IS bắt tay với al Qaeda chống phe nổi dậy thân Mỹ
Cú bắt tay giữa hai tổ chức khủng bố hùng mạnh sẽ khiến cuộc chiến chống IS của Mỹ thêm phần khó khăn.
Ngày 14/11, báo chí phương Tây cho biết lãnh đạo phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria đã nhất trí bắt tay nhau cùng chiến đấu chống lại phe nổi dậy ôn hòa được Mỹ hậu thuẫn và cả quân đội chính phủ Syria.
IS và al-Nusra là hai tổ chức khủng bố mạnh nhất hiện nay ở Syria
Phiến quân IS và nhóm khủng bố thân al-Qaeda tên là Jabhat al-Nusra (Mặt trận Nusra) đã đấu đá quyết liệt với nhau trong hơn một năm qua nhằm tranh giành ảnh hưởng trong cuộc nổi dậy đẫm máu chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Việc hai nhóm khủng bố được cho là mạnh nhất hiện nay ở Syria bắt tay với nhau cùng chống “kẻ thù chung” sẽ khiến cho cuộc chiến chống IS của Mỹ thêm khó khăn bội phần trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chính sách cung cấp vũ khí và huấn luyện cho phe nổi dậy ôn hòa để trở thành một lực lượng mạnh, đáng tin cậy trên chiến trường có thể đánh bại IS.
Giờ đây, khi hai nhóm khủng bố này hợp tác với nhau và hợp lại thành một, phe nổi dậy ôn hòa thân Mỹ sẽ bị yếu đi đáng kể, đặc biệt là khi lực lượng này vẫn đang được mô tả là “vô tổ chức” và thiếu quy củ cần thiết của một đội quân chính quy.
Thỏa thuận hợp tác trên được đưa ra sau khi hai nhóm khủng bố này giảm bớt sự kình địch với nhau bằng các lệnh ngừng bắn không chính thức trên chiến trường. Sau khi ký thỏa thuận hợp tác, IS và Nusra sẽ không quay súng bắn nhau nữa mà cùng nhau mở vài mặt trận mới chống lại dân quân người Kurd ở miền bắc Syria.
Theo một quan chức phe nổi dậy Syria, lãnh đạo IS và Nusra đã gặp nhau hồi đầu tháng 11 tại thị trấn Atareb, phía tây Aleppo, nơi IS đang nắm quyền kiểm soát, và kết quả của cuộc gặp này là một thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Video đang HOT
Các chiến binh nổi dậy ở Syria được Mỹ trang bị vũ khí
Cũng theo quan chức này, tham dự cuộc họp trên còn có đại diện của nhóm khủng bố Khorasan, Jund al-Aqsa và Ahrar al-Sham, những nhóm Hồi giáo cực đoan ít quyền lực hơn trên chiến trường Syria.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng thỏa thuận hợp tác giữa IS và Nusra chỉ là tạm thời và rất dễ bị phá bỏ, đồng thời việc hai lực lượng kình địch cùng chiến đấu được với nhau sẽ phải mất một thời gian dài.
Một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết thỏa thuận này sẽ không khiến hai nhóm khủng bố thay đổi chiến lược của mình, nhưng chúng sẽ có những điều chỉnh về mặt chiến thuật trên chiến trường.
Nusra được coi là nhóm khủng bố cứng rắn và thiện chiến nhất khi cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad bùng nổ vào năm 2011. Tuy nhiên đến năm 2012, IS bắt đầu trỗi dậy và kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng lớn, trở thành đối trọng với Nusra trên chiến trường.
Theo chuyên gia phân tích người Mỹ Tom Joscelyn, thỏa thuận hợp tác trên giữa IS và Nusra vẫn là một tín hiệu báo động đối với Mỹ, bởi khi đã rảnh tay không còn lo chém giết nhau, hai nhóm khủng bố này sẽ dễ dàng hơn trong việc đối phó với các lực lượng đối lập được Mỹ hậu thuẫn.
Theo Khampha
Obama "sai lầm" trong chiến lược tiêu diệt IS
Mỹ đang xem xét thay đổi chiến lược chống IS khi nhận thấy kế hoạch cũ không thể tiêu diệt được phiến quân.
Ngày 13/11, các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho hay Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu các cố vấn an ninh quốc gia của mình xem xét lại chính sách của Mỹ đối với Syria sau khi nhận ra rằng chiến lược hiện nay của Mỹ khó có thể đánh bại được phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tổng thống Barack Obama đang phải xem xét lại chiến lược chống IS
Hành động này của ông Obama được coi là sự thừa nhận ngầm rằng chiến lược chống IS trước đây của Mỹ ở Syria mà không tập trung vào mục tiêu loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một tính toán sai lầm.
Hồi tháng trước, ông Obama từng tuyên bố rằng việc tập trung đánh mạnh ở Iraq là cách tốt nhất để làm suy yếu và đánh bại IS, tuy nhiên sau đó nhiều nguồn tin cho hay ông đã xây dựng một chiến lược mới để tiêu diệt nhóm phiến quân này, bắt đầu bằng việc loại bỏ ông Assad.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama đã nhóm họp 4 lần, trong đó có một cuộc họp do đích thân Tổng thống chủ trì, để đề ra chiến lược mới này.
Mỹ và nhiều nước đồng minh coi Tổng thống Assad là lý do tại sao IS vẫn có thể tiếp tục lớn mạnh ở Syria.
Chiến lược trước đây của ông Obama là thực hiện các cuộc không kích để hỗ trợ lực lượng quân đội chính phủ ở Iraq nhằm đánh bật IS sang bên kia biên giới Syria, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng giờ đây Nhà Trắng đã hết thời gian.
Chiến dịch không kích của Mỹ không thể tiêu diệt được phiến quân IS
Một quan chức cấp cao Mỹ nói với CNN: "Vấn đề dai dẳng ở Syria giờ đây càng trở nên phức tạp hơn với thực tế rằng, để đánh bại được IS thực sự, chúng ta không chỉ phải đánh bại chúng ở Iraq mà còn phải ở cả Syria".
Quan chức này nói tiếp: "Những diễn biến trên mặt đất đã khiến các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tin rằng Mỹ không còn có đủ thời gian cho Iraq. Kết quả lý tưởng mà họ muốn là IS bị đẩy ra khỏi Iraq và quay trở về Syria".
Thế nhưng khi Mỹ làm điều đó, lực lượng IS hùng hậu bị đẩy bật ra khỏi Iraq sẽ quay trở lại chèn ép phe nổi dậy ôn hòa được Mỹ hậu thuẫn, và mối đe dọa từ IS vẫn còn nguyên ở đó, thế nên chiến lược này bị đánh giá là "không hiệu quả".
Điều đáng xấu hổ hơn là phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cũng vừa phát biểu với CNN rằng Mỹ vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho phe nổi dậy ở Syria chống lại cả IS lẫn quân đội chính phủ, mặc dù họ đã thông báo kế hoạch đó từ cách đây 4 tháng.
Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ chi 500 triệu USD để huấn luyện và trang bị vũ khí cho 5000 chiến binh nổi dậy trong vòng một năm, nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn nằm trên giấy tờ, và việc tuyển chọn chiến binh vẫn chưa bắt đầu.
Kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện chiến binh nổi dậy ôn hòa của Mỹ vẫn giẫm chân tại chỗ
Theo ông Kirby, để có thể tuyển chọn được 5000 chiến binh "ôn hòa", Mỹ sẽ phải mất từ 3 đến 5 tháng, và sau đó là khoảng 8-9 tháng huấn luyện quân sự nữa mới có thể xây dựng được một lực lượng chiến đấu đáng tin cậy trên mặt đất.
Tờ Washington Post cho biết ông Obama quyết định thay đổi chiến lược đối phó với IS ở Syria sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel gửi một thông điệp riêng cho cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice nêu những quan ngại của ông về cách thức Tổng thống Obama xử lý vấn đề ở Syria và Iraq.
Trước đây, kế hoạch của ông Obama cũng đã vấp phải những nghi ngờ đến từ Ngoại trưởng John Kerry và các quan chức khác của Mỹ. Cho đến nay, mặc dù Mỹ đã thực hiện gần 900 lượt không kích ở Iraq và Syria, sức mạnh của dường như IS vẫn chưa hề bị suy yếu như mong đợi của Mỹ.
Theo Khampha
Dân quân cắt đứt đường tiếp tế của IS ở Kobani Bị mất tuyến đường tiếp tế quan trọng, IS dễ dàng bị đánh bại trên chiến trường Kobani. Ngày 12/11, tổ chức Giám sát Trung Đông cho hay lực lượng dân quân người Kurd ở Syria chiến đấu với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thị trấn chiến lược Kobani đã chiếm lại một phần ngọn đồi quan trọng Mishtenur, cắt...