Iran triển khai tàu chiến tới Oman giữa căng thẳng vùng Vịnh
Tàu chiến Iran hôm qua lên đường tới Oman trước khi bắt đầu các nhiệm vụ tại vùng biển xa đất liền.
Tàu khu trục Alborz của Iran. Ảnh: TimesofIsrael
“Một đội tàu hải quân Iran rời cảng để tới Oman vào ngày 11/6, sau đó sẽ tới phía bắc Ấn Độ Dương và Vịnh Aden”, hãng thông tấn Tasnim dẫn lực lượng hàng hải của quân đội Iran thông báo.
Các tàu rời cảng ở thành phố Bandar Abbas, phía nam Iran sau một buổi lễ có sự tham gia của Chuẩn Đô đốc Habibollah Sayyari, tư lệnh hải quân. Đội tàu gồm tàu khu trục Alborz và tàu hậu cần Bushehr.
Những năm gần đây, hải quân Iran tăng cường hiện diện tại vùng biển quốc tế, tuần tra ở Vịnh Aden từ tháng 11/2008, bảo đảm an toàn cho các tàu chở dầu và tàu thương mại do Iran thuê hoặc sở hữu cũng như tàu các nước khác.
Arab Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Yemen, hôm 5/6 tuyên bố cắt đứt tất cả các quan hệ với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở khu vực gần đây. Iran đã thúc giục Qatar và các nước láng giềng đối thoại để giải quyết bất đồng và điều 5 máy bay chở 450 tấn thực phẩm tới Qatar.
Vịnh Aden, nằm giữa Mũi châu Phi và điểm cực nam của bán đảo Arab, là nơi chứng kiến nhiều mối đe doạ an ninh. Cuộc xung đột đang diễn ra tại Yemen khiến nhiều tàu trong khu vực bị tấn công. Hải tặc ở Somalia cũng lợi dụng tình hình hỗn loạn để tấn công các tàu thương mại đi qua khu vực, một trong những tuyến hàng hải chở dầu tấp nập nhất thế giới.
Bản đồ các nước tại Trung Đông. Đồ hoạ: Googlemaps
Video đang HOT
Trọng Giáp
Theo VNE
Đế chế truyền thông Qatar trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh
Tập đoàn Al Jazeera có khả năng định hướng dư luận khu vực của Qatar trở mục tiêu công kích của các nước láng giềng trong khủng hoảng.
Nhân viên trong trụ sở Al Jazeera tại Doha, Qatar hôm 8/6. Ảnh: AP
Al Jazeera trở thành mục tiêu trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh khi các nước láng giềng muốn Qatar đóng cửa tập đoàn truyền thông có lịch sử 20 năm, với lý do Doha sử dụng nó làm công cụ tuyên truyền gây mất ổn định khu vực, theo AP.
Al Jazeera là một trong những kênh Arab phủ sóng rộng nhất thế giới, đã làm chính phủ các nước vùng Vịnh phẫn nộ từ lâu vì đưa ra nhiều quan điểm trái chiều. Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập coi Al Jazeera là công cụ trong chính sách ngoại giao của Qatar nhằm thúc đẩy các phong trào Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là Anh em Hồi giáo.
Qatar và tập đoàn Al Jazeera đều phủ nhận cáo buộc. Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tuyên bố "không đời nào buộc Al Jazeera im lặng" khi mà các kênh tin tức của mạng lưới này phủ sóng 100 quốc gia và 310 triệu hộ gia đình.
"Không ai có thể áp đặt bất kỳ điều gì lên chính sách hay các vấn đề đối nội của Qatar. Chúng tôi là một quốc gia độc lập có chủ quyền", ông Mohammed tuyên bố hôm 8/6, cho rằng những cáo buộc của các nước láng giềng dựa trên "những thông tin giả và bịa đặt".
Tuy nhiên, khi Qatar ngày càng bị nhiều láng giềng cô lập thì Al Jazeera cũng thế. Những nước phản đối Qatar đã chặn truy cập các kênh và trang web của tập đoàn trên lãnh thổ nước mình cách đây hai tuần. Jordan cho đóng cửa văn phòng đại diện của Al Jazeera tại quốc gia. Các nước vùng Vịnh yêu cầu Qatar thay đổi Al Jazeera, bao gồm đóng cửa hoặc thay đổi đường lối đưa tin của mạng lưới.
Al Jazeera và Qatar gắn chặt với nhau kể từ khi tập đoàn này thành lập năm 1996, được vua Hamad bin Khalifa Al Thani hậu thuẫn tài chính.
Từ đó tới nay, phần lớn nguồn tài trợ cho tập đoàn đến từ chính phủ Qatar. Chủ tịch tập đoàn là thành viên của gia đình hoàng gia Al Thani.
Qatar, quốc gia giàu lên nhờ bán dầu mỏ và khí đốt, từ lâu theo đuổi chính sách đối ngoại tham vọng, thách thức nhiều quan điểm của Arab Saudi và các vương quốc Hồi giáo dòng Sunni ở vùng Vịnh. Qatar duy trì quan hệ tốt đẹp với Iran, kẻ thù khu vực của Arab Saudi, hay hậu thuẫn nhóm Anh em Hồi giáo mà chính phủ các nước vùng Vịnh và Ai Cập coi là tổ chức khủng bố.
Tương tự, Al Jazeera cũng trở thành kẻ phản bội trong thế giới truyền thông Arab. Khán giả Mỹ quen thuộc với Al Jazeera sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, khi logo chữ Arab vàng trở thành biểu tượng qua video truyền thông điệp của Osama bin Laden, kẻ khủng bố bị người Mỹ truy nã.
Al Jazeera liên tục phát sóng những thông điệp mà họ nhận được, khiến tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush không hài lòng. Tuy nhiên, đài truyền hình này vẫn bảo vệ quan điểm đưa tin của mình, với lý do những thông điệp kia có giá trị thông tin.
Mostefa Souag, quyền tổng giám đốc kênh truyền hình Al Jazeera, nhận xét tập đoàn trở thành mục tiêu công kích vì "chúng tôi dám nói sự thật".
"Một số người có lẽ không thích sự thật", ông nói, hoặc có thể vì kênh truyền thông vệ tinh này "có quan hệ với Qatar". "Al Jazeera sẽ tiếp tục chính sách đưa tin của mình. Chúng tôi chỉ muốn làm tròn trách nhiệm công việc tốt nhất có thể".
Mostefa Souag, quyền giám đốc kênh truyền hình Al Jazeera tại trụ sở ở Doha, Qatar hôm 8/6. Ảnh: AP
Bassam Awaidad, giáo sư môn truyền thông, đại học Bir Zeit tại West Bank, Palestine, nhận xét cho dù Al Jazeera luôn nhấn mạnh việc đưa tin một cách độc lập, nhưng kênh truyền thông khu vực này vẫn là công cụ của chính phủ Qatar.
"Al Jazeera đưa tin rõ ràng thiên vị Hamas và Anh em Hồi giáo", ông Awaidad nói. "Nếu Hamass sai, Al Jazeera sẽ giấu đi, còn nếu chính quyền Palestine có hành động tương tự, Al Jazeera lại đưa tin và thổi phồng nó lên".
Đối thủ của Al Jazeera là Al Arabiya, một kênh truyền thông phản ánh mạnh mẽ các chính sách của Arab Saudi thành lập năm 2003. Al Arabiya và các kênh truyền thông khác ở vùng Vịnh và Ai Cập luôn đưa tin chỉ trích Qatar, cáo buộc Doha tài trợ khủng bố.
Arab Saudi, UAE và Bhrain cảnh báo ai bày tỏ ủng hộ Qatar trên mạng xã hội đều có thể bị phạt và bỏ tù.
Nhiều phóng viên của Al Jazeera đã thiệt mạng khi đưa tin các cuộc xung đột trong khu vực. Ba nhân viên của kênh tiếng Anh của Al Jazeera đã bị nhà chức trách Ai Cập bắt vì cáo buộc hợp tác với Anh em Hồi giáo, trong đó hai người phải ngồi tù hơn một năm trước khi được tổng thống nước này ân xá.
Hai nhân viên khác của Al Jazeera cũng bị kết án tử hình vắng mặt ở Ai Cập vì cáo buộc chuyển hồ sơ mật cho Qatar trong một vụ thu thập tin tình báo liên quan tới các thành viên của nhóm Anh em Hồi giáo.
Giles Trendle, giám đốc điều hành kênh tiếng Anh Al Jazeera tại trụ sở ở Doha, Qatar hôm 8/6. Ảnh: AP
Các quốc gia vùng Vịnh không hài lòng với Qatar vì đã ủng hộ Al Jazeera. Năm 2014, Arab Saudi và những quốc gia khác đã triệu hồi đại sứ tại Qatar. 8 tháng sau, các đại sứ quay lại với những điều kiện có thể liên quan tới phạm vi đưa tin của Al Jazeera.
Ngoại trưởng Al Thani phủ nhận Qatar gây ảnh hưởng tới hoạt động đưa tin của Al Jazeera.
"Tại sao tôi phải kiểm soát tập đoàn này để rước lấy đau đầu chứ?" ông nói. "Nếu chính phủ các nước không hài lòng với Al Jazeera, họ có thể trực tiếp tới nói chuyện với tập đoàn".
Hồng Hạnh
Theo VNE
Bị cô lập, Qatar chìa tay muốn Nga giúp, Putin có đáp ứng? Trong bối cảnh Qatar đang lâm vào cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng với một số quốc gia Ả Rập, Ngoại trưởng nước này lên đường sang thăm Nga thúc đẩy quan hệ song phương. Qatar dường như đang chìa tay muốn Nga giúp đỡ, nhưng liệu Điện Kremlin có sẵn sàng đáp lại? Quan điểm của Nga về khủng hoảng Qatar...