Israel vạch kế hoạch ba giai đoạn nhằm lật đổ Hamas ở Gaza
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant giải thích các giai đoạn trong kế hoạch chính trị và quân sự của đất nước ông tại Dải Gaza. Các cuộc ném bom và tấn công trên bộ sẽ là bước đầu tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant phát biểu trước các binh sĩ Israel đang chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ gần biên giới Gaza, ngày 19/10/2023. Ảnh: EFE
Sau 13 ngày oanh tạc quy mô lớn từ trên không và chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào nhóm Hamas, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 20/10 đã đưa ra lời giải thích chi tiết nhất về các kế hoạch chính trị và quân sự của đất nước ông ở Gaza. Đó là một kế hoạch gồm ba giai đoạn, sẽ kết thúc bằng việc “thiết lập một thực thể an ninh mới cho người dân Israel” mà không cần triển khai binh lính thường trực ở Dải Gaza để quản lý cuộc sống hàng ngày của 2,3 triệu cư dân nơi đây.
Hồi năm 2005, theo Hiệp định hòa bình Oslo ký với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), chính phủ của Thủ tướng Ariel Sharon khi đó đã rút 8.000 người định cư và quân đội ở Gaza, nơi họ đã chiếm được từ Ai Cập trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Hiệp ước Oslo cho phép tạo ra một nhà cầm quyền Palestine, gọi là Chính quyền Palestine, có nhiệm vụ tự quản hạn chế ở các khu vực của Bờ Tây và Dải Gaza. Đồng thồi PLO phải công nhận Nhà nước Israel và kiềm chế các nhóm vũ trang Palestine. Tuy nhiên, hiệp định này không tạo ra một quốc gia Palestine.
Trong phát biểu ngày 20/10, Bộ trưởng Gallant giải thích, Israel hiện đang ở giai đoạn đầu tiên: “một chiến dịch quân sự bao gồm ném bom và sau đó sẽ bao gồm các cuộc hoạt động trên bộ, với mục đích vô hiệu hóa những kẻ khủng bố và phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas”.
Người phát ngôn quân đội Daniel Hagari cùng ngày cũng cho biết, máy bay quân sự Israel đang ném bom Dải Gaza “với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ” để “dọn đường” cho cuộc tấn công trên bộ, đồng thời Israel cũng đang thực hiện các cuộc tấn công nhỏ nhằm “lấy thông tin về các con tin” bị giam giữ tại Dải Gaza. Các cuộc không kích đến nay đã giết chết 4.137 người và làm bị thương hơn 13.000 người, theo số liệu do Bộ Y tế Gaza cung cấp hôm 20/10.
Ông Gallant đảm bảo với các binh sĩ Israel đã được triển khai ở biên giới rằng “họ sẽ sớm” nhìn thấy Gaza “từ bên trong”.
Phát biểu trong cuộc họp tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Tel Aviv với các thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Gallant cho biết, giai đoạn thứ hai “sẽ yêu cầu các hoạt động với cường độ thấp hơn, nhằm mục đích loại bỏ các ổ kháng cự”. Nói cách khác, Israel sẽ duy trì lực lượng trên bộ để chấm dứt phong trào vũ trang nổi dậy.
“Cuối cùng, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đạt đến tình huống sẽ có một cơ quan an ninh khác, chúng ta có toàn quyền tự do hoạt động và không có mối đe dọa nào bên trong Gaza. Chuyện đó sẽ không đến ngay trong một ngày, một tuần, hoặc, đáng tiếc nhất là một tháng. Các bạn phải hiểu điều đó, đó là một quá trình”, ông nói.
Giai đoạn cuối cùng sẽ bao gồm “việc Israel rút lại trách nhiệm đối với cuộc sống của cư dân ở Dải Gaza và thiết lập một thực tế an ninh mới cho người dân Israel”. Ông Gallant không giải thích quyền quản lý Dải Strip sẽ được chuyển giao cho ai sau khi chính quyền Hamas bị lật đổ.
Về mặt kỹ thuật, Israel tiếp tục chịu trách nhiệm với dân cư ở Gaza. Lãnh thổ này vẫn bị coi là vùng chiếm đóng quân sự cho dù Israel đã rút quân vào năm 2005, bởi vì nước này vẫn duy trì quyền kiểm soát không gian và vùng biển của Gaza. Tuy nhiên, Israel lập luận rằng không phải như vậy vì họ không còn quân đội hoặc người định cư trên mặt đất và vì toàn bộ Gaza là Khu vực A, tức là khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát hành chính và an ninh của Chính quyền Palestine (PNA), theo Hiệp định Oslo được ký năm 1993. Kể từ năm 2007, PNA không có quyền kiểm soát Gaza sau khi Hamas nắm quyền ở đó bằng cách trục xuất các lực lượng trung thành với phe Fatah đối thủ. Một năm trước đó, phong trào Hồi giáo này đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Chính phủ mới của Hamas không được cộng đồng quốc tế công nhận do họ từ chối công nhận Israel và không từ bỏ bạo lực.
Tướng Tư lệnh lực lượng dự bị Israel, Gadi Shamni, cựu lãnh đạo Sư đoàn Gaza và cựu tùy viên quân sự tại Mỹ, ước tính trong tuần này rằng toàn bộ chiến dịch của Israel sẽ kéo dài từ 6 đến 8 tháng. Ông phát biểu với đài truyền hình quốc gia Channel 12: “Việc chinh phục Gaza và giành quyền kiểm soát nó sẽ mất vài tuần”. Sau đó, sứ mạng sẽ bao gồm việc tiêu diệt và bắt giữ tất cả các tay súng Hamas. Ông Shamni đề xuất “giam giữ hàng nghìn người” trên sa mạc Negev “để làm công cụ thương lượng” hòng đổi lấy hơn 200 con tin ở Strip.
Video đang HOT
Hai con tin người Mỹ, Judith Tai Raanan và cô con gái 17 tuổi Natalie Raanan sau khi được Hamas thả tự do ngày 20/10/2023. Ảnh: Chính phủ Israel/CNN
Ngày 20/10, hai trong số các con tin bị bắt đi từ Israel đã trở thành những người đầu tiên được trả tự do. Thông tin này được Abu Obeida, người phát ngôn của Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam (cánh vũ trang của Hamas) thông báo và được văn phòng Thủ tướng Israel xác nhận. Abu Obeida biện minh cho quyết định này dựa trên “cơ sở nhân đạo” và để “chứng minh cho người dân Mỹ và thế giới thấy rằng những tuyên bố của Tổng thống Biden và chính phủ của ông là sai lầm và vô căn cứ. Trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Israel hôm 15/10, nhà lãnh đạo Mỹ đã cáo buộc Hamas vi phạm “những hành động tàn bạo khiến ISIS [Nhà nước Hồi giáo] còn có vẻ lý trí hơn” khi giết chết 1.400 người và bắt cóc hơn 200 người trong một cuộc đột kích bất ngờ ở Israel hôm 7/10.
Các nguồn tin chính thức của Israel và Mỹ xác định hai người phụ nữ được trả tự do là Judith Raanan và con gái Natalie của cô. Họ cư trú tại Illinois (Mỹ) và bay tới Israel để mừng sinh nhật lần thứ 85 của mẹ Judith và các ngày lễ của người Do Thái. Họ đã ở Nahal Oz, gần Gaza vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, đúng ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Sukkot. Tổ chức Israel đại diện cho gia đình những người mất tích và bị bắt cóc đã hoan nghênh thông tin này và kêu gọi lãnh đạo các nước Arab hành động để “trả tự do ngay lập tức” cho những người còn lại.
Hezbollah có thể tác động ra sao đến cuộc chiến Israel - Hamas?
Hezbollah có cánh quân sự được vũ trang mạnh, quyền lực chính trị quyết định và nguồn thu tài chính hàng trăm triệu USD.
Các chiến binh Hezbollah tham gia cuộc tập trận ở Aramta, Lebanon, vào tháng 5/2023. Ảnh: Getty Images/NBC
Khi quân đội Israel đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, thì mối lo ngại của họ cũng đang hướng lên phía Bắc, canh chừng bất cứ động thái nào của nhóm chiến binh Hezbollah bên kia biên giới với Liban (Lebanon).
Vài giờ sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10, Hezbollah đã bắn tên lửa dẫn đường và pháo vào Israel, nhưng vấp phải một loạt pháo binh. Kể từ đó cuộc chiến ăn miếng trả miếng vẫn tiếp tục lẻ tẻ. Nhưng khi xung đột leo thang ở Dải Gaza, liệu Hezbollah có khoanh tay đứng nhìn, liệu nhóm này có đánh đổi bầu không khí hòa hoãn lâu nay để can dự vào một cuộc xung đột khu vực.
Lịch sử ra đời và nền tảng tư tưởng của Hezbollah
Được thành lập vào đầu những năm 1980 khi Liban bị tàn phá bởi cuộc nội chiến, Hezbollah, cái tên có nghĩa là "Đảng của Chúa", là một đảng chính trị và tổ chức chiến binh của người Hồi giáo Shia có trụ sở ở Liban.
Được thành lập với sự hỗ trợ từ Iran, Hezbollah đặt ra sứ mệnh đánh đuổi lực lượng Israel khỏi Liban, đồng thời chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở Trung Đông.
Theo một báo cáo gần đây của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức có trụ sở tại New York, tổ chức này tự coi mình là một phong trào kháng chiến của người Shia ở Liban, tin vào quyền tự quyết của đất nước, đồng thời cam kết trung thành với Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei.
Lãnh đạo hiện tại của Hezbollah, Hassan Nasrallah, là thành viên của Phong trào Amal, một lực lượng dân quân người Shia, một trong nhiều nhóm tranh giành quyền lực trong cuộc nội chiến ở Liban, trước khi ông gia nhập Hezbollah vào năm 1982.
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông Nasrallah có quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo Iran, đảm nhiệm chức Tổng thư ký của Hezbollah vào năm 1992 sau khi Israel ám sát người đồng sáng lập và lãnh đạo trước đó của nhóm, Abbas Al-Musawi.
Hoạt động quân sự của Hezbollah và sự hỗ trợ từ Tehran đã khiến Mỹ, Anh Anh và các quốc gia phương Tây khác liệt nhóm này vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Mặc dù vậy Hezbollah cũng có các đại diện lập pháp ở Quốc hội Liban và cung cấp nhiều dịch vụ xã hội trong nước. Bên cạnh nhánh quân sự hùng mạnh, là tâm điểm của mối quan tâm hiện nay, Hezbollah còn điều hành một đảng chính trị có ảnh hưởng quyết định, các đài truyền hình và một mạng lưới rộng khắp các dịch vụ phúc lợi bao gồm phòng khám và trường học. Lợi ích kinh doanh rộng lớn của Hezbollah, cả hợp pháp và bất hợp pháp, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu USD.
Nguồn tài nguyên đa dạng này và mối liên kết chặt chẽ với Iran và Syria đã giúp Hezbollah vượt qua nhiều thách thức trong 40 năm tồn tại. Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran được cho là đóng một vai trò quan trọng ngay từ những ngày đầu thành lập tổ chức và đã cố vấn một cách hiệu quả cho Hezbollah.
Mối quan hệ Hezbollah - Hamas
Mối quan hệ giữa Hezbollah và Hamas không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Hamas là một nhánh của phong trào Anh em Hồi giáo dòng Sunni, trong khi nguồn gốc tư tưởng của Hezbollah là cuộc cách mạng Iran của người Hồi giáo dòng Shia.
Hai nhóm bất hòa liên quan đến vấn đề Syria trong cuộc nội chiến, khi Hamas từ chối ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng đại diện của cả hai - và các quan chức an ninh Iran - vẫn thường xuyên tham khảo ý kiến. Tất cả đều hướng tới việc chống Israel và phản đối bất kỳ hành động bình thường hóa quan hệ nào của các quốc gia Arab hoặc Hồi giáo với Nhà nước Do Thái.
Mặc dù không có bằng chứng về sự liên quan trực tiếp nhưng các chuyên gia phương Tây nhận thấy ảnh hưởng của Hezbollah đối với cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, Hamas đã có sự hỗ trợ của Hezbollah", ông Matthew Levitt, tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, nói, "Vụ này hoàn toàn nằm trong vở kịch của Hezbollah".
Mối đe dọa hiện tại của Hezbollah
Một đoạn video gần đây, cho thấy các chiến binh Hezbollah đang huấn luyện bằng súng bắn tỉa và ván trượt ở vùng núi Liban, có thể đã nhấn mạnh thêm năng lực quân sự của nhóm này
Naveed Ahmed, một nhà phân tích độc lập chuyên về Hezbollah ở vùng Vịnh, cho biết Hezbollah có một lực lượng gồm 20.000 chiến binh, nhiều người được đào tạo bài bản và được trang bị tốt. Lực lượng này có thể được mở rộng nhanh chóng bằng cách huy động 30.000 người thành viên bán thời gian, sau đó được tăng cường thêm bằng những lực lượng phụ trợ được đào tạo kém hơn.
Nhiều chỉ huy Hezbollah đã thu được kinh nghiệm hữu ích trong các trận chiến ở Syria, nơi tổ chức này từng triển khai lực lượng ồ ạt tới để hỗ trợ Tổng thống Assad. Các chuyên gia cho rằng thành trì của Hezbollah ở miền Nam Liban hiện được bảo vệ bởi hệ thống hầm sâu, đường hầm và kho chứa dưới lòng đất.
Các binh sĩ Hezbollah diễu hành tại một sự kiện kỷ niệm Ngày Al-Quds ở Beirut vào tháng 4/2023. Ảnh: Anadolu /Getty Images
Điều quan trọng là Hezbollah có kho tên lửa tầm xa khổng lồ, có thể tấn công hầu hết mọi nơi ở Israel, áp đảo các lá chắn phòng thủ để phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như tấn công các trung tâm dân cư. Các cuộc không kích gần đây của Israel ở Syria có thể nhằm mục đích ngăn chặn các nguồn cung cấp tiếp tế cho Hezbollah từ Iran.
"Họ đang trang bị tận răng. Họ có kho dự trữ tên lửa, rất nhiều đạn pháo; họ có máy bay không người lái tầm xa có khả năng mang đầy đủ trọng tải. Đó là một tổ chức quân sự rất linh hoạt và tiên tiến nhờ những kinh nghiệm ở Syria", ông Ahmed nhận định.
Cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah
Căng thẳng dọc biên giới của Israel với Liban đang rất cao. Đã có nhiều ngày đụng độ và một số người thiệt mạng. Hôm 17/10, một tên lửa chống tăng bắn từ Liban đã rơi xuống thị trấn Metula ở miền bắc Israel. Lực lượng phòng vệ Israel đáp trả bằng pháo binh và không kích. Hàng chục ngôi làng phía nam biên giới đã được sơ tán.
Nếu các nhà lãnh đạo của Hezbollah quyết định ủng hộ việc leo thang các hành động thù địch ở mức độ thấp hiện nay thì điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột hai mặt trận đẫm máu và khó khăn đối với Israel và do đó - có khả năng - dẫn đến một cuộc xung đột khu vực khi Syria, Iran, Mỹ và những "người chơi" khác tham gia.
Một số nhà phân tích tin rằng Hezbollah, mặc dù chuyên tâm tiêu diệt Israel, nhưng có quá nhiều thứ để mất nên không thể mạo hiểm để xảy ra một cuộc xung đột toàn diện, vì lợi ích chính trị và thương mại sâu rộng của họ. Nhiều người cho rằng Hezbollah từ lâu đã tìm cách kích động một cuộc chiến tranh ngắn hạn, có giới hạn nhưng lại muốn tránh bất cứ điều gì lớn hơn. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng có nguy cơ xảy ra một tính toán sai lầm chết người trong một môi trường căng thẳng như vậy.
Một yếu tố nữa là lực lượng khổng lồ của Mỹ hiện đang tiến vào phía Đông Địa Trung Hải, được điều động với mục đích rõ ràng là đe dọa Hezbollah và những người bảo trợ của lực lượng này ở Tehran.
"Không ai - kể cả một quốc gia có chủ quyền - sẽ không để ý đến hai nhóm tàu sân bay. Nó không ngăn cản họ thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ nhưng sẽ khiến Hezbollah suy nghĩ rất cẩn thận về việc làm bất cứ điều gì lớn hơn", chuyên gia Matthew Levitt nói.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Gaza được phát động lại là một câu hỏi khác. Người phát ngôn của Hezbollah mô tả các cuộc tấn công của họ cho đến nay là "một lời cảnh báo" đối với Israel, trong khi các quan chức cấp cao Hezbollah nhiều lần nói rằng họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Bộ trưởng Ngoại giao Iran thì cảnh báo rằng "khả năng chiến tranh lan rộng ở các mặt trận khác đang đến giai đoạn không thể tránh khỏi".
Theo tờ Guardian, tình hình khu vực thay đổi đáng kể sau vụ tấn công ngày 7/10 có nghĩa là hiểu biết thông thường về cách hành xử của các tổ chức như Hamas hay Hezbollah không còn đúng nữa. Điều này khiến cho tương lai rất khó dự đoán.
Tổng thống Abbas nói hành động của Hamas không đại diện cho người Palestine Hãng thông tấn chính thức WAFA của Palestine ngày 16/10 đưa tin Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas cho biết các hành động và chính sách của phong trào Hồi giáo Hamas không đại diện cho người dân Palestine. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (bên phải) và Tổng thốngVenezuela Nicolas Maduro. Ảnh: WAFA Theo WAFA, tối 15/10, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas...