu tiên phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi trước. Để có sự tiếp nối cấp học thì độ tuổi ưu tiên tiếp theo phải gần với 5 tuổi. Nói cách khác độ tuổi ưu tiên tiếp theo là 4 tuổi, 3 tuổi sau đó mới đến độ tuổi nhà trẻ. Do cơ sở vậy chưa đáp ứng được hết nhu cầu gửi trẻ nên rất ít trường công mở được lớp nhà trẻ.
Rất khó để gửi trẻ dưới 18 tháng tuổi vào trường công.
Theo khảo sát của phóng viên tại Hà Nội, hầu hết các trường công đều chưa có điều kiện để nhận trẻ ở độ tuổi dưới 18 tháng tuổi. Chỉ có một số số cơ sở đặc thù được giao nhiệm vụ thì tiếp nhận trẻ ở độ tuổi từ 18-24 tháng tuổi.
Trường mầm non 20-10 là một cơ sở công lập “hiếm hoi” ở Hà Nội nhận trẻ ở độ tuổi từ 18-24 tháng tuổi nhiều năm nay. Tuy nhiên, để hoạt động được lớp nhà trẻ ở độ tuổi này, nhà trường được UBND thành phố Hà Nội cho cơ chế riêng đó là được tự chủ về tài chính. Bên cạnh đó, nhà trường cũng không phải là cơ sở có trách nhiệm tiếp nhận con em ở địa bàn cư trú mà được tuyển sinh theo chỉ tiêu và không giới hạn khu vực tuyển sinh.
“Trường chúng tôi đã được thành lập 50 năm. Từ khi thành lập đã được mang tên là vườn trẻ 20-10 và có nhiệm vụ chăm sóc các cháu từ lứa tuổi nhà trẻ đến lứa tuổi mẫu giáo. Đây là mô hình liên hợp nhà trẻ đầu tiên ở Việt Nam chăm sóc tất cả các cháu ở lứa tuổi mầm non. Chính vì thế dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm duy trì lớp nhà trẻ ở độ tuổi 18-24 tháng” – cô Nguyễn Hương Giang – phó Hiệu trưởng trường 20-10 cho biết.
Cũng theo cô Giang, trong quá trình dạy các cháu từ 18-24 tháng thì nhà trường cũng có những khó khăn nhất định. Độ tuổi này các cháu rất nhỏ, sức đề kháng rất yếu, khả năng tự phục vụ của các cháu là chưa tốt. Chính vì thế các cô cũng như là những người mẹ thứ hai của các cháu. Các cô phải hoàn toàn chăm sóc, nâng niu các cháu như người con ở trong gia đình, phải thật sự tâm huyết và thương yêu đứa trẻ thì mới đảm đương được.
Đối với độ tuổi trẻ nhỏ, các cô giáo phải hoàn toàn chăm sóc, nâng niu các cháu như người con trong gia đình.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Liên – Hiệu trưởng Trường mầm non 20-10 chia sẻ thêm, để đảm bảo an toàn trong việc chăm sóc lớp nhà trẻ thì nhà trường cũng đã phải lựa chọn những giáo viên có thâm niêm công tác và có nhiều kinh nghiệm. Đối với độ tuổi này yếu tố kinh nghiệm rất là quan trọng bởi trẻ ở độ tuổi này sức đề kháng chưa được tốt, dễ bị ốm đau…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, với việc được tự chủ về nguồn tài chính nên trường mầm non 20-10 thực hiện tiếp nhận và bố trí giáo viên theo đúng quy định của Điều lệ trường mầm non. Ở lớp nhà trẻ 18-24 tháng tuổi chỉ có 20-25 đầu trẻ nhưng được bố trí đến 4 giáo viên… Với cơ chế riêng như vậy nên mức học phí hàng tháng nhà trường đã phải thu là 1,2 triệu đồng.
Cô giáo Lê Hồng Vân – phụ trách lớp trẻ 18 tháng tuổi Trường mầm non 20-10 bộc bạch: “Ở độ tuổi nhỏ thì đòi hỏi sự tỉ mỉ của người giáo viên được đặt lên hàng đầu. Nhưng công việc rất nhỏ như đi dép, đi tất, lau mũi… hàng ngày tưởng rằng nhỏ nhưng nếu mình chú ý sẽ đảm bảo cho các cháu sức khỏe tốt hơn”.
Video đang HOT
Gắn bó với bậc mầm non gần 35 năm, cô Tô Thị Luyến trăn trở với những vụ việc bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non gần đây: “Những đóng góp của phụ huynh chỉ đáp ứng được một phần nào đó chăm lo cho đời sống giáo viên. Chính vì thế giáo viên còn có nhiều trăn trở, lo âu để đảm bảo cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đã là một giáo viên mầm non mà bạo hành trẻ là không thể chấp nhận được. Song chúng ta cũng phải lưu ý rằng, những sự việc bạo hành trẻ vừa qua chỉ xảy ra ở một số điểm cá biệt khi mà họ chưa có hệ thống giám sát, chăm sóc trẻ chuyên nghiệp. Do đó xã hội cũng cần phải nhìn nhận đối với bậc mầm non một cách thấu đáo và chia sẻ hơn”
Cô Luyến cũng cho rằng, để bớt đi những bức xúc trong xã hội thì cần phải phân cấp để quản lý những cơ sở chưa được đảm bảo, kể cả về cơ sở vật chất lẫn yếu tố con người.
Nguyễn Hùng
Theo Dantri
Bi hài chuyện học trong những ngày nắng nóng
Cái nóng đầu mùa oi bức khiến cho cả cô và trò đều uể oải. Phòng học không được trang bị máy điều hòa thì ai cũng trong trạng thái "thở dốc" vì mệt mỏi. Tuy nhiên, trường được trang bị lắp điều hòa cũng chẳng sướng hơn là bao...
Đợt nắng nóng khởi nguồn từ đầu tuần nhưng hai ngày qua đã ở mức được gọi là đỉnh điểm. Nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội có nơi đo được lên mức 40-410C. Chính vì quá nắng nóng nên hầu hết toàn bộ hoạt động của nhà trường đều diễn ra ở trong lớp. Chỉ có những trường được bao phủ nhiều cây cao bóng mát thì học sinh (HS) mới lác đác ra ngoài để vui chơi giữa giờ nghỉ các tiết.
Để phòng cảnh HS "mướt" mồ hôi khi ngồi học trong giai đoạn hè, nhiều trường tiểu học và mầm non ở Hà Nội đã làm tốt công tác xã hội hóa từ những năm trước nên đã trang bị được máy điều hòa. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có trường phải học trong trạng thái "toát mồ hồi". Đặc biệt hơn cả vẫn là khối THPT khi mà gần như phải ngồi học trong không khí "gió trời" hoặc với những chiếc quạt trần "ì ạch".
Khổ sở vì nóng!
14h30 chiều ngày 16/5, toàn bộ sân trường tiểu học Cát Linh (Q. Đống Đa, Hà Nội) vắng bóng HS. Sức nóng hầm hập khiến cô và trò đành phải cư trú ở trong lớp. Tuy nhiên với việc các phòng học chưa được lắp máy điều hòa nên trong khi học trò thì nhễ nhại mồ hôi còn cô thì giảng bài trong trạng thái "ướt như tắm".
Sân trường vắng bóng học sinh dù là giờ ra chơi vì ai cũng ở trong lớp học để "chống nóng".
Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Công tác xã hội hóa ở nhà trường gặp nhiều khó khăn. Phòng GD-ĐT Quận yêu cầu phải làm minh bạch và chỉ khi toàn bộ phụ huynh đồng ý thì mới được tính đến chuyện xã hội hóa trang bị máy điều hòa. Chính vì phụ huynh chưa đồng thuận nên nhà trường cũng chẳng biết xoay xở thế nào. Thậm chí có phụ huynh sẵn sàng tặng lớp con mình một máy điều hòa để tránh cảnh cô và trò cũng khổ thì nhà trường cũng đành phải từ chối. Lý do là phải triển khai đồng bộ, không thể lớp này thì lắp còn lớp kia thì không".
Để hạn chế bớt cái nóng oi bức, Trường tiểu học Cát Linh chỉ có nước bật quạt trần và mở toang các cửa sổ. Tuy nhiên điều oái ăm ở chỗ, nếu bật quạt số quá lớn thì sách vở bay tứ tung vì thế trường cũng chỉ duy trì ở mức số 2. Bên cạnh đó, lớp thì học đông nên học trò nào cũng mướt mồ hôi và giải pháp các em lựa chọn là dùng sách vở, thậm chí là trang bị quạt giấy để tự mình chống chọi với nóng.
"Ý tưởng" sách giáo khoa trở thành quạt để chống chọi lại với cái nóng của học sinh khối 5 Trường tiểu học Cát Linh (Q. Đống Đa, Hà Nội)
Trong những ngày này, "món" được HS tiêu thụ nhiều nhất đó chính là nước uống. Phòng học nào cũng trang bị hai bình nước lọc to tướng nhưng chẳng mấy chốc mà hết nhẵn.
Một giáo viên của trường tâm sự: "Nóng nực thế này ngồi không thở còn chẳng ra hơi nên HS học cũng uể oải. Cũng may là chương trình đã hoàn thành và đang trong giai đoạn đánh giá để tổng kết năm học nên không bị ảnh hưởng nhiều".
Những ngày nắng nóng, "nước lọc" thành món "khoái khẩu" của học sinh.
Trong quá trình thăm quan ở trường tiểu học Cát Linh, chúng tôi đã khám phá ra một điều khá thú vị. Không hẳn phòng học nào cũng "khổ sở" vì nắng nóng mà vẫn còn đó một số phòng "đặc biệt" như phòng học tin học, thư viện... Sở dĩ những phòng này gọi là "đặc biệt" bởi vì bắt buộc phải trang bị máy điều hòa nhằm bảo vệ máy móc để tránh hư hỏng. Do đó, trong những ngày này chỉ có những HS nào có lịch học ở các phòng này là "sướng nhất".
Nhờ việc nhà trường phải bảo vệ máy móc mà học sinh được "ké" cái mát lạnh của điều hòa.
Khảo sát một số trường lân cận chung cảnh như Trường tiểu học Cát Linh thì cả thầy và trò đều than thở: "Giá như phòng học được trang bị cái máy điều hòa thì tốt biết mấy. Thấy học trò mệt mỏi, thậm chí có em phải nghỉ học do bị ốm mà thương nhưng chẳng biết làm thế nào".
Đối với bậc học cao hơn, gần như chẳng phòng học nào được trang bị máy điều hòa. Chính vì thế đợt nắng nóng này không ít HS "lăn đùng" ra ốm. Chị Hương có con đang cập rập ôn thi tốt nghiệp THPT bộc bạch: "Năm cuối cấp học tập vất vả lại phải đối chọi với nắng nóng nên hai ngày nay cô con gái lăn đùng ra ốm. Thời điểm quan trọng nên cũng thấy bất an nhưng chẳng biết xử lý thế nào. Hy vọng đợt nắng nóng này sẽ nhanh chóng chấm dứt không thì nguy".
Lớp lắp điều hòa: Trò sướng, trường "mếu máo"
Bậc học được phụ huynh đầu tư nhiều nhất đó là mầm non. Gần như các trường mầm non kể cả công lẫn tư ở Hà Nội đều được trang bị máy điều hòa. Tuy nhiên, đây là thành quả của những năm trước đây. Năm vừa rồi, với việc UBND thành phố "mạnh tay" xử lý vi phạm về thu chi nên các trường cũng chẳng dám vận động phụ huynh đóng góp để làm công tác xã hội hóa.
Mỗi phòng học ở Trường mầm non Cát Linh (Q. Đống Đa, Hà Nội) đều được trang bị hai máy điều hòa và luôn bật hết công suất trong những ngày này. Trong khi các cháu thì vui đùa thỏa thích cùng với các hoạt động ở trong lớp thì cô giáo và lãnh đạo nhà trường thì "méo mặt".
Học sinh trường mầm non Cát Linh thoải mái vui chơi mà không sợ nắng nóng bởi phòng học được trang bị điều hòa.
Thoải mái hoạt động và vui chơi ở trong lớp.
Lãnh đạo nhà trường chia sẻ, do quy định của UBND thành phố nên trường không dám vận động phụ huynh đóng góp tiền điện, thậm chí ngay cả việc bảo dưỡng điều hòa nhà trường cũng đành phải trích ra từ tiền ngân sách. Mặc dù là tốn kém nhưng trước hết là học trò sau đó là đến cô giáo nên đành phải "cắn răng" mà bật.
"Chỉ hôm nào thực sự nóng nực thì mới bật điều hòa, với những ngày bình thường thì đành phải "tiết kiệm" bằng cách bật quạt để giảm lượng tiêu thụ điện" - lãnh đạo này hóm hỉnh cho biết.
Trong khi đó, công tác của giáo viên trông mom trẻ cũng vất vả hơn ngày thường. Nắng nóng đồng nghĩa với việc trẻ dễ bị ốm nếu chăm sóc không cẩn thận. Chính vì thế cô luôn phải luôn "như hình với bóng" với trẻ để giám sát hoạt động của trẻ.
Trong những ngày này, việc giám sát và chăm sóc trẻ luôn được giáo viên đặc biệt quan tâm bởi trẻ rất dễ bị ốm.
Với việc ngôi trường được phủ nhiều cây xanh cùng với việc phòng học đều được trang bị máy lạnh nên HS Trường tiểu học Thành Công B (Q. Ba Đình, Hà Nội) "sướng" hơn các trường khác. Tuy nhiên lại phát sinh ra một số tình huống "oái ăm".
Các phòng học của Trường tiểu học Thành Công B (Q. Ba Đình, Hà Nội) đều được lắp máy điều hòa.
Do đợt nắng nóng đột ngột nên nhà trường chưa kịp bảo dưỡng toàn bộ máy lạnh dẫn đến việc cô và trò vẫn "mướt mồ hôi" khi ngồi điều hòa. Cô Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: "Việc xã hội hóa ở nhà trường rất bài bản và minh bạch. Chính vì thế từ việc lắp điều hòa cho đến bảo dưỡng phụ huynh đều rất nhiệt tình tham gia. Thấy máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, một bậc phụ huynh của trường đang làm ở trung tâm bảo dưỡng đã tình nguyện đến "xử lý" miễn phí. Tình trạng "mướt mồ hôi" khi ngồi điều hòa sẽ được giải quyết sớm".
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng "mướt mồ hôi" vì điều hòa chưa được bảo dưỡng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một vấn đề nan giải cho các trường có trang bị máy lạnh ở phòng học đó là tình trạng "thiếu điện". Phần lớn các đường điện kéo về trường là để thắp sáng, chạy quạt do đó khi các máy điều hòa cũng một lúc hoạt động dẫn đến việc áp tô mát nhảy liên tục.
Hiệu trưởng Trường mầm non Cát Linh cho biết: "Với việc áp tô mát nhảy liên tục nên nhà trường đã phải ra làm việc với đơn vị cung cấp điện để chuyển sang pha ít bị quá tải hơn. Cũng may số phòng học ở trường cũng không quá nhiều chứ nếu mà một lúc chạy 30 máy điều hòa thì chỉ còn nước ra ngồi canh cầu dao tổng để canh nhảy áp tô mát liên tục".
Máy lạnh được bật hết công suất nên việc nhảy áp tô mát thường xuyên xảy ra. Đây cũng là nỗi lo của những trường được đầu tư lắp máy lạnh.
Cùng chung tâm sự này, cô Phạm Thị Yến chia sẻ thêm: "Để tránh việc nhảy áp tô mát, nhà trường đã phải nhờ người đến cân đối lại được điện cho hợp lý. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn phải chạy ra đóng áp tô mát".
Qua những tình huống "oái ăm" trên mới thấy, phòng học không có điều hòa thì quá khổ nhưng có rồi thì cũng "nan giải" đủ đường. Suy cho cùng cũng chỉ tại "ông trời". Ai cũng mong có những cơn mưa mát lạnh dội xuống để đẩy lui cái nóng oi bức trong những ngày qua.
Theo Dantri
Kỳ lạ "thôn Robinson" hơn 50 năm mắc kẹt giữa lòng hồ Thôn Đồng Mậm (Lục Ngạn, Bắc Giang) nằm trọn trong lòng hồ Cấm Sơ nhỏ bé, yên bình nhưng ẩn chứa biết bao chuyện buồn phải kể về cuộc sống tách biệt với văn minh loài người. Mấy chục năm qua người dân quanh vùng vẫn gọi Đồng Mậm là một ốc đảo, do thôn nằm giữa hồ Cấm Sơn rộng lớn. Để...