Israel sẵn sàng cho ‘đêm kinh hoàng’ ở Dải Gaza
Quân đội Israel gấp rút chuẩn bị tấn công toàn diện mạng lưới hầm ngầm của Hamas tại Dải Gaza sau vụ nã súng cối hôm 18/5.
Dân quân Hamas tối 18/5 phóng rocket nhằm vào các căn cứ không quân Tel Nof, Nevatim và Ramon của Israel. Còi báo động vang lên khắp Israel khi Hamas tiếp tục nã rocket vào khu vực miền trung và miền nam nước này sáng sớm 19/5.
Chuẩn tướng Hidai Zilberman, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cho biết họ đã sẵn sàng cho “một đêm dữ dội” ở Dải Gaza, khi các vị trí mới trong mạng lưới hầm ngầm rộng lớn của Hamas tại hai khu vực khác nhau ở lãnh thổ này sẽ bị tấn công. Tướng Zilberman cho biết các mục tiêu này chưa bị quân đội Israel không kích trong 4 ngày qua.
Bình luận của tướng Zilberman được đưa ra sau khi Hamas nã hơn 50 phát đạn cối vào khu vực Eshkol, phía tây bắc sa mạc Negev, khiến ít nhất 10 dân thường và một binh sĩ bị thương. Hai công nhân người Thái Lan bị thương nặng và chết trong khi được chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Soroka ở thành phố Beersheba.
Pháo tự hành M109 của Israel nã đạn vào mục tiêu tại Dải Gaza ngày 18/5. Ảnh: AFP .
Hàng chục quả rocket phóng từ Dải Gaza nhằm vào các khu dân cư Israel gần đó và thành phố Ashdod, Ashkelon và Beersheba. IDF sau đó tấn công một trận địa rocket ngầm và bệ phóng của Hamas tại trại tị nạn al-Moazi, cùng hai trận địa khác ở phía bắc và phía nam Dải Gaza.
Trước đó, IDF tấn công một nhóm thành viên tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PlJ) đang chuẩn bị phóng rocket từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel. IDF không kích 120 mục tiêu khác trong 24 giờ qua, bao gồm 10 bệ phóng rocket. Tướng Zilberman cho biết phần lớn các cuộc không kích nhằm vào khu dân cư Rimal của thành phố Gaza.
Bất chấp nhiều bên kêu gọi ngừng bắn, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết IDF vẫn còn hàng nghìn mục tiêu khác cần công kích.
“Không ai, không khu vực nào ở Gaza được loại trừ. IDF có nhiều kế hoạch để tiếp tục tấn công Hamas, giao tranh sẽ không ngừng lại khi chúng tôi đạt được yên bình hoàn toàn và lâu dài”, Gantz nói.
Bộ trưởng Gantz nói Hamas “nổ súng trước và tiếp tục nã rocket bừa bãi vào dân thường”. “Họ phải chịu trách nhiệm và đang trả giá”, Gantz nói.
Lãnh thổ Israel – Palestine hiện nay (trái) và do Liên Hợp Quốc đề xuất. Đồ họa: Việt Chung. Bấm vào ảnh để xem chi tiết
Các cuộc tập kích ngày 18/5 diễn ra sau khi giao tranh lắng xuống trong một đêm, bất chấp Hamas trước đó đe dọa sẽ phóng rocket vào Tel Aviv nếu IDF tiếp tục tấn công các khu dân cư ở Dải Gaza, bao gồm các tòa nhà cao tầng.
Hơn 3.700 quả rocket được phóng nhằm vào lãnh thổ Israel từ ngày 10/5, trong đó khoảng 500 quả gặp sự cố và rơi xuống phóng từ Dải Gaza. Tổ chức ứng phó tình huống khẩn cấp Magen David Adom (MDA) của Israel cho biết 12 người nước này thiệt mạng và hơn 3.300 người bị thương từ khi giao tranh nổ ra.
IDF tiếp tục không kích nhằm vào các mục tiêu của Hamas và PlJ trong đêm 17/5, bao gồm 10-12 bệ phóng rocket với 6 tổ hợp sẵn sàng nhả đạn vào khu vực Gush Dan của Israel. Tổng cộng 65 bệ phóng có thể nã 4-9 rocket trong vài giây bị không quân Israel phá hủy trong ba ngày qua, IDF cho biết.
IDF đang tấn công đoạn D của mạng lưới hầm ngầm do Hamas xây dựng. 60 tiêm kích Israel đã ném 110 quả bom, phá hủy khoảng 10-15 km hầm ngầm của Hamas.
“Chúng tôi nắm rõ mạng lưới hầm ngầm và mọi lối vào. Việc phá hủy mạng lưới hầm ngầm sẽ buộc biệt kích Hamas phải hoạt động trên mặt đất”, tướng Zilberman nói.
Xung đột chỉ thực sự bắt đầu hơn một thể kỷ trước, vào đầu những năm 1900
Nguồn cơn xung đột Israel – Palestine. Video: VOX .
Zilberman cho biết khoảng 125-130 thành viên Hamas và 30 biệt kích PlJ đã bị hạ sát kể từ khi Israel mở chiến dịch không kích hồi tuần trước. Cơ quan y tế Dải Gazza cho biết khiến tổng cộng 214 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 63 trẻ em, 1.400 người khác bị thương.
Căng thẳng giữa Israel và Palestine leo thang trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, sau khi Israel hạn chế người Palestine tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem, đồng thời đe dọa trục xuất nhiều gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở Đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư.
Biden khó hòa giải xung đột Israel - Palestine
Với Tổng thống Biden, xung đột nổ ra giữa Israel và Palestine là một cuộc khủng hoảng ông không mong đợi và cũng chưa sẵn sàng đối mặt.
Bước chân vào Nhà Trắng với rất nhiều thách thức chính sách đối ngoại đặt ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nêu rõ những ưu tiên của mình, nhấn mạnh hiện tại ông muốn tập trung cao độ vào vấn đề Trung Quốc, cũng như khởi động lại các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh hiệp ước hạt nhân Iran và nỗ lực đối phó với Nga trên trường quốc tế.
Theo các quan chức Nhà Trắng, xử lý xung đột Israel - Palestine, vốn từng làm đau đầu nhiều thế hệ tổng thống Mỹ, là vấn đề ít cấp bách hơn nhiều. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng từ bỏ "giải pháp hai nhà nước", gạt Palestine khỏi các cuộc đàm phán ngoại giao, đồng thời ngừng hỗ trợ người Palestine thông qua các quỹ cứu trợ Liên Hợp Quốc.
Một tòa nhà ở Gaza bị đổ sập sau các cuộc không kích của Israel sáng 18/5. Ảnh: AP.
Chiến lược của Trump bắt nguồn từ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các chính sách cứng rắn mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu theo đuổi, phớt lờ người Palestine để thiết lập những mối quan hệ ngoại giao giữa Israel và một số quốc gia Arab. Điều này đã mang lại thành công bước đầu, dẫn đến sự công nhận của nhiều quốc gia Arab đối với nhà nước Israel.
Nhưng chiến lược đó đang đứng trên bờ vực sụp đổ trước chỉ trích từ các lãnh đạo Arab về những động thái gần đây của Israel ở Jerusalem nhằm trục xuất người Palestine ra khỏi nơi họ đã sinh sống suốt nhiều thế hệ, hay việc cảnh sát Israel bắn đạn cao su vào Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong buổi lễ cầu nguyện kết thúc tháng ăn chay Ramadan 10 ngày trước.
Không rõ ai là người đã khiến các cuộc biểu tình quanh nhà thờ Al-Aqsa trở nên bạo lực, mở màn cho những màn nã rocket, pháo kích đáp trả lẫn nhau giữa Israel và Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo lớn nhất ở Palestine. Giờ đây, xung đột đã leo thang đến bờ vực chiến tranh toàn diện.
Cuộc xung đột lần này có gì khác với lần đụng độ cách đây 7 năm giữa hai phe? Bạo lực đã mở rộng thành xung đột giữa người Arab ở Israel và người Do Thái trong các cộng đồng trải khắp đất nước, vượt ra khỏi lãnh thổ Palestine. Dù Israel chưa mở chiến dịch trên bộ xâm chiếm Dải Gaza, mức độ các cuộc không kích đang ngày càng trở nên khốc liệt.
Và sự ủng hộ chính trị từ Mỹ dành cho các chính sách của Israel dưới thời Trump cũng đã thay đổi. Phe tiến bộ trong đảng Dân chủ của Tổng thống Biden đang gây áp lực yêu cầu chính quyền Mỹ phải có một cách tiếp cận công bằng hơn, công nhận các quyền của người Palestine, bất chấp những ủng hộ trong quá khứ mà Mỹ dành cho Israel, đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông và nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất từ Washington.
Thậm chí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez, một người ủng hộ mạnh mẽ Israel, hồi cuối tuần qua cũng phải ra tuyên bố chỉ trích cuộc không kích của Israel nhằm vào tòa nhà đặt trụ sở hàng loạt tờ báo, hãng thông tấn quốc tế ở Gaza như AP, BBC, Al Jazeera.
Thủ tướng Netanyahu cho biết tòa nhà trên cũng là nơi đặt đầu não tình báo quân sự của Hamas, song không cung cấp bằng chứng cụ thể.
Cuộc không kích này cùng con số thương vong dân thường đang tăng lên mỗi ngày ở Gaza khiến 28 thượng nghị sĩ Mỹ khác phải đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại. Một số cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine đã nổ ra trên khắp nước Mỹ hồi cuối tuần qua.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hiện ở Đan Mạch, đang đứng trước áp lực phải hành động nhiều hơn nữa và có thể phải đích thân đến Trung Đông nếu điều kiện cho phép.
Nhưng nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian hòa giải giúp dẫn tới một lệnh ngừng bắn cho xung đột Israel - Palestine đang đối mặt nhiều rào cản.
Chính quyền Biden không có nhà ngoại giao cấp cao ở Israel, không đại sứ, không tổng lãnh sự mà chỉ duy trì một phái viên cấp thấp, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hadi Amr.
Mặt khác, vị thế của hai lãnh đạo Israel và Palestine hiện tại cũng tương đối yếu. Thủ tướng Netanyahu đang bị cáo buộc tham nhũng, mất quyền thành lập chính phủ mới sau khi đảng của ông không thể giành đủ 61 ghế tại quốc hội để chiếm thế đa số trong cuộc bầu cử hồi tháng ba.
Vị thế của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thậm chí yếu đến mức ông không dám tổ chức các cuộc bầu cử theo kế hoạch vào mùa xuân vì sợ thất bại trước các đối thủ cấp tiến hơn.
Trong khi đó, Mỹ không công khai đàm phán với Hamas vì liệt nhóm này vào danh sách khủng bố. Thay vào đó, họ chỉ giữ liên lạc qua các đầu mối ở Ai Cập và Qatar.
Ngoài ra, một thách thức khác nằm ở việc các bên liên quan chính trong cuộc đối đầu lần này có rất ít lý do để xuống thang căng thẳng. Cả Thủ tướng Netanyahu và Hamas đều muốn củng cố sức mạnh chính trị của mình thông qua hành động quân sự lâu dài.
Thông qua giao tranh với Hamas, Thủ tướng Netanyahu muốn khơi dậy tinh thần dân tộc, nhằm giành được ủng hộ ở trong nước và lấy lại ảnh hưởng. Trong khi đó, việc đối đầu với Israel giúp Hamas có thể cạnh tranh quyền lực với chính quyền Palestine và giành quyền kiểm soát khu vực Bờ Tây.
Nếu có bất kỳ cơ hội đạt được lệnh ngừng bắn nào trong giai đoạn hiện nay thì đó có thể là bởi cả Thủ tướng Netanyahu và các lãnh đạo Hamas đều tin rằng họ đã đạt được các mục tiêu chính trị của mình, bình luận viên Andrea Mitchell từ NBC News đánh giá.
Không đủ chỗ trú ẩn, 1/3 dân Israel sống trong sợ hãi trước 'mưa rocket' Báo cáo chỉ ra 1/3 người dân Israel không được tiếp cận với hệ thống công trình trú ẩn trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công tên lửa hoặc rocket từ bên kia Dải Gaza. Trạm xe buýt kiêm hầm trú ẩn tại Israel giúp người dân có thể tìm chỗ bảo vệ bản thân khi xảy ra tấn công tên...