IS tự đào mồ chôn mình với vụ thảm sát Paris
Các chuyên gia tin rằng IS đang tiến gần đến chỗ diệt vong khi thực hiện tội ác khủng bố ở cấp độ chưa từng thấy trong lịch sử.
Người dân Paris đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố. Ảnh: AFP
Với đợt tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris của Pháp hôm 13/11 khiến ít nhất 129 người chết, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) là tổ chức khủng bố đầu tiên trên thế giới cùng một lúc có thể thực hiện các hình thức tấn công khác nhau vào nhiều địa điểm trên lãnh thổ phương Tây và gây ra thiệt hại nặng nề đến như vậy, theo Telegraph.
Đây cũng là tổ chức khủng bố đầu tiên trên thế giới trong chưa đầy hai tuần tuyên bố gây ra ba vụ tấn công quy mô lớn ở nhiều nơi, gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng và tài sản. Đầu tiên là vụ gài bom trên chiếc máy bay Nga hôm 31/10 khiến 224 người thiệt mạng, với phiến quân IS ở Ai Cập nhận trách nhiệm. Tiếp theo đó là hai vụ đánh bom tự sát gần như đồng thời trên một con phố ở thủ đô Beirut của Lebanon khiến 41 người chết, chỉ một ngày trước khi xảy ra đợt khủng bố ở Paris. Tổng cộng, nhóm khủng bố này đã sát hại 393 người vô tội mang các quốc tịch khác nhau như Lebanon, Ukraine, Pháp và Nga.
Đỉnh điểm của tội ác
Khi Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng những vụ khủng bố ở Paris cho thấy IS đang muốn “giết người hàng loạt” ở “cấp độ lên kế hoạch và phối hợp mới”, có lẽ đó là cách nói giảm nhẹ về mức độ hủy diệt cũng như khả năng chưa từng có tiền lệ của một tổ chức khủng bố trong lịch sử hiện đại, theo các chuyên gia phân tích.
Các chuyên gia an ninh cho rằng thông thường mỗi nhóm khủng bố sẽ đi theo một chiến lược tấn công riêng, mang bản sắc tàn bạo của mình. Phiến quân al-Qaeda dưới thời của trùm khủng bố Osama bin Laden đặc biệt chú ý đến các máy bay chở khách, mà đỉnh điểm của sự tàn ác là cuộc tấn công ngày 11/9 vào tòa tháp đôi của Mỹ.
Những cuộc tấn công ở Paris cho thấy phiến quân IS đã thuần thục tất cả các kỹ năng khủng bố mà tất cả các nhóm khác chưa từng đạt được. Trong một thời gian ngắn, chúng gây ra các vụ xả súng, đánh bom tự sát và tấn công máy bay chở khách, đặt các cơ quan an ninh, tình báo trên khắp thế giới vào tình thế bất ngờ, không kịp trở tay.
Vụ đánh bom kép ở thủ đô Beirut hôm thứ năm tuần trước đã thể hiện khả năng của IS thực hiện một hình thức tấn công tương đối quen thuộc của khủng bố nhưng luôn gây ra hậu quả rất thảm khốc về sinh mạng. Những kẻ tấn công kích hoạt đai thuốc nổ gắn trên người tại các địa điểm đông đúc, khiến con số thương vong luôn rất lớn và gây chấn động mạnh trong dư luận.
Cảnh sát Pháp tăng cường an ninh trên đường phố Paris sau vụ khủng bố. Ảnh:AFP
Còn ở Paris, các phần tử khủng bố sử dụng súng và thuốc nổ để thực hiện cuộc thảm sát giống như những cuộc tấn công kiểu “du kích đô thị” của những kẻ theo chủ nghĩa “bất cần đời” tại châu Âu vào thập niên 1970.
Thời kỳ đó, nhiều thanh niên Đức và Italia đã gia nhập các băng nhóm Lữ đoàn Đỏ hay Baader-Meinhof rồi dùng súng bắn giết nhau ngay trên đường phố. Họ bắt cóc con tin, giết những người qua đường, khiến người dân Italy phải gọi giai đoạn lịch sử này là “Những năm Chì”, bởi những viên đạn chì rải đầy đường phố sau mỗi vụ đấu súng.
Phiến quân IS đã làm tái hiện thời kỳ khủng khiếp này ở thủ đô Paris, chỉ khác là chúng chỉ tập trung tàn sát người dân vô tôi chứ không phải cảnh sát hay quan chức chính phủ, và tội ác của những kẻ khủng bố này chỉ chấm dứt bằng cái chết của chúng.
Các chuyên gia phân tích cho rằng có một điều không thể nhầm lẫn, đó là dù gài bom một chiếc máy bay, bắt cóc con tin, cử những kẻ đánh bom tự sát đến Beirut, hay tiến hành vụ thảm sát ở Paris, các phần tử IS đều thực hiện một cách nhanh chóng và liên tiếp. Mật độ thực hiện những cuộc tấn công này vượt xa khả năng của bất cứ nhóm khủng bố nào khác trên thế giới, kể cả al-Qaeda.
Video đang HOT
Tự đào mồ chôn mình
Theo chuyên gia về Hồi giáo và chủ nghĩa jihad William McCants thuộc Trung tâm Chính sách Trung Đông, khi IS tuyên bố nhận trách nhiệm đối với vụ thảm sát ở Paris, chúng muốn chứng tỏ với thế giới về khả năng gây ra tội ác lên đến đỉnh điểm, nhưng đồng thời đây cũng sẽ là hành động “tự đào mồ chôn mình”.
McCants cho rằng, vụ thảm sát ở Paris đã khiến người dân các nước phương Tây bị chấn động sâu sắc, và điều này có thể thúc đẩy họ ủng hộ cho một chiến dịch tấn công quy mô lớn vào IS ở Iraq và Syria, kể cả sử dụng bộ binh, phương án mà Mỹ và châu Âu từ trước tới nay luôn né tránh vì lo ngại phản ứng tiêu cực của dư luận.
Ngay sau vụ thảm sát, Pháp đã có những phản ứng quyết liệt khi tuyên bố sẽ không gục ngã trước chủ nghĩa khủng bố, và lập tức đáp trả bằng những cuộc không kích dữ dội vào sào huyệt Raqqa của IS ở Syria. Anh, Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ cao đối với quyết tâm tiêu diệt IS của Pháp, đồng thời có những động thái nhằm tăng cường hợp tác với Nga đẩy mạnh cường độ chiến dịch không kích ở Syria.
Theo ông McCants, đây là thời điểm nhạy cảm có thể khơi mào cho một chiến dịch tấn công bằng bộ binh vào lãnh thổ Syria để tiêu diệt IS, khi chính phủ các nước phương Tây có đủ động lực từ dư luận để thay đổi chính sách đối ngoại của mình.
Theo đó, những vụ đánh bom, xả súng đẫm máu ở Paris đã tạo động lực cho các lãnh đạo chính trị làm được những điều mà họ còn lưỡng lự trước đây vì những trở ngại đến từ chính trường trong nước. Trong những tình huống như thế này, người dân sẽ dễ dàng ủng hộ quyết định cứng rắn của các nhà lãnh đạo hơn.
Pháp mở chiến dịch không kích dữ dội trả đũa IS tại sào huyệt Raqqa. Ảnh:Alarabiya
Khi nhận được sự ủng hộ của dư luận và phát động cuộc chiến trên bộ, quân đội các nước phương Tây có thể dễ dàng tiêu diệt phiến quân IS ngay tại sào huyệt, điều mà các cuộc không kích trong một năm rưỡi qua không làm được.
Tuy nhiên, chiến dịch tấn công bằng bộ binh nếu có cũng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai mà cần có sự chuẩn bị lâu dài. Các nhà hoạch định chiến lược cũng sẽ rất thận trọng khi tính toán đến phương án này, bởi nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhưng ông McCants tin rằng ngay cả khi phương Tây không dùng đến bộ binh, phiến quân IS cũng sẽ bị diệt vong.
Chuyên gia này chỉ ra rằng khi một tổ chức khủng bố trỗi dậy, sớm hay muộn nó cũng sẽ lụi tàn khi phải đối đầu với một cường quốc. Các tổ chức jihad toàn cầu như IS đang đe dọa đến an ninh, lợi ích của nhiều cường quốc trên thế giới, và đến một lúc nào đó, các cường quốc này sẽ nhất trí loại trừ chúng.
Các tổ chức khủng bố như Taliban, al-Qaeda ở bán đảo Arab, al-Qaeda ở Mali, Shabab ở Somalia đều thất bại không phải vì chúng quá tàn bạo, mà vì chúng thách thức quyền lực của cường quốc nào đó. “Khi thực hiện nhiều vụ khủng bố trên nhiều quốc gia trong thời gian ngắn, IS đã chọc giận hai cường quốc là Nga và Pháp, và đây có thể là bước đầu tiên trên con đường diệt vong của chúng”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Thảm sát Paris - từ chiến trường Syria tới xóm liều ở Bỉ
Những vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris chứng tỏ phiến quân IS đã có sự chuẩn bị công phu với sự tham gia của một mạng lưới từ Syria đến Bỉ.
Các binh sĩ Pháp tuần tra trên đường phố Paris sau vụ tấn công khủng bố. Ảnh: AP
Trong khi cảnh sát Pháp mở một chiến dịch truy lùng quy mô lớn để tìm kiếm một nghi phạm "nguy hiểm", những bằng chứng do các điều tra viên thu thập được sau vụ khủng bố đẫm máu khiến ít nhất 129 người chết ở Paris đã cho thấy những mối liên hệ giữa vụ thảm sát với vùng đất đang chìm trong chiến sự Syria và một xóm liều ở Bỉ, theo NYTimes.
Các điều tra viên cho hay ít nhất một trong 8 tên khủng bố tham gia vào cuộc tấn công đã từng tới Syria, và những tên khác đã bí mật liên lạc với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở nước này. Các quan chức Pháp cũng đang tìm hiểu khả năng một công dân Syria đã được IS "biệt phái" đến châu Âu, trà trộn vào dòng người nhập cư, để tham gia chiến dịch khủng bố quy mô lớn này.
Giới chức an ninh Pháp cho hay các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ đã cảnh báo họ từ hồi tháng 9 về những thông tin còn mơ hồ nhưng đáng tin cậy rằng các phần tử jihad người Pháp ở Syria đang lên kế hoạch thực hiện một số hình thức tấn công nào đó.
Cảnh báo này đã khiến Pháp quyết định thực hiện các đợt không kích dữ dội ngày 8/10 vào sào huyệt Raqqa của IS ở Syria, với hy vọng sẽ đánh đòn phủ đầu và ngăn chặn âm mưu tấn công của phiến quân ngay từ trong trứng nước.
Các quan chức tình báo châu Âu cho biết một nghi phạm tham gia vụ khủng bố, Ismael Omar Mostefai, sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhưng đã trở nên cực đoan hóa và tìm đường tới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2012. Anh ta được cho là đã vượt biên sang Syria vào trong quãng thời gian đó.
Là một thanh niên Pháp được hàng xóm đánh giá là thân thiện, "cười nhiều và hay chơi đùa với trẻ con", không ai hiểu vì sao Mostefai thay đổi. "Năm 2010 là thời gian cậu ta bắt đầu trở nên cực đoan. Chúng tôi không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra", một người hàng xóm cho biết.
Giới tình báo không rõ Mostefai đã vượt biên sang Syria bằng cách nào, ở lại đó bao lâu và gặp gỡ những ai, nhưng họ chắc chắn rằng anh ta đã có mặt ở vùng chiến sự, nơi phiến quân IS đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn. "Nhiều khả năng anh ta đã sang Syria sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó quay trở về Pháp", một quan chức chống khủng bố cấp cao của châu Âu xác nhận.
Liên lạc bí mật và mạng lưới ngầm
Các quan chức châu Âu cho rằng Mostefai và các phần tử khủng bố khác đã sử dụng một hình thức liên lạc mã hóa để lên kế hoạch tấn công. Điều đó lý giải vì sao nghi phạm này dù lọt vào sổ đen theo dõi của cảnh sát vì có các hành vi cực đoan hóa vẫn có thể tham gia vào vụ khủng bố.
"Chúng tôi tin rằng những đối tượng này có hiểu biết rất nhiều về các biện pháp an ninh, và chúng biết rõ rằng đang bị cơ quan tình báo theo dõi, nên đã có những biện pháp đối phó", một quan chức chống khủng bố cấp cao giấu tên nói.
An ninh được thắt chặt trên tàu điện ngầm Paris sau vụ khủng bố. Ảnh: NYTimes
Một quan chức khác cho hay một số kẻ tấn công hành động rất kỷ luật, giống như đã được huấn luyện kiểu quân sự, và toàn bộ vụ khủng bố được tiến hành bài bản, do một nhóm có tổ chức lên kế hoạch và chuẩn bị.
Tuy nhiên các chuyên gia chỉ ra rằng một số kẻ tham gia vụ khủng bố còn "non tay" và không thể thực hiện được theo kế hoạch. Ba kẻ đánh bom tự sát được cử đến sân Stade de France đã không lọt được vào bên trong sân, thậm chí có kẻ kích nổ ở khoảng cách 400 mét so với mục tiêu và không làm hại được bất kỳ ai ngoài bản thân hắn ta. IS còn tuyên bố rằng một vụ đánh bom sẽ xảy ra trên Arrondissement, nhưng có vẻ như tên khủng bố ở vị trí này đã không thực hiện theo kế hoạch.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng những thiết bị nổ mà bọn khủng bố mang theo cũng không phức tạp. Tại một quá cà phê ở Paris, quả bom gắn trên người một tên khủng bố chỉ khiến hắn nổ tung mà không gây ra thương vong nào khác, khi nó phát nổ sớm hơn dự kiến khi đối tượng đang tìm cách tiếp cận mục tiêu trên phố Arrondissement.
Giới chức an ninh và phân tích cho rằng mức độ và quy mô các cuộc tấn công thể hiện IS đã có sự chuẩn bị công phu, với một mạng lưới hỗ trợ trên nhiều quốc gia, để thực hiện chiến dịch khủng bố đẫm máu ở Pháp.
"Những kẻ tấn công đã có sự chuẩn bị từ trước, huy động một nhóm phần tử cực đoan ở Bỉ để tham gia tấn công tại Pháp", Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho hay.
Nhà chức trách Pháp đang tìm hiểu về mạng lưới hỗ trợ này, sau khi có thông tin một kẻ tham gia tấn công là công dân mang hộ chiếu Syria, trà trộn vào dòng người nhập cư tới Hy Lạp hồi đầu tháng 10, và đến Pháp để thực hiện chiến dịch khủng bố.
Các quan chức Hy Lạp xác nhận cuốn hộ chiếu mà cảnh sát Pháp tìm thấy gần hiện trường một vụ tấn công là của Ahmad al-Mohammad, công dân Syria đến đăng ký tị nạn ở đảo Leros vào ngày 3/10, sau đó đi tới Croatia và Serbia.
Tuy nhiên các quan chức chống khủng bố Pháp cho rằng cuốn hộ chiếu này chưa chắc đã là của kẻ tấn công. Họ cho biết các chiến binh nước ngoài khi tới tham chiến Syria đều bị IS bắt nộp lại hộ chiếu, và khi trở về nước, chúng thường được cấp hộ chiếu của người khác để tránh bị phát hiện.
'Xóm liều' ở Bỉ
Các điều tra viên Pháp đã mở rộng cuộc điều tra sang nước láng giềng Bỉ. Tại đây, nhà chức trách đã bắt giữ một số nghi phạm ở khu vực Molenbeek, một "xóm liều" ở ngoại ô thủ đô Brussels, nơi sinh sống của phần lớn người Arab nhập cư.
Amedy Coulibaly, kẻ tấn công vào một siêu thị ở Paris sau vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng một, được cho là đã mua súng đạn tại khu Molenbeek. Mehdi Nemmouche, công dân Pháp từng tấn công Bảo tàng Do Thái ở Brussels năm 2014 khiến 4 người thiệt mạng, cũng được cho là mua vũ khí tại "xóm liều" này.
Cảnh sát Bỉ bắt giữ một nghi phạm tại "xóm liều" Molenbeek. Ảnh: Guardian
Gần đây nhất, tên Ayoub El Khazzani, công dân Morroco bị phát hiện có âm mưu tấn công hành khách trên tàu cao tốc từ Paris đến Amsterdam, được cho là đã sống tại khu Molenbeek trong một thời gian.
"Tôi để ý rằng hầu như các vụ tấn công đều có liên quan tới Molenbeek. Đây quả là một vấn đề cực lớn",Thủ tướng Bỉ Charles Michel phát biểu hôm 14/11.
Các điều tra viên xác định ba anh em ruột sống ở khu Molenbeek có vai trò quan trọng trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris. Các công tố viên Bỉ cho hay một trong ba người này, Ibrahim Abdeslam, là kẻ đã đánh bom tự sát tại quán cà phê Comptoir Voltaire. Anh em của hắn là Mohamed đã bị bắt tại Molenbeek hôm thứ bảy.
Tên thứ ba, Abdeslam Salah, 26 tuổi, là kẻ đang chạy trốn và bị nhà chức trách Pháp truy nã gắt gao. Tên này được cho là đã thoát khỏi vòng vây của cơ quan an ninh Pháp ngay sau khi các vụ xả súng và đánh bom xảy ra.
"Cảnh sát đã chặn xe hắn ta lại để kiểm tra giấy tờ. Đó chỉ là một cuộc kiểm tra giao thông bình thường, và hắn đã trình giấy tờ ra rồi đi tiếp. Cảnh sát không phát hiện bất cứ nghi vấn nào trong số giấy tờ này để bắt giữ hắn", Agnes Thibault Lecuivre, phát ngôn viên phòng công tố Paris cho hay.
Hai trong số những chiếc xe được dùng trong các vụ tấn công là xe cho thuê ở Bỉ, các công tố viên nước này cho biết. Cả hai xe đều bị bỏ lại sau vụ khủng bố, trong đó chiếc Seat Leon màu đen đậu ở ngoại ô Paris vẫn còn ba khẩu AK-47 bên trong, khiến các điều tra viên tin rằng đây là chiếc xe mà các phần tử khủng bố sử dụng để chạy trốn.
Trí Dũng
Theo VNE
Vì sao trận bóng ở sân vận động Pháp vẫn tiếp tục khi vụ khủng bố diễn ra Tổng thống Pháp quyết định không để khán giả ra khỏi sân vận động và cho tiếp tục trận bóng vì ông cho rằng bên trong an toàn hơn bên ngoài và có thể tránh được bẫy kích động của khủng bố. Tổng thống Pháp Franois Hollande trong phòng kiểm soát an ninh tại sân vận động Stade de France hôm 13/11. Ảnh:...