Israel muốn xây tường giữa Ai Cập và Gaza để cản trở Hamas đào đường hầm
Dẫn lời các nhà trung gian Arab trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, tờ Wall Street Journal đưa tin Israel muốn xây một bức tường gần hành lang Philadelphia ở biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập nhằm ngăn phong trào Hamas của Palestine đào đường hầm.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah ở Dải Gaza tháng 2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nguồn tin, Israel cũng muốn tiếp cận dữ liệu từ các camera và cảm biến giám sát ở khu vực này. Một quan chức cấp cao của Ai Cập nói với tờ báo này rằng Cairo ủng hộ Israel rút toàn bộ lực lượng khỏi hành lang Philadelphia cùng cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza.
Các nhà trung gian Arab cũng tiết lộ rằng nhóm đàm phán của Israel đã hoàn tất các cuộc họp với các đối tác tại Cairo để thảo luận về hành lang Philadelphia và Rafah, nhưng không có nhiều tiến triển.
Hôm 18/8, Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đang tiếp tục làm việc để thúc đẩy một thỏa thuận ở Gaza, nhằm tối đa hóa số lượng con tin được thả. Song ông Netanyahu kiên quyết rằng quân đội Israel vẫn hiện diện trong hành lang trên biên giới giữa Gaza và Ai Cập.
Video đang HOT
Israel đã phong tỏa cửa khẩu Rafah hồi tháng 12/2023 và vẫn chưa mở lại cửa khẩu này kể từ đó.
Các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza đã được tổ chức tại Doha vào tuần trước với sự tham gia của Qatar, Ai Cập, Mỹ và Israel. Phong trào Hamas đã từ chối tham gia các cuộc đàm phán do thiếu thông tin cụ thể về các điều khoản của lệnh ngừng bắn.
Tuyên bố chung của Mỹ, Qatar và Ai Cập – được công bố bởi văn phòng của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Sisi – cho biết các nhà trung gian đã trình bày với Israel và Hamas một đề xuất ngừng bắn thu hẹp bất đồng giữa các bên. Tuyên bố cũng nói rằng các cuộc đàm phán diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar diễn ra rất nghiêm túc và mang tính xây dựng trong bầu không khí tích cực.
Các quan chức chính phủ cấp cao từ Ai Cập, Mỹ và Qatar sẽ sớm họp tại Cairo với hy vọng đạt được một thỏa thuận phù hợp với các điều khoản được đề xuất.
Mỹ lạc quan về triển vọng thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông
Ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông đang "gần hơn bao giờ hết".
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Phát biểu tại một sự kiện ở Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhận định dù chưa đạt được thỏa thuận, xong tiến triển hiện nay là rất tích cực. Trên mạng xã hội, Tổng thống Biden cũng kêu gọi các bên tại Trung Đông không nên làm suy yếu các nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.
Sau 2 ngày đàm phán tại Doha, Mỹ với sự hỗ trợ của Ai Cập và Qatar đã trình một đề xuất ngừng bắn nhằm "thu hẹp khoảng cách còn lại" giữa Israel và Hamas. Trong tuyên bố chung, Mỹ, Ai Cập và Qatar nhấn mạnh đề xuất dựa trên các điểm đạt được trong tuần qua, được đưa ra nhằm thu hẹp khoảng cách để tạo điều kiện cho việc thực hiện nhanh chóng thỏa thuận ngừng bắn.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nhận định các cuộc đàm phán tại Doha là cuộc thương lượng hiệu quả nhất trong nhiều tháng. Thỏa thuận do Mỹ đưa ra đã giúp thu hẹp phần lớn bất đồng giữa các bên. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tới Israel trong ngày 17/8 nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn, thả con tin dựa trên đề xuất của Mỹ và sự ủng hộ của Ai Cập và Qatar.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phong trào Hamas cho rằng tiến trình đàm phán chưa tiến triển, việc Israel đưa ra các điều kiện mới làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán đang diễn ra hiện nay.
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) dẫn lời ông Walid Kilani, người phát ngôn của Hamas tại Liban, nêu rõ thông tin từ các cuộc đàm phán không đáp ứng được nguyện vọng của người dân Palestine, cũng như không phản ánh những gì đã được thỏa thuận vào tháng 7. Mặc dù Hamas hoan nghênh kế hoạch ngừng bắn do Tổng tống Biden đề xuất, song ông Kilani cáo buộc Israel áp đặt thêm các điều kiện, cản trở các nỗ lực đạt được giải pháp.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mong muốn các nhà đàm phán quốc tế sẽ gây sức ép để Hamas chấp nhận các nguyên tắc được đưa ra vào ngày 27/5.
Liên quan diễn biến thực địa, Kan TV - kênh truyền hình nhà nước Israel dẫn các nguồn tin an ninh cấp cao cho biết nhìn chung, các hoạt động quân sự của quân đội Israel tại Gaza đã kết thúc. Các quan chức quốc phòng Israel tin rằng đây là thời điểm khởi động thỏa thuận thả con tin, bởi các đơn vị chiến đấu của Hamas đã tan rã.
Về tình hình nhân đạo, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhận định việc Israel tiến hành sơ tán đối với Deir al Balah và Khan Younis đã thu hẹp diện tích khu vực nhân đạo xuống chỉ bằng 11% của Gaza.
Lệnh sơ tán này ảnh hưởng đến 120 khu tạm trú, nơi nương náu của 170.000 người dân phải di tản cho chiến sự. Theo OCHA, người dân đang phải nhanh chóng sơ tán mà không biết đi đâu, trong lúc nguy hiểm rình rập khắp nơi. Lệnh sơ tán này cũng ảnh hưởng đến các cơ sở nhân đạo, trong đó có nhà kho của Chương trình Lương thực thế giới. Trước đó, việc thiếu trầm trọng các kho lưu trữ nguồn cung nhân đạo đã gây khó khăn cho công tác tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ.
Tấn công bằng dao làm 1 người thiệt mạng tại Israel Giới chức Israel cho biết ngày 4/8, đã có 1 phụ nữ thiệt mạng và 3 người bị thương trong vụ tấn công bằng dao do một người Palestine thực hiện tại miền Trung nước này. Cảnh sát nêu rõ vụ tấn công xảy ra ở thành phố Holon, ngay ngoại ô Tel Aviv. Các lực lượng cảnh sát đã có mặt tại...