Israel thông qua tuyên bố phản đối công nhận Nhà nước Palestine
Tại cuộc họp hằng tuần ngày 18/2, Chính phủ Israel đã biểu quyết thông qua tuyên bố chính thức về việc phản đối mọi quyết định đơn phương của quốc tế nhằm công nhận Nhà nước Palestine độc lập.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) chủ trì cuộc họp nội các Israel tại Tel Aviv. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, tuyên bố nêu rõ: “Israel hoàn toàn bác bỏ các quyết định của quốc tế liên quan đến một sắp đặt vĩnh viễn cho người Palestine. Một sự sắp đặt, nếu đạt được, sẽ chỉ diễn ra thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên mà không có điều kiện tiên quyết. Israel sẽ tiếp tục phản đối việc đơn phương công nhận Nhà nước Palestine”.
Israel phản đối việc công nhận này sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas và coi đây là hành động ngăn cản mọi giải pháp hòa bình trong tương lai.
Tuyên bố được thông qua với sự nhất trí của tuyệt đại đa số các thành viên Nội các Israel. Quyết định nhằm phản ứng trước việc ngày có càng nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước đồng minh của Israel, cho rằng giải pháp bền vững cho cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza hiện nay là sự ra đời của một Nhà nước Palestine độc lập.
Mới nhất, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 17/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu bật tính “cấp bách” phải xúc tiến thành lập một Nhà nước Palestine để đảm bảo an ninh cho Israel và đây là “cơ hội đặc biệt” để Israel hội nhập với các quốc gia Arab ở Trung Đông.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc công nhận Nhà nước Palestine không còn là điều cấm kỵ ở Pháp, hàm ý Paris có thể đưa ra quyết định về việc này nếu các nỗ lực hướng đến giải pháp hai nhà nước bị cản trở vì sự phản đối của Israel.
Video đang HOT
Sau cuộc chiến tranh giữa người Do Thái và người Arab, năm 1947, Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 181 về việc thành lập nhà nước độc lập cho mỗi bên tại mảnh đất Palestine ủy trị của Anh. Nghị quyết này dẫn đến sự thành lập của Nhà nước Israel năm 1948, trong khi một nhà nước chính thức cho người Palestine vẫn chưa được ra đời.
Ý tưởng phi quân sự hóa Palestine liệu có khả thi?
Ý tưởng phi quân sự hóa từng có tiền lệ thành công về các quốc gia không vũ trang nhưng chưa có tiền lệ nào áp dụng được ở Trung Đông.
Người dân sơ tán khỏi thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 13/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Foreign Policy ngày 15/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ lâu đã phản đối giải pháp hai nhà nước, nhưng hiếm khi phản đối rõ ràng như những tháng sau vụ tấn công của Hamas ngày 7/10/2023. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng có con đường phía trước cho một Palestine độc lập với sự hợp tác của chính phủ Israel.
Điều mà Tổng thống Biden dường như đang nghĩ đến là một nhà nước Palestine vừa độc lập vừa phi quân sự.
Theo trang Axios, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã được giao nhiệm phác thảo về một Palestine phi quân sự dựa trên các mô hình khác trên khắp thế giới.
Cộng đồng quốc tế ngày càng chấp nhận ý tưởng này như một cách khả thi để thoát khỏi vấn đề hóc búa hiện tại, nhằm vừa xoa dịu những lo ngại về an ninh của Israel và trao cho người Palestine một nhà nước riêng để chấm dứt vòng luẩn quẩn bạo lực. Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã nói rằng nước này có thể công nhận một nhà nước Palestine nếu quốc gia này được phi quân sự hóa.
Thậm chí dường như một số nước Arab quan trọng cũng ủng hộ ý tưởng đó. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết trong cuộc họp báo tháng 11/2023: "Chúng tôi sẵn sàng phi quân sự hóa nhà nước này".
Người dân Palestine bên đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel tại thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 12/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, cần phải giải quyết một loạt thách thức ngoại giao để làm cho ý tưởng này thành công.
Hiện nay, không quốc gia và vùng lãnh thổ nào không có lực lượng vũ trang mà lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như người Palestine. Cũng không quốc gia nào có thể là mô hình để áp dụng nhằm giải quyết một trong những cuộc xung đột khó giải quyết nhất ở một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới.
Hiện có khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ không có quân đội thường trực và gần như tất cả đều có quy mô và dân số tương đối nhỏ. Nhiều quốc gia là đảo quốc, như Grenada hay Dominica. Nhiều nước được bảo vệ nhờ các quốc gia lớn hơn và được trang bị vũ khí tốt như Mỹ hoặc với các quốc gia châu Âu thì họ được NATO bảo vệ.
Trong khi đó, các vùng lãnh thổ của Palestine rất khác biệt so với các quốc gia không vũ trang khác.
Từ quan điểm của Israel, không hiện diện trên thực địa ở Gaza có thể dẫn đến một cuộc tấn công khác giống như khi Hamas tấn công hồi tháng 10/2023.
Ông Eran Lerman, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của Israel, nhận định rằng trong trường hợp tốt nhất, Israel sẽ chấp nhận "giải pháp 1,8 nhà nước", áp đặt những hạn chế nghiêm trọng khiến người Palestine không thể theo đuổi các chính sách độc lập riêng trong các vấn đề quốc phòng.
Ông Lerman nói: "Đầu tiên, chúng ta cần duy trì một số biện pháp kiểm soát biên giới để có thể biết được điều gì sắp xảy ra. Thứ hai, chúng ta cần can thiệp vào số lượng và loại vũ khí mà Palestine có thể sở hữu cũng như về quy mô lực lượng cảnh sát, an ninh mà nước này có thể có để đảm bảo không biến thành quân đội trong tương lai".
Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu đã đề xuất một "nhà nước trừ", tức là ngoài phi quân sự hóa còn gồm các hạn chế về chủ quyền và đảm bảo an ninh cho Israel. Đây là điều mà các nhà quan sát cho rằng phù hợp hơn với ý muốn người Israel.
Ngoài ra, theo ông Daniel Schwammenthal, Giám đốc Viện xuyên Đại Tây Dương của Ủy ban Do Thái Mỹ tại Brussels (Bỉ), Palestine phải đồng ý không tham gia các thỏa thuận phòng thủ với các quốc gia kẻ thù của Israel.
Trong khi đó, bà Nour Odeh, một nhà phân tích chính trị người Palestine, nói rằng câu hỏi quan trọng theo quan điểm của người Palestine không phải là liệu một quốc gia tương lai có quân đội hay không mà là việc giải quyết biên giới cuối cùng. Theo bà, người Palestine lo ngại rằng Israel có ý định giữ quyền kiểm soát phần lớn Bờ Tây theo cách khiến các vùng đất của người Palestine bị chia cắt. Bà nói thêm: "Nếu Israel không tấn công, không đưa quân vào, nếu có những đảm bảo quốc tế về điều đó, thì việc có quân đội không hẳn là ưu tiên của người Palestine".
Nhưng không phải mọi người Palestine đều có thể cảm thấy như vậy. Ông Schwammenthal chỉ ra rằng theo một cuộc thăm dò gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khảo sát Palestine thực hiện, 72% người Palestine ủng hộ cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas. Ông cho rằng điều đó chứng tỏ người Palestine rất ủng hộ phong trào Hamas.
Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập el-Sisi đã đề xuất rằng những lo ngại về an ninh của cả người Israel và người Palestine có thể được giải quyết nếu một lực lượng an ninh đa quốc gia được triển khai để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi. Ông nói hồi tháng 11/2023: "Cũng có thể có đảm bảo của các lực lượng, cho dù là lực lượng NATO, lực lượng Liên hợp quốc hay lực lượng Arab hay Mỹ, cho đến khi chúng ta đạt được an ninh cho cả hai quốc gia, nhà nước Palestine non trẻ và nhà nước Israel".
Điều quan trọng là tất cả những điều trên đều dựa trên giả định là Thủ tướng Netanyahu, hoặc người kế nhiệm, sẽ nghiêm túc xem xét việc đồng ý thành lập nhà nước Palestine độc lập.
Ngoại trưởng các nước Arab họp bàn về Gaza Tại hội nghị thảo luận về tình hình xung đột trên Dải Gaza do Saudi Arabia chủ trì, các quan chức ngoại giao hàng đầu ở Trung Đông đã tái khẳng định lời kêu gọi thực hiện các bước tiến tới công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Em nhỏ bị mất nhà cửa sau vụ không kích của Israel xuống thành phố...