Ít có người chồng nào dại như tôi
Giờ tôi mới thấm thía kinh nghiệm của mấy ông anh đi trước: Tiền vào tay vợ là một đi không trở lại.
“Anh xài gì mà xài dữ vậy? Phải biết tiết kiệm chớ? Xài kiểu đó rồi mai mốt có chuyện gì thì cạp đất mà ăn”. Vợ tôi giẫy lên như đĩa phải vôi khi tôi bảo đưa một ít tiền để tôi sắm sửa Tết, chuẩn bị quà biếu cho họ hàng ở quê.
Với cái kiểu trả lời như vậy, chắc chắn tôi xin 10 ngàn thì chỉ được 5 ngàn, xin 10 triệu thì chỉ được 5 triệu. Chính vì biết tính vợ như vậy nên tôi mới nói dư ra rồi trả giá dần dần…
Có lẽ trên đời này, ít có thằng đàn ông nào ngu như tôi. Ngày công ty phát cái thẻ ATM và bắt đầu trả lương qua tài khoản, tôi hí hửng khoe vợ: “Em sướng rồi nghen. Anh đăng ký dịch vụ SMS qua số điện thoại của em, từ giờ trở đi lương bổng của anh có bao nhiêu, tiền ra, tiền vô thế nào em biết hết”.Phương Chi, vợ tôi cười tít mắt: “Nhưng nếu chỉ biết thì đâu có sướng? Anh phải đưa thẻ cho em giữ thì mới quản lý được. Đưa cho em đi, lúc nào anh cần tiền thì em sẽ đưa thẻ cho anh đi rút”.
Vợ tôi nói ngon, nói ngọt, cuối cùng tôi nghĩ, thôi thì của chồng, công vợ. Phương Chi kỹ tính, biết dè sẻn chi tiêu, chắc chắn tiền bạc không thất thoát đi đâu mà lo. Vầy cuối cùng tôi cũng đưa thẻ cho vợ. Ngày đó cách nay đã gần 10 năm. Khi ấy việc trả lương qua thẻ còn hiếm hoi nên được cầm cái thẻ rút tiền trong tay, vợ tôi hãnh diện lắm; luôn làm ra vẻ văn minh, hiện đại lắm. Tôi nhìn thấy vẻ vui sướng của vợ thì cũng vui lây, bụng bảo dạ, thôi thì làm được cho người mình yêu thương hạnh phúc thì chính mình cũng hạnh phúc vậy.
Thế nhưng,chỉ ít lâu sau đó rắc rối bắt đầu nảy sinh. Trước đây, tiền lương tôi đưa cho vợ 2/3, còn giữ lại 1/3 để ăn sáng, cà phê với bạn bè và tiêu xài lặt vặt nhưng khi hữu sự. Thỉnh thoảng có dư một ít, tôi gởi về cho bà già ngoài quê hay cho mấy đứa cháu vô Sài Gòn học hành. Tôi chỉ xoay sở trong “hạn mức” của mình, không bao giờ lấy thêm của vợ.
Còn bây giờ, vợ thích ra cây ATM rút tiền nên cứ đưa cho tôi mỗi lần một ít, xài năm ba bữa hết lại phải xin. Mà tôi nhẩm tính, từ khi có cái thẻ, chưa bao giờ tôi được nhận đủ 1/3 hạn mức của mình. Chưa kể, mỗi lần xin tiền thì lại nhận được câu nói mát mẻ của vợ: “Ủa, hết rồi hả? Em nhớ mới đưa cho anh mà. Nhớ tiết kiệm đó nha, mình còn phải dành dụm để nuôi con…”.
Trời ơi, tôi là thằng đàn ông tiết kiệm nhất trên đời này rồi. Chuyện gì đáng xài tôi mới xài chứ không đáng, 1 đồng tôi cũng không hoang phí. Thế nhưng là đàn ông mà trong túi không có tiền, tôi cảm thấy mình rất mất giá trị. Muốn làm gì cũng không còn tự chủ. Tôi bắt đầu suy nghĩ rồi ân hận về chuyện đã giao ví tiền cho vợ. Giờ tôi mới thấm thía kinh nghiệm của mấy ông anh đi trước: Tiền vào tay vợ là một đi không trở lại. Tôi có cảm giác mỗi lần ngửa tay xin tiền vợ là tình cảm vợ chồng lại sứt mẻ một chút vì chẳng bao giờ Phương Chi vui vẻ đưa tiền cho tôi.
“Thôi, em đưa trả cái thẻ cho anh rồi mỗi lần tới kỳ lương, anh lại rút ra đưa cho em như trước”- có lần bức bối quá, tôi nói với vợ như vậy. Đó là lần mẹ tôi bệnh, anh hai gọi điện thoại cầu cứu, tôi bảo Phương Chi đưa tiền thì nàng nói rằng tiền đã gởi tiết kiệm có kỳ hạn, không rút ra được. “Anh coi mượn đỡ ai đó rồi mai mốt trả lại, nhưng nhớ là đưa cho anh hai 2 triệu thôi nha, không có nhiều đâu”- nàng căn dặn.
Chỉ vì cái thẻ ATM mà vợ chồng tôi ra nông nổi này… (Ảnh minh họa)
Tôi bực mình vô công ty vay quỹ tương trợ nội bộ 10 triệu gởi về cho mẹ. Biết được, vợ tôi tru tréo: “Vậy thì tháng tới lấy gì mà ăn? Anh thì chỉ giỏi bao đồng; mẹ là mẹ chung, mấy anh, mấy chị đâu mà bắt anh phải lo? Mẹ ở với anh hai, đất vườn anh hai hưởng thì phải nuôi mẹ chớ?”. Tôi không muốn đôi co nên bảo: “Nói nhiều quá!”.
Những chuyện nhỏ nhặt như vậy làm cho cuộc sống của chúng tôi ngày càng kém vui vẻ. Tôi là người biết nghĩ, biết lo cho gia đình chứ đâu phải kẻ ăn chơi hoang phí mà vợ tôi lại quản lý theo kiểu phát xít như vậy? Chung quy mọi chuyện cũng tại cái thẻ ATM mà ra. Khổ nỗi, công ty tôi giờ không cho phép trả lương bằng tiền mặt nên chắc cả đời này, tôi bị cái thẻ mỏng manh ấy cột chặt và chi phối.
Gần 10 năm qua rồi nhưng không có cái Tết nào đối với tôi vui vẻ, trọn vẹn. Không phải chỉ chuyện không có tiền bạc rủng rỉnh trong túi mà là vì bắt đầu từ khi công ty trả lương, thưởng vô thẻ thì vợ chồng cũng bắt đầu cuộc chiến “bên anh, bên tôi; bên vợ, bên chồng”. Vợ tôi mua sắm cái gì, biếu tặng ai ra sao tôi đều không được biết. Thế nhưng tôi muốn làm gì với đồng tiền của mình cũng phải báo cáo, giải trình và luôn luôn không được phê duyệt dự toán.
Tết năm nay cũng không là ngoại lệ. Tôi còn ông bà nội năm nay đã ngoài chín mươi nên muốn mua tặng ông bà nội mỗi người một bộ đồ mới và biếu ông bà ít tiền để ông bà lì xì lại cho con cháu. Mẹ tôi thì Tết nào tôi cũng gởi về vài triệu để mẹ phụ anh chị hai lo đồ cúng kiếng mấy ngày Tết. Năm nay công ty tôi có sếp mới, tôi cũng muốn có một món quà tặng sếp để ra mắt… Nói chung là những khoản chi năm nay có nhiều hơn năm ngoái một chút nhưng đều là chính đáng.
Thế nhưng vợ tôi lại không duyệt. Tôi bực quá bảo: “Bây giờ em còn bao nhiêu tiền trong sổ tiết kiệm, đưa đây cho anh coi”. Nhưng vợ tôi nhất quyết không đưa và còn lu loa rằng tôi làm như vậy là bỉ mặt vợ, là không tin tưởng, là hằm bà lằng đủ thứ…
“Không đưa hả? Vậy thì cứ ôm tiền đó mà ăn Tết một mình đi. Tôi đi về quê đây”. Nói rồi tôi đùng đùng xếp quần áo, gọi nhà xe mua vé. Đến lúc này, vợ tôi mới mếu máo: “Tại em không có tiền chớ không phải có mà không đưa cho anh. Hôm qua em rút trả nợ hết rồi… nhưng vẫn chưa đủ…”. Tôi chưng hửng: “Nợ ai? Nợ gì?”.
Trời ơi, vợ tôi đánh số đề, bao nhiêu tiền bạc nướng hết vô đó. Vậy mà bao nhiêu lâu nay tôi cứ đinh ninh mình nàng là một tay hòm, chìa khóa tin cậy. Những điều vợ tôi nói khiến tôi chết đứng như trời trồng. Hóa ra bao nhiêu năm nay, tôi giao trứng cho ác.
Video đang HOT
Tết đã cận kề một bên vậy mà tôi không có một đồng xu dính túi. Đi làm thì thôi chứ về đến nhà, thấy mặt vợ là bao nhiêu ấm ức bị dồn nén lại bung ra. Tôi chỉ muốn đập cho vợ một trận nhưng giờ đây ngay cả chuyện ấy tôi cũng không có hứng thú để làm. Tôi đã nói với Phương Chi: “Ăn Tết xong, anh sẽ ly dị em”.
Tôi nói thật lòng mình chứ không phải dọa dẫm gì nàng. Chỉ vì cái thẻ ATM mà vợ chồng tôi ra nông nỗi này…
Theo VNE
Góc Sài Gòn: Sài Thành với những gam màu nổi, trầm, nóng, lạnh
Tôi không nghĩ có ngày sẽ viết về Sài Gòn vì tôi chưa bao giờ nghĩ là yêu Sài Gòn cả, thôi thì cho những người bạn, có thể cho cả tôi để một chút cảm nhận về Sài Thành.
Ban ngày Sài Gòn tấp nập, thế còn ban đêm Đằng sau một Sài Gòn nhộn nhịp và có phần xô bồ kia vẫn còn một thành phố khác với đủ các gam màu nổi, trầm, nóng, lạnh... Những gam màu nổi trong đêm
Về đêm Sài Gòn vẫn thức. Cuộc sống ở các quận trung tâm vẫn tiếp tục nhịp sống nhộn nhịp của ban ngày. Những đêm cuối năm se lạnh nhưng vẫn có nhiều người đổ ra đường để đeo đuổi cuộc chơi tới sáng. Gần 11 giờ khuya, chúng tôi ngồi trong một quán cà phê ven đường Đồng Khởi, người vẫn nườm nượp, phần đông là "dân chơi đêm". Những quán cà phê kiểu này có khá nhiều ở trung tâm quận l, nổi tiếng nhất là quán dưới chân cao ốc Sun Wah trên đường Nguyễn Huệ. Quán này tuy có nhiều thành phần khách nhưng tập trung rất nhiều dân chơi có "xế hộp" (xe hơi), vừa cà phê vừa bình phẩm xe để chứng tỏ giá trị của mình! Các quán cà phê này chỉ như một điểm tập kết, điểm đến tiếp theo sẽ là những quán bar hay vũ trường.
Phía trước một quán bar khá nổi tiếng trên đường Nguyễn Huệ có khá đông người, đợi đến giờ "hoàng đạo". Đằng sau cánh cửa là hai vệ sĩ to cao với gương mặt rất ngầu, những vệ sĩ này vừa bảo đảm an ninh, vừa là "mốt" ở những quán bar hay vũ trường. Hình ảnh đầu tiên bắt gặp là một chàng trai đang gục đầu nôn mửa ngay trước cánh cửa kính ngăn giữa bên ngoài và bên trong quán. "Yếu mà còn đòi ra gió", một cô gái với chiếc áo hở nguyên lưng và cái mini jupe lướt qua, buông lời trách thương!
Trong diện tích chừng 100 mét vuông vô cùng ồn ào hầu như không còn chỗ trống, tiếng nhạc nhảy cứ dội huỳnh huỵch đến tức ngực. Vừa ngồi xuống trước quầy bar, lập tức đã có hai cô gái "xinh như mộng" sà đến chìa menu mời chọn thứ uống. "Uống giúp em chai rượu đi anh!", một cô niềm nở. Nhìn vào menu, chai rượu Remy Martin nhỏ (rẻ nhất) cũng có giá gần 700,000 đồng, gấp đôi giá bán bên ngoài. Thái độ ngọt ngào ban đầu bị thay đổi bằng một cái quay ngoắt người không thèm nhìn lại khi chúng tôi gọi hai chai Heineken, dù đã được tính gấp năm giá bên ngoài.
Xung quanh, bàn nào cũng để những chai rượu bạc triệu mà phần lớn người uống rượu đều còn rất trẻ. Bàn nào có rượu sẽ có một em tiếp rượu đứng trò chuyện giúp vui và... uống phụ. Quy định là không được ngồi với khách nhưng vẫn có một số cô sẵn sàng "bay đêm" sau giờ làm việc, điều này còn tùy thuộc vào mức độ "chịu chơi" của khách.
Có người vào đây gọi hẳn một chai rượu Henessy X.O đến 3 lít, uống không hết thì gửi lại có thẻ gửi rượu tại các nơi như thế này là một cách thể hiện sự "sành điệu" và càng nhiều thì càng "sành điệu".
"Đẳng cấp" nhất vẫn là tay chơi nào dám uống chai rượu Louis XIII có giá bán tại Việt Nam hơn 30 triệu đồng! Ở bàn bên cạnh chúng tôi có một cặp nam nữ, người đàn ông đã ngoài bốn mươi còn cô gái thì khá trẻ. Họ vừa nốc rượu vừa có những động tác vô cùng kích động rất hiếm thấy được nơi đông người. Ở đây dường như ai có phần người đấy, quan tâm đến nhau làm gì!
Không khí như đặc quánh lại bởi khói thuốc và bởi đủ các thứ mùi bia rượu và mùi nước hoa... Rải rác trong quán là những nhân viên trật tự, họ sẽ có mặt kịp thời để ngăn chặn những hành động quá khích. Không thể chịu lâu hơn cái không khí xô bồ cuồng nhiệt ở đây, chúng tôi rời quán...
Đường phố đêm đã thưa người qua lại, nhưng ở những nhà hàng sang trọng như Hoàng Thành trên đường Lê Lợi hoặc các quán nhậu dọc đường Nguyễn Thái Học hay dưới chân cầu Kiệu, dọc bờ kè mới bắt đầu là giờ đông khách. Dân chơi đang đổ tới từ các quán bar, vũ trường. Nhà hàng như Hoàng Thành thì chỉ dành cho các đại giạ Một bữa ăn khuya ở đây tốn vài triệu là chuyện bình thường còn ở những quán nhậu ven đường khác thì giá cả vẫn bình dân hơn.
... Và sắc màu chìm của đêm Sài Gòn Bên cạnh thế giới của những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, Sài Gòn còn có một cuộc sống khác hẳn về đêm. Đó là cuộc sống nhọc nhằn của những người chạy xe ôm, của những người phu khuân vác tại các chợ sớm, những người đạp xe rong khắp thành phố làm nghề tẩm quất và cả những bước chân lê khắp các con phố trung tâm của trẻ bán thuốc lá dạo, đánh giày.
Chúng tôi đã gặp Quý, một cậu bé có khuôn mặt thông minh quê ở Khánh Hòa, Quý 14 tuổi nhưng mới nhìn cứ tưởng cậu chỉ chừng 9 - 10 tuổi. Gầy guộc, xách trên tay chiếc hộp gỗ bày đủ thứ thuốc lá, kẹo cao su, Quý cất tiếng mời tôi mua thuốc. Tôi kéo ghế mời em. Ly sữa nóng gọi ra nhưng cậu bé vẫn ngại ngần, tôi phải nói mãi cậu mới cầm lên và uống một hơi hết ngay.
Từ đầu hôm đến giờ, cu cậu chỉ mới ăn một ổ bánh mì. Quý vào Sài Gòn đã ba năm, thuê nhà ở cùng với mẹ tại quận 8, hằng ngày hai mẹ con đi xe buýt sang quận l bán thuốc lá dạo. Quý cho biết, em đã nghỉ học mấy năm, rất muốn đi làm để phụ mẹ gửi tiền về quệ Một đêm làm việc tuy mệt nhưng cũng được 20-30 chục ngàn. "Sắp tới, em sẽ xin mẹ cho đi học nghề thợ điện, chẳng lẽ bán thuốc lá dạo cả đời sao được phải không anh?". Quý nói với tôi trước khi vội vã chạy theo hai du khách nước ngoài.
Sài Gòn về đêm có rất đông người làm nghề xe ôm, ngã tư nào cũng thấy một hai người đợi khách. Họ chập chờn trong giấc ngủ trên yên xe để được chạy một cuốc xe cho những bà đi chợ sớm hoặc cho các cô gái đi đêm trở về. Người chạy xe ôm nào cũng có cho mình những mối "ruột như vậy". Những cô gái thường cho tiền rất hào phóng, một anh xe ôm nói, nhưng đôi khi cũng sợ, vì lỡ gặp công an đi tuần tra họ lại tưởng mình là "ma cô" chở gái. Nhưng lo sợ lớn nhất của cánh xe ôm vẫn là sợ bị cướp xe, vì vậy khi có khách yêu cầu chở ra ngoại thành, họ đều từ chối. Chạy xe đêm rất ít khách, đêm nào khá thì được 50-70 ngàn. Ai có khu vực của người đó, chạy sang khu vực khác để tranh khách là điều tối kỵ.
Nơi tập trung đông xe ôm nhất vẫn là những khu chợ tạm. Những khu chợ này họp rất sớm, từ 12 giờ đêm, và tan cũng rất sớm. Trên đường Hậu Giang, quận 6 có một chợ nông sản được bày bán kéo dài mấy trăm mét. Chúng tôi ghé vào một xe mì lề đường, vừa ăn vừa nghe ông chủ vui tính kể chuyện: "Đêm nào cũng họp chợ như vậy, đông đúc ồn ào nhưng tui quen rồi, khu chợ này có từ trước 1975. Ở đây cũng phức tạp lắm, đêm nào cũng có đua xe, đánh nhau nhưng chẳng thấy bóng dáng anh công an nào". Như minh họa cho lời ông, lát sau bên kia đường liền xảy ra một vụ ẩu đả, cả khu chợ ồn ào lên.
Ở các khu chợ như thế này ngoài buôn bán, còn có một nghề khác nữa, đó là nghề bốc vác những cần xé nông phẩm. Một người bốc vác vừa lau mồ hôi nhễ nhại dù trời khá lạnh, vừa cố gắng xốc chiếc cần xé nặng chừng 70 - 80 kg lên chiếc xe đẩy. Bặm môi, anh ta đẩy chiếc xe chở hai cần xé rau quả đi về phía cuối chợ. Một lần như vậy được 2,000 đồng nhưng nhiều đêm cũng không có hàng để bốc do đội ngũ bốc vác quá đông. Bởi vậy ẩu đả tranh giành xảy ra là... chuyện thường ngày ở chợ. Dịp cuối năm thường có nhiều hàng nên có đêm dân bốc vác cũng kiếm kha khá, chừng 40-50 ngàn.
Còn rất nhiều nghề, nhiều cuộc đời khác nữa chúng tôi đã gặp trong những đêm lang thang khắp Sài Gòn. Nghề tẩm quất thì chuyên "trị" bởi những chàng trai gốc Bắc. Những quán cà phê cực rẻ dành cho dân lao động chỉ bán đến 5 giờ sáng. Những người xích lô già không nhà cửa ngủ co ro bên hè phố. Những cánh bướm đêm trên xe máy đuổi theo mời mọc khách ở những con đường nhỏ. Luôn có hai thế giới cùng tồn tại song song trong đêm Sài Gòn. Ở một thế giới thì đồng tiền quá sức nhỏ bé và không có bao ý nghĩa. Một thế giới với những đồng tiền mặn chát mồ hôi và cả nước mắt
Tính cách người SG
SG mưa nắng thất thường, nên tính tình của người SG cũng thất thường. SG mưa đó, rồi nắng đó, người SG cũng vậy, vui đó, rồi buồn đó. Nếu bạn yêu một cô gái SG, bạn nên chuẩn bị tâm lý. Ai mà biết được, khi bạn đặt một nụ hôn của mình lên gương mặt đáng yêu đó, bạn sẽ nhận được một gương mặt lạnh lùng đáng sợ, hay bạn sẽ nhận được một nụ cười làm mát dịu cả SG đang mùa nóng nực này. Còn nếu bạn yêu một anh chàng SG, thì cũng nên chuẩn bị tâm lý, anh ta vừa cãi lộn với bạn một trận kinh hoàng xong, quay ngoắt đi một mạch khỏi nhà bạn, thì 10 phút sau anh ta quay ngoắt lại, rủ em ơi rảnh không, tụi mình đi chơi đi, tỉnh bơ.
Nhưng SG mưa hay nắng thì cũng có mùa. SG không có đủ bốn mùa như Hà Nội (HN), chỉ có hai mùa mưa nắng. Tôi thích cái thời tiết ở HN, vì ở đó, tôi được thưởng thức thế nào là cái nóng oi người, thế nào là cái rét nàng Bân, gió mùa đông bắc, chứ ở SG, tôi mặc một bộ đồ cả năm cũng thấy thích hợp, chẳng cần mua đồ đông hay xuân gì cả.
Người SG cũng vậy, tính tình không phức tạp, thậm chí, bạn có thể đoán trước tâm lý của họ, nếu bạn quen họ lâu ngày. Người SG suy nghĩ đơn giản, nói chuyện cũng đơn giản, không văn hoa, không rào đón, không ẩn ý, không mỉa mai châm biếm sâu xa. Tính tình của người SG rất thoáng, nhưng không dễ dãi. Nên người SG đi đâu cũng lập thân được. Mà người SG cũng sẵn sàng đón bạn bè khắp cả nước đến SG lập thân, cùng chung tay xây dựng một thành phố phát triển, phồn thịnh và năng động nhất cả nước như ngày hôm nay. "Hợp tác phát triển đôi bên cùng có lợi" là quan điểm chung của người SG hôm nay, cho dù đối tác là người mình ưa hay không ưa.
SG không phải là thiên đường như nhiều người vẫn nghĩ. Ở SG bạn dễ bị shock, ngay cả tôi, trước phong cách suy nghĩ và làm việc của người SG. SG không bao giờ ngủ, ngay cả trong khi ngủ SG cũng vẫn thao thức về những việc của ngày mai. Người SG có thể làm việc trong bất kỳ môi trường nào.
Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, cafe, massage, câu cá, giải trí, bất cứ ở đâu, bạn cũng có thể bị người SG kéo bạn vào cuộc làm ăn của họ. Người SG bây giờ, làm việc đến 12h trưa, nghỉ ngơi trò chuyện một chút đến 1 giờ rồi bắt đầu làm việc tiếp là chuyện bình thường, mà trong cả lúc nghĩ ngơi đó, họ cũng có thể "tranh thủ" với một đối tác nào đó. Hiện nay, hình như chỉ còn những công ty quốc doanh, cơ quan hành chính là vẫn làm việc "đúng giờ", vẫn còn cảnh sáng cắp ô đi tối cắp về.
Ở SG, nếu bạn không năng động, không thực sự giỏi, thì bạn sẽ thấy rất khó khăn để kiếm sống, còn nếu bạn là người có tài, thì SG luôn mong mỏi sự đóng góp của bạn. Đó là lý do, ngày càng nhiều người từ những địa phương khác đổ xô đến SG làm ăn, công chức, nhân viên, ca sĩ, nhạc sĩ, những người lao động tay chân đã chọn SG làm ngôi nhà thứ hai của họ. Thậm chí, họ chỉ đến SG kiếm tiền thôi, rồi về quê nhà lại, SG cũng vẫn chấp nhận, không định kiến, không cục bộ, lúc nào cũng mở rộng vòng tay, như bản tính của người SG, đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại.
Người SG không giận ai lâu bao giờ. SG chẳng phải như một số cá nhân quá khích nói đến, như "ta mất người như người đã mất tên", "Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý". SG không như vậy, người SG rất dễ tha thứ. Nếu bạn chọc giận cô bạn gái SG của mình, bạn hãy chịu khó dỗ ngọt vài câu, cô ấy sẽ nguôi cơn giận ngay. Con trai SG cũng vậy, ít khi nào để bụng chuyện gì. Bực mình là cứ thế oang oang, ầm ĩ một lúc, hết, là hết.
Người SG không mời lơi. Người SG thảo ăn, tôi nghe mẹ tôi nói vậy. Mời là mời, khách không ăn là giận, chứ người miền khác, mời mà khách ngồi vào ăn là không thích, chỉ mời thế thôi. Người SG uống cũng vậy, uống là uống thiệt tình, uống khi nào chủ xỉn khách xỉn mới về, chứ không có bỏ cuộc giữa chừng.
SG được thiên nhiên ưu đãi, nên bản tính ham chơi hơn ham làm. Người SG chơi ít biết tiết kiệm, trong túi còn tiền là còn xài. Người SG cũng hay nản lòng, không bền chí như bạn bè miền khác. Người SG cũng hay có tình trạng bè phái.
Tôi có khá nhiều cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè nhiều nơi, tôi thấy chỉ có người SG là làm biếng. Mà công nhận, SG làm biếng thật. Nhưng khi họ siêng, họ làm việc rất tích cực và có hiệu quả. Bạn bè tôi nhận xét người SG hiền, dễ tin người, tôi thấy đúng. Người SG không biết ăn miếng trả miếng, người SG không thù dai. Giận thì giận, tức thì tức, nhưng mà hết tức hết giận xong thì huề, hìhì, huề là huề, chứ không phải huề và vẫn còn quê.
Vậy thì SG dễ bị ăn hiếp quá! Đúng, SG gánh 30% tổng thu nhập cả nước, vậy mà có gì ngon ngọt, là thủ đô và cố đô hưởng. SG không thích tranh giành, người SG cũng không thích bon chen, cái gì của mình thì sẽ là của mình, còn không phải của mình, thì mình cũng không phá cho hôi. Thôi thì, cũng không ai lấy đó làm điều mà hờn giận, vẫn vui vẻ hoà mình chung với mọi miền đất nước...
Người SG sống đơn giản, ít suy nghĩ, ít để bụng, hay chia sẻ và luôn dang tay chào đón những điều mới mẻ đến với mình. Cũng như cái thời tiết của SG vậy, mưa là mưa, nắng là nắng, lâu lâu thì vừa mưa vừa nắng, nhưng căn bản, thì đất SG quanh năm cũng chỉ có nắng, gió và mưa mà thôi... khá dễ hiểu phải không bạn.
Cafe Sài Thành
Người Bắcmới vào Nam thường không quen với thời tiết đỏng đảnh của mảnh đất Sài thành; có lúc nắng đến khô người rồi có khi mưa xối xả cả tháng nhưng có một điều dễ trở thành thói quen chung là mỗi lúc vui buồn đều làm một ly café, nhấp cho hết vị đắng, hết cái quạnh hiu trong lòng người xa xứ...
Cái thú uống café lâu dần thành nghiện. Rồi chẳng biết tự bao giờ café trở thành một nhười bạn, lặng lẽ mà say đắm trong lòng. Đã đi qua ba miền đất nước, thưởng đủ mọi hương vị café, cảm nhận sự thâm trầm của đất Bắc, cái khắc nghiệt thân tình của dải đất miền Trung nhưng đến khi chân đặt lên đất Nam, dừng lại Sài Gòn mới thấy hết cuộc sống thật rộng, thật dài và đáng yêu.
Điều thú vị nhất là khi bạn sống ở Sài Gòn, bạn có thể uống café mọi lúc, mọi nơi, từ những hẻm nhỏ, những con phố dài, từ nhà hàng sang trọng đến những xe chở hàng rong... nơi nào cũng mang theo hương vị café thân thuộc.
Cung cách thưởng thức café của người Sài Gòn cũng đa dạng chẳng kém những hương và chủng loại café ở đây. Dù bạn ghé quán nhanh, nhấp một hớp café lạnh hay nóng, rồi vội vã đi làm hay la cà quán xá cũng không thú bằng cái việc uống café "uống cuộc sống, uống văn hóa Sài Gòn".
Cuộc sống đất Sài Gòn vồn vã, nhộn nhịp, con người Sài Gòn theo đó cũng thành hào phóng và sành sỏi. Người uống café không quá cầu kỳ kiểu cách nhưng tinh tế trong cách cảm hương, cảm vị của café. Quán café cũng mọc lên như nấm và trở thành nơi thuận tiện để trao đổi công việc, tỏ tình, hò hẹn hay tán gẫu, buôn chuyện với nhau cho qua những ngày mưa, cho bớt cái oi nồng của ngày nắng... Có những người tìm đến với quán café để thư giãn trong tiếng hòa tấu ghita của cố nhạc sĩ Trịnh công sơn, xua đi nỗi buồn cô quạnh, ngẫm nghĩ sâu hơn về cuộc đời.
Sài Gòn sôi động café cả ngày lẫn đêm. Các loại hình café mọc từ quán cóc đến vỉa hè, từ quán nhỏ đến quán lớn từ sân ga đến chợ búa, công viên. Người uống café đôi khi mua xong phải tự tìm cho mình một không gian mà thưởng thức. Cảnh nhộn nhịp những đôi bạn trẻ, từng tốp thanh niên trên bờ kênh Nhiêu Lộc hay những con phố trải dài thuộc quận 1, quận 3, quận 9, Bình Thạnh, Phú nhuận, Tân Bình, Hoàng Hoa Thám trở nên quen thuộc. Bạn muốn uông café nghe nhạc, bạn muốn uống café bóng đá, café hát giao lưu, café net, café sách, café chứng khoán hay thú uống café đĩa của Sài gòn xưa... chỉ tìm đên các cửa ngõ ra vào thành phố, sẽ tấp nập những lối vào thiên đường café.
Mấy ai đủ kiên tâm chờ tới lúc cốc café của mình vợi bớt cái nóng khi hương café đã thấm sâu vào mũi, len lỏi vào lồng ngực. Thưởng thức ly café mà như thưởng thức cả hương vị cuộc sống Sài thành.
Hết ngày, rồi đêm; hết một ngày, sang ngày mới, cuộc sống Sài Gòn vẫn nhộn nhịp và hương café vẫn lan tỏa. Chẳng biết từ bao giờ, café trở thành văn hóa: Văn hóa café- Văn hóa người Sài Gòn. Và mãi mãi trong cái thú vui thanh cảnh ấy còn có biết bao điều đáng nói.
Mùa đông Sài Gòn (Em nhớ...)
Thế là em được nếm chút phong vị mùa đông ở phương Nam, nơi chỉ có hai mùa mưa nắng. Anh sẽ cho là em tưởng tượng, chỉ vì đang nhớ anh và thèm có được cái se se ngọt ngào của phương Bắc mùa đông, chui vào căn phòng nhỏ, bật máy lạnh ào ào, rồi nghĩ... Đang mùa đông. Nhưng, anh ơi, lạ lắm, thật sự có mùa đông đi qua thành phố phương Nam em ở, thóang chốc thôi, đủ để cho em mơ màng... như đang được ở phương bắc cùng anh.
Những ngày cuối năm, sáng sớm, thức dậy mở tung cửa sổ ra, thay vào ánh mặt trời là một màn sương mỏng giăng mờ, che khuất cả những tầng cao của khu cao ốc trung tâm thành phố,mà hàng ngày kiêu hãnh vươn mình trong nắng sớm. Khẽ rùng mình với cơn gió lành lạnh, như một cái lưỡi mỏng nhẹ chạm vào mặt... Ôi, nụ hôn mùa đông phương Bắc lạc vào. Một niềm vui thật trẻ thơ khó diễn tả... có thể diện cái áo khóac anh tặng em ngày nào, mà khi cầm trên tay, em cứ băn khoăn, bao giờ mới mặc, vì nơi em ở chỉ tòan nắng.
Đường phố những buổi sáng này thật tuyệt. Không như mọi ngày, khói bụi mịt mù, người xe hối hả lao trên phố như các "Ninja" mặt mày bịt kín, bí hiểm. trong khí trời se se gió, mọi thứ như nhẹ đi, người xe đi chậm lại, thỏang vài nụ cười duyên rất dễ thương, khói bụi chỉ xóay nhẹ dưới mặt đường... Đặc biệt hơn, đường phố đầy màu sắc. Không chỉ riêng em, hình như mọi người đều háo hức với mùa đông bất chợt ghé thăm đến bất ngờ ở thành phố phương Nam. Áo len đủ màu hồng, hòang yến, tím, đỏ..., áo "vét" khóac đủ kiểu ta, Tây, Hàn Quốc, Hồng Kông...được dịp phô diễn. Phố vui hơn với màu sắc. Dọc các vỉa hè, quán cà phê "cóc" san sát, như đông hơn, chật chội, cứ như mọi người ai cũng muốn nán lại thêm mấy phút thưởng thức cái ấm áp của hương vị cà phê trong gió lạnh mang hơi mùa đông phương Bắc.
Chưa hết, mùa đông phương Nam còn khá lạ nữa. Cây phố như bị một cây cọ nghịch ngợm vung vẩy hắt những đốm màu vàng lẫn vào màu xanh ngắt, thi thoảng theo làn gió, vài chiếc lá bay xuống, nửa vàng, nửa xanh, ngơ ngác hè phố. Và những cơn mưa rắc bụi nước mát lạnh, như có như không, chưa thành cơn mưa phùn, chỉ đủ ướt ít tóc mai, chẳng đủ ướt phố, đến thật mau, đi cũng thật mau. Mọi người ngỡ ngàng và mỉm cười. Mùa đông có lẽ là như thế.
Mùa đông phương Nam, khoảnh khắc của nỗi nhớ. Em vẩn vơ. Phải chăng chính anh đã gửi một góc mùa đông phương Bắc vào cho em, để anh - em luôn có chung tất cả, là tình yêu không cách biệt.
Theo PNO
Em phải nghĩ như thế nào đây anh? Suốt một đêm thao thức với bao nhiêu là mộng mị, toàn về anh. Anh lạnh lùng như thế sao tôi còn không hiểu, sao còn cứ làm những việc đau mình... "Anh đang làm việc." vỏn vẹn bốn chữ như ngăn cách tôi liên lạc với anh. Ngây thơ cứ ngỡ đầu tuần anh bận đâu ai ngờ anh muốn ra đi......