Iraq chiếm ưu thế ở Fallujah, chuẩn bị tấn công giành Mosul từ IS
Iraq chuẩn bị tiến công về phía thành phố Mosul, thành trì lớn nhất của Nhà nước Hồi giáo ở nước này sau khi đẩy bật nhóm phiến quân ra khỏi phần lớn Fallujah.
Phương tiện quân sự Iraq ở thành phố Fallujah ngày 17/6. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi bắt đầu giai đoạn hai trong chiến dịch giải phóng Nineveh vào 5h00″, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled al-Obeidi nói. “Mục tiêu trong giai đoạn là chiếm Qayyarah và biến nơi đây thành bàn đạp tấn công Mosul”.
Qayyarah trải dọc theo sông Tigris từ căn cứ chính của các lực lượng ủng hộ chính phủ Iraq ở Makhmur, khu vực người Kurd kiểm soát. Qayyarah có một sân bay và cách Mosul khoảng 60 km về phía nam. Đợt tấn công này từng nhiều lần được Washington thúc đẩy và sẽ được liên minh do Mỹ dẫn đầu hỗ trợ.
Mosul là thành phố lớn cuối cùng ở Iraq còn bị Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát. Quân đội Iraq hôm qua giành lại tòa nhà chính quyền ở trung tâm Fallujah từ IS và treo quốc kỳ lên đây.
Các chỉ huy Iraq thông báo triển khai chiến dịch dành lại Mosul và bao vây tỉnh Nineveh từ tháng 3 nhưng do áp lực chính trị trong nước, chính phủ đã chuyển hướng lực lượng sang Fallujah, phía tây thủ đô Baghdad, vào tháng trước.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm qua cam kết thời điểm giải phóng Mosul “rất gần” khi tuyên bố giành chiến thắng trước IS ở Fallujah. Ông cho biết chỉ còn một số sự kháng cự nhỏ của IS tại Fallujah cần loại bỏ.
Fallujah, nằm bên bờ sông Euphrates, bị các tay súng chống chính phủ Iraq chiếm Fallujah từ đầu năm 2014. Nơi này sau đó biến thành thành trì của IS. IS hiện vẫn kiểm soát các khu dân cư phía bắc Fallujah, nơi chúng được cho là đang sử dụng hàng nghìn dân thường làm lá chắn sống.
Vị trí thành phố Fallujah và Mosul, Iraq. Đồ họa: BBC.
Video đang HOT
Như Tâm
Theo VNE
Chưa diệt xong IS, quân Iraq lục đục
Chiến dịch đánh đuổi Nhà nước Hồi giáo khỏi Fallujah đang bước vào giai đoạn quyết định song sự chia rẽ giữa các lực lượng Iraq khiến nó có nguy cơ bị đình trệ.
Lực lượng ủng hộ quân đội chính phủ Iraq tập trung bên ngoài Fallujah hôm 24/5. Ảnh: AFP
Sau khi chiếm được khu vực phía nam thành phố Fallujah, 7 binh đoàn đặc nhiệm Iraq vẫn chưa thể mở rộng chiến dịch. New York Times dẫn lời các chỉ huy cho biết nguyên nhân không phải do họ bị phản công hay địa hình khó khăn mà bởi bất đồng trong chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Khác với những chiến dịch chống IS trước đây, cuộc phản công ở Fallujah lần này có sự tham gia của nhiều lực lượng ở Iraq. Kế hoạch tác chiến ban đầu được coi như một minh chứng cho thấy tinh thần đoàn kết của các nhóm vũ trang nay trở thành biểu hiện của sự chia rẽ sâu sắc bên trong những lực lượng này.
"Các lực lượng tại Iraq không phải đang hợp tác mà họ thực sự chia rẽ trên mặt trận", ông Patrick Martin, chuyên gia về Iraq tại Học viện Nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở Washington, cho biết.
Chia rẽ
Từ thời điểm IS chiếm đóng thành phố Mosul hồi năm 2014, phiến quân luôn vấp phải sự phản kháng từ hai nhóm chiến đấu chính là đặc nhiệm chống khủng bố và dân quân người Shiite, được biết đến với cái tên Lực lượng Huy động Quần chúng.
Từng hết sức đoàn kết dưới thời cựu thủ tướng Nouri al-Maliki nhưng đến giờ các lực lượng Iraq đang ngày càng mất đoàn kết bởi sức ép từ cuộc khủng hoảng an ninh - chính trị do IS gây ra suốt hai năm qua, giới quan sát đánh giá.
Quân đội Iraq gần như tan rã khi bị IS tấn công. Tuy nhiên, các nhóm dân quân người Shitte đã đứng lên chiến đấu, chặn đà tiến công của nhóm ở phía bắc thủ đô Baghdad.
Nếu như tốc độ khôi phục của quân đội chính phủ diễn ra chậm chạp thì các lực lượng dân quân người Shiite lại phát triển nhanh chóng. Những nhóm này đã chính thức được sáp nhập vào lực lượng quân chính phủ Iraq dưới sự chỉ huy của thủ tướng. Nhưng vì các lãnh đạo của họ cũng có ảnh hưởng chính trị và quân sự nhất định nên họ vẫn duy trì sự tự quyết một cách tương đối.
Đặc nhiệm Iraq là một bộ phận của quân đội. Đội quân tinh nhuệ này là sản phẩm của chương trình huấn luyện lâu năm do Mỹ chủ trì, hoạt động độc lập với Bộ Quốc phòng Iraq và là lực lượng chủ đạo trong nhiều trận chiến chống IS.
Trong cuộc phản công ở Fallujah, cả hai nhóm đều tham gia chiến đấu nhằm lấy lại thành phố có vị trí chiến lược quan trọng chỉ cách thủ đô Baghdad 65 km về phía tây này. Theo phân công, quân đặc nhiệm sẽ tiến vào thành phố trong khi dân quân người Shiite bao vây và phòng thủ bên ngoài. Song mỗi nhóm lại hoạt động theo cơ chế mệnh lệnh riêng, khiến quá trình xử lý mất nhiều thời gian hơn so với chiến dịch ở tỉnh Anbar.
Đại tá Ahmed Na'im thuộc đơn vị cảnh sát tỉnh Anbar cho hay dù chiến đấu trong cùng một thành phố nhưng họ chưa bao giờ phối hợp hành động hay chia sẻ tình báo.
"Họ có kế hoạch riêng và chỉ nhận lệnh từ cấp trên của mình", ông nói.
Chỉ hai ngay sau khi chiếm đóng thành công các cứ điểm bên ngoài Fallujah, chiến dịch đã bị ngưng trệ vì bất đồng quanh việc quyết định xem nhóm nào sẽ thực hiện nhiệm vụ truy quét IS khỏi thành phố.
Một số tay súng dân quân người Shiite khăng khăng nhận phần việc về mình. Lực lượng Huy động Quần chúng lại quả quyết lính của họ sẵn sàng tiến vào thành phố, chỉ đợi lệnh để tiến công. Họ hiện án binh bất động.
Đại úy Christopher Garver, phát ngôn viên liên minh quân sự chống IS do Mỹ dẫn đầu, phủ nhận việc chiến dịch tái chiếm Fallujah bị đình trệ.
"Các lực lượng Iraq đang củng cố lực lượng để tiến công", ông nói. "Đây là điều bình thường".
Tuy nhiên, lúc này, dấu hiệu duy nhất cho thấy chiến dịch vẫn tiếp diễn là việc quân đội Iraq thi thoảng nã pháo vào vùng Shuhada, phía nam Fallujah. Không có bất kỳ đợt không kích nào. Tuần trước, máy bay liên quân triển khai ít nhất 25 đợt oanh tạc mỗi ngày.
Lực lượng an ninh Iraq cùng dân quân người Shiite và các tay súng bộ tộc Sunni chiếm giữ một cứ điểm bên ngoài Fallujah. Ảnh: AP
Thảm họa nhân đạo
Số phận của 50.000 dân thường bị mắc kẹt tại Fallujah hiện là mối quan tâm hàng đầu đối với các tổ chức hỗ trợ nhân đạo trong vùng. Người dân tại đây đang phải chịu sức ép rất lớn từ việc thiếu lương thực cũng như giá thực phẩm tăng cao.
Cư dân Fallujah cho hay IS ban đầu còn cấp nước và lương khô miễn phí, nhưng từ khi chiến dịch nổ ra, người dân không được hưởng chế độ này nữa.
"Một thảm họa nhân đạo khác đang xảy ra ở Fallujah và điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến", AFP dẫn lời ông Bruno Geddo, đại diện Ủy ban Tị nạn Liên Hợp Quốc, nhận xét.
Theo ông Zeid Ra'ad Al Hussein, lãnh đạo Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, dân thường tháo chạy khỏi Fallujah đang phải đối mặt với tình trạng lạm dụng thể chất nghiêm trọng.
Trong tuyên bố hôm 7/6, ông Zeid trích lời một số nhân chứng cho biết các nhóm vũ trang theo phe lực lượng an ninh Iraq đã bắt giữ một số thanh thiếu niên Iraq và lạm dụng họ.
Zeid thừa nhận quân đội Iraq có quyền kiểm tra người dân trốn chạy để đảm bảo họ không gây ra mối đe dọa nào nhưng nhấn mạnh những người này phải được đối xử với đầy đủ tư cách công dân.
Trần Việt
Theo VNE
Iraq chiếm tòa nhà chính quyền trong thành trì IS Các lực lượng Iraq hôm nay giành lại tòa nhà chính quyền thành phố Fallujah, một trong những thành trì của Nhà nước Hồi giáo. Phương tiện của lực lượng an ninh Iraq ở khu Khadraa, gần Fallujah, ngày 14/6. Ảnh: Reuters. "Cơ quan chống chủ nghĩa khủng bố và lực lượng phản ứng nhanh đã giành lại tòa nhà chính phủ ở...