Israel dọa tấn công Iran
Ngay sau khi Iran và các cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân, Israel đã phản đối dữ dội, thậm chí còn đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Thủ tướng Netanyahu nói rằng thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5 1 là mối đe dọa nghiêm trọng cho Israel
Ngày 2/4, sau 8 ngày đàm phán liên tục, 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức đã đạt được một thỏa thuận khung lịch sử với Iran.
Theo thỏa thuận khung, Iran đã chấp nhận giảm 2/3 số máy ly tâm từ 19.000 xuống 6104. Thiết bị này dùng để tinh lọc uranium với tỷ lệ phóng xạ 90% có thể chế tạo bom nguyên tử. Tehran còn phải giảm lượng uranium tích trữ đến 98% trong vòng 15 năm, không làm giàu hạt nhân ở trung tâm Fordo nằm sâu trong núi đá, không xây thêm nhà máy tinh lọc uranium trong thời gian này. Tất cả những trang thiết bị nằm ngoài thỏa thuận khung sẽ do Cơ quan Nguyên tử Quốc tế niêm phong, quản chế.
Israel coi một nước Iran có vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa có thực. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đe dọa tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran để bảo đảm rằng Iran không chế tạo bom hạt nhân.
Ngày 3/4, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố ông và nội các an ninh “nhất trí” trong việc chống đối thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran sau khi nói với Tổng thống Barack Obama trong một cuộc điện đàm rằng thỏa thuận khung với Iran đe dọa đến sự tồn vong của Israel.
Ông Netanyahu nói trong một thông cáo rằng thỏa thuận đề ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho Israel, cho khu vực và thế giới bởi vì nó sẽ thúc đẩy nền kinh tế Iran, gia tăng sự hiếu chiến của họ trong khu vực và nâng cao rủi ro của một cuộc chạy đua vũ trang và chiến tranh hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo Israel đã nói họ sẽ dành quyền đơn phương đáp trả bất kỳ mối đe dọa hạt nhân nào của Iran, kể cả việc oanh kích các cơ sở hạt nhân của Iran.
Các chuyên gia phân tích nói Israel hoàn toàn có khả năng tiến hành một chiến dịch không kích nhắm vào các mục tiêu hạt nhân của Iran bao gồm các cơ sở tinh chế, các mỏ uranium, một loạt các phòng thí nghiệm và các công ty kỹ thuật sản xuất các bộ phận sử dụng trong các cơ sở hạt nhân. Nhưng các chuyên gia cũng nêu ra rằng phía Iran đã đặt các cơ sở hạt nhân sâu bên dưới mặt đất, có lẽ quá sâu để phía Israel có thể tấn công.
Chuyên gia quân sự Paul Rogers, thuộc trường Đại học Bradford của Anh nói Mỹ là nước duy nhất có thiết bị cần thiết để đánh trúng các mục tiêu nằm dưới mặt đất, một quả bom gọi là “Massive Ordnance Penetrator” (Bom xâm nhập sử dụng đạn mìn cực mạnh).
Ông Rogers và các chuyên gia phân tích khác nói bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào các mục tiêu vũ khí hạt nhân của Iran cũng sẽ đưa chương trình hạt nhân của nước này đi ngược trở lại chỉ từ 2 đến 3 năm. Chuyên gia này cảnh báo: “Với bất cứ vụ tấn công nào của Israel, Iran sẽ càng quyết tâm trong việc thủ đắc vũ khí hạt nhân”.
Jim Walsh, chuyên gia về chương trình hạt nhân của Iran tại Viện Kỹ thuật Massachusetts, nói những người tán thành việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran “không đề xuất một sách lược, mà là đề xuất một đường lối chiến thuật: không kích và không kích mà không có biết việc đó sẽ kết thúc ra sao”.
Theo PetroTimes