‘Israel sẽ không sống trong bóng tối diệt vong’
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng nước này sẽ không chấp nhận tồn tại trong sự lo ngại về một Iran có vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại hội nghị thường niên của AIPAC ở Washington hôm qua. Ảnh: AFP
“Thật không may, chương trình hạt nhân của Iran vẫn đang tiếp tục. Israel đã chờ đợi giải pháp ngoại giao phát huy hiệu quả, chúng tôi cũng đã chờ cho những lệnh trừng phạt có được kết quả mong muốn. Nhưng không ai trong số chúng tôi có thể chờ lâu hơn nữa”, AFP dẫn lời ông Netanyahu phát biểu tại hội nghị thường niên của Ủy ban các vấn đề công chúng Mỹ – Israel (AIPAC) ở Washington vào tối muộn ngày hôm qua.
Video đang HOT
“Là thủ tướng của Israel, tôi sẽ không để người dân của mình sống trong bóng tối của sự diệt vong”, ông Netanyahu nhấn mạnh. Trong bài phát biểu trước AIPAC, Netanyahu cũng tìm cách giảm thiểu những khác biệt giữa ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thủ tướng Israel hôm qua đã có cuộc gặp gỡ hai giờ đồng hồ với ông Obama tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, với mục đích tìm ra cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran.
Chính quyền Obama vẫn không tin rằng Iran sẽ quyết định phát triển một vũ khí hạt nhân trong thời gian này, cũng như không cho rằng đây là lúc thích hợp cho một hành động quân sự. Mỹ vẫn theo đuổi việc chờ đợi những lệnh trừng phạt nhằm vào Iran phát huy tác dụng. Tổng thống Obama đảm bảo với ông Netanyahu rằng Mỹ luôn ủng hộ Israel, nhưng Washington đồng thời cũng mong muốn một cánh cửa được mở cho giải pháp ngoại giao, bất chấp những lời đồn đoán rằng Israel có thể tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Tehran.
Tuy nhiên, Israel, vốn luôn coi khả năng Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân là một mối hiểm họa với sự tồn tại của đất nước, tin rằng Tehran đang ở giai đoạn nhanh chóng chế tạo ra được uranium có thể dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Trong bài phát biểu sau cuộc gặp gỡ, Netanyahu nói với Obama: “Israel phải có được khả năng luôn tự bảo vệ được chính mình trước mọi hiểm họa. Đó là lý do tại sao trách nhiệm tối cao của tôi trong vai trò thủ tướng của Israel là đảm bảo rằng đất nước tôi luôn làm chủ vận mệnh của mình”.
Căng thẳng giữa Mỹ và Israel xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran gia tăng trong những tháng qua. Nhiều quan chức cấp cao của Israel, trong đó có Tổng thống Shimon Peres và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak muốn đánh ngay, trước khi Tehran – bị nghi là – phát triển được vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Washington lại lựa chọn các lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép với Iran.
Tổng thống Mỹ mới đây cảnh báo một cuộc tấn công quá sớm nhằm vào Iran sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường, trong khi Thủ tướng Israel lại cho hay nước ông có quyền tự vệ. Đáp lại sự nôn nóng của Tel Aviv, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi tuyên bố nếu Israel tấn công Tehran, nhà nước Do Thái sẽ diệt vong.
Nguy cơ về một cuộc chiến nhằm vào Iran càng được nhắc tới nhiều hơn sau khi hải quân Mỹ và các nước khác mới đây có cuộc tập trận đổ bộ ở bờ đông nước Mỹ, theo kịch bản nhằm vào một đối phương giả định có nhiều điểm tương đồng với Iran. Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ còn vượt qua eo biển Hormuz và tiến sát một số tàu hải quân Iran. Tehran đáp trả bằng cách liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận, và mới đây còn đưa tàu chiến tới Syria.
Theo VNExpress
Israel tuyên bố bảo lưu quyền tự vệ về vấn đề Iran
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 5/3 hối thúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dành thêm thời gian cho các biện pháp trừng phạt để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran, song nhà lãnh đạo Israel không cho thấy dấu hiệu thoái lui khả năng sử dụng hành động quân sự để giải quyết vấn đề.
Bắt đầu cuộc thảo luận tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã tìm cách thể hiện một mặt trận đoàn kết cho vấn đề hạt nhân Iran. Tuy nhiên, những phát biểu công khai của hai nhà lãnh đạo đã cho thấy những bất đồng về cách thức nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Cả ông Obama và ông Netanyahu đều không đề cập tới những khác biệt lâu nay khi Washington quan ngại Israel có thể phát động tấn công các cơ sở hạt nhân Iran trong những tháng tới.
Obama đã chọn cách tiếp cận nước đôi khi muốn đảm bảo với ông Netanyahu rằng Mỹ vẫn bỏ ngỏ lựa chọn quân sự với Iran và khẳng định "luôn được Israel ủng hộ", song cũng hối thúc Tel Aviv kiên trì để thực thi các biện pháp trừng phạt và các nỗ lực ngoại giao.
Ông Obama nói: "Chúng tôi tin vẫn còn cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao". Trong khi Netanyahu, sử dụng lối nói sử sách về quyết tâm của Nhà nước Do Thái muốn làm "chủ vận mệnh," khẳng định Israel bảo lưu quyền tự vệ trước Iran.
Trong một động thái nhằm phản đối sự can dự về ngoại giao của quốc tế với Iran, Thủ tướng Israel cảnh báo các cường quốc phương Tây chớ "mắc bẫy" khi để Iran có thêm thời gian.
Hiện chưa có dấu hiệu tức thì từ các cuộc đàm phán ngày 5/3 khi những phát biểu cảnh báo Iran và kêu gọi Israel kiềm chế của Mỹ là chưa đủ để trì hoãn bất cứ kế hoạch quân sự nào của Tel Aviv đối với Tehran.
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới trước khi tiến hành thảo luận, Tổng thống Mỹ cho biết ông và Thủ tướng Israel đều muốn giải quyết qua vấn đề Iran theo cách ngoại giao./.
Theo TTXVN
Israel sẽ tấn công Iran sau bầu cử tổng thống Mỹ? Nhật báo Bưu điện New York số ra ngày 4/3 đưa tin Washington và Tel Aviv trong tuần qua đã có một thỏa thuận mà theo đó, Israel sẽ chờ cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 6/11/2012 mới tiến hành không kích phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: thesenews.com)...