Iran: Tử tù thoát treo cổ nhờ một cái tát
Một tử tù ở Iran đã thoát án tử hình trên giá treo cổ vào những giây phút cuối cùng nhờ cái tát của mẹ nạn nhân.
Ngày 18/4, nhiều tờ báo lớn trên khắp thế giới đồng loạt đăng tải câu chuyện đầy cảm động về một người tử tù ở Iran được bố mẹ nạn nhân tha chết ngay trên giá treo cổ bằng một cái tát, mặc dù hung thủ đã cướp đi sinh mạng đứa con trai của họ.
Câu chuyện này xảy ra ở Iran, nơi tử tù thường bị treo cổ tại những nơi công cộng trước sự chứng kiến của đám đông.
Mẹ hung thủ bật khóc khi biết tin con mình sắp bị treo cổ
Bố mẹ nạn nhân cúi đầu bên mộ của đứa con trai bị sát hại
Hãng tin ISNA của Iran xác định người tử tù sắp bị treo cổ là Balal. Năm 2007, khi mới 19 tuổi, Balal đã cầm dao đâm chết người thanh niên 17 tuổi Abdollah Hosseinzadeh trong một cuộc ẩu đả.
Theo đó, khi cuộc gây lộn nổ ra trên đường phố, Balal đã rút ra một con dao làm bếp và đâm vào người Abdollah khiến nạn nhân gục chết ngay tại chỗ. Balal bị kết tội giết người và bị tuyên án tử hình bằng hình thức treo cổ, mặc dù gia đình nạn nhân tin rằng Balal không cố ý sát hại con trai họ.
Nhà chức trách Iran chuẩn bị giá treo cổ
Đám đông tụ tập từ sáng sớm để chứng kiến vụ treo cổ
Phóng viên ảnh Arash Khamooshi của hãng tin ISNA đã tới địa điểm thi hành án tử hình tại phía bắc thành phố Noor, tỉnh Maznadaran, nơi đám đông đã tụ tập ngay từ lúc bình minh, và tại đây phóng viên này đã chứng kiến một câu chuyện đầy cảm động.
Video đang HOT
Bên ngoài khu vực treo cổ, bà Koukab, mẹ của tử tù Balal ngồi bệt xuống đất trước khi con trai mình bị dẫn giải từ nhà tù tới nơi thi hành án. Phóng viên Khamooshi nhớ lại: “Bà ấy dường như không còn chút sức lực nào. Bà không thể chấp nhận thực tế rằng mình sắp vĩnh viễn mất đi đứa con trai dứt ruột đẻ ra. Cảnh tượng lúc đó rất cảm động.”
Mẹ Balal dường như không còn chút sức lực nào
Tử tù Balal bị dẫn giải ra pháp trường
Một lúc sau, Balal được các cảnh sát dẫn giải tới giá treo cổ. Anh ta bị bịt mắt bằng một dải băng đen, và chiếc thòng lọng bằng dây thừng thít sẵn vào cổ. Trong những phút giây cuối cùng của đời mình, Balal đã “gào khóc và cầu nguyện rất lớn, và rồi sau đó bỗng nhiên anh ta nín bặt.”
Trước đó, gia đình nạn nhân đã nhận được thông báo từ tòa án rằng hung thủ sát hại con trai họ sẽ bị thi hành án vào ngày này. Họ xuất hiện vài phút trước giờ thi hành án, và bà mẹ nạn nhân Maryam Hoseinzadeh đã đứng ra phát biểu trên đám đông trong khi tử tù Balal im lặng chờ đón cái chết.
Balal la hét và cầu nguyện trước khi bước lên giá treo cổ
Mẹ của nạn nhân tới pháp trường ngay trước giờ thi hành án
Trong lời phát biểu của mình, bà Maryam nói rằng gia đình bà có hai đứa con trai, một đứa đã chết trong tai nạn xe máy, và đứa còn lại đã bị Balal sát hại. Bà cho biết mỗi ngày vợ chồng bà đều sống trong ác mộng, và bà nói rằng mọi người không thể hiểu được “nỗi khó khăn khi phải sống trong một căn nhà trống trải” của hai vợ chồng bà. Chính điều đó đã khiến bà không thể xin tha thứ cho hung thủ trước tòa án.
Thế rồi bất ngờ bà bước về phía Balal đang đứng lặng người dưới giá treo cổ với chiếc thòng lọng đang chuẩn bị siết chặt. Bà yêu cầu mọi người đưa ra một chiếc ghế, rồi bà trèo lên và giang tay tát mạnh vào mặt Balal và tuyên bố: “Ta tha thứ!” Với sự giúp đỡ của chồng, bà tự tay tháo chiếc thòng lọng ra khỏi cổ của Balal.
Bố mẹ nạn nhân chứng kiến cảnh Balal bị tròng thòng lọng vào cổ
Bà Maryam phát biểu trước đám đông
Trước khi Balal bị thi hành án, nhiều người dân Iran cũng đã phát động một chiến dịch kêu gọi gia đình nạn nhân tha thứ cho hung thủ.
Theo luật Hồi giáo của Iran, tử tù sẽ được miễn thi hành án nếu được nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân tha thứ. Chính cái tát này của bà Maryam đã cứu mạng Balal ngay trong những giây phút cuối cùng.
Mẹ nạn nhân trèo lên ghế và tát mạnh vào mặt hung thủ trước khi tuyên bố tha thứ
Bà Maryam và chồng gỡ thòng lọng ra khỏi cổ của Balal
Sau đó bà Maryam tuyên bố: “Tôi là một tín đồ. Trong mơ, con trai tôi đã nói rằng nó đang được bình yên ở một nơi tốt đẹp. Sau đó, tất cả mọi người trong gia đình tôi, kể cả mẹ tôi, đều nói rằng tôi nên tha thứ cho hung thủ.”
Bà nói tiếp: “Hung thủ đã khóc và cầu xin tha thứ. Tôi đã tát nó vào mặt, và cái tát đó giúp tôi bình tâm lại. Giờ đây tôi tha thứ cho anh ta, và tôi cảm thấy nhẹ nhõm.”
Mẹ hung thủ ôm chầm lấy mẹ của nạn nhân và khóc lóc
Gia đình Balal sung sướng khi anh này thoát án tử vào giây phút cuối cùng
Cả gia đình của Balal đã lao về phía vợ chồng bà Maryam, ôm chặt lấy họ và cảm ơn rối rít vì những gì họ đã làm để cho Balal thêm một cơ hội sống.
Về phần mình, Balal nói rằng “cái tát đó là hành động nằm giữa sự trả thù và tha thứ. Tôi đã kêu gọi bạn bè tôi không mang theo dao khi ra đường. Tôi ước đã có ai đó tát vào mặt tôi mỗi khi tôi muốn mang theo dao.”
Theo Khampha
Malaysia treo cổ vợ chồng bỏ đói "osin" đến chết
Cặp vợ chồng bị kết án treo cổ vì đã hành hạ và bỏ đói người giúp việc đến chết.
Ngày 7/3, một luật sư ở Malaysia cho biết tòa án nước này vừa tuyên án treo cổ đối với cặp vợ chồng có hành vi sát hại người giúp việc Indonesia 26 tuổi của mình cách đây 3 năm.
Luật sư Thong Seng Kong cho biết Tòa án Tối cao Malaysia đã ra phán quyết rằng ông Fong Kong Meng, 58 tuổi và bà vợ Teoh Ching Yen, 56 tuổi đã ra tay sát hại người giúp việc Isti Komariyah. Tòa án cho rằng cô Isti đã chết vì đói khát sau khi ông bà chủ không chịu cho cô ăn uống và chăm sóc y tế.
Bị cáo Fong Kong Meng nghe tòa tuyên án tử hình bằng hình thức treo cổ
Cô Isti đến Malaysia để giúp việc cho gia đình này từ 2 năm trước đó. Các bác sĩ tuyên bố cô đã chết sau khi cô được đưa tới một bệnh viện vào tháng 6/2011. Các công tố viên cho biết khi mới tới Malaysia, cô nặng 46 kg, thế nhưng khi qua đời cô chỉ nặng có 26 kg, và trên cơ thể có rất nhiều vết trầy xước và xây xát.
Sau khi nghị án, tòa đã tuyên bố tử hình cặp vợ chồng ác nhân này bằng hình thức treo cổ.
Các vụ việc ngược đãi người lao động Indonesia ở Malaysia đã làm cho quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á nhiều lúc trở nên căng thẳng trong vòng một thập kỷ qua.
Năm 2009, Indonesia đã ban hành lệnh cấm công dân nước này tới Malaysia làm nghề giúp việc vào năm 2009, và Campuchia cũng đưa ra lệnh cấm tương tự vào năm 2011 sau khi dư luận trở nên giận dữ với các vụ ngược đãi người lao động của các ông chủ Malaysia. Tuy nhiên đến năm 2011, Indonesia đã dỡ bỏ lệnh cấm này sau khi 2 nước ký thỏa thuận bảo vệ tốt hơn và cải thiện điều kiện làm việc cho người giúp việc Indonesia.
Hiện Malaysia có hơn 200.000 người nước ngoài làm nghề giúp việc, trong đó chủ yếu là người Indonesia.
Theo Khampha
Iran treo cổ 16 phiến quân trả thù cho binh lính Iran đã treo cổ một lúc 16 phiến quân để trả thù cho 14 lính biên phòng bị sát hại trong các vụ đụng độ ở biên giới. Ngày 26/10, nhà chức trách Iran đã treo cổ 16 phiến quân "chống Iran" nhằm trả đũa những vụ tấn công nhằm vào lực lượng biên phòng ở đông nam Iran khiến nhiều lính biên...