Israel dỡ bỏ hạn chế với du khách quốc tế từ đầu tháng 3
Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 20/2 ra thông cáo báo chí cho biết, nước này sẽ cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh từ ngày 1/3 tới mà không cần xét đến địa điểm xuất phát cũng như việc họ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại sân bay Ben-Gurion ở Lod, Israel. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hiện nay, Israel vẫn áp dụng quy định chỉ cấp phép nhập cảnh cho những người đã được tiêm vaccine đầy đủ hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Theo quy định mới, du khách nhập cảnh Israel sẽ chỉ cần thực hiện 2 xét nghiệm kháng nguyên (PCR), bao gồm một xét nghiệm trước khi lên máy bay và một xét nghiệm khi hạ cánh xuống Israel.
Thông cáo dẫn lời Thủ tướng Naftali Bennett nêu rõ: “Chúng ta đang chứng kiến tình hình dịch bệnh giảm rõ rệt trong mấy ngày qua, vì thế đây là thời điểm chúng ta cần mở cửa dần đối với những lĩnh vực mà chúng ta đã tiên phong đóng cửa trước toàn thế giới… Hiện nay, chúng ta đã bắt mạch được dịch bệnh và nếu xuất hiện biến chủng mới chúng ta sẽ phản ứng rất nhanh chóng”.
Hồi tháng 3/2020, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Sau đó, nước này dần dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế phòng dịch, khiến số lượng du khách tăng trở lại một cách chậm chạp và vẫn ở mức thấp hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Tháng 1 vừa qua, Israel đã đón khoảng 46.000 du khách nước ngoài, so với tổng số 7.800 du khách trong cả năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số 333.000 du khách viếng thăm nước này riêng trong tháng 1/2020.
Hội nghị An ninh Munich: Các nước nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Ai Cập và Jordan ngày 19/2 đã gặp nhau bên lề Hội nghị An ninh Munich (MSC) tại Munich để tiếp tục phối hợp, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông hướng tới một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài dựa trên nền tảng giải pháp hai nhà nước.
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị an ninh Munich (MSC) lần thứ 56 ở Munich, Đức ngày 15/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp cho biết, Ngoại trưởng Đức, Pháp, Ai Cập và Jordan tái khẳng định quyết tâm ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới một nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện, tôn trọng các quyền hợp pháp của tất cả các bên dựa trên giải pháp hai nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và các thỏa thuận đã đạt được, bao gồm cả Sáng kiến Hòa bình Arab.
Các nước này bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng trên thực địa, kêu gọi các bên khẩn trương nối lại đàm phán nghiêm túc và hiệu quả dưới hình thức đàm phán trực tiếp hoặc thông qua sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Các nước trên đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin với mục đích cải thiện điều kiện sống của người dân Palestine và hướng tới việc nối lại các cuộc đàm phán hiệu quả.
Bên cạnh đó, các nước này cũng kêu gọi các bên kiềm chế mọi hành động đơn phương phá hoại giải pháp hai nhà nước và triển vọng của một nền hòa bình công bằng và lâu dài, đặc biệt là việc xây dựng và mở rộng các khu định cư, tịch thu đất đai và ép buộc người Palestine rời khỏi nhà cửa của họ cũng như bất kỳ hình thức bạo lực và thù hận nào.
Các Ngoại trưởng cũng tái khẳng định sự cần thiết phải duy trì hiện trạng cũ và hợp pháp của các thánh địa ở Jerusalem; nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) cũng như tầm quan trọng của việc cung cấp hỗ trợ về chính trị và tài chính cần thiết để cơ quan này tiếp tục các sứ mệnh cũng như cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người tị nạn.
Các nước này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp ước hòa bình giữa các nước Arab và Israel góp phần giải quyết xung đột Israel-Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện và lâu dài.
Ngoài ra, các nước trên cũng sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các bên để mở ra triển vọng nối lại tiến trình chính trị tin cậy, khẳng định việc thiết lập một nền hòa bình công bằng và lâu dài là mục tiêu chiến lược, vì lợi ích của tất cả các bên và có ý nghĩa sống còn đối với an ninh và ổn định trong khu vực.
Căng thẳng Ukraine tác động thế nào đến Trung Đông? Tình hình căng thẳng leo thang tại Ukraine có thể không chỉ dừng lại ở phạm vi châu Âu mà ảnh hưởng còn lan tới tận Trung Đông. Một quân nhân Nga tập trận tại khu vực miền Nam nước này ngày 10/12/2021. Ảnh: AP Kênh DW (Đức) đã đưa ra nhận định về ảnh hưởng có thể ập đến với Trung Đông...