Israel lạc quan về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza
Ngày 16/12, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz khẳng định đang “đến gần hơn bao giờ hết” một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, trong bối cảnh một đoàn chuyên gia kỹ thuật Israel đã có mặt tại Doha để đàm phán kỹ thuật với các nhà trung gian Qatar về những vấn đề còn tồn đọng trong thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và thả con tin.
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 7/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Israel, Bộ trưởng Katz nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa từng tiến gần một thỏa thuận về con tin đến như vậy kể từ thỏa thuận trước đó”.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Hamas cũng cho biết các cuộc đàm phán đang tiến triển và đến gần một thỏa thuận hơn bao giờ hết. Quan chức này cho biết Hamas đã thông báo với các nhà trung gian Ai Cập và Qatar về lập trường sẵn sàng chấm dứt xung đột, với những điều kiện không thể thay đổi đã nêu trước đó.
Các cuộc đàm phán hiện đang tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giữa Israel và Hamas về thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất vào ngày 31/5. Vòng đàm phán này đánh dấu tiến triển trong nỗ lực của Ai Cập, Qatar và Mỹ nhằm đạt được lệnh ngừng bắn tại Gaza và thả các con tin những tuần gần đây, mặc dù vẫn chưa đạt được bước đột phá nào.
Video đang HOT
Liên quan đến tình hình thực địa, cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tiếp cận thành công bệnh viện Kamal Adwan, một trong số ít cơ sở y tế còn hoạt động ở phía Bắc Dải Gaza, để cung cấp viện trợ nhân đạo thiết yếu trong bối cảnh giao tranh vẫn đang diễn ra xung quanh khu vực.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết đoàn viện trợ đã chuyển thành công 5.000 lít nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men đến bệnh viện. Đồng thời, nhóm cứu trợ cũng hỗ trợ di chuyển an toàn 9 người, bao gồm 3 bệnh nhân và 6 người khác đến bệnh viện Al-Shifa.
Hồi đầu tháng này, WHO cảnh báo bệnh viện Kamal Adwan, tọa lạc tại khu vực Beit Lahia, đang hoạt động ở mức tối thiểu khi các nỗ lực vận chuyển hàng viện trợ liên tục bị cản trở bởi các cuộc giao tranh trong khu vực.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo cuộc chiến Gaza tiếp tục gây tác động xấu đến nền kinh tế Palestine. WB dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của các vùng lãnh thổ Palestine sẽ giảm 26% trong năm 2024, mức giảm mạnh nhất trong hai thập niên qua. Trong khi nền kinh tế Gaza ghi nhận mức giảm 86% trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế của Bờ Tây đã thu hẹp 23%. Ở Gaza, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đã giảm từ 2.328 USD năm 1994 xuống dưới 200 USD hiện nay khi hoạt động kinh tế ở đây gần như đã dừng lại.
Báo cáo của WB cho biết xung đột đã tàn phá cơ sở hạ tầng, làm tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp và đẩy giá hàng hóa lên cao, cũng như làm sụp đổ các dịch vụ thiết yếu tại các vùng lãnh thổ Palestine. Người dân Palestine tiếp tục phải chịu đựng bạo lực, khó khăn kinh tế và bất ổn chưa từng có. Trong khi, cuộc chiến Gaza đã cướp đi sinh mạng của hơn 45.000 người Palestine và khiến hơn 106.000 người khác bị thương kể từ tháng 10/20023. Gần 1,9 triệu người đã phải di tản, tương đương khoảng 90% dân số Gaza.
Israel phê duyệt kế hoạch tăng gấp đôi dân số tại cao nguyên Golan
Chính phủ Israel vừa thông qua kế hoạch tăng gấp đôi dân số người Do Thái định cư tại Cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ chiếm đóng bất hợp pháp từ Syria.
Một cặp đôi người Israel nhìn vào Syria từ Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, ngày 9/12/2024. Ảnh: Getty images
Thông báo ngày 15/12 của văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh rằng việc mở rộng các khu định cư ở khu vực này là yếu tố then chốt đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời tuyên bố: "Việc củng cố Golan chính là củng cố nhà nước Israel. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững, khiến khu vực này nở rộ và mở rộng định cư".
Israel chiếm Cao nguyên Golan từ Syria trong Chiến tranh sáu ngày năm 1967 và đơn phương sáp nhập vào năm 1981, một động thái không được quốc tế công nhận, ngoại trừ Mỹ (2019).
Hiện khu vực này có khoảng 20.000 người định cư Do Thái và 20.000 người Druze Syria sinh sống, với hơn 30 khu định cư của người Do Thái được xem là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria hôm 8/12, Israel nhanh chóng triển khai lực lượng vào vùng đệm biên giới và tiến xa hơn vào lãnh thổ Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết động thái này nhằm thiết lập một "khu vực an ninh" mới để ngăn chặn sự xuất hiện của các loại vũ khí hạng nặng và cơ sở hạ tầng khủng bố gần biên giới. Ông nhấn mạnh rằng việc chiếm giữ các vị trí chiến lược như núi Hermon, nằm giữa biên giới Cao nguyên Golan và phần còn lại của Syria, là rất quan trọng về mặt an ninh.
Trong tuần qua, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích vào các cảng, sân bay và kho vũ khí của Syria, phá hủy số thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD.
Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cho biết những thay đổi trên chiến trường đã tạo ra một khoảng trống quyền lực ở biên giới Golan.
Chính quyền Israel khẳng định sẽ không để các nhóm thánh chiến như Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng đứng đầu chính phủ mới ở Syria, tận dụng khoảng trống này để đe dọa cộng đồng người Israel trên Cao nguyên Golan.
Kế hoạch của Israel đã vấp phải sự chỉ trích từ Liên hợp quốc và các nước Ả Rập, với cáo buộc rằng đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 15/12 chỉ trích kế hoạch tăng gấp đôi dân số ở Cao nguyên Golan của Israel, cáo buộc đây là biện pháp nhằm "phá hoại" Syria.
Tuy nhiên, Israel vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược mở rộng sự hiện diện tại Golan để củng cố vị thế chiến lược và bảo đảm an ninh lâu dài.
Quân đội Israel không kích miền Nam Liban Quân đội Israel ngày 30/11 cho biết đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào 4 mục tiêu của Phong trào Hezbollah ở Tây Nam, miền Nam và sâu trong lãnh thổ Liban sau khi phát hiện các hoạt động của lực lượng này có thể "gây ra mối đe dọa". Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Tây...