Iran ra tuyên bố ‘lạ’ sau nghi án bắt tàu chở dầu gần Eo biển Hormuz
Bộ Ngoại giao Iran thông báo nước này đang hỗ trợ một tàu chở dầu nước ngoài gặp sự cố kỹ thuật trên vùng Vịnh sau khi nhận được một cuộc gọi cầu cứu.
Tàu chở dầu di chuyển trên vịnh Ba Tư. Ảnh: Getty
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 16-7 thông báo trên twitter cá nhân rằng nước này đang hỗ trợ một “tàu chở dầu nước ngoài trước đó bất ngờ gặp sự cố về kỹ thuật” gần Eo biển Hormuz, sau khi nhận được cuộc gọi xin trợ giúp, theo Xinhua.
Ông Mousavi không nói thêm chi tiết, song khẳng định sẽ có thông báo chính thức về vụ việc.
Phát ngôn trên được đưa ra sau khi truyền thông phương Tây loan tin tàu chở dầu Riah treo cờ Panama khởi hành từ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tắt định vị vào 23h ngày 13-7 khi đi qua Eo biển Hormuz và tiến vào vùng biển của Iran.
Vị trí cuối cùng của chiếc tàu Riah được ghi nhận là ngoài khơi đảo Qeshm ở Eo biển Hormuz. Con tàu dài 58m này thường di chuyển từ cảng dầu mỏ ở Dubai hoặc Sharjah của UAE và chưa từng tắt định vị trong 3 tháng qua.
Hôm 16-7, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng tàu Riah đã tiến gần đảo Qeshm, nơi đặt một căn cứ của quân đội Iran. “Chúng tôi thực sự nghi ngờ rằng con tàu đã bị bắt”, quan chức Mỹ nói, dù không cung cấp căn cứ nào cho nghi án.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh sau loạt nghi án tàu chở dầu bị tấn công gần Eo biển Hormuz cũng như vụ Iran bắn rơi trinh sát cơ không người lái của Mỹ hôm 20-6.
Video đang HOT
Thiện Nhân
Theo cand.com.vn
'Bắt bớ' liên miên trên vịnh Ba Tư, Iran có tính chiến tranh với Mỹ?
Giới hạn chịu đựng của Iran bị đẩy lên cao trào sau hàng loạt các diễn biến mới đây trên vịnh Ba Tư, nhưng Tehran dường như vẫn cho thấy họ muốn đối thoại.
Anh khẳng định chẳng phải vì họ là đồng minh của Mỹ nên mới bắt tàu Iran vi phạm lệnh cấm vận trong khi Iran phủ nhận bắt hụt tàu chở dầu Anh như động thái trả đũa.
Mỹ không điều tàu tham gia vào các vụ bắt bớ kịch tính này nhưng nói có trong tay toàn bộ hình ảnh 5 xuồng cao tốc có trang bị vũ khí của hải quân Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vây bắt tàu Anh ở eo biển Hormuz.
Siêu tàu chở dầu Grace 1 của Iran. (Ảnh: Reuters)
Tuyên bố trên của Washington càng khiến Iran "nóng mắt" khi trước đó vài ngày Cố vấn an ninhquốc gia Mỹ John Bolton khen hành động Anh bắt tàu chở dầu Iran vi phạm lệnh cấm của EU là tuyệt vời.
Căng thẳng Mỹ-Iran vốn chưa hạ nhiệt nay lại được mồi thêm lửa khiến nó bùng cháy dữ dội hơn. Nhưng khác với những lần leo thang trước đó như khi Iran bắn rơi máy bay không người lái Mỹ hay Washington điều động loạt khí tài tới Vùng Vịnh, Mỹ lần này tránh đụng tay mà để một đồng minh thân thiết là Anh xuống tay hộ.
Nhiều người tin đây là nước cờ cao tay khi Washington đặt Anh vào thế phải san sẻ sự thù địch từ Iran. Quốc gia Trung Đông chắc chắn sẽ phải san sức để đối phó với áp lực từ nhiều hơn 1 phía và cảm nhận rằng các đồng minh đang đứng về Mỹ trong cuộc đối đầu chống lại họ.
Nhưng thực tế là hiện tại Anh cùng Đức, Pháp, Nga, Trung đang phải chật vật kêu gọi Tehran không từ bỏ Thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015. London có thể sẽ chiều theo ý Mỹ nhưng họ cũng không muốn già néo đứt dây với Tehran.
Ngoại trưởng Jeremy Hunt mới đây cũng thừa nhận Anh không đủ nguồn lực để bảo vệ cho tàu thuyền Anh do chi phí quốc phòng bị cắt giảm liên tiếp. Khẳng định này được đưa ra trong tình cảnh hiện nay khiến tàu thuyền Anh hoạt động trong Vùng Vịnh như ngồi trên đống lửa.
Theo CNN, đòn đánh động bắt tàu của Iran là đủ nếu Anh muốn dằn mặt thay Mỹ và giờ là lúc London nên đứng ra làm một trung tâm hòa giải. Tuyên bố Hải quân Anh không có ý định hộ tống từng tàu hàng mang cờ Anh đi qua eo biển Hormuz của London dường như cũng là muốn tránh leo thang căng thẳng với Tehran.
Chưa kể việc Đại sứ Anh tại Mỹ mới mất chức vì các tuyên bố động chạm tới ông Trump, "mối quan hệ đặc biệt" giữa Anh và Mỹ có thể sẽ không còn được như trước. Khi đó London càng có lý do để nhẹ giọng hơn với Iran.
Cây viết Sam Kiley của CNN nhận định sức mạnh của Iran nằm ở khả năng "rung tàu mà không làm chìm thuyền". Họ liên tục khuấy đảo Vịnh Ba Tư để chứng minh rằng giao thương dầu mỏ thế giới sẽ thương tổn như thế nào khi vẫn đang nắm quyền sinh sát trong khu vực. Mỹ và Anh cùng cho rằng mục đích cuối cùng là để Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế nước này.
Bất chấp liên tiếp cảnh báo từ Mỹ, Iran vẫn luôn kiên định họ sẽ chỉ đàm phán với Mỹ nếu Washington nhượng bộ. Iran xuống nước nhưng Mỹ dường như không. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dù nói sẵn sàng đàm phán với Iran vô điều kiện nhưng theo sau đó chỉ là các tuyên bố tăng nặng thêm các biện pháp trừng phạt.
Khi đòi hỏi không được đáp ứng, Tehran vùng lên để chứng minh họ không muốn kiên nhẫn thêm. Họ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, đình chỉ 2 trong số các cam kết của Thỏa thuận năm 2015, phá vỡ giới hạn về dự trữ uranium làm giàu (300kg) trong thỏa thuận này.
Quốc gia Hồi giáo cũng liên tục hậu thuẫn cho các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các đồng minh của Mỹ trên khắp Trung Đông, rõ nét nhất là các vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của lực lượng Houthi nhằm vào các sân bay Ả-rập Xê-Út vài tháng trở lại đây.
Bằng những động thái này, Iran dường như đang muốn các quan chức diều hâu ở Mỹ như cố vấn an ninh quốc gia John Bolton phải nóng mắt.
Nhưng theo Kiley, Iran sẽ chỉ dừng lại ở đó hoặc gay gắt hơn đôi chút vì "vốn liếng" đối phó với Mỹ của họ chưa đủ "đô". Tehran vẫn chưa thể có được vũ khí hạt nhân, nền kinh tế của họ cũng đang bị vắt kiệt và quan trọng quốc gia Trung Đông chưa thể hiện được các ảnh hưởng chiến lược hay phô diễn các chiến thuật dài hạn đối với lợi ích kinh tế toàn cầu ở Vùng Vịnh.
Thế nhưng không ai chắc chắn được một Iran vốn bị chi phối bởi tư tưởng "kháng chiến vĩnh viễn" (với Mỹ và trên hết của Israel) khi bị dồn vào chân tường sẽ phản kháng và leo thang bạo lực tới mức nào.
Trên thực tế, Iran vẫn đang cho Mỹ thấy họ muốn đối thoại. Nhưng cái họ cần là Mỹ phải đảm bảo rằng các cuộc đàm phán sẽ mang lại lợi ích thực sự và Washington nên ngừng bóp nghẹt kinh tế của họ khi đang đàm phán.
Tuy nhiên, Iran không dám đánh liều khi chính sách Mỹ đang bị chi phối khá nhiều bởi một "bộ sậu" diều hâu mà Ngoại trưởng Iran gọi là "Nhóm B", ám chỉ Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu, Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Thái tử Mohammed bin Zayad của UAE. Thêm vào đó, việc Washington liên tục xé nát hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định và hiệp ước quốc tế dưới thời Tổng thống Trump cũng khiến Tehran không thể đặt cược quá nhiều vào canh bạc rủi ro.
Năm 2018, Tổng thống Trump đơn thương độc mã phá bỏ 12 năm đàm phán chuyên sâu giữa Iran và các cường quốc thế giới bằng cách rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ông chọn cho mình con đường nguy hiểm, đặt Mỹ trước ngưỡng cửa sa lầy vào một cuộc chiến mới ở Trung Đông. Qua các tuyên bố của mình, vị Tổng thống Mỹ cho thấy ông hiểu được rằng đối đầu quân sự với Iran sẽ là thảm họa, nhưng ông dường như chưa nắm được thực tế rằng Iran sẽ không dễ dàng nhượng bộ.
"Nếu ông Trump thực sự muốn giải quyết một cuộc khủng hoảng không cần thiết, ông ấy cần thực hiện một bước ngoặt chiến lược mà ở đó 2 nước cùng giữ được thế diện và thỏa mãn các lợi ích của mình. Chỉ khi đó, ngoại giao giữa 2 nước mới trở nên đáng tin cậy", ông Seyed Hossein Mousavian, nhà hoạch định chính sách Iran, từng phục vụ trong nhóm ngoại giao hạt nhân của Iran trong các cuộc đàm phán với EU và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định.
Nếu không 2 quốc gia sẽ vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng không có hồi kết dù khó có thể đi tới chiến tranh bởi cả 2 đều thừa hiểu rằng một cuộc chiến sẽ là thảm họa với cả nhân loại.
(Nguồn: CNN, The Guardian)
SONG HY
Theo VTC
Iran doạ bắt tàu Anh để 'trả đũa' vụ bắt giữ tàu chở dầu Một chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 5/7 đe doạ sẽ bắt một tàu mang quốc tịch Anh để đáp trả vụ Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran tại Gibraltar. Tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh đang canh giữ tàu dầu Grace 1 của Iran. Theo Reuters, đe...