Ít nhất 20 doanh nghiệp gỗ gặp “rắc rối” khi làm ăn với công ty của chồng Thu Minh
Ông Otto de Jager đã về Việt Nam sau chuyến công tác nước ngoài nhưng vẫn chưa có động thái phản hồi nào sau hàng loạt đơn thư tố cáo liên quan đến ông và công ty Global Home.
Ông Otto hiện có mặt ở Việt Nam, nhưng vẫn im lặng
Ông Otto de Jager, chồng của ca sĩ Thu Minh và là người có liên quan tới các thông tin tố cáo ồn ào liên quan đến công ty Global Home đã về Việt Nam từ hôm thứ Sáu (19/8) theo đúng cam kết trước đó để giải quyết các vấn đề tồn đọng với đối tác.
Đây là khẳng định của bà Vũ Anh Minh, đại diện công ty Global Home tại Việt Nam cho chúng tôi biết.
Tuy nhiên, thời điểm ông Otto có khả năng lên tiếng để “giải trình” về các tố cáo ồn ào hiện nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Ít nhất 20 doanh nghiệp gỗ có tranh chấp với Global Home
Theo nguồn tin từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ngoài những doanh nghiệp hội viên, còn khoảng 20 doanh nghiệp gỗ khác có liên quan đến tranh chấp với Global Home. Theo HAWA, các doanh nghiệp gỗ này tập trung ở nhiều nơi.
Được biết, họ cũng thực hiện những thoả thuận cung cấp sản phẩm từ gỗ thông qua thư điện tử, giao hàng, sau đó chờ nhận tiền chuyển về từ Global Home.
Đại diện HAWA cho hay: “Theo tìm hiểu chúng tôi, có ít nhất 20 doanh nghiệp khác rơi vào tình trạng tương tự như công ty Gia Hân. Sở dĩ họ không lên tiếng hoặc chưa lên tiếng có thể số tiền cũng chỉ ở mức vài chục nghìn USD và không muốn mất nhiều thời gian giải quyết”.
Vị này còn cho biết thêm: “Hiện tại HAWA chưa thể thông tin chính thức về việc này, nhưng nếu hội viên có yêu cầu thì Hội sẽ cân nhắc, đưa ra thông tin thích hợp.
Hội cũng sẽ đưa những thông tin tư vấn, cảnh báo về rủi ro trong các hợp đồng kinh tế, nhất là đối với ngành sản xuất và chế biến gỗ. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các DN khi tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng sau này để hạn chế rủi ro”.
Dự kiến vài ngày nữa, HAWA sẽ chính thức tổ chức một cuộc họp báo nhằm công bố những thông tin quan trọng trên, trong đó mục tiêu lớn nhất là nhằm đưa ra lơi cảnh báo kịp thời cho nhiều hội viên để giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu gỗ cho các đối tác nước ngoài.
Video đang HOT
Trao đổi với chúng tôi sáng 21/8, đại diện HAWA cho biết vào thứ Hai (ngày 22/8) lãnh đạo hội sẽ trực tiếp làm việc với công ty Gia Hân để xem rõ hồ sơ, chứng từ làm ăn qua lại với Global Home, sau đó sẽ chính thức họp báo.
Công ty Việt Mỹ gửi đơn tố cáo lên Bộ Công An
Trong khi kế hoạch trên chưa kịp diễn ra, mới đây nhất một công ty sản xuất gỗ khác tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) là công ty TNHH Sản xuất – Xuất nhập khẩu gỗ Việt Mỹ vừa ký đơn tố cáo gửi đến Bộ Công an tiếp tục nêu rõ hành vi công ty Global Home đang cố tình chiếm dụng tiền của doanh nghiệp này trong nhiều năm qua
Theo đó, công ty Việt Mỹ đã ký kết hợp đồng cung cấp các sản phẩm từ gỗ cho Global Home từ tháng 5/2011-5/2012 với tổng trị giá hơn 100.000 USD.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, phía công ty này đã cảm thấy “bất lực” khi yêu cầu Global Home trả khoản nợ hơn 66.000 USD còn lại.
Theo nội dung đơn tố cáo, công ty Việt Mỹ đã ký một hợp đồng cung cấp các sản phẩm từ gỗ với công ty Global Home từ năm 2009.
Qua quá trình làm ăn, công ty Việt Mỹ đã tuân thủ đúng quy định hợp đồng, cung cấp các chủng loại sản phẩm theo yêu cầu phía đối tác. Tuy nhiên, phía Global Home đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền hàng với số tiền trên 186 nghìn USD
Công ty Việt Mỹ đã nhiều lần liên lạc với ông Otto đề nghị trả số tiền nêu trên, tuy nhiên ông Otto chỉ trả đúng số tiền là 120.284 USD. Số tiền còn lại trên 66 nghìn USD phía công ty Global Home đến nay vẫn không chịu thanh toán với lý do viện dẫn là sản phẩm được giao không phù hợp với đơn đặt hàng của Global Home.
Theo đại diện công ty Việt Mỹ, đây là lý do hết sức vô lý, bởi lẽ toàn bộ sản phẩm giao cho đối tác đã được ông Otto và Global Home đóng dấu kiểm định chất lượng, phía công ty Việt Mỹ đã hoàn thành thủ tục bàn giao sản phẩm theo điều kiện FOB mà hai bên đã thoả thuận trước đó.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc công ty Việt Mỹ, nói: “Hiện nay chúng tôi không thể liên lạc được với ông Otto cũng như không nhận được bất cứ hồi âm nào từ Global Home.
Như vậy, việc ông Otto lợi dụng sự tin tưởng của chúng tôi qua việc ký kết hợp đồng sản xuất và cung cấp số 02/2009/VM để có được toàn bộ sản phẩm gỗ bán ra thị trường nước ngoài, nhưng sau đó họ không thực hiện thanh toán theo đúng các điều khoản trên hợp đồng”
Cũng theo bà Oanh, qua tìm hiểu bà được biết công ty Global Home S.R.O chưa được Sở Công thương TP.HCM cấp giấy phép kinh doanh và không phải là văn phòng đại diện cho bất cứ công ty nước ngoài nào tại TP.HCM.
“Chúng tôi đã gửi công văn đề nghị Sở Công thương TP.HCM cung cấp thông tin chi tiết và sẽ công bố thời gian sớm nhất”, bà Oanh nói.
Theo Soha News
Vì sao Global Home chỉ chấp nhận thanh toán nợ cho Vinafor?
Ngay sau khi Công ty TNHH Gia Hân "nổ phát súng" đầu tiên tố cáo ông Otto "trốn nợ", nhiều doanh nghiệp khác cũng đồng loạt làm điều tương tự. Tuy nhiên, ông Otto và Công ty Global Home chỉ chấp nhận thanh toán các khoản nợ cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinafor Đà Nẵng - Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng (doanh nghiệp có 51% vốn đầu tư Nhà nước).
Phớt lờ nhiều doanh nghiệp tư nhân
Công ty TNHH Gia Hân (trụ sở đóng tại P. Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) do bà Nguyễn Thị Thu làm giám đốc là đơn vị đầu tiên gửi đơn tố cáo ông Otto De Jager (Giám đốc điều hành của Công ty Global Home) đến các cơ quan chức năng. Ngay sau khi Gia Hân "nổ phát súng" tiên phong, một số doanh nghiệp gỗ khác lên tiếng tố cáo công ty Global Home đang cố tình "trốn" nợ. Trong đó, có thể kể đến các thương vụ giữa Global Home với Công ty TNHH Sản xuất - xuất nhập khẩu gỗ Việt Mỹ (Biên Hoà, Đồng Nai) và Công ty Vinafor (Đà Nẵng)...
Về phía Gia Hân, công ty này cho biết, từ tháng 4 đến tháng 7/2015, doanh nghiệp đã cung ứng cho Global nhiều lô hàng nhưng sau đó ông Otto không chi trả công nợ. Chỉ trong một thời gian, khoản nợ đó đã lên đến hơn 493.000 USD, tương đương với hơn 11 tỷ đồng.
Những mẫu sản phẩm gỗ mà công ty của Otto ký thoả thuận với đối tác Việt
Không chỉ thế, đại diện Gia Hân còn cho biết thêm, công ty Global Home còn đặt lô hàng trị giá 280.000 USD. Kỹ thuật viên của công ty này xác nhận, đóng dấu hợp chuẩn nhưng Global lại không lấy hàng. Chính điều này khiến công ty Gia Hân phải "dở khóc dở cười" vì lô hàng tồn kho đó có giá trị rất lớn.
Trong khi đó, Global Home lại đưa ra nhiều lý do dẫn đến việc họ hủy hợp đồng và không thanh toán các khoản nợ cho Gia Hân. Công ty này cho rằng Gia Hân đã vi phạm hợp đồng trong quá trình giao dịch với họ. Theo Global Home, những hành vi vi phạm hợp đồng của Gia Hân đã khiến phía đối tác phải chịu thiệt hại tới 250.000 USD để bồi thường cho khách hàng. Chưa dừng lại ở đó, Global Home còn lên tiếng cho rằng sự sai trái của Gia Hân cũng khiến cho họ bị tổn thất nghiêm trọng về mặt doanh thu, mất khá nhiều hợp đồng với khác hàng do thiệt hại uy tín đối với nhãn hàng - thương hiệu. Bằng những lý lẽ ấy, Global Home đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Gia Hân nhằm hạn chế những thiệt hại xảy ra đối với mình.
Công ty Global Home cũng đã chỉ rõ những sai phạm của phía Gia Hân. Global Home cho rằng Gia Hân đã giả mạo dấu KCS/QC (Kiểm tra chất lượng sản phẩm) của họ. Ngoài ra, nhà cung ứng này cũng sử dụng gỗ chất lượng thấp khi gia công; Sử dụng vật liệu hoàn thiện không đúng và bất hợp pháp, trong đó có Gasoline. Không chỉ thế, Gia Hân còn giao nhiều container sản phẩm kém chất lượng cho Global Home.
Được biết, sau vụ việc này, Công ty Gia Hân đã tìm mọi cách liên hệ với ông Otto nhằm mục đích làm rõ vấn đề hàng kém chất lượng. Thế nhưng ông Otto vẫn "phớt lờ" đối với những lý giải từ phía đối tác, nhiều lần né tránh việc gặp mặt đơn vị đã cố cáo mình. Đáng lưu ý, chiều 14/8, nhiều công nhân của công ty Gia Hân mang băng rôn đến tận trụ sở công ty Global để đòi nợ nhưng ông Otto vẫn "im hơi lặng tiếng".
Ngoài Gia Hân, Công ty Việt Mỹ cũng đã làm đơn tố cáo Otto gửi đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp đòi lại tiền. Đơn tố cáo cho thấy, trong năm 2012, công ty của ông Otto đã "xù" một khoản tiền mua hàng của công ty Việt Mỹ, lên đến 66.000 USD. Khi đối tác có dấu hiệu "xù nợ", phía công ty Việt Mỹ không ngừng truy tìm ông Otto để đòi nợ nhưng bất thành.
"Xuống nước" với... Vinafor
Trong khi những "đồng nghiệp" của mình bất lực trong việc đòi nợ Công ty Global Home thì Công ty Vinafor (Đà Nẵng) mới vừa cho biết, đơn vị này đã được Global Home "xuống nước" chấp nhận thanh toán và nhận lại toàn bộ số hàng tồn kho trị giá gần 300.000 USD ngay sau khi họ gửi đơn tố cáo đến Bộ Công an.
Trước đó, từ cuối năm 2015 đến nay, Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinafor Đà Nẵng - Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng (tạm gọi là Xí nghiệp gỗ - XNG) đã không ngừng gửi nhiều đơn tố cáo đến cơ quan công an nhằm nêu rõ hành vi lợi dụng tín nhiệm, thiếu trách nhiệm với đối tác, có hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo đơn tố cáo, đầu năm 2013, Vinafor hợp tác làm ăn với Global Home. Thời gian này, việc thực hiện hợp đồng diễn ra bình thường, nhưng từ giữa năm 2013 ông Otto "giở trò", không nhận hàng nữa. Việc đột ngột "buông bỏ" nguồn hàng đã đặt cọc này của ông Otto khiến công ty Vinafor thiệt hại lớn khi phải ôm lô hàng trị giá hơn 200.000 USD. Đó là chưa kể thiệt hại do Vinafor nhập nguyên nhiên liệu về để sản xuất, thực hiện các hợp đồng trên.
Trong khi các doanh nghiệp khác chật vật đòi nợ thì Global Home "xuống nước" với Vinafor
Cũng giống như những nạn nhân khác, Vinafor phải cực lực trong thời gian dài tìm cách liên lạc, yêu cầu ông Otto thực hiện hợp đồng ký kết hay ít ra cũng gặp mặt để giải quyết vấn đề. Thế nhưng kết quả mà họ thu được đó là lá thư điện tử từ ông Otto. Trong thư ông Otto ép đối tác phải giảm từ 30% rồi 50% mới nhận hàng hay buộc Vinafor giao hàng tại kho ngoại quan ở TPHCM. Được biết, những điều kiện được ông Otto đặt ra vốn không thuộc điều khoản quy định trong hợp đồng.
Qua tính toán, suy xét, Vinafor quyết định chỉ có thể giảm giá 15%. Nhận thấy không thể "kỳ kèo" được, ông Otto từ chối và đã đơn phương rút lại tiền đặt cọc thực hiện hợp đồng là 20.000 USD.
Tuy nhiên, ngay sau khi doanh nghiệp này gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, ông Otto đã có dấu hiệu "xuống nước", đồng ý thương lượng với Vinafor.
Ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinafor Đà Nẵng - Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng biết, ngày 18/7/2015, ông Otto cũng đã gửi thư xác nhận một phần trong các lỗi từ phía Global Home là đội ngũ QC của ông kém năng lực trong kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, Global Home yêu cầu thay đổi kết cấu sản phẩm, màu sơn do Global Home đưa sai và yêu cầu Xí nghiệp Gỗ sửa lại tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng...
Đặc biệt, vào đầu năm 2016, ông Otto lại bất ngờ đồng ý thương lượng trở lại với công ty này. "Sau nhiều lần trao đổi thư điện tử qua lại, chứ chúng tôi chưa hề được gặp gỡ đại diện nào của phía đối tác, họ đã đồng ý nhận lại toàn bộ số hàng trị giá trên. Để đạt được thoả thuận này, chúng tôi chấp nhận giảm giá 15% theo yêu cầu của Global Home", ông Trung nói.
Theo tìm hiểu của Dân Trí, Chi nhánh Công ty CP Vinafor Đà Nẵng - Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng trực thuộc Công ty CP Vinafor Đà Nẵng (51% vốn Nhà nước) là công ty của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo Dân Trí