IS rục rịch chọn trùm khủng bố mới sau cuộc đột kích của Mỹ
Sau khi thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Quraishi chết trong chiến dịch đột kích của Mỹ, nhóm khủng bố khét tiếng dường như đang lựa chọn nhân vật để trở thành lãnh đạo kế tiếp.
Hiện trường vụ trùm khủng bố IS bỏ mạng trong chiến dịch của đặc nhiệm Mỹ (Ảnh: AFP).
Reuters dẫn lời 2 quan chức an ninh Iraq và 3 chuyên gia cho biết, thủ lĩnh kế tiếp của IS có thể là một nhân vật thân cận với các phần tử khủng bố IS ở Iraq – những kẻ trỗi dậy sau khi Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003.
Cái chết của al-Quraishi – kẻ cho nổ tung chính mình trong cuộc đột kích của Mỹ hồi tuần trước – được xem là một đòn giáng mạnh vào IS, sau khi cựu thủ lĩnh Abu Bakr al- Baghdadi cũng bỏ mạng trong một chiến dịch tượng tự của đặc nhiệm Mỹ vào năm 2019.
Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho biết, IS dự kiến sẽ sớm chọn ra nhân vật lãnh đạo kế tiếp trong những tuần tới.
Chuyên gia an ninh Iraq Fadhil Abu Rgheef liệt kê ra danh sách 4 cái tên tiềm năng cho vị trí thủ lĩnh nhóm khủng bố.
“Những kẻ này có thể là Abu Khadija, kẻ từng là lãnh đạo nhóm khủng bố al-Qaeda nhánh Iraq; Abu Muslim, thủ lĩnh khủng bố ở tỉnh Anbar, Iraq; Abu Salih, một kẻ có quan hệ thân cận với 2 trùm IS đã bỏ mạng al-Quraishi và al-Baghdadi. Ngoài ra, còn có Abu Yassir al-Issawi, một kẻ được cho là có giá trị với IS vì sở hữu nhiều kinh nghiệm chiến đấu”, ông Rgheef nói.
Trước đó, Issawi bị nghi đã bỏ mạng trong một cuộc không kích tháng 1/2021, nhưng một quan chức Iraq cho rằng, vẫn có khả năng tên này còn sống. “Nếu hắn chưa chết, hắn sẽ là một ứng viên. Hắn có hàng nghìn người ủng hộ”, quan chức trên nhận định.
Ngoài ra, quan chức trên cho rằng, IS dường như đang tiến hành một cuộc điều tra diện rộng trong nội bộ để tìm ra những sơ hở về mặt thông tin có thể dẫn tới việc “sào huyệt” của tên al-Quraishi bị lộ cho đặc nhiệm Mỹ. IS được cho sẽ thực hiện xong nhiệm vụ này trước khi chọn hoặc công bố thủ lĩnh mới.
Hassan Hassan, biên tập viên tạp chí New Line, cho rằng thủ lĩnh kế tiếp của IS sẽ là một kẻ thánh chiến cực đoan từng hoạt động Iraq.
IS có tiền thân là nhóm al-Qaeda ở Iraq, một nhánh của al-Qaeda toàn cầu do Osama bin Laden lãnh đạo. Tuy nhiên, IS khác biệt với các nhóm khủng bố cực đoan khác khi chúng tự lập ra cái gọi là Nhà nước Hồi giáo vào năm 2014 và tuyên bố chủ quyền với tất cả các vùng đất và dân tộc Hồi giáo.
Cả al-Quraishi và al-Baghdadi đều từng thành viên của al-Qaeda ở Iraq. Cả 2 tên này đều từng bị Mỹ giam giữ vào những năm 2000. Trong khi đó, 4 ứng viên tiềm năng cho vị trí lãnh đạo mới của IS chưa bao giờ bị lực lượng Mỹ bắt giữ.
Ngoài ra, các quan chức an ninh Iraq nhận định, IS hiện đang chia ra mạng lưới các nhóm hoạt động tản mát để tránh bị thành mục tiêu tấn công. Vì vậy, cái chết của al-Quraishi có thể không ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động của nhóm khủng bố.
Thêm vào đó, đường biên giới dài 600 km giữa Syria và Iraq được xem là thách thức với lực lượng chống khủng bố, khi các phần tử cực đoan có thể di chuyển dễ dàng tại đây với hệ thống hầm ngầm.
Chuyên gia Abu Rgheef dự đoán, thủ lĩnh mới của IS có thể sẽ có tư duy quân sự mạnh mẽ hơn al-Quraishi. Các âm mưu tấn công mà IS thực hiện trong tương lai có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của trùm khủng bố mới.
Toàn cảnh hiện trường vụ trùm khủng bố IS bị tiêu diệt
Phút "cân não" trong Nhà Trắng khi Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố IS
Từ Phòng Tình huống bên trong Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và "Phó tướng" Kamala Harris theo dõi các đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng của IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi.
Ông Biden và các quan chức cấp cao Mỹ theo dõi chiến dịch tiêu diệt tên trùm khủng bố khét tiếng trong "thời gian thực" (Ảnh: Nhà Trắng).
Tổng thống Joe Biden ngày 2/2 theo dõi trực tiếp từ Nhà Trắng cảnh các đặc nhiệm Mỹ làm nhiệm vụ đột kích một căn nhà 3 tầng ở Atmeh, Syria, nơi thủ lĩnh IS sống cùng vợ và các thành viên trong gia đình.
Bên trong Phòng Tình huống, ông Biden hồi hộp quan sát khi một chiếc trực thăng Mỹ gặp sự cố. Mỹ đã buộc phải phá hủy một trực thăng MH-60 để ngăn nó rơi vào tay đối thủ.
Mọi người trong phòng tỏ ra nhẹ nhõm khi nhìn thấy trẻ em chạy ra khỏi tòa nhà tới nơi an toàn.
Vài phút sau đó, một vụ nổ bùng lên làm rung chuyển căn nhà khi tên al-Qurayshi đã kích hoạt quả bom tự sát làm nổ tung hắn và các thành viên trong gia đình. Vụ nổ mạnh tới mức, thi thể của tên trùm khủng bố văng ra bên ngoài tòa nhà và rơi xuống khu vực lân cận.
Xác chiếc MH-60 bị Mỹ cho nổ tung (Ảnh: AP).
Sáng ngày 3/2, các quan chức cấp cao Mỹ đã tiết lộ các thông tin về cuộc đột kích. Họ mô tả đây chiến dịch thành công khi Mỹ đã loại bỏ được tên trùm khủng bố khét tiếng mà không gặp thiệt hại về nhân mạng. Mỹ cho biết, chỉ có dân thường thiệt mạng khi tên khủng bố kích hoạt quả bom để tự sát.
Đây được xem là vụ tiêu diệt tên khủng bố sừng sỏ nhất trong nhiệm kỳ của ông Biden hơn một năm qua. "Chiến dịch này là minh chứng cho khả năng của Mỹ trong việc tiêu diệt các mối đe dọa khủng bố cho dù chúng cố ẩn náu ở bất cứ đâu trên thế giới. Chúng tôi sẽ truy lùng và tìm thấy các người", ông Biden tuyên bố, nhấn mạnh Mỹ đã nỗ lực hết sức để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Theo các quan chức Mỹ, kế hoạch tiêu diệt trùm khủng bố IS đã được lên trong vài tháng qua và việc tiêu diệt thành công tên này nhằm ngăn chặn nguy cơ IS trỗi dậy, gây ra nguy cơ bất ổn an ninh cho thế giới.
"Chúng tôi cho rằng tác động của chiến dịch sẽ là một cú thổi bay cho IS", một quan chức cấp cao Mỹ nói, nhấn mạnh tên al-Qurayshi là kẻ "đầu sỏ" trong rất nhiều các vụ tấn công của IS.
Mỹ cho biết, tên này chỉ đạo các chi nhánh của IS ở nước ngoài, bao gồm cả ISIS-K ở Afghanistan - nhóm từng thực hiện vụ tấn công đẫm máu ở sân bay Kabul năm ngoái khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á. Tên al-Qurayshi cũng bị cáo buộc là kẻ đứng sau cuộc diệt chủng thảm khốc chống lại người Yazidi năm 2014.
Tên al-Qurayshi "khét tiếng" với hàng loạt tội ác mà hắn đã thực hiện (Ảnh: AFP).
Từ tháng 12/2021, các quan chức Lầu Năm Góc đã đưa mô hình địa điểm tác chiến đến Phòng Tình huống để trình bày cho Tổng thống Biden về kế hoạch đột kích. Họ đánh giá tên al-Qurayshi không bao giờ rời khỏi "sào huyệt" của hắn ở tầng 3 căn nhà tại Atmeh, Syria, ngoài lên trên nóc nhà để tắm. Các gia đình không có liên hệ gì với IS sống ở tầng một, dường như không biết rằng kẻ khủng bố khét tiếng đang sống phía trên họ 2 tầng.
Mỹ đã phát hiện ra "sào huyệt" của tên trùm IS trong nhiều tháng. Khi ông Biden nhận được thông tin về kế hoạch tiêu diệt al-Qurayshi, ông đã ra lệnh Lầu Năm Góc vạch ra phương án để giảm thiểu thương vong cho dân thường. Đây được đánh giá là nhiệm vụ không dễ dàng, đặc biệt với kẻ luôn sống cùng thành viên trong gia đình, sử dụng họ như là "hàng rào chắn". Chính vì vậy, ông Biden liên tục đưa ra các chỉ thị một cách chi tiết cho cấp dưới liên quan tới kế hoạch tác chiến.
Lực lượng Mỹ đã diễn tập kỹ cho chiến dịch, bao gồm việc bảo vệ những người vô tội. Khi đặc nhiệm Mỹ tới hiện trường, họ thông báo bằng loa phóng thanh yêu cầu những người sống trong nhà rời đi, và những người ở khu vực lân cận tránh xa hiện trường.
Toàn cảnh hiện trường vụ trùm khủng bố IS bị tiêu diệt
Ông Biden đã phê duyệt thực hiện chiến dịch hôm 1/2 tại Phòng Bầu dục, nơi ông được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, báo cáo tóm tắt.
Theo các quan chức Mỹ, Phòng Tình huống trong ngày thực hiện chiến dịch đã chìm trong bầu không khí "căng thẳng dồn dập" khi cả ông Biden, bà Harris và đội cố vấn an ninh quốc gia theo dõi chiến dịch trong "thời gian thực".
Các quan chức Mỹ đã tính tới kịch bản tên trùm khủng bố đánh bom tự sát như kẻ tiền nhiệm Abu Bakr al-Baghdadi từng làm năm 2019. Cuối cùng, kịch bản đó đã xảy ra. Tuy nhiên, chiến dịch vẫn chưa kết thúc.
Tại Phòng Tình huống, ông Biden tiếp tục theo dõi đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt một tên tay chân thân tín của al-Qurayshi. Hắn sống ở tầng 2 của ngôi nhà, hỗ trợ hoạt động của tổ chức khủng bố. Khi lực lượng Mỹ đổ bộ vào căn nhà, hắn cố thủ trong phòng cùng vợ và giao tranh với các đặc nhiệm Mỹ. Cuối cùng, hắn đã bỏ mạng. Sau đó, Mỹ tiếp tục giải cứu một số trẻ em ở tầng 2 của ngôi nhà ra ngoài an toàn.
Khi đó, bầu không khí ở Phòng Tình huống mới bớt căng thẳng. Khi bước ra khỏi căn phòng sau khi chiến dịch kết thúc, ông Biden đã nói: "Chúa phù hộ cho quân đội của chúng ta", một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Đụng độ giữa quân đội Pakistan và nhóm khủng bố ở biên giới với Afghanistan Ngày 6/2, quân đội Pakistan cho hay 5 binh sĩ nước này đã thiệt mạng khi một nhóm khủng bố từ Afghanistan vượt qua khu vực biên giới và nổ súng tấn công ở khu vực tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan. Cảnh sát biên phòng Afghanistan gác tại khu vực biên giới với Pakistan gần Durand thuộc Spin Boldak, tỉnh Kandahar. Ảnh...