Iran với Phương Tây: Kẻ đấm, người xoa
Ngày 1-12, Iran tiếp tục cảnh báo có thể “xem xét lại một cách nghiêm túc” những cam kết của mình với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nếu các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân khởi động một cơ chế giải quyết tranh chấp có thể dẫn tới việc áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Sau động thái mới nhất của Iran giảm bớt cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân trong tháng 11, 3 nước châu Âu đã cảnh báo khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận nếu Iran tiếp tục đi theo con đường đó. Trong khi đó Mỹ cũng có những bước đi để củng cố vòng bao vây đối với Tehran. Mới nhất, trong một tuyên bố ngày 2-12, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1-12 đã thảo luận với Thủ tướng Israel Netanyahu về tình hình Iran và các vấn đề khác.
Châu Âu quyết tâm hòa hoãn
Cho đến ngày 29-11, đã có thêm 6 nước châu Âu gồm Phần Lan, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển thông báo rằng họ đã gia nhập INSTEX – cơ chế tài chính của Liên minh châu Âu (EU) được thiết kế để thuận tiện hóa thương mại với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. 6 nước này sẽ trở thành một phần của INSTEX vốn đã được khởi động từ tháng 1-2019.
Trước đó, Đức, Anh và Pháp đã kích hoạt cơ chế này từ hồi tháng 1 dưới sức ép của Iran, quốc gia đã yêu cầu thương mại với EU để ở lại JCPOA. 3 cường quốc châu Âu này cũng là các nước đã tham gia ký kết JCPOA. Tuy nhiên, INSTEX vẫn chưa thể hoạt động do Mỹ chống lại sức ép của Iran và cảnh báo châu Âu không nên dính líu vào các hoạt động mà có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington (với Tehran). Từ tháng 5, Iran đã bắt đầu từng bước rút khỏi thỏa thuận hạt nhân bằng việc tăng cường làm giàu urani.
6 nước trên đã yêu cầu Iran “quay trở lại mà không trì hoãn việc tuân thủ hoàn toàn các điều khoản và quy định trong thỏa thuận hạt nhân”. Trên thực tế, châu Âu đã chịu không ít thiệt hại khi nỗ lực duy trì JCPOA. Đối với EU, JCPOA đại diện cho chính sách ngoại giao của khối, một thành tựu duy nhất mà các nhà lãnh đạo trong khối cho rằng đã khẳng định khả năng của EU về chính sách đối ngoại.
Sau khi Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, EU khuyến khích các công ty của mình tiếp tục giao dịch với nước này và cố gắng thiết lập một hệ thống thanh toán quốc tế mới để cho phép họ tránh vi phạm quy định của Mỹ.
Trong nhiều tháng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng đưa ra những lời trấn an thường xuyên rằng họ vẫn cam kết với thỏa thuận, ngay cả khi nó sụp đổ. Tuy nhiên, một loạt thông tin về việc Iran vi phạm nhiều điều khoản trong JCPOA – bao gồm cả động thái làm giàu uranium vượt quá giới hạn quy định – buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình.
Video đang HOT
Người dân Iran tuần hành bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền.
Theo thỏa thuận, EU có thể kích hoạt một điều khoản khiến châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, giống như Mỹ đã làm. Tuy nhiên, có vẻ như EU, chứ không phải Tehran, mới là bên lo ngại nhiều hơn về những hệ quả. Tháng 7-2019, khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Tehran sẽ làm giàu uranium ở bất kỳ cấp độ nào họ cần, phản ứng của EU chỉ là những tuyên bố mạnh mẽ nhưng không đi kèm hành động cụ thể.
Mỹ tiếp tục leo thang
Chính quyền Tổng thống Donald Trump coi việc kiềm chế toàn diện Iran là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chính sách Trung Đông và đã đưa ra một loạt chính sách cứng rắn: về kinh tế, áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, tìm cách làm cho chính quyền Hồi giáo của nước này rơi vào tình cảnh khó khăn; về ngoại giao, xây dựng khuôn khổ an ninh các nước Arab với hạt nhân là Saudi Arabia ở khu vực Trung Đông để kiềm chế sự nổi lên của “vùng trăng lưỡi liềm Shiite” (khu vực lãnh thổ có hình trăng lưỡi liềm tại Trung Đông, nơi có nhiều người Shiite sinh sống); về quân sự, tăng thêm binh lính, tăng cường răn đe và gây sức ép với Iran.
Có nhiều cách lý giải về nguyên do và biện pháp điều chỉnh chính sách đối với Iran của Mỹ tuy nhiên, giới quan sát quốc tế đều thống nhất về cơ bản: Mỹ cho rằng thông qua JCPOA, chỉ có thể tạm ngừng chứ không thể ngăn chặn vĩnh viễn việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Iran đã giành được nhiều lợi ích từ thỏa thuận này, bao gồm quyền được tồn tại của chính quyền Hồi giáo được Mỹ công nhận, quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình được cộng đồng quốc tế thừa nhận, có cơ hội hội nhập hệ thống kinh tế và chính trị thế giới, sức mạnh kinh tế dần được khôi phục khiến nước này liên tục gây ảnh hưởng đến các vấn đề điểm nóng của Trung Đông.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ không ngừng các hoạt động răn đe bằng vũ lực đối với Iran thông qua các phương thức như cử tàu sân bay tuần tra ở vịnh Persia, tập trận với các nước đồng minh trong khu vực chính là để làm suy yếu khả năng đối đầu của Iran với Mỹ trong các vấn đề điểm nóng khu vực như Israel-Palestine, xung đột ở Yemen… Ngày 6-5-2019, Mỹ tuyên bố mục đích của việc đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) và phi đội máy bay ném bom đến Trung Đông là để răn đe Iran; tháng 6, Mỹ lại cử 2 tàu chiến và 5 máy bay chiến đấu F22 đến Trung Đông.
Ngày 21-6, để trả đũa vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn kế hoạch tấn công nhắm vào nhiều mục tiêu của Iran như các trạm radar và bệ phóng tên lửa. Khi máy bay chiến đấu đã cất cánh và tàu chiến đã vào vị trí, tên lửa sắp được phóng, Tổng thống Mỹ lại ra lệnh dừng lại.
Ngày 11-7, quân đội Mỹ đã thảo luận với các đồng minh quân sự về việc thành lập một “liên minh hộ tống tàu thuyền” để bảo vệ an ninh hàng hải ở khu vực Vùng Vịnh, thông qua hoạt động tuần tra ở eo biển Hormuz và Bab al-Mandab, bảo đảm tự do và an ninh hàng hải cho tàu thuyền của các nước đồng minh đi qua khu vực này.
Mục đích chính của Mỹ khi đưa ra đề nghị này là: làm suy yếu quyền kiểm soát của Iran đối với eo biển Hormuz, kiểm soát tuyến đường Iran vận chuyển dầu thô trên biển, tăng cường phong tỏa và trừng phạt kinh tế đối với nước này; lợi dụng “liên minh hộ tống tàu thuyền”, kiềm chế việc Nga thông qua Iran để mở rộng phạm vi ảnh hưởng hơn nữa sang phía Nam; hợp nhất sức mạnh của các đồng minh, làm giảm ảnh hưởng đang tăng lên của Nga, Syria và Iran trong khu vực, bảo đảm quyền kiểm soát của Mỹ đối với các vấn đề Trung Đông. Thực chất của “liên minh hộ tống tàu thuyền” ở Vùng Vịnh của Mỹ vẫn là sự tiếp diễn của chính sách “gây sức ép tối đa” với Iran.
Nam Sơn
Theo antg.cand.com.vn
Ông Netanyahu bị truy tố, chính trường Israel hỗn loạn
Gần 2 tháng sau cuộc bầu cử thứ hai trong năm (tháng 9-2019), các chính khách hàng đầu Israel vẫn chưa lập được chính phủ.
Trong khi đó, tình hình chính trị còn có thể rối ren thêm sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu bị truy tố hình sự và có khả năng phải ngồi tù.
Thông tin khiến dư luận Israel xôn xao nhưng không bất ngờ, vào ngày 21-11, Bộ trưởng Tư pháp Israel Avichai Mandelblit đã ra lệnh truy tố Thủ tướng Netanyahu với 3 tội danh: đưa và nhận hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm. Đây có thể được xem là cú sốc chính trị đối với ông Netanyahu, đe dọa chấm dứt sự nghiệp chính trị đang có dấu hiệu xuống dốc của ông.
Theo báo chí quốc tế, bản cáo trạng dài 63 trang của Bộ trưởng Mandelblit vạch tội ông Netanyahu theo 3 vụ án khác nhau. Vụ thứ nhất (còn gọi là vụ 1000) liên quan đến tội tham nhũng. Cáo trạng viết, ông Netanyahu đã nhận rất nhiều món quà xa xỉ đắt tiền gồm xì gà, rượu sâm-banh và vàng bạc, đá quý trị giá khoảng 150.000 bảng Anh từ những người bạn tỉ phú là doanh nhân Hollywood Arnon Milchan và chủ sòng bạc James Packer. Ông Netanyahu đáp lại bằng sự ưu ái giúp Milchan gia hạn visa sang Mỹ làm ăn. Về phần Packer thì không rõ đã nhận những gì từ ông Netanyahu.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bị truy tố với 3 tội danh liên quan đến tham nhũng.
Trong vụ án thứ 2 (còn gọi là vụ 2000) ông Netanyahu bị cáo buộc móc ngoặt với tờ báo có số phát hành lớn nhất Israel Yedioth Ahronoth, giúp tờ báo này công kích gây tổn thất cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp để đổi lại tờ báo này đăng tải những thông tin "tốt đẹp" có lợi cho ông.
Vụ án thứ ba (còn gọi là vụ 4000) là nghiêm trọng nhất. Ông Netanyahu bị cáo buộc đã đề nghị đưa hối lộ lên đến 200 triệu bảng cho nhà cung cấp viễn thông Bezeq để đổi lấy việc công ty này đăng nhiều bài báo "tô hồng" về ông trên web của nhà cung cấp này. Cùng bị truy tố với ông Netanyahu còn có các doanh nhân có liên quan trong các vụ việc, như Shaul Elovich (chủ cũ của Công ty Bezeq) và vợ là Iris, cũng như Arnon Mozes, chủ bút tờ Yedioth Ahronoth.
2019 có lẽ là năm đen đủi của nhà Netanyahu. Trước khi ông bị truy tố, vợ ông, bà Sara, đã bị Bộ trưởng Tư pháp Israel truy tố hồi tháng 6 với các tội danh lạm dụng bất hợp pháp công quỹ cho các bữa ăn xa xỉ mặc dù gia đình thủ tướng đã được nhà nước cấp cho một đầu bếp nấu ăn riêng. Ngoài ra, bà Sara cũng bị cáo buộc ngược đãi các nhân viên, người giúp việc cho bà.
Lệnh truy tố đã đẩy ông Netanyahu vào thế tiến thoái lưỡng nan, không biết sẽ tiếp tục trên cương vị Thủ tướng Israel như thế nào. Với lệnh truy tố cùng 3 tội danh nêu trên, ông Netanyahu sẽ phải đối mặt những phiên tòa hình sự kéo dài nhiều năm, trong khi hiện tại ông không lập được chính phủ mới để tiếp tục làm thủ tướng một cách danh chính ngôn thuận, sẽ càng khó khăn cho ông nếu Israel bắt buộc phải tiến hành bầu cử lại trong vòng 12 tháng tới.
Ngay sau khi ông Netanyahu bị truy tố, các đối thủ chính trị của ông đã sốt sắng kêu gọi ông từ chức. Đảng Blue and White đã cho đăng lại một đoạn video ghi hình từ cách đây 11 năm, trong đó ông Netanyahu đã thúc ép thủ tướng khi đó là Ehud Olmert từ chức do đang bị cáo buộc tham nhũng. "Một thủ tướng bị các cuộc điều tra bủa vây thì không có tư cách đạo đức cũng như công vụ để đưa ra các quyết sách của nhà nước Israel" - ông Netanyahu nói trong video. Ông Olmert đã từ chức trước khi bị truy tố.
Tình hình Israel thêm rối ren sau khi ông Benny Gantz cũng không thành lập được chính phủ liên minh.
Tuy nhiên, không giống như Olmert, ông Netanyahu đang quyết liệt bám trụ chiếc ghế quyền lực thủ tướng dù chắc chắn sẽ không thể ngồi được lâu. Vận mệnh chính trị của ông Netanyahu đang trên đà đi xuống, có dấu hiệu từ những cuộc bầu cử gần đây. Tại cuộc bầu cử tháng 4-2019, quyền lực của ông đã bắt đầu sứt mẻ khi đảng Likud của ông chỉ giành chiến thắng sát nút các đối thủ bám phía sau. Sự rút ngắn tỉ lệ chênh lệch phiếu cho thấy các đảng phái chính trị đối lập đang ngày càng mạnh lên, trong khi cử tri Israel cũng đang ngày càng chán ngán vị thủ tướng gây nhiều tranh cãi, bị phản đối rầm rộ trên cả nước vì năng lực điều hành kinh tế kém cộng với các cuộc điều tra tham nhũng.
Đến cuộc bầu cử lần 2 trong năm vào tháng 9 vừa qua, mọi chuyện đã rõ ràng: đảng Likud của ông Netanyahu bị đảng đối lập Blue and White qua mặt đúng 1 ghế đại biểu. Nhưng cũng như bao lần khác, lần này ông Netanyahu lại được Tổng thống Reuven Rivlin chỉ định đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp trong thời hạn 28 ngày. Ông đã không hoàn thành được sứ mệnh được giao. Nếu bị buộc tội, theo quy định pháp luật thì ông Netanyahu sẽ phải từ chức để chấp hành án tù do tòa tuyên, có thể đến 10 năm cho tội danh đưa và nhận hối lộ cộng thêm 3 năm cho tội danh gian lận và lạm dụng tín nhiệm.
Với việc Thủ tướng Netanyahu bị truy tố, chính trường Israel càng trở nên rối ren hơn khi cùng lúc đối thủ chính trị của ông là Benny Gantz, thủ lĩnh đảng đối lập Blue and White cũng thất bại trong việc đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp. Khi tiếp nhận sứ mệnh từ Tổng thống Rivlin, ông Gantz và những người ủng hộ đã rất hăm hở, giới phân tích cũng hy vọng Gantz có thể tạo đột phá, giải cứu Israel khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua. Tuy nhiên, sự thật là Gantz cũng không thể tạo được liên minh đoàn kết giữa các đảng phái.
Ngày 21-11, Tổng thống Rivlin đã yêu cầu Knesset (Quốc hội Israel) trong vòng 21 ngày (hạn chót là ngày 11-12) đề xuất một ứng viên khác thành lập chính phủ, nếu không được nữa thì sẽ phải tổ chức bầu cử lại lần thứ ba trong năm. Giới quan sát cho rằng khả năng bầu cử lại gần như chắc chắn vì thất bại của ông Gantz đã cho thấy chính trường Israel hiện đang chia rẽ sâu sắc, các đảng phái không thể tìm tiếng nói chung trên nhiều vấn đề của đất nước. Sẽ không thể có chính khách nào đủ sức đoàn kết chính trường Israel vào lúc này trong khi Thủ tướng Netanyahu đang đối mặt các vụ án nghiêm trọng, càng làm cho bầu cử trở nên cần thiết hơn.
An Châu (tổng hợp)
Theo antg.cand.com.vn
Thủ tướng Israel Netanyahu có phá nổi "vòng vây pháp lý và chính trị"? Hàng ngàn người đã biểu tình để ủng hộ Thủ tướng Israel Netanyahu. Nhưng liệu ông có phá nổi "vòng vây pháp lý và chính trị" quanh mình? Hàng nghìn người Israel hôm 26/11 đã xuống đường biểu tình nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang phải đối mặt với...