Israel- Ấn Độ cùng phát triển hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm trung
Israel và Ấn Độ đang ký kết một thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD cho việc phát triển chung một hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm trung.
Thời báo Ấn Độ ngày 21/5, dẫn nguồn tin của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang hợp tác với Tập đoàn hàng không vũ trụ Israel (IAI) để phát triển hệ thống tên lửa này cho quân đội Ấn Độ.
Hệ thống tên lửa Barak 8 của Israel- mẫu hệ thống tên lửa mà Ấn Độ và Israel dựa vào để phát triển (Ảnh PressTV)
Tập đoàn Bharat Dynamics Limited có trụ sở tại Hyderabad- một trong những nhà sản xuất về đạn dược và các hệ thống tên lửa của Ấn Độ- sẽ đảm trách việc sản xuất hệ thống tên lửa này.
Hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm trung mới này sẽ có tầm bắn 50km, khả năng giám sát đa chức năng cùng với các radar giúp theo dõi các mối đe dọa cũng như các hệ thống kiểm soát vũ khí.
Đây là một phiên bản tân tiến của hệ thống tên lửa Barak của Israel và dự kiến chi phí sẽ lên tới 90 tỷ rupees Ấn Độ (tương đương 157 triệu USD)./.
Phương Anh Theo PressTV
Video đang HOT
Theo_VOV
Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ đồng minh Vùng Vịnh
Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống phòng vệ tên lửa tập thể, tăng cường bán vũ khí và tập trận chung trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vừa kết thúc sáng 15/5 (theo giờ địa phương) với một tuyên bố chung, theo đó Mỹ cam kết sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các đồng minh Arab trong trường hợp cần thiết.
Từ biên giới với Yemen, quân đội Saudi Arabia nã pháo vào các vị trí của phiến quân Houthi (ảnh: Reuters)
Tuyên bố nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục răn đe và đối phó với những hành động gây hấn từ bên ngoài đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Mỹ Barak Obama cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống phòng vệ tên lửa tập thể, tăng cường bán vũ khí và tập trận chung trong khu vực.
Dù hai bên không thể đi đến một hiệp ước phòng thủ chung nhưng cam kết của Washington cũng đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của các nước Vùng Vịnh tại Hội nghị được Mỹ tổ chức tại trại David thuộc tiểu bang Maryland nhằm trấn an các đồng minh về tác động của thỏa thuận mà Mỹ và một số cường quốc khác đang xúc tiến với Iran, theo đó một số biện pháp trừng phạt Iran sẽ được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của mình. Các nước Vùng Vịnh e ngại rằng thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện để Iran hỗ trợ tài chính cho các lực lượng bạo lực, gây mất ổn định khu vực.
Ông Obama không bớt cảnh giác trước Iran
Để làm an lòng các đồng minh, Tổng thống Obama, khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Asharq Al-Awsat ngay trước thềm hội nghị, đã tuyên bố rằng Iran là nước bảo trợ khủng bố và các quốc gia trong khu vực hoàn toàn có cơ sở khi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động của Iran, đặc biệt là việc Tehran hậu thuẫn các nhóm bạo lực hoạt động bên trong lãnh thổ các nước khác.
Ông Obama cũng khẳng định cuộc đàm phán hạt nhân mà Mỹ và các nước thành viên nhóm P5 1 đang tiến hành với Tehran không đồng nghĩa với việc ông giảm bớt sự cảnh giác trước Iran, đồng thời thừa nhận Iran đã có những hoạt động quân sự tại Syria, Lebanon, trên dải Gaza và ở Yemen. Đây là những ngôn từ rất hiếm khi ông Obama sử dụng khi đề cập tới Iran trong các cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài.
Phát biểu sau Hội nghị, Ngoại trưởng Arab Adel al Jubeir đã gọi đây là một sự kiện vô tiền khoáng hậu, đưa quan hệ Mỹ và Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lên một cấp độ hoàn toàn khác trong nhiều thập kỷ tới, trong khi Tổng thống Obama khẳng định mối quan hệ tổng thể giữa Mỹ và các nước Vùng Vịnh đang bước vào một kỷ nguyên mới dựa trên quan hệ quốc phòng vững mạnh.
Hội nghị giữa Mỹ và Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) diễn ra trong bối cảnh hai bên đang có nhiều bất đồng xung quanh thỏa thuận hạt nhân với Iran và sự lạnh nhạt của các đồng minh Vùng Vịnh được thể hiện rõ qua việc chỉ có hai nước (Kuwait và Oman) trong số người đứng đầu các nước Vùng Vịnh tham dự. Quốc vương Salman của Saudi Arabia hủy lịch trình sang Mỹ vào phút chót trong khi Quốc vương Oman, Qaboos bin Said al Said lại đến Anh tham dự một cuộc trình diễn ngựa thay vì có mặt tại trại David.
Sợ Iran hỗ trợ các nhóm nổi dậy
Trong khi Mỹ cố gắng thuyết phục rằng một thỏa thuận với Iran sẽ làm giảm nguy cơ sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran, đồng thời tăng cường sức mạnh cho phe ôn hòa tại Iran thì các nước Vùng Vịnh lại cho rằng nguy cơ lớn nhất ở đây không phải là vấn đề hạt nhân mà là việc nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Iran sẽ có cơ hội đổ thêm tiền vào các cuộc chiến sắc tộc, chẳng hạn như hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen.
Nói một cách khác thì các nước Vùng Vịnh muốn duy trì các biện pháp trừng phạt vì sợ Iran sẽ có điều kiện gây thêm bất ổn thông qua việc hỗ trợ các lực lượng bạo lực trong khu vực, hơn là sợ bị Iran tấn công hạt nhân.
Trong khi đó, Mỹ lại muốn đạt được thỏa thuận với Iran vào cuối tháng 6 này với nhiều lý do. Thứ nhất, Mỹ lo ngại khả năng Iran chế tạo bom hạt nhân và nguy cơ về một cuộc chạy đua hạt nhân giữa các nước Arab với Iran, thứ hai là Tổng thống Obama muốn tạo ra một dấu ấn lớn trong những năm cuối nhiệm kỳ và thứ ba là Mỹ hy vọng sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để thảo luận với Iran về vấn đề khủng bố.
Không chỉ bất đồng về chương trình hạt nhân của Iran, Mỹ và các nước Vùng Vịnh cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Một số nước Arab đã đề nghị Mỹ ký hiệp ước an ninh để tìm kiếm sự bảo vệ của Washington trong trường hợp các nước này bị tấn công. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ cần phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, điều gần như là không thể, ít nhất là trước sự phản đối của Israel.
Một bài toán cần giải nữa là tình hình tại Syria.
Cho đến nay thì Saudi Arabia vẫn thúc ép Mỹ đóng một vai trò tích cực hơn để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại Syria, chẳng hạn như yểm trợ và chi viện cho các lực lượng chống Tổng thống Bashar al Assad, người được cho đang nhận sự bảo trợ của Iran. Trong khi đó Tổng thống Obama lại không muốn can dự sâu vào Syria ngoài hỗ trợ nhân đạo và huấn luyện một lực lượng nhỏ các chiến binh Syria ôn hòa.
Vùng Vịnh nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm nóng về an ninh, đe dọa đến các lợi ích quốc gia của Mỹ. Tại đây, Washington đang phải căng sức trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), và đối phó với cuộc xung đột chưa có hồi kết tại Syria, cuộc nội chiến ngày càng tồi tệ ở Yemen, cũng như tình hình ngày càng xấu đi tại Libya. Bên cạnh đó là mối quan hệ đồng minh Mỹ-Israel hiện đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cả 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tuy có diện tích lãnh thổ nhỏ bé song lại có vị thế địa chính trị rất quan trọng đối với chính sách an ninh của Mỹ ở Trung Đông. Đây cũng là nơi đặt các căn cứ không quân và hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ, trong đó có Hạm đội 5 đóng ở Bahrain.
Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Vùng Vịnh hiện nay được xem là "hai bên cùng có lợi". Việc tăng cường quan hệ an ninh giữa hai bên sẽ cho phép Mỹ củng cố thế chiến lược, đồng thời ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và lợi ích của Washington. Trong khi đó, các nước trong khu vực cũng coi Mỹ, với một lực lượng quân sự hùng hậu với 35.000 binh sỹ, 10 khẩu đội tên lửa Patriot cùng một loạt các cơ sở hải quân tại đây, là đối tác an ninh không thể thay thế vào thời điểm hiện tại./.
Nhật Quỳnh, Huy Hoàng
Theo_VOV
Mỹ chi đậm phát triển radar phản ứng nhanh cho F-16 - Không quân Hoa Kỳ quyết định chi 25 triệu USD để bắt đầu phát triển hệ thống các radar mới cho các hạm đội chiến đấu cơ F-16. Trung tướng Stanley Clarke, Giám đốc Không quân Hoa Kỳ, cho biết kế hoạch lần này rất cần thiết cho việc giám sát và tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu. "Ngân sách...