Israel cho phép 50 xe viện trợ nhân đạo vào Bắc Gaza
Ngày 16/10, Israel thông báo tổng cộng 50 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã vào Dải Gaza. Động thái diễn ra sau khi Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Tel Aviv, cảnh báo sẽ dừng viện trợ quân sự nếu Israel không tăng cường đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Đoàn xe chở hàng viện trợ cho Dải Gaza di chuyển qua Bắc Sinai, Ai Cập ngày 9/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Israel, Cơ quan điều phối hoạt động của Chính phủ Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine (COGAT) cho biết hàng viện trợ nhân đạo đã được chuyển từ Jordan qua Cầu Allenby và vào Gaza qua cửa khẩu Western Erez – một lối đi giữa Israel và miền Bắc Gaza đã được mở vào tháng 5 để phục vụ công tác này.
Các xe hàng viện trợ nêu trên chở thực phẩm, nước, vật tư y tế và thiết bị trú ẩn. COGAT cam kết “tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza”.
Video đang HOT
*Không chỉ Mỹ gây áp lực với Israel, theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 16/10, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với các bộ trưởng cực hữu Israel gồm Bộ trưởng An ninh Quốc gia Bezalel Smotrich và Bộ trưởng Tài chính Ben Gvir, là những người ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây. Chỉ ra tình hình nhân đạo ở Gaza đang rất “thảm khốc”, ông Starmer cũng kêu gọi Israel “thực hiện mọi biện pháp có thể để tránh thương vong cho dân thường, cho phép đưa hàng viện trợ vào Gaza với khối lượng lớn hơn”.
*Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh David Lammy cùng người đồng cấp Pháp và Algeria đã yêu cầu tiến hành cuộc họp khẩn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về việc bảo vệ thường dân và mở các tuyến đường cho hàng viện trợ nhân đạo có thể đến được Gaza. Ông cho biết: “Tình hình nhân đạo ở miền Bắc Gaza đang rất nghiêm trọng, việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản ngày càng khó khăn. Theo báo cáo của LHQ, hầu như không có lương thực nào được đưa vào khu vực này trong hai tuần qua.
Bến tàu nổi trị giá hàng trăm triệu USD của quân đội Mỹ kết thúc sứ mệnh sau 25 ngày
Bến tàu nổi trị giá 230 triệu USD của Mỹ nhằm vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza đã kết thúc sứ mệnh sau 25 ngày hoạt động.
Xe tải chở hàng viện trợ tới Dải Gaza qua bến tàu nổi quân đội Mỹ xây dựng, ngày 19/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuẩn Đô đốc Brad Cooper tại Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 17/7 phát biểu với các phóng viên rằng bến tàu nổi đã đạt được hiệu quả mong muốn trong "chiến dịch chưa từng có".
Quân đội Mỹ dự kiến tháo dỡ bến tàu nổi này và chuyển về nước, kết thúc sứ mệnh vốn gặp nhiều vấn đề về thời tiết và an ninh lặp đi lặp lại, gây hạn chế lượng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đến tay người Palestine.
Bến tàu nổi hoạt động chỉ chưa đầy 25 ngày sau khi được lắp đặt vào hôm 16/5 và các cơ quan viện trợ cũng sử dụng nó trong khoảng một nửa thời gian đó, bởi lo ngại về an ninh. Bến tàu nổi đã không được sử dụng kể từ tháng 6, khi công trình này được đưa đến Ashdod do biển động.
Các nhà phê bình đánh giá bến tàu nổi không thể mang lại mức viện trợ cần thiết để ngăn chặn nạn đói đang rình rập ở Gaza. Tuy nhiên, quân đội Mỹ vẫn khẳng định rằng đây là niềm hy vọng lớn nhất vì viện trợ chỉ được cung cấp nhỏ giọt trong thời điểm quan trọng xảy ra nạn đói ở Gaza và người dân Palestine đã nhận được gần 9 triệu kg hàng hóa.
Tổng thống Joe Biden, từng công bố việc xây dựng bến tàu nổi trong Thông điệp Liên bang vào tháng 3, gần đây bày tỏ thất vọng về công trình này: "Tôi từng hy vọng nó sẽ thành công hơn".
Các nhóm viện trợ chỉ trích bến tàu nổi của Lầu Năm Góc và lập luận rằng thay vào đó, Mỹ nên gây áp lực lên Israel để mở thêm các tuyến đường bộ, tạo điều kiện viện trợ di chuyển nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Khi quân đội Mỹ chấm dứt hoạt động của bến tàu nổi, dư luận dồn chú ý đến kế hoạch mới của Israel sử dụng cảng Ashdod để thay thế. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 16/7 cho biết một bến tàu nổi mới sẽ sớm được lắp đặt tại cảng Ashdod của Israel để cung cấp viện trợ cho Dải Gaza nhằm thay thế bến tàu do quân đội Mỹ xây dựng. Bộ trưởng Quốc phòng Israel không cho biết khi nào công trình sẽ đi vào hoạt động.
Chuẩn đô đốc Cooper nhận định hành lang Ashdod sẽ bền vững hơn và nó đã được sử dụng để đưa hàng viện trợ vào Gaza. Bà Sonali Korde tại Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chia sẻ với truyền thông địa phương: "Ashdod sẽ là một tuyến đường khả thi và quan trọng đến Gaza". Tuy nhiên, bà cũng cho biết thách thức chính hiện nay ở Gaza là tình trạng bất ổn đang cản trở việc phân phối hàng viện trợ.
Israel kiểm soát tất cả các cửa khẩu biên giới của Gaza và hầu hết chúng đều mở cửa. Nhưng các tổ chức viện trợ cũng chỉ trích Israel vì hạn chế số lượng và loại hàng viện trợ được phép đi qua.
Mỹ khôi phục bến tàu nổi để chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza Ngày 20/6, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết bến tàu nổi do quân đội nước này thiết lập ở Dải Gaza đã được neo lại và hoạt động vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đã được nối lại tại đây. Xe tải chở hàng viện trợ tới Dải Gaza qua cầu tàu trên biển do quân đội Mỹ xây dựng, ngày 19/5/2024....