Israel phát hiện di tích khảo cổ hiếm thấy từ thời Ai Cập cổ đại
Ngày 19/9, các nhà khảo cổ học Israel đã công bố phát hiện về một hang động từng là nơi chôn cất dưới thời pharaoh Rameses II của Ai Cập cổ đại (1279 – 1213 TCN), với nhiều hiện vật gồm hàng chục bình gốm và đồ tạo tác bằng đồng.
Đây được xem là phát hiện khảo cổ hiếm thấy trong lịch sử.
Các nhà khảo cổ học Israel đã công bố phát hiện về một hang động từng là nơi chôn cất dưới thời pharaoh Rameses II của Ai Cập cổ đại. Ảnh: AFP
Hang động trên được phát hiện vào tuần trước ở một bãi biển trong khuôn viên vườn quốc gia Palmahim, khi một tài xế lái máy xúc vô tình húc phải mái vòm hang. Các nhà khảo cổ học đã sử dụng thang để tiếp cận hang động. Theo mô tả, hang động có nền hình vuông, bên trong rộng rãi và có sự tác động của bàn tay con người.
Trong một đoạn video do Cơ quan quản lý cổ vật Israel (IAA) công bố, các nhà khảo cổ học giàu kinh nghiệm đã chiếu đèn pin vào hàng chục bình gốm với nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau. Các nhà khảo cổ học còn thu được nhiều hiện vật như chén bát – một số chiếc được sơn đỏ, một số đựng những mảnh xương, cùng nồi nấu ăn, hũ đựng, đèn và mũi tên đồng… Những hiện vật này, được cho là đồ tùy táng (chôn cùng người chết theo phong tục thời xưa), được phát hiện trong tình trạng nguyên vẹn dù có niên đại khoảng 3.300 năm. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy ít nhất 1 bộ xương còn tương đối nguyên vẹn ở trong hang.
Chuyên gia Eli Yannai thuộc IAA cho biết hang động trên có thể cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh về phong tục chôn cất thời đại đồ đồng muộn (khoảng 1600 – 1200 TCN). Theo chuyên gia này, đây là một phát hiện khảo cổ vô cùng hiếm thấy trong lịch sử. Những bình gốm có nguồn gốc từ Cyprus, Liban, Bắc Syria, Gaza và Jaffa – là bằng chứng cho hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi dọc bờ biển ở khu vực.
Các phát hiện có niên đại từ thời pharaoh Rameses II của Ai Cập cổ đại trị vì ở Canaan, vùng đất gần như bao gồm Israel và Palestine ngày nay. Hiện hang động đang được niêm phong trong khi nhà chức trách lên kế hoạch khai quật.
Ai Cập và Nga xem xét sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại
Truyền thông Ai Cập ngày 17/9 dẫn lời Đại sứ Nga tại nước này, ông Georgy Borisenko, cho biết Moskva và Cairo đang xem xét sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại giữa hai nước, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ngăn Moskva tiếp cận đồng USD và đồng euro kể từ khi xảy ra cuộc xung đột với Ukraine.
Kiểm đồng bảng Ai Cập tại một cửa hàng ở Menufia Governorate, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Sada El-Balad, ông Borisenko giải thích Nga sẽ sử dụng cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ (đồng ruble hoặc đồng bảng Ai Cập) với Ai Cập, tương tự như trong trao đổi thương mại với Trung Quốc trong khuôn khổ Hệ thống chuyển thông điệp tài chính của Nga (SPFS).
Nga đã thúc đẩy hệ thống SPFS thay thế hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi các ngân hàng lớn của nước này bị loại khỏi hệ thống SWIFT theo lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 vừa qua.
Bên cạnh đó, Nga đang cố gắng mở rộng số lượng các quốc gia cho phép công dân nước này thanh toán ở nước ngoài thông qua thẻ thanh toán Mir, được phát hành lần đầu tiên vào năm 2014, sau khi các công ty thanh toán Visa Inc và Mastercard có trụ sở tại Mỹ ngừng hoạt động tại Nga. Hiện một số quốc gia đã chấp thuận sử dụng thẻ Mir, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Hàn Quốc. Nga đang làm việc với Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) để sớm phê duyệt việc sử dụng thẻ Mir trong thanh toán ở Ai Cập. Ông Borisenko cho rằng việc chấp thuận sử dụng thẻ Mir ở Ai Cập sẽ góp phần làm tăng lượng du khách Nga đến quốc gia Bắc Phi này.
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ai Cập và Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, với trao đổi thương mại song phương đạt 4,7 tỷ USD vào năm 2021, so với mức 2,7 tỷ USD của năm 2018. Nga là một trong những nước có lượng du khách đông đảo đến Ai Cập hằng năm. Thống kê cho thấy riêng trong tháng 2/2021, hơn 700.000 lượt du khách Nga đã đến thăm đất nước "Kim tự tháp".
Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với tổng khối lượng nhập khẩu lên tới 13 triệu tấn/năm. Nga và Ukraine cung cấp khoảng 80% lượng lúa mì nhập khẩu của quốc gia Bắc Phi này. Hiện Nga cũng đang hỗ trợ Ai Cập xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên El Dabaa để sản xuất điện vì mục đích hòa bình.
Xuất khẩu khí đốt của Ai Cập đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ Trong một báo cáo vừa công bố, Bloomberg nhận định Ai Cập có thể xuất khẩu 8,2 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay, giữa lúc giá khí đốt đang được giao dịch ở mức cao tại thị trường châu Âu. Báo cáo của Bloomberg cho hay giá trị xuất khẩu khí đốt tự nhiên và khí hóa...