Iran, Saudi Arabia kêu gọi Thụy Điển ngăn chặn hành vi báng bổ kinh Koran
Ngày 1/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã kêu gọi Chính phủ Thụy Điển có hành động thiết thực chống lại những hành vi báng bổ kinh Koran tái diễn ở quốc gia Bắc Âu này.
Người dân biểu tình phản đối việc báng bổ kinh Koran, bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển ở Tehran, Iran, ngày 21/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Kanaani mạnh mẽ lên án hành vi xúc phạm kinh của người Hồi giáo tái diễn tại thành phố Malmo của Thụy Điển hôm 30/9 vừa qua.
Cùng ngày, Saudi Arabia cũng đã lên án hành động đốt bản sao kinh Koran mới đây ở thành phố Malmo. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi chính quyền Thụy Điển giải quyết kịp thời và ngăn chặn nguy cơ tái diễn hành động tương tự.
Ngày 30/9 vừa qua, một người gốc Iraq đã xé bản sao kinh Koran và đốt chúng ở thành phố Malmo của Thụy Điển. Cảnh sát Thụy Điển đã bắt giữ một số đối tượng liên quan.
Trong những tháng gần đây, tại Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan đã nhiều lần xảy ra các hành động báng bổ kinh Koran, làm dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới.
Qatar và Iran triệu Đại sứ Thụy Điển để phản đối vụ báng bổ kinh Koran
Bộ Ngoại giao Qatar ngày 20/7 cho biết đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại nước này để gửi công hàm phản đối vụ việc mà Qatar coi là hành vi mang tính báng bổ kinh Koran mới xảy ra gần đây ở thủ đô Stockholm.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar nêu rõ nước này sẽ yêu cầu giới chức Thụy Điển "thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn những hành vi đáng hổ thẹn này".
Cùng ngày, hãng thông tấn IRNA của Iran cũng đưa tin nước này đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại Tehran để phản đối hành động thiếu tôn kính đối với kinh Koran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết Iran lên án mạnh mẽ việc lặp đi lặp lại các hành động báng bổ kinh Koran tại Thụy Điển. Iran yêu cầu Chính phủ Thụy Điển phải chịu trách nhiệm trước những hậu quả của hành vi kích động cảm xúc của người Hồi giáo trên khắp thế giới.
Người Hồi giáo Iraq tuần hành phản đối việc đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad, ngày 30/6/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trước đó, Chính phủ Iraq đã có bước đi mạnh mẽ hơn khi yêu cầu Đại sứ Thụy Điển tại Baghdad phải rời lãnh thổ Iraq, đồng thời triệu Đại biện lâm thời của nước này tại Thụy Điển về nước. Bên cạnh đó, Chính phủ Iraq cũng đã đình chỉ giấy phép hoạt động của công ty Ericsson của Thụy Điển trên lãnh thổ Iraq.
Những động thái trên diễn ra sau khi một nhóm người biểu tình ở Thụy Điển đã có hành động đá vào cuốn sách mà họ gọi là kinh Koran. Ban đầu, những người này còn lên kế hoạch đốt quyển sách nhưng đã thay đổi vào phút cuối.
Vụ việc này, cùng với vụ một người tị nạn Iraq đốt bản sao kinh Koran ngay trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở Stockholm trong ngày đầu tiên của lễ Eid al-Adha hôm 28/6, đã khiến nhiều chính phủ và người dân các nước theo đạo Hồi tức giận. Trong ngày 20/7, hàng trăm người ở Baghdad đã biểu tình và phóng hỏa trước Đại sứ quán Thụy Điển để phản đối những hành động báng bổ kinh Koran ở Stockholm.
Iran sẵn sàng đàm phán hạt nhân gián tiếp với Mỹ bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc Iran sẵn sàng đàm phán hạt nhân gián tiếp với Mỹ thông qua trung gian hòa giải bên lề khóa họp 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani. Ảnh: IRNA/TTXVN Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani trong cuộc họp báo thường kỳ...