Iran tính di dời thủ đô: Bước ngoặt hay thử thách lớn?
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đang thúc đẩy kế hoạch di dời thủ đô khỏi Tehran. Mặc dù đây là sáng kiến đầy tham vọng, nhưng việc triển khai không hề dễ dàng do chi phí khổng lồ, sự phản đối từ dư luận và những thách thức trong xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Quang cảnh đường phố tại Tehran, Iran, ngày 26/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian mới đây đã ra lệnh nghiên cứu việc di dời thủ đô khỏi Tehran, một trong những thành phố lớn nhất và đông dân nhất của nước này. Ông Pezeshkian đã bổ nhiệm Phó Tổng thống Mohammad Reza Aref lãnh đạo dự án này, được xem là một trong những sáng kiến đô thị đầy tham vọng nhất trong lịch sử hiện đại của Iran.
Lý do di dời
Tehran, với dân số khoảng 15 triệu người, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Ông Pezeshkian phát biểu rằng “Tehran với tư cách là thủ đô đang phải đối mặt với những vấn đề không thể vượt qua.
Dù chúng ta làm gì, chúng ta cũng chỉ đang lãng phí thời gian”. Các thách thức mà thành phố này gặp phải bao gồm ô nhiễm không khí, khan hiếm nước, sụt lún đất và nguy cơ động đất. Những yếu tố này đã khiến việc duy trì một thủ đô tại vị trí hiện tại trở nên khó khăn và không bền vững.
Iran có một lịch sử phong phú về việc thay đổi thủ đô. Trong hơn 3.000 năm qua, quốc gia này đã có hơn 30 thủ đô khác nhau, từ Persepolis của người Achaemenid đến Isfahan của người Safavid và cuối cùng là Tehran của thế kỷ 20. Việc di dời thủ đô không phải là điều mới mẻ; các chính phủ trước đây đã từng cân nhắc về vấn đề này nhưng chưa bao giờ thực hiện.
Vấn đề di dời thủ đô đã được đưa ra từ những năm 1980. Đề xuất nghiêm túc đầu tiên được đưa ra trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Mir-Hossein Mousavi và tiếp tục được các chính quyền sau đó xem xét. Năm 2015, Quốc hội Iran đã thông qua luật nghiên cứu tính khả thi của việc di dời trung tâm hành chính và chính trị, dẫn đến việc thành lập Hội đồng Tối cao về Tổ chức lại Thủ đô vào năm 2018. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị gác lại vào năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Video đang HOT
Tổng thống Pezeshkian nhấn mạnh rằng việc chuyển trung tâm kinh tế và chính trị về phía Nam, gần biển hơn, là cần thiết để cải thiện hiệu quả vận chuyển hàng hóa. Ông cho biết: “Chúng ta không thể tiếp tục đưa nguyên liệu thô từ phía Nam và biển vào trung tâm, chế biến chúng và chuyển chúng trở lại phía Nam để xuất khẩu”. Điều này làm suy yếu nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Iran.
Các chuyên gia môi trường cũng cảnh báo rằng chi phí cho việc không hành động có thể cao hơn rất nhiều so với chi phí cho việc di dời thủ đô. Cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí hàng năm ở Tehran đã buộc phải đóng cửa trường học và gây ra rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
Ngoài việc nghiên cứu di dời thủ đô, chính quyền của Tổng thống Pezeshkian còn đặt mục tiêu phát triển các khu vực phía Nam của Iran. Ông tiết lộ rằng mình sẽ giám sát tiến độ hàng tuần trong việc phát triển bờ biển Makran, một khu vực chiến lược dọc theo Vịnh Oman, lưu ý nếu khôi phục các hành lang Bắc-Nam của đất nước thành công, đây sẽ là bước tiến lớn trong quá trình phát triển quốc gia.
Thách thức trong quá trình di dời
Mặc dù sáng kiến di dời thủ đô được xem là đầy tham vọng, nhưng nó cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng mới có thể lên tới hàng trăm tỷ đô la Mỹ, một con số khổng lồ đối với nền kinh tế Iran đang chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây và tình trạng thiếu hụt tài chính.
Việc thuyết phục người dân và doanh nghiệp ở Tehran di dời cũng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Một số ý kiến cho rằng thay vì di dời toàn bộ thủ đô, nên xây dựng một trung tâm hành chính mới gần Tehran để giảm bớt áp lực cho thành phố hiện tại.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc di dời thủ đô thành công rất hiếm trong thời đại hiện đại. Hầu hết các ví dụ về di dời thủ đô đều có từ trước những năm 1950. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu thực hiện đúng cách, việc di dời có thể mang lại lợi ích lâu dài cho Iran.
Mehdi Chamran, Chủ tịch Hội đồng thành phố Tehran, cũng tham gia vào cuộc tranh luận này khi ông nhấn mạnh rằng cần phân bổ các vấn đề của Iran trên tất cả các tỉnh và thành phố chứ không chỉ tập trung vào Tehran.
Hành động khôn khéo để duy trì vị thế
Sau nhiều tuyên bố cứng rắn về việc quyết định trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, cho tới nay, Iran vẫn chưa thực hiện bất cứ cuộc tấn công nào đối với Israel.
Sự trì hoãn này có thể được giải thích bằng nhiều yếu tố, bao gồm sự căng thẳng nội bộ, sự phức tạp trong việc phối hợp với các đồng minh, áp lực từ Mỹ, và những nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm một lối thoát.
Việc Iran chưa có hành động cụ thể đã làm dấy lên nhiều giả thuyết, trong đó có việc Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian có thể đang điều chỉnh chiến lược răn đe và kiềm chế những người theo đường lối cứng rắn của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng như phản đối mọi biện pháp cực đoan nhằm vào Israel.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Mặc dù thông tin này thoạt nhìn có vẻ không hợp lý, nhưng nó lại phù hợp với cách Iran đang xử lý tình hình hiện tại. Quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri Kani đã khẳng định rằng Tehran sẽ khiến Israel phải trả giá cho hành động của mình bằng một "động thái hợp pháp và quyết đoán". Những tuyên bố như vậy được lựa chọn đưa ra một cách cẩn thận, cho thấy Iran đang tìm cách duy trì vị thế của mình mà không gây leo thang căng thẳng. Việc Iran đến nay chưa hành động có thể được giải thích qua nhiều yếu tố.
Thứ nhất, chính quyền mới của Tổng thống Masoud Pezeshkian vẫn chưa ổn định kèm theo sự căng thẳng và tranh luận nội bộ trong chính quyền Iran. Mặc dù Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei và IRGC đang chịu sức ép lớn để khôi phục khả năng răn đe của nước này đối với Israel, nhưng cũng có nhiều thành phần trong chính quyền lo ngại rằng một cuộc tấn công quy mô lớn có thể dẫn đến xung đột mở rộng với Tel Aviv và thậm chí là Mỹ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Iran mà còn có thể làm gia tăng tình trạng bất ổn trong nước.
Bên cạnh đó, việc phối hợp với các lực lượng dân quân thân Iran trong khu vực như Hezbollah cũng là một yếu tố khiến Tehran phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trả đũa không chỉ đơn giản là hành động quân sự mà còn cần có sự đồng thuận và phối hợp với các nhóm dân quân và đồng minh trong khu vực. Việc này có thể tốn thời gian và làm phức tạp thêm chiến lược của Iran. Ngoài ra, Iran có thể đang tính toán kỹ lưỡng về thời gian và quy mô của phản ứng, thay vì hành động vội vàng.
Tình hình hiện tại ở Israel cũng cho thấy nước này đang lo lắng về khả năng tấn công từ Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã sơ tán các cơ sở tình báo và an ninh quan trọng của Israel tại Tel Aviv, chứng tỏ rằng, Israel cũng đang chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất.
Và cũng không thể không nhắc tới sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Kể từ sau vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel hồi tháng 4 vừa qua, Mỹ đã điều động thêm lực lượng và hệ thống phòng thủ đến Trung Đông. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự và khiến Iran phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào.
Một yếu tố quan trọng khác là Iran không muốn làm "bên phá đám" khi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Hamas và Israel đang diễn ra với sự can thiệp của nhiều quốc gia trong khu vực và Mỹ. Việc Israel đồng ý quay lại bàn đàm phán cho thấy ông Benjamin Netanyahu cũng nhận thấy lợi ích từ việc duy trì ổn định tạm thời. Do đó, Iran có thể đang cân nhắc kỹ lưỡng về quy mô của cuộc tấn công trả đũa.
Bên cạnh đó, Tehran hiện cũng đang theo dõi chặt chẽ tiến trình ngoại giao quốc tế. Các cuộc đàm phán để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn và giải cứu con tin ở Gaza có thể là yếu tố quyết định trong việc Iran quyết định hành động. Hay nói cách khác, một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza giữa Israel và Hamas có thể được xem như là "chiến thắng ngoại giao" giúp Iran có lý do để giảm quy mô tấn công hoặc chọn phương pháp trả đũa khác. Theo đó, nếu có một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, Tehran có thể giảm bớt quy mô cuộc tấn công hoặc chọn phương pháp trả đũa khác mà không cần phải tấn công trực tiếp vào Israel.
Phái bộ Liên hợp quốc của Iran tại New York đã khẳng định rằng ưu tiên của Iran là thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng, nếu cần thiết, Iran sẽ có phản ứng kịp thời và không gây hại đến tiến trình ngừng bắn. Điều đó cho thấy, rõ ràng, yếu tố then chốt sẽ là tiến triển của các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Hamas và Israel.
Nếu Israel đưa ra đảm bảo tại các cuộc đàm phán rằng sẽ không tấn công Lebanon và rút quân khỏi Dải Gaza, Iran có thể hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ kế hoạch trả đũa. Trong bối cảnh đó, Tehran hiểu rõ rằng, kết quả của các cuộc đàm phán này có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, đặc biệt là cơ hội của ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris. Iran cũng đã tăng cường đối thoại với Jordan và các quốc gia trong khu vực để đảm bảo lợi ích của mình.
Gần đây, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đã đến Tehran để hội đàm với người đồng cấp Ali Bagheri Kani, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thảo luận với Quốc vương Jordan Abdullah về cách giảm căng thẳng trong khu vực. Iran cũng không muốn chiến tranh, đặc biệt là khi nước này đã thành công trong việc giảm tổn thất và đảo ngược tình thế với Israel. Hình ảnh quốc tế của Israel đang bị ảnh hưởng do thương vong dân sự lớn ở Gaza và Tehran có thể tận dụng điều này để đạt được các mục tiêu của mình mà không cần sử dụng đến vũ lực.
Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Iran hiện nay là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây và cải thiện nền kinh tế. Tổng thống Masoud Pezeshkian đang ưu tiên quan hệ với phương Tây, và các chỉ dấu cho thấy Iran đang hướng tới một chính sách ngoại giao mang tính xây dựng với các cường quốc phương Tây. Trước tình hình trên, Iran có thể sẽ kiềm chế và tiếp tục hành động khôn khéo để duy trì vị thế của mình trên trường quốc tế
Quốc hội Iran phê chuẩn toàn bộ 19 thành viên Nội các của tân Tổng thống M.Pezeshkian Quốc hội Iran ngày 21/8 đã phê chuẩn toàn bộ 19 bộ trưởng trong Nội các của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian. Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Iran ở Tehran. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Đây là lần đầu tiên trong hơn hai thập niên qua, Quốc hội Iran thông qua toàn bộ danh sách Nội các được một tổng thống đề...