Israel tuyên bố phá hủy 90% cơ sở quân sự của Iran ở Syria
Theo các quan chức Israel, nước này đã thành công trong việc kiềm chế gần như hoàn toàn khả năng Iran chuyển vũ khí cho Syria và sản xuất vũ khí ở đó.
Không quân Israel hoạt động để chống lại các mối đe dọa mới và đang phát triển trong khu vực. Ảnh: IDF
Tờ Bưu điện Jerusalem (jpost.com) ngày 23/10 dẫn lời các quan chức quốc phòng hàng đầu của Israel cho biết, quân đội nước này đã phá hủy khoảng 90% cơ sở hạ tầng quân sự của Iran ở Syria.
Cụ thể, Israel trong những năm qua đây đã thành công trong việc kiềm chế gần như hoàn toàn khả năng Iran chuyển vũ khí cho Syria, sản xuất vũ khí ở quốc gia Trung Đông từng bị nội chiến kéo dài này và thiết lập một căn cứ với các lực lượng thân Iran.
Mới nhất đêm 21/10, Israel đã tấn công tên lửa nhằm vào các địa điểm quân sự ở khu vực lân cận sân bay Quốc tế Damascus của Syria và vùng nông thôn phía Tây Nam của thành phố này. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Israel đã thực hiện 26 cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các địa điểm quân sự ở Syria.
Các quan chức an ninh Israel nhấn mạnh rằng họ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tuyến đường vận chuyển bí mật cả trên biển, trên không và trên bộ từ Iran đến Syria. Trong khi đó, bất chấp căng thẳng giữa Israel và Nga – quốc gia gần đây đã cảnh báo Israel không chuyển giao vũ khí cho Ukraine – cơ chế ngăn chặn xung đột giữa Nga và Israel ở Syria vẫn hoạt động bình thường.
Video đang HOT
Kết quả của các cuộc tấn công từ Israel là khả năng sản xuất vũ khí và đạn dược của quân đội Syria cũng bị tổn hại vì Iran và lực lượng Hezbollah cũng sử dụng chung các nhà máy để sản xuất vũ khí.
Các quan chức quốc phòng Irael cho biết trọng tâm của các cuộc tấn công trong những năm gần đây cũng nhằm ngăn chặn việc “buôn lậu” các thành phần cho CERS – Trung tâm D’Etudes et de Recherches Scientifiques ở Masyaf được Iran sử dụng để sản xuất tên lửa và vũ khí tiên tiến cho các lực lượng “ủy nhiệm” của họ.
Một kết quả khác mà phía Israel rút ra là Tổng thống Syria Bashar Assad đã giảm bớt hoạt động của Iran và Hezbollah trên lãnh thổ nước này với trọng tâm là Cao nguyên Golan và khu vực miền Nam của Syria.
Theo các nguồn tin ở Israel, ông Assad có thể nhận thấy rằng trong những năm tới, chính quyền Syria sẽ khó có thể giành lại các vùng lãnh thổ bị người Kurd, bao gồm cả người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, và thay vào đó, ông đang tập trung sức mạnh của mình vào việc khôi phục sự ổn định cho các thành phố lớn với trọng tâm là Damascus và các vùng ven biển của nước này.
Mục đích chuyến thăm Đức của Thủ tướng Israel
Thủ tướng Israel Yair Lapid thăm Đức để vận động hành lang phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thủ tướng Israel Yair Lapid. Ảnh: Timesofisrael.com
Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Israel Yair Lapid ngày 11/9 đã thực hiện chuyến thăm Đức trong nỗ lực ngoại giao mới nhất của ông nhằm thuyết phục các cường quốc phương Tây từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với "đối thủ không đội trời chung" của nhà nước Do Thái là Iran.
Israel từ lâu đã phản đối việc hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran, với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) được kí kết năm 2015, vốn bị Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút lui vào năm 2018 và áp dụng lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Động lực nhằm khôi phục thỏa thuận dường như đang chậm lại sau khi ba quốc gia châu Âu tham gia thỏa thuận - Đức, Pháp và Anh - cuối tuần trước cho biết họ "nghi ngờ nghiêm trọng" về sự chân thành của Iran trong việc khôi phục thỏa thuận.
Phát biểu tại cuộc họp của Chính phủ Israel trước chuyến thăm Berlin, ông Lapid cảm ơn ba quốc gia trên về "quan điểm vững chắc" mà họ đã đưa ra trong một tuyên bố ba bên hôm 10/9.
Tuyên bố 3 bên cho rằng Tehran "đã chọn không nắm bắt cơ hội ngoại giao quan trọng này", mà thay vào đó "Iran tiếp tục leo thang chương trình hạt nhân vượt ra ngoài bất kỳ lời biện minh dân sự hợp lý nào". Đáp lại, Bộ Ngoại giao Iran chỉ trích những bình luận như vậy là "không mang tính xây dựng".
Tại cuộc họp Nội các, ông Lapid cho rằng Israel đang tiến hành một chiến dịch ngoại giao thành công để ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân và ngăn chặn việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. "Tuy nhiên điều đó vẫn chưa kết thúc. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng đã có những dấu hiệu đáng mừng", ông Lapid nêu rõ.
Một quan chức cấp cao của Israel nói với AFP: "Chúng tôi hiểu rằng sẽ không có sự trở lại của JCPOA cho đến giữa tháng 11 này. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác để phát triển một chiến lược mới. Điều quan trọng là phải tiếp tục điều phối các quan điểm và tác động đến lập trường của châu Âu. Đức có vai trò quan trọng trong việc này".
Ông Lapid dự kiến gặp Thủ tướng Olaf Scholz, Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier của Đức trước khi quay lại Israel vào cuối ngày 12/9.
Sau khi được kí kết năm 2015, JCPOA đã giúp Iran giảm nhẹ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Các cuộc đàm phán đã được tiến hành tại Vienna kể từ tháng 4/2021 nhằm tìm cách khôi phục thỏa thuận bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran và thúc đẩy Iran thực hiện đầy đủ các cam kết hạt nhân trước đây.
Israel khẳng định Iran sẽ sử dụng nguồn thu từ việc giảm lệnh trừng phạt để hỗ trợ các nhóm đồng minh có khả năng tấn công người Israel, đặc biệt là nhóm Hezbollah của người Shiite ở Liban, Hamas và Muslim Jihad, hai tổ chức chiến binh chủ chốt của Palestine.
Tháng trước, Liên minh châu Âu, đóng vai trò trung gian của các cuộc đàm phán hạt nhân, đã đưa ra bản dự thảo "cuối cùng" của thỏa thuận. Iran và Mỹ sau đó đã phản hồi lại văn bản và Washington hôm 9/9 cho biết câu trả lời của Tehran là một "bước lùi".
Syria: Israel tấn công tên lửa phá hại sân bay quốc tế Aleppo Theo hãng tin SANA, tối 31/8, hệ thống phòng không Syria đã đánh chặn "một số" tên lửa của Israel nhưng số khác đã xuyên phá và làm hư hại sân bay quốc tế ở Aleppo. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin, hệ thống phòng không Syria đã đánh chặn "một số" tên lửa của Israel vào tối 31/8...