Iran phản đối các nước châu Âu về nghị quyết mới tại IAEA
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã phản ứng mạnh trước việc 3 nước châu Âu đệ trình nghị quyết chỉ trích Tehran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA) trước thềm cuộc họp của Hội đồng thống đốc vào ngày 20/11.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Iran ngày 20/11, trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Pháp Jean-Noel Barrot tại Tehran, ông Araghchi phản đối mạnh mẽ quyết định của Đức, Pháp và Anh trong việc đưa ra dự thảo nghị quyết tại IAEA, cảnh báo việc này sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
Trước đó các nguồn tin ngoại giao cho biết các nước phương Tây ngày 20/11 đã chính thức đệ trình nghị quyết mới tại IAEA nhằm gây sức ép lên Iran trước thềm cuộc họp Hội đồng thống đốc của cơ quan này.
Các cường quốc phương Tây đang tìm cách gây sức ép với Iran với cáo buộc nước này không hợp tác đầy đủ với IAEA trong việc giám sát và kiểm soát chương trình hạt nhân của mình.
Ngày 19/11 vừa qua, IAEA cho biết kho dự trữ uranium làm giàu của Iran ước tính đã vượt quá 32 lần mức giới hạn, vốn được đặt ra trong thỏa thuận năm 2015 giữa Iran với các cường quốc thế giới nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, IAEA cũng cho biết Iran đã bắt đầu thực hiện các bước để ngừng tăng thêm cấp độ làm giàu uranium. Cơ quan này khẳng định đã xác minh được việc Iran thực hiện các biện pháp cần thiết để giữ tỷ lệ làm giàu uranium không vượt quá 60% và rằng hai bên dự kiến sẽ tiếp tục có thêm các cuộc trao đổi về vấn đề này trong thời gian tới.
IAEA: Iran làm giàu urani ở mức tinh khiết 60%
Ngày 26/12, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran đang làm giàu uranium ở mức tinh khiết lên đến 60%.
Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Con số này thấp hơn mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân, song lại cao hơn nhiều so với mức giới hạn 3,67% mà Iran cam kết trong thỏa thuận mà Tehran và Nhóm P5 1 (gồm 5 nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) ký kết năm 2015.
Theo IAEA, hoạt động làm giàu nói trên đang diễn ra tại một nhà máy ở khu liên hợp Natanz và tại một nhà máy khác ở cơ sở hạt nhân Fordow ở Qom, miền Bắc Iran.
Hồi tháng 6, Iran thông báo về các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ và nêu điều kiện giảm tốc chương trình làm giàu uranium. Sau đó, vào tháng 8, khi hai nước đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân, Iran cam kết không làm giàu uranium ở mức trên 60% và hợp tác với các thanh tra hạt nhân của IAEA. Đổi lại, Washington sẽ không siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran, dỡ bỏ phong tỏa tài sản trị giá hàng tỷ USD ở nước ngoài của Iran với điều kiện số tiền này chỉ được dùng vào mục đích nhân đạo.
Iran luôn bác bỏ mọi nghi ngờ cho rằng nước này đang tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định các hoạt động liên quan đến hạt nhân của họ chỉ nhằm phục vụ mục đích hòa bình. Chính quyền Tehran khẳng định luôn theo đuổi các biện pháp ngoại giao thông qua các cuộc đàm phán và vẫn tuân thủ các quy định trong Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
IAEA thông qua nghị quyết mới liên quan chương trình hạt nhân của Iran Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 5/6, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông qua nghị quyết chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan này. Đây là động thái đầu tiên kể từ tháng 11/2022, trong bối cảnh các nước phương Tây lo ngại Tehran có thể đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân,...