Israel: Trung Đông sẽ “nổ” nếu Syria có S-300
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua (15/5) tuyên bố, hệ thống tên lửa tinh vi S-300 không có liên quan gì đến cuộc nội chiến ở Syria nhưng nếu Moscow cung cấp nó cho chính quyền của ông Assad thì cả khu vực Trung Đông có thể bùng nổ thành chiến tranh.
Mỹ và Israel đang lo lắng phát sốt trước viễn cảnh Nga có thể bán những hệ thống tên lửa tối tân S-300 cho chính quyền Syria.
Kênh 2 (Channel 2) tối qua (15/5) đưa tin, Thủ tướng Netanyahu hôm 14/5 được cho là đã cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin rằng, nếu Moscow bán một hệ thống tên lửa tối tân S-300 cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì Israel sẽ đáp trả và đẩy khu vực Trung Đông vào một cuộc chiến tranh.
Trước đó, ông Netanyahu đã bay tới gặp Tổng thống Putin trong một cuộc gặp khẩn cấp ở khu nghỉ Sochi bên bờ Biển Đen sau khi có tin đồn rộ lên về việc Nga sắp chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria. Tại cuộc gặp này, Nhà lãnh đạo Israel đã ra sức kêu gọi Moscow không cung cấp tên lửa S-300 cho chính quyền của ông Assad.
Theo lời ông Netanyahu, nếu Tổng thống Assad có được trong tay những hệ thống vũ khí tối tân và thiện chiến như S-300 thì “chúng tôi chắc chắn sẽ đáp trả và có thể đẩy khu vực này vào một cuộc chiến tranh”.
Hồi tuần trước, khi được hỏi về khả năng Nga bán S-300 cho Syria, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã trả lời một cách thận trọng rằng: “Nga không có ý định bán thêm. Nga từ lâu đã bán vũ khí, ký hợp đồng và đang hoàn thiện các hợp đồng này cho Syria, trong đó có cả các hệ thống phòng không”. S-300 cũng là một hệ thống phòng không nhưng người ta không rõ liệu loại vũ khí tối tân hàng đầu này đã từng có tên trong bất kỳ hợp đồng mua bán vũ khí nào giữa Nga và Syria trước đây hay chưa.
Phát biểu của ông Lavrov cho thấy, Nga sẽ không bán thêm vũ khí cho Syria nhưng sẽ tiếp tục hoàn thành nốt các hợp đồng mà hai bên đã từng đặt bút ký.
Ngoại trưởng Nga khẳng định, những vũ khí mà họ cung cấp cho chính quyền Tổng thống Assad chỉ để giúp Syria bảo vệ chính mình trước các cuộc không kích. Israel nghi ngờ, Nga đang có ý định bán cho Damascus 6 khẩu đội tên lửa S-300 cùng với 144 tên lửa, tờ Thời báo Phố Wall hôm nay (16/5) cho biết.
Bất chấp việc vừa mới trở về từ chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Netanyahu đã vội vã bay đến gặp Tổng thống Putin chỉ để ngăn Nga không thực hiện hợp đồng cung cấp S-300 cho Damascus. Nhà nước Do Thái lo sợ, với vũ khí thiện chiến trong tay, chính quyền của ông Assad dễ dàng đối phó với những cuộc không kích của Israel. Ngoài ra, Israel cũng lo sợ viễn cảnh Syria chuyển giao vũ khí tối tân cho nhóm chiến binh Hezbollah ở Li-băng – kẻ thù không đội trời chung của Nhà nước Do Thái.
S-300 là loại tên lửa cực kỳ hiện đại, có thể đánh chặn cả máy bay chiến đấu lẫn tên lửa hành trình. S-300 có tầm bắn lên tới 200km và có thể phát hiện và tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu với độ hủy diệt rất cao. Việc sở hữu S-300 đồng nghĩa với việc lực lượng phòng không Syria sẽ được nâng cấp lên một mức đột phá.
Video đang HOT
Israel dọa kéo đổ Assad
Sau khi cảnh báo Nga, Thủ tướng Israel cũng đã chuyển một lời đe dọa đáng sợ chưa từng có đến Nhà lãnh đạo Syria. Theo đó, Israel tuyên bố, nếu Tổng thống Assad chọn cách đáp trả bất kỳ cuộc không kích nào của Israel thì Nhà nước Do Thái sẽ kéo đổ chính quyền của ông này.
Một quan chức Israel tối qua xác nhận, thông điệp mang tính đe dọa trên đã được gửi đến Damascus, Kênh 2 đưa tin.
Israel hồi đầu tháng này đã thực hiện hai chiến dịch không kích mạnh mẽ thẳng vào thủ đô Damascus của Syria với cái cớ là để phá hủy những vũ khí mà chính quyền của ông Assad đang định chuyển đến cho nhóm chiến binh Hezbollah ở Li-băng, trong đó có những tên lửa có độ tinh vi cao Fateh-110.
Mặc dù Syria chưa có bất kỳ động thái đáp trả nào đối với Israel vì hai đợt không kích trên nhưng chính quyền của Tổng thống Assad hồi tuần trước đã lên tiếng thề sẽ trả đũa “ngay lập tức và kiên quyết” đối với bất kỳ cuộc không kích nào thêm nữa từ phía Nhà nước Do Thái.
Lời đe dọa mới nhất của chính quyền Israel được đưa ra ngay sau khi một quan chức nước này trước đó cũng đưa ra lời đe dọa tương tự. Tờ New York Times dẫn lời vị quan chức cấp cao Israel cho biết, Nhà nước Do Thái “đang cân nhắc tiến hành thêm các cuộc tấn công quân sự vào Syria nhằm ngăn chặn các hoạt động chuyển giao vũ khí hiện đại cho nhóm chiến binh Hồi giáo. Israel quyết tâm ngăn đến cùng hoạt động này bởi việc chuyển giao vũ khí cho Hezbollah sẽ gây bất ổn và nguy hiểm cho toàn bộ khu vực. Nếu chính quyền của Tổng thống Assad phản ứng lại bằng cách tấn công Israel hoặc tìm cách tấn công Israel thông qua các đồng minh khủng bố thì ông này sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất chính quyền do Israel trả đũa”.
Theo Kênh 2, giới quan chức an ninh Israel được cho là đang điều tra diễn biến bất thường về vụ súng cối rộ lên ở khu vực Núi Hermon nằm ở khu vực biên giới Syria. Đây là lần đầu tiên người ta nghe thấy tiếng súng nổ ở khu vực này. Israel nghi ngờ đó là hành động cố tình chứ không phải là một cuộc giao tranh ngẫu nhiên giữa quân của ông Assad với phe nổi dậy. Một số nguồn tin cho rằng, có thể Hezbollah đang mở một “mặt trận mới” nhằm chống lại Israel ở Cao nguyên Golan.
Trước đó, một số nguồn tin cho rằng, Tổng thống Assad đang bật đèn xanh cho nhóm Hezbollah chiến đấu chống Israel ở Cao nguyên Golan.
Theo vietbao
Tại sao Assad bất lực trước "đòn đánh" của Israel?
Trong khi hầu hết người Syria chờ đợi chính quyền của họ có hành động trả đũa kiên quyết trước một loạt trận không kích táo tợn của Israel nhằm vào giữa thủ đô Damascus thì Tổng thống Bashar al-Assad chỉ lên án những vụ tấn công đó và đe dọa đáp trả nếu có thêm hành động xâm lược như thế.
Quân đội trung thành với Tổng thống Assad gần đây liên tiếp giành chiến thắng trong cuộc chiến với phe nổi dậy Syria.
Phản ứng quá yếu ớt của chính quyền ông Assad đã khiến người dân Syria tức giận tự hỏi liệu chính phủ hèn nhát hay là có sẵn một kế hoạch khác trong đầu.
Báo chí nhà nước Syria dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, chính phủ đã bật đèn xanh cho người Palestine phát động các cuộc tấn công vào Israel từ khu vực Cao nguyên Golan bị chiếm đóng. Vị quan chức trên cũng nói thêm, chính phủ Syria sẽ cung cấp thêm một loạt vũ khí có chất lượng đến cho nhóm chiến binh Hezbollah ở Li-băng. Cả Palestine và nhóm chiến binh Hezbollah đều là kẻ thù đối đầu quyết liệt với Nhà nước Do Thái.
Giới phân tích ở Syria cho rằng, chính phủ của Tổng thống Assad buộc phải hành động một cách thận trọng trong vụ tấn công của Israel bởi nếu không sẽ dẫn viễn cảnh cả khu vực rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
Hơn nữa, chính quyền Syria nghĩ rằng, việc chuyển thêm nhiều vũ khí cho nhóm chiến binh Hezbollah cùng với việc mở mặt trận Golan cho người Palestine sẽ gây ra nhiều tổn thất cho Israel hơn là một cuộc chiến tranh thông thường.
Một chuyên gia chính trị có tên là Hamdi al-Abdullah đã chỉ ra hai nguyên nhân khiến chính quyền của ông Assad buộc phải có phản ứng mềm yếu trước đòn đánh của Israel .
Thứ nhất, nếu ra tay quyết liệt với Israel, chính quyền của Syria có thể sẽ kích động Nhà nước Do Thái tham gia vào cuộc nội chiến đẫm máu và ác liệt ở nước này. Một cuộc chiến với Israel sẽ tạo thêm gánh nặng vô cùng lớn đối với quân của ông Assad khi mà lực lượng này đang phải chiến đấu với phe nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn trên khắp cả nước. Trong khi đó, Israel sở hữu một quân đội được cho là mạnh hàng đầu trong khu vực. "Bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng cần phải được tính toán kỹ lưỡng để sao cho kết quả có lợi cho phía nhà nước chứ không phải cho phe nổi dậy có vũ trang", nhà phân tích Abdullah cho hay.
Thứ hai, theo ông Abdullah, " Syria không có quyền phát động một cuộc chiến tranh khu vực mà không tham vấn các đồng minh của họ bởi các đồng minh của Syria có quyền tham gia vào quyết định đó".
Về khả năng đáp trả của Syria, ông Abdullah đã đề cập đến hai bước đi mà chính phủ Syria vừa tuyên bố, đó là mở Cao nguyên Golan cho người Palestine và tiếp tục vũ trang cho nhóm chiến binh Hezbollah.
Vị chuyên gia trên cho rằng, Cao nguyên Golan có ý nghĩa rất quan trọng và các chiến dịch của người Palestine ở đó có thể gây ảnh hưởng lớn đến Israel, khiến lực lượng của Nhà nước Do Thái ở đó nhụt chí.
Ông Maher Murhej,một nhân vật đối lập ở Syria, cũng nhất trí với nhận định của ông Abdullah về bản chất quan trọng của việc mở mặt trận ở Cao nguyên Golan cho người Palestine. Ông này nói rằng, việc cho phép người Palestine chiến đấu ở đó sẽ khiến Israel lo ngại và nó cũng khiến lực lượng của Nhà nước Do Thái bị phân tâm.
Cao nguyên Golan là khu vực rặng núi trải dài dọc biên giới Syria và Israel . 2/3 khu vực Cao nguyên Golan đã bị người Israel chiếm đóng từ cuộc chiến tranh năm 1967.
Trong khi nhấn mạnh tình hình hiện nay không có lợi cho chính quyền Syria để phát động một cuộc chiến tranh thì ông Murhej cũng cho rằng, phản ứng yếu ớt của chính quyền Tổng thống Assad đã phá tan hy vọng của người Syria trong việc giành lại những phần lãnh thổ đã mất.
Trong khi đó, ông Khalid Abd al-Majid - một thủ lĩnh chính trị và quân sự của người Palestine, cho biết, các nguồn tin chính thức từ Syria đã đề nghị lực lượng của ông mở cuộc kháng chiến chống Israel từ phần đất của Syria ở Cao nguyên Golan.
Quân Assad tiếp tục đà chiến thắng
Trong lúc này, quân đội trung thành với Tổng thống Assad vẫn tiếp tục chuỗi trận thắng lợi liên tiếp trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy. Ngày hôm qua (8/5), quân chính phủ đã chiếm được một thành phố chiến lược ở phía nam sau hai tháng giao tranh ác liệt ở đây. Chiến thắng này là một bước tiến để quân đội tiến tới việc giành lại quyền kiểm soát một tuyến đường trung chuyển quốc tế quan trọng.
Sự thất thủ của Khirbet Ghazaleh - thành phố nằm ở vùng đồng bằng Hauran Plain, trên đường cao tốc nối tới Jordan, diễn ra sau khi Hội đồng quân sự đối lập Syria được Jordan hậu thuẫn không thể cung cấp vũ khí cho những chiến binh bảo vệ nơi này.
Diễn biến trên đang khiến các chiến binh nổi dậy tức giận. Họ cho rằng, Jordan không cung cấp đủ sự giúp đỡ cần thiết cho họ trong cuộc chiến chống lại quân của Tổng thống Assad.
Khoảng 1.000 chiến binh nổi dậy đã rút ra khỏi Khirbet Ghazaleh từ ngày hôm qua sau khi mất hy vọng vào sự tiếp tế từ phía Jordan - nước đang tỏ ra thận trọng nhằm tránh đối mặt với đòn trả đũa quân sự từ phía Tổng thống Assad.
"Quân của ông Assad bắt đầu tiến vào từ phía bắc và phía tây. Tôi vẫn có thể trở lại Khirbet Ghazaleh nhưng tôi chẳng có thể làm gì ở đó. Tôi có thể đưa một nghìn chiến binh quay trở lại nhưng điều đó vô ích bởi chúng tôi không có vũ khí trong tay", ông Abu Yacoub - chỉ huy lực lượng phe nổi dậy ở Khirbet Ghazaleh cho hay.
Ông Abu Yacoub cho biết đã liên lạc với ông Ahmad Nemaah, người đứng đầu hội đồng quân sự do Jordan hậu thuẫn, trước khi rút quân nhưng ông Nemaah nói rằng ông ta chẳng thể làm được điều gì.
"Nếu chúng tôi thua trận, điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ thua mãi. Nhưng tất cả mọi người đang quay lưng lại với Nemaah", ông Abu Yacoub nói.
Chiếm được Khirbet Ghazaleh là một thắng lợi rất có ý nghĩa đối với quân đội Syria nhưng là một thảm kịch lớn đối với phe nổi dậy. Theo lời ông Yacoub, "ngày mai, thảm kịch lớn sẽ xảy ra, tuyến đường cung cấp của chính quyền tới Deraa sẽ được mở lại, các sĩ quan sẽ trở lại và vũ khí tiếp tục được đưa vào đây. Vì thế, các cuộc oanh tạc sẽ lại diễn ra không ngừng. Chúng tôi đã phong tỏa họ trong 61 ngày qua nhờ kiểm soát được Khirbet Ghazaleh".
Theo vietbao
Trung Quốc chuẩn bị khuấy đảo biển khơi Trung Quốc có ý định sẽ tăng gấp đôi các đợt tuần tra trên không ngoài khơi vào năm 2015, một báo cáo của Chính phủ nước này cho biết. Báo cáo Phát triển Hải dương (2013) của Viện các vấn đề Hàng hải trực thuộc Cơ quan quản lý Hải dương Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của các...