Israel cảnh báo Bắc Gaza thành chiến trường; Hamas tấn công thành phố Israel đặt lò phản ứng hạt nhân
Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cho biết cuộc chiến chống Hamas đã “bước sang một giai đoạn mới” và quân đội Israel cảnh báo Bắc Gaza thành chiến trường, lực lượng Hamas cũng lần đầu tấn công Dimona, nơi Israel đặt lò phản ứng hạt nhân.
Những tòa nhà tại Dải Gaza bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel ngày 27/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Tờ The Times of Israel ngày 29/10 dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Yoav Gallant cho biết cuộc chiến (chống phong trào Hồi giáo Hamas) đã “bước sang một giai đoạn mới”, đồng thời nhấn mạnh lực lượng mặt đất Israel đã tăng cường hoạt động bên trong Gaza.
Trong một video phát đi, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF, quân đội Israel), Trung tướng Herzi Halevi đã nhắc lại tuyên bố nêu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cho biết thêm là để đánh bại Hamas và trao trả các con tin mà các tay súng Hamas đang giam giữ, Israel phải thực hiện một cuộc tấn công lớn trên bộ ở Dải Gaza.
Theo Trung tướng Herzi Halevi, các lực lượng của Israel đang thực hiện các hoạt động trên bộ ở Dải Gaza nhằm đạt được tất cả các mục tiêu của cuộc chiến, đó là giải tán Hamas, đảm bảo an ninh ở biên giới và nỗ lực tối đa để đưa tất cả con tin trở về nhà.
Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel nhấn mạnh: “không có chiến thắng nào mà không phải trả giá”, Israel đã đặt ra những “mục tiêu rõ ràng” và Israel sẽ “quyết tâm chiến đấu và giành chiến thắng”.
Cùng với tuyên bố cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo Hamas bước sang gai đoạn mới, quân đội Israel cũng cảnh báo người dân Thành phố Gaza rằng khu vực này hiện là một “chiến trường” khi chiến dịch không kích chống lại Hamas trên lãnh thổ Palestine được tăng cường.
Tờ rơi do máy bay chiến đấu Israel thả xuống ghi rõ Thành phố Gaza đã trở thành một “chiến trường” và các nơi trú ẩn ở phía Bắc Gaza cũng như ở Thành phố Gaza “không an toàn”
Trong tờ rơi, quân đội Israel đồng thời kêu gọi người dân Gaza “sơ tán ngay lập tức” về phía Nam.
Người đàn ông ôm một em nhỏ bị thương sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 27/10/2023. Ảnh: IRNA/TTXVN
Video đang HOT
Trước đó, Israel đã nhiều lần cảnh báo rằng họ đang nhắm mục tiêu vào Thành phố Gaza và các khu vực khác ở phía Bắc Gaza, nơi Hamas được cho là có các căn cứ hoạt động chính và có các cơ sở rộng khắp dưới lòng đất.
Quân đội Israel cũng thúc giục khoảng một triệu dân thường di chuyển đến phía Nam Dải Gaza trong hai tuần. Nhiều người dân Dải Gaza đã làm như vậy, nhưng hàng trăm ngàn người được cho là vẫn còn ở lại.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin AP của Mỹ ngày 29/10 dẫn lời một quan chức hàng đầu của Hamas, ông Ghazi Hamad, cho rằng Israel đã ép buộc người Palestine về phía Nam nhằm cố gắng thúc đẩy họ di chuyển đến Ai Cập.
Tuy nhiên, phong trào Hồi giáo Hamas đã cực lực bác bỏ điều đó, đồng thời nhấn mạnh người Palestine sẽ ở lại trên mảnh đất của họ.
Cũng liên quan tới xung đột Israel – Hamas, lữ đoàn Qassam của Hamas cho biết chiều 28/10 họ đã bắn một loạt tên lửa vào Dimona, một thành phố nằm ở phía Nam Israel ở rìa sa mạc Negev.
Tờ The Times of Israel cho biết thêm Dimona là địa điểm có lò phản ứng hạt nhân của Israel. Sau cuộc tấn công của Hamas, tới nay không có báo cáo về tác động đối với Dimona.
Năm kịch bản cho tương lai của Dải Gaza
Nếu quân đội Israel đạt được mục tiêu đánh bật lực lượng Hamas ra khỏi Gaza, ai sẽ nắm quyền kiểm soát dải đất này khi xung đột kết thúc?
Pháo tự hành M109 155mm của quân đội Israel phóng đạn pháo về Dải Gaza ngày 28/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Israel đã huy động khoảng 350.000 quân dự bị. Trong đó có nhiều người đang trong tình trạng sẵn sàng ở biên giới Liban. Những người khác chờ đợi ở rìa Gaza, sẵn sàng tham gia một cuộc tấn công trên bộ.
Ngày 28/10, Israel thông báo chiến dịch tấn công lực lượng Hamas ở Gaza đã bước sang giai đoạn mới. Trong thông báo bằng video, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết lực lượng quân đội nước này đã thực hiện các cuộc tấn công trên bộ và dưới lòng đất, nơi mà phong trào Hamas xây dựng các đường hầm quân sự, trong đêm 27/10. Ông Gallant nêu rõ chiến dịch sẽ tiếp diễn cho tới khi có mệnh lệnh mới.
Có một câu hỏi vẫn tiếp tục xuất hiện. Tương lai của Gaza sẽ đi về đâu nếu Israel đạt được mục tiêu xóa sổ lực lượng Hamas. Người Israel chưa đưa ra câu trả lời chính thức nào cho câu hỏi này. Cũng chưa rõ liệu Israel có thể loại bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas hay không.
Tuy nhiên, theo ông Michael Milshtein tại Trung tâm nghiên cứu châu Phi Trung Đông Moshe Dayan ở Đại học Tel Aviv, có một điều rõ ràng. Sẽ không có khoảng trống quyền lực.
Vậy, trật tự sẽ được thiết lập như thế nào ở Dải Gaza sau khi cuộc xung đột này kết thúc? Theo ông Milshtein, có một số kịch bản nhưng chúng đều kèm theo thách thức. Giáo sư Stephan Stetter tại Đại học Lực lượng Vũ trang Liên bang Đức ở Munich, cũng nhận thấy điều tương tự.
Kịch bản 1: Israel kiểm soát Dải Gaza
Người dân tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Khan Younis, Dải Gaza, ngày 26/10. Ảnh: THX/TTXVN
Cho đến năm 2005, Israel đã kiểm soát về mặt quân sự Dải Gaza và có khả năng lặp lại điều này một lần nữa. Nhưng bước đi như vậy có thể kích động các cuộc tấn công quân sự mới. Ông Stetter nhận định với kênh DW rằng điều này cũng sẽ tác động gây biến động cán cân quyền lực trong khu vực.
Ông nói: "Có những ý kiến ở Israel đang gợi ý rằng nước này nên chiếm đóng Dải Gaza một lần nữa. Và đó sẽ là nguồn năng lượng cho tất cả những ai muốn đổ thêm dầu vào lửa và tiếp tục cuộc xung đột Israel-Palestine này".
Ngoài ra, theo luật nhân đạo quốc tế, chính quyền chiếm đóng có trách nhiệm đối với người dân nơi họ đang chiếm giữ. Ông Stetter phân tích: "Israel khi đó sẽ phải tự mình đảm nhận nhiệm vụ này. Về mặt tài chính, điều đó sẽ vượt quá khả năng của họ".
Tuy nhiên, Israel sẽ không thể tái chiếm Dải Gaza trước sự phản đối của các đồng minh phương Tây, bao gồm cả Mỹ. Động thái như vậy cũng sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ của Israel với các quốc gia khác ở Trung Đông, những quốc gia mà Israel đang cố gắng bình thường hóa quan hệ. Ông Stetter nói: "Đó là lý do tại sao tôi nghĩ một động thái như vậy khó có thể xảy ra".
Kịch bản 2: Chính quyền Palestine kiểm soát Gaza
Theo ông Milshtein, một viễn cảnh khác là Chính quyền Palestine quay trở lại Gaza và nắm quyền kiểm soát ở đó.
Theo ông Stetter, chính quyền Palestine có thể đóng vai trò quan trọng trong tương lai của Dải Gaza, nhưng có một yếu tố khác cần xem xét. Ông giải thích: "Nếu Chính quyền Palestine tiến vào Dải Gaza sau chiến thắng của Israel trước lực lượng Hamas, thì một số người có thể coi đó là trục lợi chiến tranh".
Kịch bản 3: Chính quyền người dân thường Palestine
Người đàn ông ôm một em nhỏ bị thương sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 27/10. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo ông Milshtein, một viễn cảnh khác là chính quyền dân sự hỗn hợp của người Palestine. Một cơ quan có thẩm quyền như vậy có thể được tạo thành từ các đại diện khác nhau của xã hội Palestine, chẳng hạn như các thị trưởng địa phương. Nó cũng có thể có mối quan hệ chặt chẽ với Chính quyền Palestine. Một mô hình lãnh đạo như vậy có thể được Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ ủng hộ.
Kịch bản 4: Chính quyền do Liên hợp quốc đứng đầu
Ông Stetter nói về mặt lý thuyết, Liên hợp quốc có thể tiếp quản khu vực xung đột sau khi một bên tham gia bị đánh bại. Ông đề cập đến các ví dụ trước đó từ Kosovo và Timor Leste.
Ông nhấn mạnh: "Nhưng điều đó không thực tế ở Dải Gaza. Sẽ khó hơn nhiều trong trường hợp này, nếu không muốn nói là không thể vì cuộc xung đột là tâm điểm của dư luận toàn cầu". Ông Stetter nói thêm rằng việc nhận được sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc về vấn đề như vậy cũng sẽ khó khăn.
Kịch bản 5: Chính quyền do các nước Arab vận hành
Ông Stetter muốn một kịch bản khác trong đó các quốc gia Arab sẽ dẫn đầu ở Dải Gaza, cùng với Chính quyền Palestine. Ông nói: "Điều này thực sự có thể có lợi cho một số quốc gia Arab, đặc biệt là những nước không chấp nhận Tổ chức Anh em Hồi giáo". Lực lượng Hamas được coi là chi nhánh Palestine của Tổ chức Anh em Hồi giáo mà Ai Cập, Saudi Arabia và UAE phản đối.
Hiện tại, các quốc gia này tập trung vào tình đoàn kết với người Palestine và những tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Gaza. Người dân ở các quốc gia Arab này cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Tuy nhiên, không rõ liệu các quốc gia Arab khác, ngay cả những nước có liên hệ ngoại giao với Israel, có sẵn sàng đầu tư vốn chính trị vào một kế hoạch như vậy hay không. Các chuyên gia cho rằng mô hình như vậy chỉ có thể thực hiện được trong trung hạn.
Israel dội 6.000 quả bom xuống Gaza; BTQP tuyên bố 'quét sạch Hamas khỏi Trái đất' Trong khi không quân Israel oanh kích không ngừng nghỉ vào Dải Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) nước này, ông Yoav Gallant, nói rằng sẽ "quét sạch Hamas khỏi Trái đất" sau vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử. Khói lửa bốc lên từ thành phố Gaza, sau các cuộc oanh kích của không lực Israel nhằm đáp trả các...