Iran “nổi đóa” với Anh, Pháp, Đức, mạnh mẽ cảnh báo “hậu quả”
Iran mạnh mẽ c ảnh báo Anh, Pháp và Đức về “nhưng hậu quả” liên quan đến quyết định của họ trong việc kích hoạt một cơ chế tranh chấp chống lại nước này theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Anh, Pháp và Đức hôm 14/1 kích hoạt “cơ chế tranh chấp” được quy định trong thỏa thuận hạt nhân với Iran ký năm 2015 nhằm buộc Iran tôn trọng các cam kết của mình theo thỏa thuận. Các nước này cũng cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận năm 2015, có thể dẫn đến việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc.
Các nước trên tuyên bố đang hành động để tránh một cuộc khủng hoảng về phổ biến hạt nhân bên cạnh một cuộc đối đầu leo thang ở Trung Đông.
Đáp lại, Iran giận dữ tuyên bố việc kích hoạt cơ chế là một “sai lầm chiến lược”.
“Việc sử dụng cơ chế tranh chấp là vô căn cứ về mặt pháp lý và là một sai lầm chiến lược từ quan điểm chính trị”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố.
Video đang HOT
Các nhà phân tích nói rằng động thái này có thể đặt dấu hết cho hiệp ước hạt nhân năm 2015 với Iran.
“Tất nhiên, nếu người châu Âu … tìm cách lạm dụng (cơ chế này) thì họ cũng phải sẵn sàng chấp nhận hậu quả”, Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Trước đó, Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân đa phương với Iarn vào tháng 5/2018 và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Iran từ lâu cáo buộc người châu Âu từ bỏ lời hứa bảo vệ nền kinh tế nước này khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau quyết định rút khỏi hiệp định của Washington, Iran bắt đầu dần dần từ bỏ các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân.
Vào ngày 6 tháng 1, vài ngày sau khi Mỹ ám sát một vị tướng hàng đầu của Iran, Tehran đã tiến thêm một bước bằng cách tuyên bố sẽ loại bỏ giới hạn làm giàu uranium, mặc dù sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc.
Ba nước châu Âu hiện tuyên bố rằng họ “không có lựa chọn” nào ngoài việc kích hoạt cơ chế này. Tuy nhiên, Nga – cũng là một bên ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – đã lên án động thái của Liên minh châu Âu và cho rằng không cần thiết phải kích hoạt cơ chế tranh chấp.
“Chúng tôi không loại trừ rằng những hành động thiếu suy nghĩ của người châu Âu có thể dẫn đến một sự leo thang mới xung quanh hiệp định hạt nhân Iran”, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo.
Theo danviet.vn
Châu Âu kích hoạt quy trình giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngày 14/1, ba quốc gia châu Âu tuyên bố triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa Nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran sau khi Tehran liên tục vi phạm thỏa thuận.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) có điều khoản cho phép một bên tuyên bố trước một ủy ban chung rằng một bên khác vi phạm thỏa thuận một cách nghiêm trọng. Nếu vấn đề không được giải quyết ở cấp ủy ban chung thì sẽ tiếp tục được đưa tới một ban cố vấn trước khi cuối cùng được đưa tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thiết bị làm giàu urani tại nhà máy hạt nhân Nataz, cách thủ đô Tehran khoảng 300km về phía Nam ngày 4/11/2019 (ảnh do Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cung cấp). Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thông báo chung, Ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức cho rằng Iran đã không ngừng điều chỉnh các cam kết nêu trong thỏa thuận và vi phạm các giới hạn quan trọng trong chương trình hạt nhân kể từ hồi tháng 5/2019. Trước các hành động của Iran, các quốc gia này không còn lựa chọn nào khác và phải kích hoạt quy trình giải quyết tranh chấp, đồng thời cho rằng Tehran không tuân thủ các cam kết. Tuy nhiên, ba quốc gia này khẳng định vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, đồng thời bày tỏ quyết tâm làm việc với tất cả các bên còn lại để bảo vệ thỏa thuận.
Thông báo chung của 3 ngoại trưởng các nước châu Âu cũng nêu rõ sau các sự kiện gần đây, việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân mở rộng lại càng quan trọng hơn trong bối cảnh căng thẳng leo thang đe dọa toàn bộ khu vực. Các quốc gia này hy vọng sẽ đưa Iran trở lại tuân thủ đầy đủ các cam kết trong JCPOA. Anh, Pháp và Đức sẽ không tham gia chiến dịch tăng cường áp lực tối đa với Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo các quốc gia này, động thái của ông Trump khiến Iran không được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Tehran mong đợi, khiến nền kinh tế quốc gia này càng thêm khốn đốn.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Iran sau vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad khiến Tướng quân đội cao cấp của Iran Qasem Soleimani thiệt mạng và sau đó Tehran thừa nhận đã bắn nhầm một máy bay của Ukraine khiến 176 người thiệt mạng.
Cùng ngày, phát biểu sau thông báo chung của ba quốc gia EU kể trên, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell kêu gọi tất cả các bên tham gia JCPOA nỗ lực bảo vệ thỏa thuận này đồng thời cho rằng thỏa thuận có vai trò quan trọng hơn giữa lúc tình hình căng thẳng leo thang hiện nay.
Ông Borrell, người sẽ giám sát cơ chế giải quyết tranh chấp, khẳng định quy trình này nhằm cứu vãn thỏa thuận dù việc kích hoạt cơ chế có thể sẽ dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ với Iran. Quan chức EU cho biết quy trình này đòi hỏi nỗ lực không ngừng và thiện chí từ tất cả các bên. Với tư cách điều phối viên, ông hy vọng tất cả các bên tham gia JCPOA sẽ tiếp cận cách giải quyết này trên tinh thần xây dựng. Trong bối cảnh leo thang nguy hiểm hiện tại ở Trung Đông, việc cứu vãn thỏa thuận giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo JCPOA, Iran chấp thuận hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.
Tháng 5 vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn đang thuyết phục Iran tuân thủ cam kết để tránh nguy cơ thỏa thuận đổ vỡ.
Theo Lê Ánh (TTXVN)
Pháp, Anh và Đức quyết tâm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran Pháp, Anh và Đức hôm qua ra tuyên bố chung kêu gọi Iran tôn trọng đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Thông cáo nêu rõ, 3 nước châu Âu vẫn quyết tâm duy trì tỏa thuận hạt nhân, hối thúc Iran rút lại mọi biện pháp không phù hợp, tránh xa mọi hành vi bạo lực...