IS tiến về thủ đô của Iraq
Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tiến về phía Baghdad, trong khi chính quyền thủ đô của Iraq đang chặn cửa ngõ vào thành phố vì lo ngại chiến binh cực đoan trà trộn vào dòng người tị nạn.
Người dân chờ đợi trước cầu Bzebiz. Ảnh: CNN
Theo Sky News, IS tuyên bố sẽ đánh chiếm Baghdad và thông báo nhóm chỉ còn cách thủ đô hơn 100 km. Qua loa phóng thanh ở các nhà thờ Hồi giáo, IS thông báo cho các thành viên tại Mosul rằng Baghdad sẽ sớm rơi vào tay nhóm này.
Theo BBC, chính quyền Baghdad hôm qua đã chặn cầu Bzebiz, ngăn dòng người chạy trốn từ Ramadi, thành phố vừa bị IS chiếm, đổ về thủ đô Iraq. Cầu Bzebiz là cửa ngõ để người dân từ tỉnh Anbar vào Baghdad. Thông thường, phải có người nội thành bảo lãnh thì mới được phép vào thủ đô qua cầu này.
Các quan chức lo ngại rằng chiến binh IS có thể trà trộn vào dòng người chạy trốn và xâm nhập vào Baghdad. Trong khi đó, những người tị nạn đang mắc kẹt ở Anbar bất bình với quyết định này. “IS đang ở phía đó còn đường ở đây thì bị chặn,” Sabah Hamid, một phụ nữ đang chạy trốn nói. “Chúng tôi phải đi đâu bây giờ?”
IS hiện đang tiến về Habbaniya, phía đông Ramadi, nơi lực lượng an ninh Iraq và dân quân người Shiite đang lên kế hoạch phản công để tái chiếm thành phố này và phần còn lại của tỉnh Anbar.
Nếu kiểm soát được Habbaniya, IS sẽ tiến thẳng đến Falluja, gần Baghdad và liên kết với đồng bọn tại đây để tiến vào thủ đô Iraq. IS kiểm soát Falluja hơn một năm qua, bất chấp nhiều cuộc tấn công từ lực lượng chính phủ.
Video đang HOT
Phó thủ tướng Iraq hôm qua cảnh báo cuộc chiến với IS không còn là “vấn đề địa phương”, và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động.
Lực lượng IS tiến từ Ramadi có thể liên thủ với đồng bọn ở Fallujah để đánh chiếm Baghdad, Đồ họa: Economist
Hồng Hạnh
Theo VNE
Malaysia lo IS trà trộn vào quân đội
Malaysia đang tăng cường an ninh trên toàn quốc sau khi Bộ Quốc phòng thừa nhận hơn 70 binh sĩ quân đội có liên hệ với tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cảnh sát Malaysia bắt một kẻ tình nghi có liên hệ với IS vào tháng 12.2014 - Ảnh: The Star
Lời thừa nhận của Thứ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Bakri ngày 13.4 tại quốc hội gây lo ngại nghiêm trọng. The Star ngày 14.4 đưa tin: "Lực lượng cảnh sát đã tăng cường an ninh tại khắp các cơ sở an ninh liên bang ở thủ đô Kuala Lumpur và mọi đồn bốt trên toàn quốc, bên cạnh tăng cường tuần tra tại những kho vũ khí như một biện pháp đề phòng các cuộc tấn công".
Báo này cũng cho biết, ngày 8.4 một người đàn ông lạ mặt bất ngờ xâm nhập doanh trại quân đội ở thị trấn Gerik, bang Perak, và yêu cầu được cầu nguyện ngay trong doanh trại. Khi bị ngăn cản, người này đã đe dọa các binh sĩ.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Ahmad Zahid Hamidi cảnh báo các tay súng IS có thể tấn công các đồn cảnh sát và doanh trại quân đội nước này để cướp khí giới. Ông Ahmad Zahid cũng đưa ra con số thống kê của Cảnh sát Hoàng gia cho hay đã có 75 người Malaysia tham gia lực lượng IS ở các nước Tây Á và 10 người từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhà nước đã bỏ mạng trong các vụ đánh bom tự sát dưới ngọn cờ IS. Thế nhưng, cho đến trước ngày 13.4, Thứ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim vẫn một mực khẳng định không có binh sĩ hay cựu quân nhân nào tham gia IS.
"Vai trò" của mạng xã hội
Phân tích trên mục Bình luận của Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS, Singapore) ngày 14.4, chuyên gia Omer Ali Saifudeen cho hay những người Malaysia đi theo IS bị tác động khi nói chuyện qua mạng xã hội với chính những người đồng hương của mình đang chiến đấu cùng IS ở nước ngoài.
Chuyên gia này cũng nhận định, IS rất biết cách đánh vào tâm lý giới trẻ bằng cách xây dựng hình ảnh, tập hợp người hâm mộ thông qua mạng xã hội, đặc biệt là dùng các đoạn video và người cùng sắc tộc, quốc tịch để chiêu mộ nhau.
Hồi cuối tháng 2.2015, hai người Malaysia là Mohd Faris Anuar và Muhamad Wanndy Muhammad Jedi được nhận diện trong đoạn video xuất hiện trên Facebook quay cảnh IS hành quyết một người đàn ông Syria, được cho là làm gián điệp cho chính quyền của Tổng thống Bashar Assad.
Thứ trưởng Abdul Rahim khi đó cũng thừa nhận "khả năng tuyển dụng người của IS là rất đáng quan ngại" và khuyến cáo các bậc phụ huynh bảo vệ con em mình khỏi "những cuộc đấu tranh sai lầm".
Bắt nhầm hơn bỏ sót
Quốc hội Malaysia ngày 6.4 thông qua đạo luật Chống khủng bố (POTA) do Bộ Nội vụ trình. POTA cho phép Cục Phòng chống khủng bố (PTB) bắt giam đến 2 năm không cần xét xử hoặc quản chế 5 năm và có thể gia hạn đến vĩnh viễn những người bị tình nghi liên quan khủng bố. Người bị quản chế phải đeo chíp điện tử và nếu bị phát hiện đi vào "những vùng hạn chế" hay liên hệ với các phần tử xấu khác sẽ bị tăng án, thậm chí bị đánh roi. Một cơ quan lưu trữ dữ liệu bao gồm vân tay, hình ảnh của những người bị tình nghi cũng sẽ được thành lập. Nhiều tổ chức quốc tế đã chỉ trích POTA là "phiên bản cải tử" của đạo luật An ninh nội địa - được bãi bỏ năm 2012 - vốn được cho là bị nhà cầm quyền lạm dụng để đàn áp đối lập.
Chưa hết, 6 dự luật hà khắc khác cũng đang được sửa đổi để đặt ra các hình phạt nặng nhất đối với tội khủng bố. Chẳng hạn, người Malaysia nào có hành động khủng bố ở nước ngoài sẽ bị tù 30 năm, hoặc xuất hiện ở các trại huấn luyện khủng bố sẽ phải đi tù 10 năm.
Thứ trưởng quốc phòng Abdul Rahim ngày 13.4 tuyên bố sẽ ra sức "cải tạo" những quân nhân bị phát hiện có dính đến IS, trong khi siết chặt việc tuyển quân để đảm bảo không có những phần tử xấu lọt vào quân đội.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Các nhà hoạt động nữ sẽ băng qua biên giới liên Triều Một nhóm các nhà hoạt động quốc tế sẽ đi băng qua Khu Phi Quân sự (DMZ) chia cách biên giới Triều Tiên với Hàn Quốc để kêu gọi hai bên xóa bỏ căng thẳng, bất chấp những lo ngại về an ninh tại khu vực này. Các nhà hoạt động nữ quốc tế cùng các đại biểu khác thăm Mangyongdae, nơi sinh...